Tôi đã nghĩ chuyện răng khôn sẽ chừa mình ra, nhưng không.
Tôi vẫn phải trải qua khoảng thời gian đau đớn như nhiều người đã từng.
Thứ tôi nhìn trong suốt 1 giờ đồng hồ
Thứ tôi nhìn trong suốt 1 giờ đồng hồ
Nhưng đau đớn thế nào phụ thuộc khá nhiều vào cách tâm trí chúng ta vận hành.
Thứ Hai tuần này tôi đi khám răng vì đau hàm.
Phim chụp cho thấy rằng hai chiếc răng khôn hàm dưới của tôi mọc nằm ngang, đâm vào răng số 7. Cho dù hàm trên của tôi mọc rất đẹp.
Răng khôn mọc ngu
Răng khôn mọc ngu
Thảo nào tôi cảm thấy răng hàm dưới của mình đã mọc từ lâu mà không thấy nhú lên chút nào.
Hôm nay Thứ Năm tôi nhổ một chiếc trước, chiếc bên phải.
Tôi cũng hỏi một vài người về trải nghiệm nhổ răng khôn, cô bạn tôi nói:
“Đứng nhắc về nó nữa. Nghĩ đến thôi tao đã thấy đau rồi”
Câu nói đó vẫn văng vẳng trong đầu tôi lúc mới nằm xuống ghế nha khoa. Tôi đã phải tự dặn mình cần quên câu nói đó đi, câu nói đó khiến đau 1 trở thành đau 10.
Theo bản năng, những từ như “đau” và “sợ” sẽ chiếm trọn tâm trí, thậm trí kể cả lúc cơ thể chưa đau thì tâm trí cũng mải miết đi tìm cảm giác đau ấy.
Thuốc gây tê có tác dụng thật sự.
Nó làm “đóng băng” dây thần kinh vùng hàm của tôi, lan tới một nửa môi bên phải.
Và ban đầu tôi đã không đau. Không cảm giác gì.
Tôi chỉ biết rằng bác sĩ đang dùng dao rạch lợi tôi ra.
Tôi thực sự thấy quá trình nhổ răng khôn giống quá trình bóc nút bấc của chai rượu vang: cắt vỏ, đục thủng nút bấc và nhấc ra.
Mở nút bấc rượu vang
Mở nút bấc rượu vang
Tâm trí tôi ngay lập tức hồi tưởng lại cảm giác bị dao cứa vào tay:
“Chắc hẳn là nó phải đau như thế. Mà đằng này lại không đau”.
Đấy, tâm trí cứ chạy đi tìm nỗi đau là như thế.
Tôi biết rằng ban đầu khi thuốc tê còn mới vào cơ thể, nó sẽ ngăn chặn nỗi đau. Tuy nhiên, chỉ chốc nữa thôi, thuốc tê sẽ giảm nhẹ và nếu mình chưa kiểm soát được tâm trí thì nỗi đau sẽ x10.
Thật sự, “thuốc tê” tự nhiên và mạnh nhất mà chúng ta có là tâm trí của mình.
Chúng ta nghĩ đau là đau, nghĩ không đau là không đau.
Và nếu chúng ta khiến tâm trí mình trống rỗng, không buồn không vui, không sướng không đau thì nỗi đau không tồn tại nữa.
Trưa nay, trước khi đi nhổ răng, tôi có xem video Wim Hof ăn mừng sinh nhật thứ 63 của ông ấy bằng 63 phút ngâm nước đá.
(Tôi cũng đã có kế hoạch mua bồn tắm gấp gọn để nâng từ việc tắm nước lạnh lên thành tắm nước đá).
63 phút ấy vẫn là một thử thách với người được mệnh danh là Ice Man.
Ông ấy cần luyện tâm pháp:
“Don’t think, don’t feel, just be the present”.
Tôi cũng đã dặn mình câu tâm pháp ấy khi lưỡi cưa đang cưa chiếc răng khôn của tôi ra, chiếc xẻng đang bẩy chiếc răng của ấy ra khỏi lợi.
Tắt tất cả suy nghĩ, tắt tất cả cảm giác để thấy thực ra, ta độc lập với suy nghĩ của ta, độc lập với cảm giác của ta, và độc lập với cơ thể của ta.
Lúc đó thuốc tê đã bớt tác dụng, tôi bắt đầu cảm giác đau. Tôi không thể mở mắt nhìn cái đèn như lúc trước, tôi nhắm mắt lại.
Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra vì cơn đau.
Tôi hít một hơi thật sâu, rồi thở ra thật chậm, kéo hồn tôi ra khỏi cơ thể trong giây lát. Không dễ để thực hành việc độc lập với thể xác, chỉ kéo đi được khoảng mấy giây rồi lại về, và lại đau.
Nhưng nó thực sự hiệu quả.
Tôi nhắm mắt, tập trung vào “con mắt thứ ba” ở giữa hai chân mày, khiến suy nghĩ và cảm xúc trống rỗng, và đưa hồn tôi tới “miền hoang hoải”.
Mở "con mắt thứ ba"
Mở "con mắt thứ ba"
(Tự dưng lại nhớ đến bộ sưu tập tranh trừu tượng “Miền” của họa sỹ Trần Nhật Thăng).
Những lúc tôi không tắt suy nghĩ được, tôi nghĩ về hình ảnh những người tù nhân trong chiến tranh Việt Nam, tù nhân của cả 4 bên.
(Tôi đang xem series phim tài liệu Vietnam War của đài PBS trên YouTube => Tôi cũng đã viết 4 Bài Học sau khi xem series phim tài liệu The Vietnam War dành cho người trẻ thế kỷ 21).
Tù nhân bên nào cũng vậy, luôn bị tra tấn, có cả bẻ răng.
Kể cả thương binh khi bị ăn đạn và được kéo về chăm sóc vết thương, nhiều khi cũng hết thuốc gây tê. Họ phải cắn vải.
Khi đó, họ đã cảm giác đau đớn đến mức nào? Liệu nỗi đau hiện giờ của tôi có bằng người ta khi ấy?
Tôi đã nghĩ thế.
Nhìn lại cuộc đời mình lâu nay tôi thấy cũng khá an toàn, chưa nhiều nỗi đau.
Sống mà chưa biết đau thì chưa có cảm giác sống.
Mà con người là loài dễ thích nghi. Sướng nhiều cũng quen mà khổ nhiều cũng quen.
Tôi cũng nhớ lại hình ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu năm ấy. Ông ấy có đau không nhỉ?
Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963
Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963
Chắc ông ấy cũng thực hành thiền định, tắt các suy nghĩ, tắt các cảm xúc và đưa hồn mình về miền thanh thản trước khi ngọn lửa kia kịp làm ông ấy đau.
Nói chung, khi nào chúng ta chinh phục được suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, chúng ta sẽ vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc đời.
"Ta không phải suy nghĩ, không phải cảm xúc, cũng không phải cơ thể này"
Một người thầy/người anh của tôi đã từng nói như vậy.
Nỗi đau này vẫn chưa kết thúc.
Tôi viết những dòng này sau khi vượt qua từng cơn đau mỗi lần nuốt, để hút hết bát cháo (bằng ống hút).
Hút cháo vì không nuốt nổi
Hút cháo vì không nuốt nổi
Lời khuyên nhỏ cho các bạn sắp nhổ răng khôn:
Nên nhổ răng lúc mũi và đường hô hấp còn tốt để có thể thở bằng mũi được
Giang Gy