Kênh YouTube của ông thầy
Thầy tao đấy, tao định học ông này hay lắm nè, ông ấy có kênh YouTube các thứ các thứ, ông ý đang dạy cái khoá học này bá đạo lắm, mày vào học cùng với tao không. Đấy là những điều nó đã đi inbox với dăm ba đứa bạn từ hồi đầu hè, cái hồi hóng được tin có ông thầy nó ngưỡng mộ sắp ra Hà Nội dạy. Trời ơi, nghe tin như thế mà chả sướng à, cày view cho ổng ý từ những video đú trend Khá Bảnh, những video Hắc thầy Bạch thầy đầu tiên, giờ có cơ hội gặp tận mắt, biết tận nơi, đã lắm ấy chứ.
Và rồi, mấy đứa bạn nó rủ đã dội thẳng một gáo nước lạnh vào mặt bằng lời từ chối đầy tâm huyết. Về cơ bản, mọi người đều không tin nó lắm, họ tin rằng đi làm kiếm tiền, học từ công việc từ trường đời sẽ là một lựa chọn phù hợp hơn, không lý thuyết xa vời, và cũng không tốn một khoản học phí kha khá cho ông thầy chuyên chém gió và cà khịa ở trên YouTube.
Thế mà vẫn có thanh niên cắm đầu cắm cổ vào học đấy, là nó đấy, học ở Hà Nội không được thì xách mông vào Sài Gòn học với niềm tin rằng, dù gì ông ấy cũng là thầy mà, cũng là nhà giáo, cứ vô học đi, không thừa đâu. Kênh YouTube của ông ấy cũng uy tín lắm mà, comment của fan toàn là comment vừa dài vừa tâm huyết, ông ấy không giống mấy diễn giả mình gặp lúc đi làm đa cấp đâu. Thằng nhỏ tự trấn an nó như vậy đấy.
Thầy tui đó (nguồn ảnh: facebook của thầy)
Cho đến khi nó vào học rồi, nó nhiệt tình nó say sưa 3 ngày trại, rồi nó quất dự án cá nhân, nó quất dăm ba đường chạy với anh nọ chị kia, bày trò đi uống bia bọt, đi cafe với các bạn cùng khoá, được gặp, được nói chuyện với nhiều người, nhiều hoàn cảnh nhiều câu chuyện và vùng miền khác nhau. Nó nhận ra rằng:
Hồi trước, mấy đứa bạn tặng nó gáo nước lạnh là đúng. Mindset của họ không sai, và nó đã hiểu được tư tưởng ấy. Học hỏi từ công việc, từ thực tế là đúng. Ông thầy to nhất là ông thầy đời, trường học vĩ đại nhất là trường đời. Bản thân nó đã từng cho rằng thầy mình là bá nhất, không thầy đố mày làm nên, phải có thầy thì mới học, thằng bé nhận sai. Tư tưởng "không thầy đố mày làm nên" khiến cho học trò biết kính trọng thầy hơn, nhưng sự kính trọng ấy đôi khi hơi quá, ít nhất là nó đã cảm thấy bản thân mình từng bị hơi quá. Nếu sự trưởng thành của một con người bị đặt lên vai của người thầy người cô thì bản thân con người đó đã thiếu sự độc lập, và không đủ điều kiện để trưởng thành. Nên phải hiểu rõ, thân là học trò, hãy biết lịch sự và tôn trọng người cho mình kiến thức, nhưng cũng phải biết kiến thức nào phù hợp với cá tính, sự tò mò và say sưa của bản thân.
Thế thì trải nghiệm mấy ngày vào Sài Gòn học là vô ích à. Maybe nhiều người nghe đến đây sẽ cảm thấy như vậy. Nhưng thằng nhỏ ko thấy vậy. Mindset của nó lúc đầu hơi sai lầm, nhưng ông thầy nó học cũng không phải loại tầm thường. Ông thầy không dạy nó giáo điều lý thuyết, không bảo với nó rằng, tin tôi đi, bạn sẽ thấy tốt hơn. Không hề, mấy câu truyền động lực tục tĩu trên mạng không phải là cách chơi của ông thầy.
Ông ta hiểu rằng học trò thích chạy bộ, ông chỉ cho nó cách chọn giày, rồi chỉ tay về phía đường đua và nói quất đi mày. Ông ấy hiểu rằng thằng bạn ngồi cạnh nó thích làm hoạ sĩ, ông đưa cho nó cây bút lông quen thuộc, chỉ tay về phía thanh niên đang chạy và nói, vẽ đi. Ông ta nói với người chị ngồi trên nó 2 dãy ghế rằng, mày thích bán hàng đúng không, bán tất cho thằng kia kìa, nó đi giày không đi tất, bán cho con bé nhỏ nhỏ kia cái gì đi, nó có bút có giấy rồi, nhưng ra hỏi xem nó thiếu gì nữa không.
Thực ra, ông ta chẳng dạy nó đạo lý gì cao siêu cả, cái ông ta đưa cho học trò của mình là trải nghiệm. Ông thầy ném học trò vào những trải nghiệm mà trước giờ nó chỉ dám tưởng tượng. Có thể thôi, đứa học trò vấp ngã, thất bại thì kinh nghiệm rút ra là từ trải nghiệm chứ đâu phải từ ông thầy. Nhưng nếu sau thất bại mà không dám đứng lên, nó sợ lắm, còn bao nhiêu sư huynh sư tỉ đồng môn, ông thầy của nó vẫn ở đấy, mặt mũi nào mà nhìn thầy, nó chỉ chấp nhận thất bại thế thôi à, nghĩ vậy là nó bước tiếp thôi. Trải nghiệm, tiếp tục trải nghiệm, đường đời, tiếp tục bước đi.
Cứ như thế, từng lứa học trò của ông tiếp tục đến rồi đi, tạo nên một cộng đồng, người làm giáo viên, người làm cắt tóc, mà cũng có người là doanh nhân, giám đốc điều hành công ty to. Mỗi người phát triển theo cách họ mong muốn nhất, và luôn sẵn sàng giúp đỡ người đồng môn khi cần.