Kết quả hình ảnh cho ba, mẹ và con gái

Đó là ngày đứa bạn thân của tôi phát hiện ra nó có thai. Nó thông báo tin trọng đại vào một buổi tối khi hội chúng tôi online đông đủ. Tin sốt vó đó được chúng tôi hào hứng hưởng ứng bằng những tràng tin nhắn tới tấp không đọc kịp. Mạnh ai nấy nói! Chúng tôi sướng phát điên vì sắp có một đứa bé xuất hiện trong những buổi hội họp chị em để cả bọn được tranh nhau cưng nựng. 
Khác với niềm vui đơn giản của chúng tôi, nó rầu rĩ hơn nhiều. Khi hai vợ chồng nó hãy còn chật vật với việc kinh doanh riêng mới bắt đầu khởi sắc. Nó bối rối. Nó hoang mang. Và hơn hết, cả hai đứa nó đều chưa chuẩn bị tâm lý để trở thành ông bố, bà mẹ vào thời điểm hiện tại. Nhưng nhỡ rồi, con cái là lộc của trời, chúng tôi đều đồng loạt bảo với nó như vậy. Và dù có rầu rĩ thế nào, nó vẫn cảm thấy mối dây liên hệ mãnh liệt với cái mầm sống bé tí đang lớn dần trong bụng mình.
Rồi những ngày khám thai, nó hí hửng khoe với chúng tôi, bé con đã lớn từng này, từng này. Hôm nay, con bé hạnh họe nó thế này, thế kia. Nó vui lắm! Nó bảo có con cực mà vui…
Cái tính nó lo xa lơ xa lắc. Mà có lẽ vì cái tính đó mà cuộc đời nó khổ nhiều vì người khác. Kể từ ngày biết tin mình có thai, nó đã có một kế hoạch dài dằng dặc chuẩn bị cho 9 tháng sắp tới. Nào là việc chuẩn bị tiền cho 1 phòng dịch vụ khi sinh, nào là tiền dự phòng cho trường hợp sinh mổ, nào là việc lo sắp xếp người thay thế nó nhận show trong những ngày mới sinh xong. Nó còn dạy chồng nó mấy chiêu trang điểm. Và, nó là “mẫu thử”. Cũng ra ngô, ra khoai lắm chứ không phải đùa đâu. Hắn cũng khéo tay phết! 
Hai vợ chồng lao vào kiếm tiền điên cuồng. Thậm chí, những ngày cận sinh, nó vẫn còn miệt mài đi phim trường, make up, chuẩn bị trang phục cho các cặp đôi. Bụng nó đã lớn lắm rồi! Chân nó sưng to đến nỗi không còn mang vừa size giày cho phụ nữ. Nó phải mang đôi dép của chồng. Những người khách nhìn nó bằng sự xót xa xen lẫn thương hại.
Nó có cảm thấy tủi thân không? Có!
Nó có thấy bản thân mình thua thiệt hơn người khác không? Có!
Mà mỗi lần muốn than thở, nó đều xin phép chúng tôi bằng cái câu nói quen thuộc: “Không than với tụi bây thì tao cũng không biết nói với ai!”
Chúng tôi lắng nghe nó. Phụ họa vào cho nó vơi đi những nỗi lo lắng trong lòng. Nhưng ai cũng biết, người mạnh mẽ nhất trong đám tụi tôi là nó. Nó than không phải để người khác xót xa chỉ là để giải tỏa những u uất trong lòng. Nó đủ mạnh mẽ mà. Tôi biết!
---
Tôi còn nhớ, ngày em nó sa chân vào con đường tù tội. Khi đấy, thằng bé còn chưa tròn 18 tuổi. Cả con đường tương lai tươi sáng trước mắt dường như sụp đổ hết. Nó đã khóc cạn nước mắt trong cái ngày hay tin định mệnh ấy. Nó khóc trên vai tôi. Nức nở. Nghẹn ngào. Dường như, nước mắt cả cuộc đời rơi hết vào cái đêm hôm đó. Nhưng đó là lần duy nhất, nó khóc. Nó đứng lên rất nhanh. Những ngày sau, nó chính là chỗ dựa vững chắc để gia đình vượt qua biến cố dù khi ấy, nó chưa tròn 20 tuổi.
---
Nó sinh mổ.
Cái tin đó làm nó hoảng loạn. Không chỉ là sợ đau, nó còn sợ tốn tiền. Và, bọn chúng tôi, mỗi đứa một nỗi niềm lo riêng. Ngoại trừ việc động viên tinh thần nó, chúng tôi chẳng còn gì khác. Nó cũng không muốn làm phiền đến chúng tôi.
Nhưng rồi, nó cũng xoay xở được. Nó được cái không bao giờ chịu khuất phục hoàn cảnh.
Hai vợ chồng nó tự xách giỏ vào bệnh viên.
Chúng tôi đến thăm nó 1 ngày sau đó.
Khuôn mặt nó nhợt nhạt. Nó đang đau. Thỉnh thoảng, trong những câu chuyện bông đùa của chúng tôi, nó lại ngừng một đoạn. Cơn đau đến! Nó đã bắt đầu tập đi. Cái việc đó vô cùng kinh khủng không riêng gì với nó mà nghe kể thôi, chúng tôi cũng phải rợn cả da gà.
Chồng nó chạy lăng xăng như gà mắc thóc. Hắn vẫn còn nhát tay lắm chưa dám bồng bế bé con. Chúng tôi lại có dịp trêu ghẹo đã đời.
---
Hắn và nó đã có một câu chuyện tình yêu rất đẹp. 7 năm yêu nhau từ thời phổ thông. Người ta vẫn tưởng chuyện tình ô mai của tụi nó rồi cũng sẽ kết thúc theo một cách nào đó. Và, chuyện tình thật sự đã kết thúc nhưng kết thúc bằng 1 đám cưới miệt vườn trọn vẹn. Người ta bảo, nó may mắn khi lấy được hắn vì nhà hắn giàu. Nhưng thật ra, hắn mới thật may mắn khi đã có người vợ tuyệt vời như nó. Một người phụ nữ có thể vì hắn mà bỏ cả công việc ổn định để cùng hắn bước ra lập nghiệp khi 2 người chưa có gì là ràng buộc. Một người phụ nữ có thể thay đổi hắn tốt hơn mỗi ngày. Và, một người phụ nữ biết cách cư xử chừng mực, biết kính trên nhường dưới nhưng cũng thẳng thắn, bộc trực thể hiện chính kiến như nó không phải dễ tìm.
---
Hắn đưa chúng tôi ra thang máy và ngượng ngùng nói câu cảm ơn. Vì ít khi, chúng tôi cư xử nhã nhặn với nhau như thế. Những màn đấu khẩu, cà khịa và tạo nghiệp chính là món chính của chúng tôi trong những cuộc gặp gỡ. Hiếm khi nói được lời yêu thương nên việc trao câu cảm ơn ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi cười đáp lễ. Lần đầu tiên, bọn tôi lịch sự với nhau như vậy. Trông đến buồn cười!
---
Buổi trưa nọ.
Cả bọn lại họp mặt nhau ở nhà vợ chồng nó. Nó đi trang điểm cho khách vẫn chưa về. Chỉ có hắn ở nhà. Giờ hắn đã ẵm được bé con. Không còn vụng về, lúng túng mà ngược lại rất thành thạo. Hắn ra dáng ông ba ở nhà lắm đấy chứ! Chúng tôi lại không quên chọc ghẹo.
Hắn bế bé con nằm trên cái ghế dài đặt vào chậu tắm. Thật nhẹ nhàng. Thật khéo léo. Hắn vừa tắm vừa thầm thì những câu chuyện nhỏ. Chúng tôi – Những đứa  con gái vụng về đứng nhìn hai cha con hắn. Cái cảm giác ấm áp lây lan sang cả hai đứa. Thật tự nhiên, chúng tôi nhìn nhau vào đúng phút giây ấy rồi đồng loạt mỉm cười.
Tắm xong, hắn bế bé con đặt vào trong chiếc khăn trải sẵn trong nôi. Thuần thục lau khô. Hắn bôi phấn kĩ càng vào các nếp gấp. Mặc quần áo cho bé con. Lật đật hâm sữa rồi cho bé con bú. Miệng vẫn huyên thuyên những câu chuyện đùa.
Ai rồi cũng sẽ trưởng thành theo một cách nào đó. Mới đây thôi, cũng là hắn, một cậu trai trẻ lúng túng, bối rối trước trọng trách nặng nề là cha của nàng công chúa nhỏ. Và hôm nay, cũng là hắn, nhưng lại là một người đàn ông tỉ mỉ, đầy yêu thương và ấm áp. Quả là một sự thay đổi đến diệu kỳ!
--
Căn nhà thuê của vợ chồng nó bị chủ nhà lấy lại để kinh doanh. Nó phải tìm một nơi ở mới. Công việc kinh doanh gặp khó. Nhà nó rơi vào đợt dịch lợn. Cả chuồng đi tong hết. Cha mẹ dưới quê đã lớn tuổi. Họ đâu còn đủ trẻ để vực dậy công việc kinh doanh của gia đình. Túng quẫn. Bí bách. Rồi lại đem nó ra làm cái cớ để trách cứ. Ăn học đàng hoàng rồi bỏ đi làm công việc tay chân. Nó không giận ông bà. Chỉ thấy xót xa. 
Con chưa đầy tuổi. Vợ chồng đủ thứ lo toan. Tiền nhà. Tiền chợ. Tiền mua bỉm cho con. Tiền gửi về quê. Tiển đầu tư vô cửa tiệm.
Rồi, những ngày vắng khách, hắn đi chạy Grab. Nó thương hắn nhưng biết phải làm sao hơn?
Ông bà nội kêu vợ chồng nó về mà mở cửa tiệm dưới quê. Nhưng, nó quyết bám trụ cái đất Sài Gòn này. Nó muốn con nó có 1 tương lai tốt hơn.
Nó không dám tin vào công việc mà 2 vợ chồng nó đang chọn có đi lên hay không nhưng nó chắc chắn sẽ dành những điều tốt nhất mà nó có thể cho đứa con của mình.
Và, chúng tôi tin nó.
----
Tôi còn nhớ những ngày nó mới mở cái tiệm này. Hai đứa trẻ người non dạ bị người ta gạt chân cho vài cú té khá đau. Khách quỵt tiền. Cộng sự lừa dối. Bị dàn cảnh rồi lấy luôn cái máy ảnh ngay trong cửa tiệm. Rồi thế nào? Cũng tự mình đứng dậy và bước tiếp. Khôn hơn. Đanh đá hơn. Mà cũng sỏi đời nhiều hơn. Hai vợ chồng mày mò tự dựng studio. Tự dựng ngoại cảnh. Làm giá sách. Gắn mấy cây bông giả. Làm ụ rơm. Làm bồ lúa. Trang trí mấy cái vật dụng nhỏ nhỏ xinh xinh. Tự tay hai vợ chồng làm tất.
Tụi nó vẫn còn đầy rẫy những khó khăn trước mặt. “Không than với tụi bây thì tao cũng không biết nói với ai!” - Lâu lâu, nó lại tự dành cho mình vài phút để than thở chuyện cuộc đời bằng cái câu mào đầu như thế. Để rồi, chỉ mấy chục phút sau, những câu chuyện tạo nghiệp của chúng tôi lại bắt đầu. Rôm rả.
Khó khăn không mất đi, nó vẫn hiển hiện ở đó nhưng nó chọn cách chấp nhận, đối mặt và luôn mạnh mẽ để vượt qua.
Vì bây giờ, nó không chỉ sống cho nó mà còn cho thiên thần nhỏ của mình.