Trong một lần bị căn bệnh lạ, tôi có dịp được trải nghiệm quy trình điều trị và nhập viện tại Pháp. Bài viết mong gởi đến bạn trải nghiệm của tôi một cách chi tiết.

Dị ứng phấn hoa và chữa nhầm

Tôi có chuyến đi xem hoa Tulipe ở Keukenhof (Hà Lan) nhưng vô tình bị dị ứng nên mắt tôi sưng đỏ và khó chịu ở buổi chiều cùng ngày. Hôm ấy là ngày thứ 7, tôi tiếp tục ở lại Hà Lan thêm 2 ngày nữa trước khi trở lại Pháp để điều trị.
Đến sáng ngày thứ 2, tôi chạy ngay vào khu y tế trường đại học nơi tôi làm việc để có chẩn đoán đầu tiên. Tại đây có một bác sĩ người Pháp lai giữa Việt và Ấn Độ. Chú biết nói tiếng Việt khá thạo trong khi tôi thì lại dở tệ tiếng Pháp nên việc truyền đạt thông tin bệnh tình có vẻ dễ dàng cho tôi nếu dùng tiếng Việt.
Vừa vào phòng khám, nhìn mắt tôi chấy đỏ, chảy nước nhiều và đờ đẫn, bác sĩ “À” ngay lập tức và chẩn đoán ngay là tôi bị dị ứng phấn hoa. Khi ấy tôi mới vở lẽ ra rằng mình bị như thế này là sau khi tham quan vườn hoa Keukenhof. Đây là là dịp xuân về, muôn hoa đua sắc, bệnh dị ứng phấn hoa này vốn rất phổ biến ở Tây Phương nên việc chẩn đoán bệnh cho tôi nhanh như vậy cũng không có gì là quá lạ lẫm.

Thông tin cơ bản về y tế bên Pháp

Cần biết thêm về dịch vụ khám chữa bệnh bên Pháp này. Mỗi người dân sẽ có một số bảo hiểm xã hội riêng, cái này gắn với một loại thẻ gọi là “carte vitale” (dịch nôm na là “thẻ sống”).
Carte Vitale bên Pháp.
Các dịch vụ sức khỏe và bảo hiểm xã hội đều rất cần thẻ này. Bạn có thể đi khám bệnh, mua thuốc và được hỗ trợ tầm 60-70%. Tất nhiên các khoảng chi phí thuế khác mà bạn hoặc những người đi làm phải đóng hàng tháng, hàng năm đã bù trừ qua khoản này nhưng nhìn chung đây là một dịch vụ cộng đồng rất tốt cho người dân. 
Nói thêm là tôi chỉ đem vốn hiểu biết hạn hẹp của một người Việt du ngoạn sang trời tây vài năm để cố gắng diễn đạt những gì mình biết cho bạn nên không hẳn 100% là chính xác nhưng nôm na vẫn có thể tạm chấp nhận. 
Bạn sẽ thắc mắc là “Vậy 30-40% còn lại có thể được hỗ trợ luôn không?”. Vâng, khi ấy bên này sẽ phát sinh thêm một loại dịch vụ gọi là “mutuelle” (dịch nôm na “hỗ trợ tương hỗ”). Cái này có rất nhiều công ty đứng ra bán. Có nhiều gói dịch vụ cho bạn lựa chọn và tùy theo mục đích, nhu cầu và hầu bao, bạn có thể lựa chọn để được hỗ trợ nhiều hay ít. Khi BHXH đã chi trả 60% tiền, phần còn lại sẽ được trả dựa vào mutuelle này và tùy vào gói mà bạn mua, nếu bạn mua gói hàng tháng cao, nó sẽ trả lại tiền cho bạn nhiều và ngược lại. Tôi chọn mua gói 35 euros/tháng (tầm 900 000 VND/tháng).
Một ví dụ của mutuelle BNP chuyên về mục "nhập viện và thai sản"
Lúc đầu tôi cảm thấy số tiền mà tôi phải chi trả hàng tháng cho mutuelle là quá nhiều trong khi tôi chẳng bệnh là mấy, 2 năm trời đóng tiền nhưng tôi chỉ đi bác sĩ khám có vài lần, mỗi lần như thế tôi tốn chừng 30 euros mà thôi, tính đi tính lại tôi đã chịu “lỗ” rất nhiều cho đến khi tôi nhập viện vì đôi mắt này. Bệnh viện mà tôi đang ở khi kể câu chuyện này thuộc một trong những bệnh viện tốt nhất Paris (theo như lời giáo sư hướng dẫn người Pháp của tôi cho biết) và số tiền viện phí hàng ngày có thể lên đến 1000 euros (tầm 25 triệu VND). Đem tính ra so với số tiền mutuelle “có vẻ cao” mà tôi mới vừa tiếc nuối cách đây vài tháng thì có lẽ, tôi đã quá hời. Tất cả chi phí đều được BHXH và mututlle chi trả, tôi hoàn toàn không phải chịu bất kỳ khoản chi nào.

Cách thức khám chữa bệnh bên Pháp

Nói thêm tí về cách thức khám chữa bệnh. Mỗi người sẽ đăng ký cho mình một bác sĩ tư. Mỗi khi bạn cảm thấy không khỏe hay gặp bất cứ rắc rối gì về cơ thể, bạn có thể đến tìm vị bác sĩ đã đăng ký này để khám, để được tư vấn. Lưu ý là các hiệu thuốc tây bên này (gọi là “Pharmacie”) sẽ bán thuốc cho bạn nhưng tùy loại chứ không phải bạn cần thuốc gì là được bán thuốc nấy như bên VN. Có những loại thuốc phổ biến, bạn có thể mua nó mà không cần giấy phép gì từ bác sĩ (ví dụ như Giảm đau, Đau họng, Thuốc bổ, Nhỏ mắt,…). Nhưng đa phần thì cần phải có toa bác sĩ thì nhà thuốc mới dám bán thuốc cho bạn.
Góc nhìn một cửa hàng pharmacie bên Pháp.
Việc bác sĩ làm ở nhà phổ biến như thế (lưu ý khác với VN là làm tư ở nhà còn bình thường thì bác sĩ ấy vẫn làm ở bệnh viện, ở đây tôi không rõ bác sĩ ấy có làm ở bệnh viện hay không, nhưng việc làm ở nhà là công việc chính của họ) dẫn đến tình trạng bệnh viện bên này rất vắng. Hầu như các tình trạng khẩn cấp và các bệnh hiểm nghèo mới cần đến bệnh viện. Các bệnh thông thường thì chỉ cần đi đến bác sĩ tư này là xong.
Nếu bạn muốn đến bệnh viện khám thông qua vị bác sĩ tư này, bạn cần phải đặt hẹn rất lâu, có khi đến vài tháng. Khi ấy có một dịch vụ gọi là “urgence” (dịch nôm na “cấp cứu”) sẽ phù hợp khi bạn cần chữa ngay một bệnh nặng nào đó. Chữ “cấp cứu” này không giống như chữ “cấp cứu” ở bên VN. Bên VN, “cấp cứu” đa phần là các tai nạn và cần chữa trị thật gấp, còn ở đây, “cấp cứu” cũng có nghĩa là khám ngay và luôn tại bệnh viện. Nếu trường hợp khẩn cấp, nó sẽ ưu tiên vào khám trước, còn không, nó sẽ cho bạn ngồi chờ, có khi đến vài tiếng đồng hồ.
Ví dụ cổng vào khu urgence của bệnh viện Cochin.

Đến bệnh viện Bichat-Claude Bernard

Trở lại việc tôi đi đến bệnh viện để khám. Chị Phượng tư vấn tôi đến bệnh viện theo dạng “urgence” như trên để được khám chữa cho nhanh, không nhất thiết phải thông qua bác sĩ tư. Tôi có nhờ anh Việt cùng nhà trọ đi cùng mình vì vốn tiếng Pháp của tôi không tốt. Đầu tiên, đây là lần đầu tiên cả tôi và anh đến một bệnh viện công bên Pháp. Mọi thứ đối với chúng tôi đều rất lạ lẫm. Chúng tôi không biết quy trình làm việc trong bệnh viện bên này như thế nào, có giống như bên VN hay không. Làm sao để đăng ký khám, làm sao để có thể đi đúng nơi khám đúng bệnh, làm sao để thanh toán, làm sao để sử dụng dịch vụ BHXH và mutuelle,… May mắn thay có một anh cùng trường đại học đã có kinh nghiệm về việc này. Anh ấy giới thiệu chúng tôi đến bệnh viện Bichat-Claude Bernard gần đó.
Đến bệnh viện, cả hai chúng tôi đến quầy “accueil” (quầy “tiếp tân”) và hỏi về tình trạng của tôi xem thì nên đi khám ở đâu. Họ mới chỉ chúng tôi sang chỗ “urgence”. Đến đấy cũng có một quầy tiếp nhận giống như bên VN. Ngoài quầy ghi rõ là xuất trình carte vitale + mutuelle + carte d’identité (carte d’identité ~ “thẻ căn cước”).

Mutuelle

Thêm một vấn đề về mutuelle. Khi bạn đăng ký mua mutuelle, bạn sẽ ký hợp đồng theo quý, tức một lần mua bạn sẽ mua trong vòng 3 hoặc 6 tháng. Khi ấy số tiền là không đổi và nó sẽ tự động trừ vào tài khoản ngân hàng của bạn hàng tháng. Bạn cũng sẽ nhận được một thẻ mutuelle, trên đó ghi rõ mã số, tên và các thông tin cơ bản về gói mà bạn đã mua kèm theo thời hạn của thẻ. Bên công ty mutuelle sẽ gởi về cho bạn trước 1-2 tháng khi cái thẻ hiện tại hết hạn. Thông thường mỗi lần đổi quý là giá tiền của mỗi gói sẽ tăng lên đôi chút, điển hình gói tôi mua cách đây 2 năm chỉ là 26 euros/tháng nhưng đến hôm nay nó đã tăng lên 35 euros/tháng. Thật ra cái thẻ chỉ để cho các pharmacie hay các bệnh viện chắc chắn rằng bạn vẫn còn đang mua dịch vụ mutuelle này, họ có thể xác nhận “bằng mắt” ngay lúc đó chứ thật ra mọi thứ đã được lưu trên máy tính và cái quan trọng nhất trên thẻ chính là mã số của bạn.
Vấn đề của tôi là tôi chuyển nhà cách đây vài tháng, do đó địa chỉ gởi thẻ của tôi đã bị thay đổi so với trong hợp đồng. Trong suốt thời gian đó đến nay tôi không khám chữa bệnh nên quên luôn việc rằng mình không nhận được thẻ mutuelle nào mới dù rằng đã hết hạn thẻ cũ. Khi sự việc này diễn ra, tôi mới vỡ lẽ thẻ cũ của mình đã hết hạn từ cuối tháng 3. Điều này làm cho một số bệnh viện, các pharmacie không chấp nhận mutuelle của tôi vì họ bảo hạn sử dụng của thẻ đã hết. Tuy nhiên tôi có quyền giữ lại “facture” (hóa đơn) và có thể nói bên công ty mutuelle để được trả lại sau.

Bắt đầu khám ở Bichat-Claude Bernard

Sau khi đăng ký các thông tin cơ bản như địa chỉ, số điện thoại và các thông tin trên carte vitale, tôi và anh Việt ngồi ở phòng chờ. Cảm quan ban đầu thì nơi đây khá vắng nếu so với tính chất được miêu tả của một phòng cấp cứu. Người chờ thưa thớt, không nhiều tiếng ồn, gian phòng có vẻ dịu với ánh sáng nhẹ và hơi nhạt. Theo cảm quan cá nhân, đây đơn thuần chỉ là một phòng chờ bệnh đơn giản, sạch sẽ và có lớp lang.
Không phải đợi lâu, có một nhân viên mở cửa phòng đối diện gọi tên tôi. Vào đấy tôi được tiếp bởi hai nữ y tá trẻ trung và vui tính người Pháp. Họ tiến hành đo các thông số cơ bản của tôi như một thủ tục (huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ) và hỏi tôi một số thông tin về bệnh tình của tôi. Sau đó họ bảo tôi chờ đồng nghiệp có chuyên môn cao hơn lại xem xét. Đây là điều khác biệt đầu tiên mà tôi nhận ra ở đây so với VN. Đó chính là thái độ của nhân viên y tế với bệnh nhân, là cảm giác mình như là VIP và nhu cầu của mình là trên hết. Họ lịch sự, vui vẻ và tập trung cao vào chuyên môn của mình.
Một chàng trai da ngâm tiến vào phòng, chào hỏi đôi lời với hai nàng y tá và nói với chúng tôi rằng ở đây không có phòng chuyên môn về mắt. Sau đó anh in ra một danh sách các bệnh viện hỗ trợ và hướng dẫn chúng tôi đến đó để được chăm sóc tốt hơn. Bệnh viện chúng tôi chọn là Hotel Dieu nằm ngay trước cổng Nhà thờ Đức Bà Paris.

Ở bệnh viện Hotel-Dieu

Ở bệnh viện Hotel-Dieu, chúng tôi cũng tiến hành các quy trình tương tự. Anh Việt cũng lại quầy accueil nói bệnh của tôi và nhờ họ chỉ đường đi đến phòng ban phù hợp. Cảm giác khi bước chân vào bệnh viện này là sự hoành tráng. Nó giống như một tòa lâu đài thời cổ của vua chúa được trưng dụng để làm bệnh viện. Chúng tôi đi xuyên qua một hành lang vắng vẻ để tiến sâu vào phòng ban mắt. Hai anh em không khỏi trầm trồ và ngạc nhiên về một bệnh viện được thiết kế kỳ lạ thế này.
Tại phòng mắt, có khá nhiều người cũng đang chờ tại đây, tầm gần 20 người. Sau khi đăng ký một vài thông tin cơ bản giống như ở bệnh viện Bichat-Claude Bernard, chúng tôi hòa mình vào dòng người đang ngồi chờ trước bàn tiếp tân để được gọi tên. Vì là phòng chuyên trị các bệnh về mắt nên không gian không quá sáng, ánh sáng đèn vàng lờ mờ chiếu dọc một hành lang hẹp với hai bên là dãy ghế cho khách ngồi đợi. Nhân viên tại đây ra vào liên tục và trông có vẻ rất bận rộn.
Cũng đoán trước được tình hình, chúng tôi kiên nhẫn ngồi chờ gần 3 giờ đồng hồ mới được gọi tên, khi ấy cũng đã hơn 7 giờ tối. Với vốn tiếng Pháp ít ỏi của mình, tôi làm quen được với một bác gái người Pháp. Bác ấy cũng bị dị ứng mắt nhưng có vẻ nhẹ hơn tôi. Bác ấy lớn tuổi nên dù đến sau chúng tôi nhưng cũng được ưu tiên khám trước, một điều bình thường tại đây. Bác bảo bệnh này ở đây là bình thường lắm và chúc tôi mau chóng bình phục. Lúc đầu cũng có chút lo lắng cho đôi mắt của mình nhưng hòa mình vào dòng người cùng cảnh ngộ, tôi dần có cảm giác san sẻ và cảm giác lo lắng vơi dần. Một phần cũng vì niềm tin vào nền y học tại Pháp nên nói chung qua thời gian, tôi không còn lo lắng nữa dù bệnh tình thế nào.Đầu tiên một bác sĩ rất trẻ tiến hành kiểm tra mắt cho tôi. Thông qua các thao tác có phần kém tự tin và không thuần thục của anh, tôi đoán anh chỉ là một bác sĩ thực tập tại đây. Anh tiến hành cho tôi đọc thử bảng chữ cái, dùng các thiết bị rất chuyên nghiệp để tiến hành đo và kiểm tra mắt tôi. Sau đó anh bảo chúng tôi chờ, anh sẽ thảo luận với một bác sĩ khác. Vài mươi phút sau, chúng tôi gặp một bác sĩ cũng trẻ khác nhưng có vẻ thuần thục và có tay nghề hơn. Anh cũng tiến hành đo đạc lại cẩn thận, trong quá trình ấy anh có chỉ dẫn và góp ý cho vị bác sĩ lúc đầu. Đến đây tôi mới chắc chắn là dự đoán ban đầu của mình đã chính xác. Cũng may mắn cho tôi, cả hai bác sĩ đều có thể nói tiếng Anh dù không được lưu loát lắm nhưng cũng đủ để trao đổi và hiểu được thông tin bệnh tình của tôi. Anh Việt lúc đầu còn làm thông dịch viên nhưng lúc sau không cần thiết nữa.
Một phòng đo và kiểm tra mắt.
Chúng tôi lại ra quầy chờ để đợi, dòng người lúc này có vẻ đông hơn, các hàng ghế đều đã kín. Có lẽ hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của tuần, mọi người đều đợi đến lúc tan tầm mới đi khám nên giai đoạn 7h tối này có vẻ đông hơn lúc chúng tôi mới đến bệnh viện. Các nhân viên cũ đã hết ca trực, thay vào đó là một lớp nhân viên mới đảm nhiệm ca đêm. Mọi người đều rất biết nhiệm vụ của mình, không tám chuyện nhiều mà thoắt ẩn thoắt hiện tập trung vào công việc được phân công.
Bác sĩ ra bảo tôi rằng bệnh của tôi anh cũng chưa dám chắc nên cần tham khảo “boss” của anh. Anh dẫn tôi sang một dãy hành lang khác, nơi đây có những máy chuyên dụng có thể chụp và scan lại mắt của tôi. Anh sẽ gởi những bản này cho sếp của anh và chờ xem ý kiến của vị chuyên gia ẩn mặt này. Chúng tôi lại đợi. Việc chờ đợi ở bệnh viện theo dạng urgence này vốn đã được chị Phượng cảnh báo từ trước nên chúng tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên lắm. Điều duy nhất khiến tôi thấy ái nái chính là anh Việt. Anh ấy có hẹn với thầy ban sáng trong Paris (chỗ tôi ở là ngoại ô, vùng Épinay-Sur-Seine, nên việc đi vào trung tâm Paris gọi là “vào/trong Paris” tầm 1 tiếng đi tàu). Anh gặp thầy xong, quay trở lại nhà tôi cũng tầm hơn 13h, khi ấy tôi hỏi anh đã ăn trưa chưa. Anh bảo không cần đâu em, đi ngay kẻo muộn và vội dùng một quả chuối để sẵn trên bàn. Tôi thì lúc ấy cũng đã thủ sẵn một gói mì ăn liền rồi nên so với anh, tôi ổn hơn. Anh đã không ăn gì buổi trưa, lại chờ cùng tôi đến tận 20h tối, đi loanh quanh 3 bệnh viện, hết vào Paris gặp thầy, rồi lại quay về gặp tôi, rồi lại bắt xe vào Paris để đến bệnh viện Hotel-Dieu này và cuối cùng lại phải bắt tàu quay về lại nhà. Tôi vừa thấy ái nái, vừa cảm giác tình cảm anh em sinh viên xa xứ thật đáng quý. Mọi người giúp đỡ nhau không cần toan tính, xem nhau như anh em ruột thịt trong gia đình.Anh bác sĩ sau khi nhận được cuộc gọi của sếp, anh nói tôi rằng bệnh tôi mắc phải có tên gọi viết tắt là VKH. Sau này tìm hiểu kỹ hơn, Việt Nam ta có tên gọi cho nó là Viêm màng bồ đào. Anh BS bảo tôi cần đến một bệnh viện khác có tên là Cochin. Anh sẽ gởi thông tin của tôi cho bên phía ấy, ngày mai (thứ 7), họ sẽ gọi lại cho tôi để xác nhận cuộc hẹn. Nếu cùng lắm đến sáng thứ 2 mà tôi vẫn chưa nhận được cuộc gọi gì thì hãy lại đến đây (BV Hotel-Dieu) nhưng chắc chắn họ sẽ gọi.
Hai anh em bắt đầu trở về nhà, mọi người ở nhà cũng đang ăn bún và chúng tôi nhập bọn cùng mọi người. Hôm sau, tôi nhận được một cuộc gọi vào lúc giữa trưa xác nhận từ phía bệnh viện Cochin.
Tôi, anh Việt và Huyền cùng nhau đến BV Cochin trong đầu chỉ nghĩ đến để kiểm tra giống hôm qua nhưng chu đáo hơn, gặp đúng chuyên gia hơn và rồi lại lấy thuốc hay tiêm gì đấy rồi về. Tôi cũng từng nghe nói, bên này nếu ta được bác sĩ chỉ định phải tiêm thuốc thì mình sẽ nhận thuốc về rồi ra trạm xá hay trung tâm y tế gần nhất, nơi có các y tá biết chuyên môn sẽ tiến hành tiêm thuốc cho chúng ta. Ta không được tự ý tiêm mà cũng không cần nhất thiết phải đến bệnh viện hay gặp bác sĩ để tiêm. Vì cứ nghĩ vậy nên chúng tôi không hề chuẩn bị tâm lý hay đồ đạc gì cho một cuộc nhập viện tại Cochin.

Ở bệnh viện Cochin

Cochin là một bệnh viện khá lớn. Có thể nói là một đặc khu bệnh viện. Khuôn viên bên trong không làm cho ta có cảm giác đó là một phần của một bệnh viện mà khiến ta cảm thấy nó cũng như bao dãy phố khác với nhiều tòa nhà cao mọc xen kẽ với các lối đi dành cho cả người đi bộ lẫn xe hơi. Điều khác duy nhất chính là các bản chỉ dẫn đến các khu điều trị chuyên biệt vốn được đặc tên theo các danh nhân (Pascal, Archard,…) Sau khi dần khám phá và hiểu ra, tôi biết được địa điểm hẹn của mình thật ra là một khu nhà nghỉ dưỡng của bệnh nhân. Đây không phải là khu điều trị chuyên biệt cho bất cứ một bệnh gì, chỉ là nơi cho bệnh nhân nghỉ ngơi và được chăm sóc bởi đội ngũ y tá và các bác sĩ đa khoa.
Bước chân lên lầu 3, khu Sigiuer của tòa nhà Archard, dù hôm ấy là cuối tuần nhưng lượng nhân viên đi lại cũng vô cùng tấp nập và lạ là chúng tôi không thấy bất cứ một bệnh nhân nào. Cái câu “Bệnh viện bên Pháp nhân viên còn nhiều hơn bệnh nhân” quả thật không ngoa chút nào. Theo như tìm hiểu, có những nhóm nhân viên sau đây được phân công làm các công việc theo các ca.
  • Nhóm bác sĩ chính phụ trách theo dõi và quản lý.
  • Nhóm nhân viên phụ trách các bửa ăn trong ngày (ngày 3 bửa).
  • Nhóm nhân viên phụ trách dọn dẹp vệ sinh các phòng lẫn hành lang.
  • Nhóm nhân viên y tá phụ trách chăm sóc lặt vặt cho các bệnh nhân trong các phòng bệnh.
  • Nhóm nhân viên phụ trách đưa đón các bệnh nhân bằng xe đẩy đến các đặc khu điều trị chuyên biệt.
Tất cả họ đều làm trong cùng một dãy nhà, mỗi người một việc, mạnh ai nấy lo. Trông thì có vẻ rắc rối và có thể bị trùng lặp nhưng cảm giác mọi kế hoạch, mọi cách thức chăm sóc cho từng bệnh nhân đều được lên lịch sẵn, được canh giờ cẩn thận. Ví dụ tôi phải nhỏ thuốc 2 tiếng/lần vào 2 mắt thì có một y tá luôn sẵn sàng canh giờ để đến nhắc và nhỏ giúp tôi (sau này tôi tự làm lấy). Hoặc khẩu phần ăn, cách tiêm thuốc, lấy máu xét nghiệm hàng ngày, đo nhiệt độ, huyết áp liên tục ngày 3 lần luôn được phân công thực hiện một cách có lớp lang và kế hoạch. Chưa kể trong phòng bệnh có chuông gọi khẩn cấp y tá mỗi khi bệnh nhân cần gì đấy. Càng hiểu cơ chế, tôi càng thấy lượng nhân viên có vẻ nhiều này thật ra cũng không gọi là nhiều lắm. Và rồi con số tiền viện phí hàng ngày để chi trả lên đến hàng chục triệu như thế kia cũng không có gì gọi là quá đáng.
Ở kỳ tiếp theo, tôi sẽ kể bạn nghe về 10 ngày nhập viện của mình.