Mình xem những thiết kế của Michael Bierut, của Paula Sher, của Astrid Starvo,.... Họ đều sử dụng những thứ ai cũng nhìn thấy, ai nhìn cũng bảo dễ thế này ai chẳng làm được, nhưng tại sao mỗi họ biến được những điều đơn giản thế thành những thứ hay ho? Ngược lại nhiều người thiết kế những thứ trông có vẻ rất....nguy hiểm nhưng xem kĩ lại thì nó lại hao hao giống những thứ người khác đã làm và chẳng có gì đặc biệt!
Mình xem series Reply, mình thấy nội dung của cả 3 series đều chung một ý tưởng về một đám trung niên nhớ về thời trẻ trâu của bản thân. Điều đó ai cũng biết, ai cũng có, mình tin ở Hà Nội với "ngõ nhỏ, phố nhỏ" thì không thiếu những câu chuyện hay ho như thế nhưng tại sao không có một bộ phim nào cảm động và hay ho như thế?
Mình xem những bộ phim của Pixar, mỗi bộ phim họ sản xuất đều tạo nên sự đặc biệt riêng, không lẫn vào đâu được và tốn rất nhiều giấy, mực, nước bọt của cả người xem lẫn giới phê bình,... Có cảm giác như họ không bao giờ bí ý tưởng vậy.
Mình thường xuyên xem các tầm nhìn, nhiệm vụ của các công ty trên trang tuyển dụng. Công ty nào cũng nhận mình là công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đó, công ty nào cũng tự nhận mình năng động, sáng tạo, nhưng khi mình xem xét sản phẩm, quảng cáo, thông điệp truyền thông thì có cảm giác công ty nào cũng giống công ty nào?
Đó là những thắc mắc của mình liên quan đến câu chuyện "sáng tạo". Rõ ràng "sáng tạo" không nằm ở chuyện "tôi muốn sáng tạo", hay "mày phải sáng tạo lên", hay vi diệu hơn nữa là "tâm hồn ta cần phải phóng khoáng hơn để sáng tạo",....Trời! Những thứ đó còn nhảm nhí hơn cả những thứ mình viết.
Mình nghĩ "sáng tạo" được hình thành từ 2 yếu tố "cá nhân" và tập thể".
Mình để ý những con người sáng tạo thường có 1 trong 2 điều hoặc cả hai:
- Kết nối các trải nghiệm đã có để tạo nên một điều mới.
- Thay đổi góc nhìn hoặc có góc nhìn rộng hơn về một điều gì đó
Ví dụ ngay trên Spiderum luôn.
Như chủ đề làm cha mẹ. Làm cha mẹ thì phải trở thành người có trách nhiệm hơn, làm cha mẹ xong thì ngẫm lại chuyện cha mẹ đã đối xử với mình thế nào, trở thành cha mẹ xong thì thấu hiểu hơn về tình yêu của cha mẹ dành cho mình,....Đó là những ai cũng viết.
Bài viết này lại kể chuyện "làm cha mẹ" theo một góc nhìn khác về chuyện hai vợ chồng cùng nhau trải qua những khó khăn như thế nào và trở nên tốt hơn như thế nào sau khi trở thành cha mẹ.
Hay như cách kết nối giữa một câu hỏi của một đứa trẻ con, hội thoại của hai chị em và trải nghiệm của bản thân để có một câu chuyện nhẹ nhàng thế này đây:
Đó là câu chuyện sáng tạo ở mỗi cá nhân, thế còn câu chuyện sáng tạo ở mức tập thể thì sao? 
Bạn không thể sáng tạo nếu như bạn ở trong một tập thể kìm hãm sự sáng tạo. Một trong những dấu hiệu của một tập thể kìm hãm sáng tạo là cố gắng ngăn chặn sai lầm. 
Chúng ta thấy điều này rất ràng ở môi trường trường học, trẻ em không được làm cái này, không được làm cái kia và phải theo khuôn mẫu này, khuôn mẫu kia vì nếu khác đi là không đúng với quy chuẩn, là không đúng với thực tế.
Hoặc trong một nhóm làm việc, nếu ai đó đưa ra một ý tưởng mới mà cả nhóm chưa cân nhắc mà đã nói lên những điều chưa được như:
Nhỡ.... thì sao?
Nếu làm thế thì.....thì sao?
Có ai làm thế bao giờ đâu?
Hay bạn thử điều gì đó mới không hiệu quả lắm, bạn sẽ bị phạt.
Một trong những cách khắc phục vấn đề trên là tạo nên một hệ thống tạo điều kiện cho thử nghiệm và chấp nhận những sai lầm. 
Trong cuốn sách "Vương quốc sáng tạo" có ví dụ rất hay về điều này. Để làm một bộ phim hoạt hình thì thường tốn kém rất nhiều chi phí và khả năng thua lỗ cao nếu như để những người chưa có nhiều kinh nghiệm làm. Nhưng, ở chiều ngược lại, nếu không để họ có cơ hội thử nghiệm và học hỏi thì sẽ không có những nhân tố mới, tài năng mới và ý tưởng mới. Vì thế, Pixar đã để những nhà làm phim chưa có nhiều kinh nghiệm thử nghiệm trên những bộ phim ngắn tốn ít chi phí giúp họ có cơ hội học hỏi và trải nghiệm những ý tưởng mới. Những ý tưởng mới này nếu hay ho sẽ được chuyển sang hẳn sang một bộ phim dài.
Một yếu tố khác để tạo nên môi trường cho sự sáng tạo chính là một môi trường khuyến khích sự tương tác và giao tiếp trực tiếp. Khuyến khích giao tiếp và tương tác trực tiếp cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích mọi người ở các độ tuổi khác nhau, ở các lĩnh vực khác nhau, ở các cấp bậc khác nhau gặp gỡ và tào lao với nhau, trao đổi những ý tưởng và từ đó kết nối những ý tưởng mà họ có với những ý tưởng của người khác, hoặc trao đổi với nhau những góc nhìn khác nhau về một vấn đề nào đó.
Tại sao lại là tương tác và giao tiếp trực tiếp khi mà đã có email, zoom, facebook? Vì qua giao tiếp trực tiếp chúng ta có sự ngẫu nhiên, còn qua giao tiếp online, chúng ta chỉ giao tiếp những thứ lặp đi lặp lại như tiến độ công việc, họp lúc nào, người nào làm việc gì,....  và chúng ta chỉ kết nối với những người chúng ta gặp hàng ngày và những người cùng lĩnh vực không có điều gì mới.
Vì thế nếu bạn để ý, một trong những điểm chung giữa hai cuốn "Vương quốc sáng tạo" và cuốn "Tiểu sử Steve Jobs" đó là thiết kế một môi trường làm việc có tính tương tác trực tiếp nhiều nhất có thể tức là khiến mọi người dời khỏi màn hình máy tính và ra ngoài gặp gỡ và tào lao với mọi người.
Hoặc nếu bạn thấy ví dụ sách vở xa vời quá thì ví dụ gần bạn nhất là những quán trà đá vỉa hè. Bạn ngồi ở đó một lúc cộng thêm chút tò mò thôi là bạn gặp đủ các nhóm người từ nhân viên ngân hàng đến grap, từ người cao tuổi cho đến mấy ông trẻ trâu sẽ cho bạn đủ các thể loại ý kiến, các góc nhìn, các câu chuyện trên trời dưới đất thuộc đủ các lĩnh vực từ nhà đất cho đến kinh tế, thể thao,.... mà bạn sẽ không bao giờ có thể tìm thấy nếu bạn cứ dán mắt vào cái màn hình. Nhân tiện, nếu mình nhớ không nhầm thì cuốn "Liêu trai chí dị" bên Tàu là kết quả của việc tác giả ngồi quán vỉa hè và ghi chép lại những câu chuyện của những người qua đường.  
Vậy nên, nếu bạn thấy mình chưa đủ sáng tạo thì bạn cũng đừng nên tự dằn vặt, oán trách bản thân. Nhé!