Thường thì đã nói đến sếp là phải có chức danh, có quyết định bổ nhiệm và có KPI để cứ thế mà “chiến”, mà trách nhiệm. Nên khi đọc tiêu đề sách “Nhà lãnh đạo không chức danh”, mình đã không khỏi thắc mắc, nếu không có chức danh thì cần chi phải lãnh đạo cho mệt. Nhưng khi tìm hiểu thì mình không khỏi ngạc nhiên khi cuốn sách đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ trên thế giới và riêng tại Việt Nam đã được NXB Trẻ tái bản hơn 20 lần ^^
img_0
Xuyên suốt quyển sách là câu chuyện kể về hành trình học hỏi, trưởng thành của Blake Davis, chàng cựu binh từ chiến trường Iraq trở về, đang loay hoay tìm hướng đi cho mình với công việc hiện tại là nhân viên bán sách. Nhờ có người bạn cũ của cha, Blake đã được gặp bốn người thầy đặc biệt, mỗi người đại diện cho một nguyên tắc cốt lõi của Lãnh đạo không chức danh.
Đó là Anna, cô phục vụ phòng tại một khách sạn cao cấp, luôn nhiệt tình và mong muốn mang lại niềm vui và giá trị cho người khác. Mặc dù công việc của cô không được đánh giá cao trong mắt nhiều người nhưng "bạn không cần chức danh để trở thành nhà lãnh đạo". Đối với Anna, bất kỳ công việc nào cũng phải được làm tốt nhất có thể. Đó là cách để mỗi chúng ta tạo ra giá trị khác biệt, mang dấu ấn thương hiệu của bản thân. Nhờ "sáng tạo trong mọi việc bạn làm" với tất cả tâm huyết và tinh thần trách nhiệm, Anna đã trở thành một người có ảnh hưởng đến những người xung quanh mà không cần phải có chức danh chính thức.
Đó là Tuy, cựu vận động viên trượt tuyết chuyên nghiệp, với triết lý "thời kỳ hỗn loạn tạo nên những lãnh đạo vĩ đại". Đã từng là người chinh phục thành công nhiều con dốc hiểm trở, Tuy rất hiểu cảm giác lo sợ trước những thử thách tưởng chừng như không thể. Nhưng chính trong những lúc khó khăn, thử thách đó con người mới bộc lộ hết tiềm năng và sức mạnh của mình. Hãy vững tin và dũng cảm bước, linh hoạt thay đổi chiến lược phù hợp và tự chịu hoàn toàn trách nhiệm với bản thân mà mỗi chúng ta sẽ ngày càng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Và rồi “ngày đó, ngày đó sẽ không xa và chúng ta là người chiến thắng.”
Đó là người làm vườn Jackson cũng là một cựu CEO. Robin Sharma đã khéo léo liên hệ việc xây dựng các mối quan hệ giống như cách một người làm vườn chăm sóc cây trồng. Chúng ta không thể mong đợi một khu vườn nở rộ ngay sau khi gieo hạt mà cần phải kiên trì chăm sóc để hạt giống phát triển. Tương tự, chúng ta cũng cần đầu tư thời gian, công sức để xây dựng niềm tin, nền tảng của tất cả mối quan hệ tốt đẹp trên thế gian này. Sẽ có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát (thời tiết, khí hậu,…) và việc của mỗi chúng ta làm vẫn cứ là quan sát và làm những gì tốt nhất có thể. Tương tự, trong các mối quan hệ, chúng ta không thể kiểm soát tất cả suy nghĩ, cảm xúc, hành vi,… của người khác. Nhưng may mắn là chúng ta có thể kiểm soát được cách nghĩ, cách hành xử của mình để giữ gìn các mối quan hệ. Kinh doanh luôn gắn liền với mối quan hệ, mối quan hệ với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác…. Mối quan hệ càng khắng khít, tốt đẹp thì kết quả chúng ta nhận được sẽ càng cao, cũng giống như một khu vườn nếu được chăm sóc tốt sẽ mang lại hoa thơm và trái ngọt.
Cuối cùng là câu chuyện của Jet, một bậc thầy vật lý trị liệu với bàn tay “ma thuật”, người đã giúp vô số bệnh nhân phục hồi sau chấn thương. Hãy là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, hãy “dành những năm tháng làm việc tốt nhất để làm những điều có thể còn lại mãi ngay cả sau khi anh chết”. Chính mỗi cá nhân chúng ta phải có trách nhiệm rèn luyện sức khỏe bản thân và mở khóa cho những gì tốt nhất ở mình. Điều quan trọng của cuộc đời là con người chúng ta trở thành, những giá trị chúng ta mang lại và những điều chúng ta sẽ để lại khi rời xa.
Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi bài học là một mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh toàn cảnh về triết lý lãnh đạo độc đáo này. Với lối kể chuyện lôi cuốn, ngôn từ giản dị nhưng đầy sức nặng khiến người đọc dễ dàng tiếp nhận và ứng dụng những bài học giá trị vào cuộc sống. "Nhà lãnh đạo không chức danh" cuốn sách dành cho những ai muốn trở thành phiên bản tốt hơn bằng cách làm “sếp” của chính mình.