Nhân chi sơ, tính bản nào?
Anh được đọc đâu đó, là trong mỗi con người có 2 con sói luôn đánh nhau, 1 tượng trưng cho cái thiện, và 1 là cái ác, Và con sói chiến thắng sẽ là con mà ta cho nó ăn nhiều hơn. (Bray_Ta có nên)
Mình xin bắt đầu bằng hai học thuyết rất nổi tiếng đến từ hai học giả Trung Hoa, đều tôn sùng Chu Công và Khổng Tử.
“Nhân chi sơ bản tính thiện” (con người sinh ra bản tính là thiện) là thuyết của Mạnh Tử (372 – 289 TCN; một số tài liệu khác ghi là: 385– 303/302 TCN) - nhà triết học Trung Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử.
“Nhân chi sơ tính bản ác” (con người sinh ra bản tính là ác) là thuyết của Tuân Tử (313 – 238 TCN) - nhà Nho, nhà tư tưởng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc, là một trong Bách gia Chư tử (Học thuật của trăm nhà). Tuân Tử chính là thầy học của Thừa tướng nhà Tần là Lý Tư.
Học thuyết của Mạnh Tử được tôn sùng và phổ biến vô cùng và có chỗ đứng trong lịch sử đương thời, thậm chí cho đến tận ngày nay, còn Tuân Tử thì trái lại, không được người đời coi trọng, thậm chí có chỗ còn bị coi như dị đoan.
Thế nhưng ngày hôm nay khi nhìn lại, liệu Mạnh Tử đã đúng, Tuân Tử đã sai, hay sự thật không có ai sai, mà cũng chẳng hoàn toàn đúng?
Trong phim ảnh và phim hoạt hình, cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ bên trong thường được miêu tả khi một bên là ác quỷ - khuyến khích hành vi bốc đồng, và một bên là thiên thần - thúc giục sự kiểm soát.
Phép ẩn dụ về ác quỷ và thiên thần rất phù hợp với cách các nhà tâm lý học đã giải thích về sự tự chủ: sự đẩy và kéo giữa hệ thống cảm xúc bốc đồng của chúng ta (lôi kéo chúng ta đến với sự ham mê) và hệ thống logic, có chủ đích của chúng ta (xem xét về lâu dài).
Nhưng các nhà tâm lý học cũng đã lập luận rằng hai hệ thống này không hoạt động đồng thời.Các nhà khoa học đã tiến hành một loạt nghiên cứu để xem cách mà ác quỷ và thiên thần xuất hiện khi bạn đối mặt với sự cám dỗ.
Khi chúng ta nhìn thấy chiếc bánh donut ngào đường, phủ chocolate, cảm xúc bốc đồng của chúng ta sẽ hành động đầu tiên, nhanh chóng làm nảy sinh những sự thôi thúc tự động. cảm xúc bốc đồng được kiểm soát nhiều hơn (đôi khi) sẽ bị can thiệp sau đó bởi nỗ lực kìm hãm sự cám dỗ. Từ quan điểm này, ác quỷ đến ngay khi có cám dỗ, và thiên thần sẽ đến muộn hơn và phải chinh phục ác quỷ.
Điều này ngụ ý rằng khả năng tự chủ phụ thuộc phần lớn vào thiên thần. Và, trên thực tế, xã hội hiện đại nơi cho rằng những người thành công nhất là những người có thể kiểm soát và vượt qua sự thúc giục của ác quỷ trong họ để lý trí và sự cân nhắc lâu dài có thể chiếm ưu thế. Điều này cho thấy những biện pháp khắc phục rất rõ ràng cho những thất bại cá nhân: ý chí mạnh mẽ hơn và tinh thần cứng rắn hơn.
Nhưng điều này có đúng không?
Nghiên cứu khoa học về thời điểm Ác quỷ và Thiên thần xuất hiện trong quá trình tự kiểm soát
Trong một nghiên cứu của hai tác giả Paul Stillman (Post-doctoral Researcher in Cognitive and Brain Sciences, The Ohio State University) và Melissa J. Ferguson (Professor of Psychology, Cornell University), công cụ theo dõi chuột máy tính được sử dụng để hiểu rõ hơn cách mọi người đưa ra quyết định tự kiểm soát. Với hơn 650 tình nguyện viên, tác giả đã ghi lại cách mọi người di chuyển chuột máy tính khi họ quyết định giữa những cám dỗ ngắn hạn và mục tiêu dài hạn: thực phẩm lành mạnh hay thực phẩm không lành mạnh.
Các đối tượng đã nhấp rất nhiều vào các lựa chọn lành mạnh, nhưng nghiên cứu không quan tâm đến lựa chọn cuối cùng của họ mà là quá trình khi họ nhấp vào tùy chọn lành mạnh, họ đã hướng con chuột của mình về phía sự cám dỗ như thế nào trong suốt chặng đường?
Và kết quả vô cùng thú vị có thể được chỉ ra liên quan đến lựa chọn thực tế của họ. Sau khi tham gia cuộc thực nghiệm, họ được tặng một món snack ăn nhẹ và những người đã đi lại gần hơn với những cám dỗ (trong trò chơi thực nghiệm) có nhiều khả năng chọn một thanh kẹo hơn một quả táo.
Cách mọi người di chuyển chuột cũng tiết lộ cách họ đưa ra quyết định. Thay vì ác quỷ ra hiệu cho chúng ta cám dỗ trước khi các thiên thần của lý trí cao hơn có thể can thiệp, thì dường như cả những cám dỗ và những mối quan tâm lâu dài đều cạnh tranh ngay từ rất sớm. Nếu chúng ta có hai hệ thống mâu thuẫn nhau - một hệ thống nhanh, bốc đồng và một hệ thống chậm rãi, có chủ ý - thì chúng ta sẽ kỳ vọng chuyển động chuột của mọi người ban đầu sẽ chuyển hướng mạnh mẽ về phía cám dỗ, trước khi quay ngược hướng trở lại mục tiêu.
Tuy nhiên, trái ngược với điều này, tác giả nhận thấy quỹ đạo “bị lôi kéo rồi ức chế” này chỉ xảy ra trong một số ít thử nghiệm trong đó mọi người thành công trong việc kiểm soát bản thân.
Phổ biến hơn nhiều là những chuyển động mượt mà và cong - những chuyển động đôi khi trôi về phía cám dỗ, nhưng dần dần quay trở lại mục tiêu.
Nói cách khác, các quyết định thành công của mọi người không thường được bộc lộ trước tiên là sự thôi thúc trước cám dỗ và sau đó là sự ức chế nỗ lực. Thay vào đó, các quyết định của chúng ta dường như được thông báo đồng thời bởi cả cám dỗ và tự kiểm soát đến mục tiêu.
Ý chí không thể làm được tất cả
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có khả năng tự kiểm soát tốt không phải là những người có kỹ năng chống lại những cơn cảm xúc bốc đồng mà là những người trải qua những cơn bốc đồng hoàn toàn ngay từ đầu. Những dữ liệu này cho thấy rằng ý tưởng phổ biến về một ác quỷ nhanh nhẹn theo sau là một thiên thần chậm chạp có thể không phản ánh các quyết định thành công thực sự diễn ra như thế nào trong phần lớn các trường hợp.
Công trình mới này cho thấy rằng việc tập trung vào sức mạnh ý chí và ức chế các xung động thường có thể là quá muộn. Thay vì rèn luyện bản thân trước sự cám dỗ, có thể hiệu quả hơn nếu bạn bắt tay vào công việc từ trước - bằng cách tập trung vào những quyết định nhỏ có thể giúp chúng ta tránh hoàn toàn những xung động bị cám dỗ.
Tất nhiên, chúng ta không thể tạo ra một thế giới mà không có bất kỳ sự cám dỗ nào, nhưng chúng ta có thể xem xét nghiêm túc hơn một chiến lược phủ đầu thay vì chỉ cố gắng tăng cường sức mạnh ý chí của mình.
Trải nghiệm cá nhân
Vậy quay lại câu chuyện về bên trong chúng ta, nhân chi sơ là tính bản nào? Bên cạnh hàng trăm câu hỏi dánh cho thế giới rộng lớn này, đây cũng là một trong những câu hỏi mình cứ đi tìm mãi. Mình không biết sau này có điều gì có thể thuyết phục mình hơn không nhưng mình nghĩ bên trong mỗi chúng ta đều có cả hai "con" này. "Con thiên thần" và "Con ác quỷ".
Có hơn một lần, những cám dỗ đến với mình như kiểu : dễ dàng lấy case để đủ KPI, gian lận một chút để che dấu lỗi lầm, nói dối, ghen tị với thành công của những người bạn thân, nổi giận với bố mẹ vì những điều nhỏ nhặt, tự dằn vặt chính mình,... Và không phải lần nào mình cũng chế ngự được con ác quỷ đó, mình phải thành thật mà nói là như vậy. Nhưng mình đã hiểu và nhận ra quyết định để con nào chế ngự mình, để con nào được nhảy lên vai mình, cuối cùng đều là sự lựu chọn từ mình hết. Mà lựa chọn thì có tính thời điểm rất cao, mình nhận ra chính là bước đầu để những lựa chọn tiếp theo sẽ có thể đi theo hoặc quay về đúng những niềm tin mà chúng ta luôn tâm niệm.
Hôm nay đi trên đường, có vượt đèn đỏ hay không?
Hôm nay mình sẽ đọc thêm một cuốn sách hay ngủ cả ngày?
Cô bé vì bước ngang qua có ánh mắt xinh đẹp quá, dù mình đã có người vợ của mình rồi?
Có lẽ ranh giới mong manh nhiều khi sẽ không thể cho chúng ta biết con nào là ác quỷ, con nào là thiên thần, vậy hãy thử dừng lại một chút xem cân nhắc xem giá trị quan trong chúng ta là gì, và về lâu dài, điều gì mà đến chính bản thân chúng ta còn không thể chấp nhận được. Hối tiếc thực sự là cảm giác còn tệ hơn cả thất bại.
Tạm kết
Liên kết với nghiên cứu mình vừa giới thiệu ở trên vào thời điểm ác quỷ xuất hiện trên vai chúng ta, thường là quá muộn. Nhiều khi sẽ tốt hơn hết nếu bạn có thể tìm mọi cách để tránh nó hoàn toàn.
Và câu Quote của ngày hôm nay :
"Trong một thế giới cộng sinh, chúng ta không thể sống một mình, cũng không thể sống chỉ vì mình"
Hôm nay, bạn sẽ chọn cho con nào ăn nhiều hơn?
---------------------------------------------
Để có thực hiện bài viết mình đã tham khảo :
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất