Mình đã research Google về 3 từ khóa này, nhưng có vẻ như chưa có bài viết nào giải thích về chúng thực sự dễ hiểu, hợp lý và toàn vẹn. Và sau đây là diễn giải dựa trên cái “cảm” của mình (không phải khoa học, nhưng đáng để đọc thử, hi ;)
1. Nhạy cảm
Mình tin nhạy cảm là bẩm sinh. Nó là thứ thuộc về trực giác, và khó có thể học được.
Mình là một người nhạy cảm. Mình cảm nhận được tác động của nó đến mình một cách rõ ràng, như thế này:
Ví dụ 1: Mình sợ việc phải tham gia giao thông trên đường. Nếu tự điều khiển xe, mình thường đi rất chậm (chậm đến mức người đi sau đôi khi sẽ cảm thấy khó chịu và không hiểu nổi tại sao mình đi chậm đến thế). Bạn hãy thử hình dung cách bộ não của mình hoạt động và tương tác với các phản ứng kích thích từ bên ngoài với tốc độ nhanh gấp 10 lần bình thường; ví dụ: Xe ô tô đang đứng yên ở bên phải đường nhưng bằng một cách nào đó mình tưởng tượng ra là nó đang bắt đầu di chuyển cùng mình, vậy là mình giật bắn người.
Gemini định nghĩa nhạy cảm là khả năng cảm nhậnphản ứng mạnh mẽ với các kích thích từ môi trường bên trong (cảm xúc, suy nghĩ) và bên ngoài (âm thanh, ánh sáng, mùi vị...). Người nhạy cảm thường có trực giác tốt, dễ dàng nhận ra những thay đổi nhỏ trong môi trường và tâm trạng của người khác. Họ dễ xúc động, dễ bị tổn thương, có khả năng cảm thụ nghệ thuật sâu sắc, quan tâm đến chi tiết, có trực giác nhạy bén...
Theo cách hiểu của mình, nhạy cảm là một thứ gì đó khiến mình cảm nhận những gì đang diễn ra theo một cách (rất) khác với bình thường (theo mình có thể là nhanh hơn, sâu hơn….), và mọi người sẽ không hiểu nổi tại sao. Nhạy cảm có nhiều kiểu, bao gồm nhạy cảm âm thanh, ánh sáng, vật lý, tâm lý,…..(và thấu cảm có thể là trạng thái đạt được một phần nhờ nhạy cảm tâm lý….)
2. Đồng cảm
Đồng cảm là khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác, nhưng vẫn giữ được sự tách biệt về mặt cảm xúc. Người đồng cảm có thể hiểu được người khác đang cảm thấy gì, nhưng không nhất thiết phải cảm thấy giống họ.
Ở một mức độ nào đó, đồng cảm là thứ có thể học và rèn luyện được. Nó thuộc vấn đề nhận thức và lý trí, không bị cảm xúc ảnh hưởng. Đồng cảm khi không đi cùng với nhạy cảm, đồng cảm đó chỉ đạt được độ hiệu quả nhất định.
(Bên cạnh đó, thông cảm, là khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc + hoàn cảnh, tình huống, vấn đề…của người khác; nó rộng hơn đồng cảm).
3. Thấu cảm
Thấu cảm là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, cảm nhận thế giới qua lăng kính của họ, và hiểu được cảm xúc của họ một cách sâu sắc. Người thấu cảm không chỉ hiểu mà còn cảm nhận được những gì người khác đang trải qua. Họ cảm nhận được nỗi đau, niềm vui, sự tức giận... của người khác như thể đó là của chính mình, có khả năng dự đoán và đáp ứng nhu cầu của người khác một cách nhạy bén...
Mọi người thường nhầm lẫn giữa đồng cảm và thấu cảm, vì chúng đều trải qua bước “hiểu”, hiểu tại sao người khác có cảm xúc đó. Sự khác biệt nằm ở chỗ, đồng cảm dừng ở mức sẵn sàng “hiểu” cảm xúc của đối phương, còn thấu cảm đạt đến mức “cảm” được cảm xúc của họ như thể mình là họ. Nó khác ở độ sâu. Sự khác biệt này thường đến từ sự nhạy cảm về mặt cảm xúc mà bản thân một người sẵn có.
Dễ hiểu hơn, mọi người có thể xem xét ví dụ sau đây:
Mình đang xem một bộ phim truyền hình dài tập. Thường ở giai đoạn đầu của phim, mọi thứ khá bình yên. Mình thích “tận hưởng” phần đầu này, cho đến khi sự việc dần trở nên phức tạp và được đẩy lên cao trào. Một hôm, mình vô tình lướt thấy đoạn cut của những tập kế tiếp trên FB reels, biết được diễn biến tiếp theo của phim đi theo chiều hướng buồn đau cho tuyến nhân vật chính diện trong phim, thế là mình bỏ ngang phim không xem nữa. Người thấu cảm thường có khả năng cảm nhận một cách chân thực, sống động những gì người khác phải trải qua, dù chỉ là qua một bộ phim. Lúc xem, mình như sống trong chính bối cảnh câu chuyện của nhân vật đó, và thế là mình cũng đau, cũng buồn, cũng bất hạnh như thể mình chính là họ vậy, đó là lý do mình có xu hướng tránh những đoạn phim buồn, thậm chí mình ít khi giải trí bằng cách xem phim, số lượng phim mình xem dường như rất ít, nhất là phim dài tập, vì ở đó, khoảng thời gian từ lúc xảy ra vấn đề cho đến cao trào và giải quyết vấn đề thường kéo dài khá lâu, và mình thì không muốn phải gặm nhấm nỗi buồn ngày qua ngày chỉ vì xem một bộ phjm ;))
Nếu không phải là người nhạy cảm mà đơn thuần dừng ở mức đồng cảm, có lẽ mình sẽ không “đau” đến mức phải bỏ không xem phim nữa.
Có một định nghĩa về “thấu cảm” mà mình cảm thấy từ này được diễn tả đúng đắn nhất: “Thấu cảm là muốn giúp người đó đến mức khiến cho bản thân họ cũng thấy đau đớn.” Nếu là đồng cảm đơn thuần sẽ không thể đạt đến độ “đau” đó.
Thấu cảm là cấp độ cao nhất, là sự kết hợp giữa nhạy cảm và đồng cảm, cho phép chúng ta không chỉ hiểu mà còn cảm nhận sâu sắc những gì người khác đang trải qua. “Sâu sắc” là yếu tố tạo nên sự khác biệt ở đây. Và độ “sâu” bao nhiêu do mức độ “nhạy cảm” + mức độ sẵn sàng đồng cảm quyết định.
Vậy làm thế nào để một người nhạy cảm không thường xuyên bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác nhỉ? Câu trả lời là rất khó đạt được điều đó. Những người nhạy cảm chỉ không bị ảnh hưởng hưởng bởi cảm xúc của người khác khi họ lựa chọn không tiếp nhận và tiêu thụ nó mà thôi. Nên hãy đồng cảm một cách có chọn lọc.