Nguyên tắc cơ bản và cách kiểm chứng để nâng cao kỹ năng đọc - hiểu
Dưới vai trò một biên tập viên, tác giả, chắp bút và đồng thời là “con chiên” trong việc đọc - phân tích. Mình phải tiếp xúc với rất...
Dưới vai trò một biên tập viên, tác giả, chắp bút và đồng thời là “con chiên” trong việc đọc - phân tích. Mình phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin đến từ con chữ, cũng như xuất ra thứ gì đó để con người có thể dung nạp hàng ngày.
Có thể nói, kiến thức là vô vàn, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Nhưng liệu khi đứng trước một bể trời mênh mông đó, chúng ta có dám tự tin rằng bản thân đã đủ tinh tuệ trong việc chọn lọc và tiếp thu thông tin một cách hiệu quả?
Ngay cả chính mình cũng không dám chắc được điều đó. Vậy nên, thông qua sự tìm hiểu, cũng như quá trình đúc kết kinh nghiệm từ bản thân. Dưới đây, mình xin rút ra những nguyên tắc cơ bản và cách kiểm chứng thông tin từ những gì đã thu nạp để đem lại hiệu quả tốt nhất. Hy vọng có thể giúp mỗi chúng ta nâng cao kỹ năng đọc - hiểu trên hành trình phát triển bản thân mình nhé!
Đầu tiên, hãy XÁC ĐỊNH NHU CẦU BẢN THÂN
Đây là bước để bạn chọn ra chủ đề (Topic) mà bản thân muốn tìm hiểu để đi sâu. Dĩ nhiên rồi, làm gì có ai muốn trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào hay chí ít là như vậy, mà lại không xác định được rõ ràng nhu cầu của bản thân như thế nào.
Ở phần này, đối với những bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, chúng ta nên dành ra khoảng thời gian để nhìn lại, liệt kê tất cả các sở thích, cũng như thế mạnh mà mình có thể hoặc mong muốn phát triển. Sau đó, tự hỏi bản thân một số câu mở như: “Tại sao tôi muốn tìm hiểu về lĩnh vực/chủ đề này?”, “Nó đem lại giá trị gì cho tôi và người khác?”...
Mình có thể lấy ví dụ về bản thân. Vốn là một người thích quan sát, mong muốn hiểu được nguyên nhân trong cách hành xử và quy trình tiếp diễn của con người, sự vật, sự việc. Vậy nên, mình đã tìm đến bộ môn tâm lý học.
Nhưng đối với mình, nếu chỉ dừng lại ở bước nhận biết và hiểu thôi thì chưa đủ. Quá trình nghiên cứu đó quả thực có đem lại giá trị cho cá nhân, nhưng về lâu về dài, khi nhận thấy nhu cầu từ phần lớn mọi người về khía cạnh tinh thần. Một lần nữa, mình ngồi lại với danh sách điều muốn làm và thế mạnh tiềm năng, từ đó dần tìm ra chủ đề mà bản thân sẵn sàng để khai phá tiếp theo.
Hành trình chữa lành và đến với “thế giới 5D” bắt đầu từ đó.
NẮM BẮT VÀ PHÂN LOẠI Ý TƯỞNG
Sau khi xác định được nhu cầu về chủ đề bản thân muốn tìm hiểu. Bước tiếp theo, mình thường gọi là “người quan sát phân loại”. Nghĩa là khi đứng trước một thông tin nào đó dạng văn bản, chúng ta ý thức được mình cần tìm ý tưởng chính, ý tưởng phụ và bằng chứng bổ sung cho chủ đề. Hoặc có thể hiểu là luận điểm (LĐ), luận cứ (LC) và dẫn chứng liên quan. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không đưa ra nhận định (kết luận, đánh giá, phán xét) mà đơn giản chỉ là quan sát thôi.
Khi đọc từ đầu đến cuối và đảm bảo đã tìm ra được các ý rồi. Tiếp đến, chúng ta hãy dành thời gian để phân loại chúng, nhóm các ý tưởng “cùng màu” lại với nhau, đặc biệt là ý chính (main points) trong bài.
Ví dụ, LĐ1-LĐ2-LĐ3 vào nhóm màu xanh, LC1-LC2-LC3 vào nhóm đỏ, tương tự với dẫn chứng. (Màu sắc ở đây mang tính tượng trưng)
Phương pháp này gọi là Color Coding (**), nó sẽ hữu ích cho chúng ta trong việc hiểu khái quát và nắm được vấn đề. Ngoài ra, đây còn là một cách sắp xếp thông tin có tổ chức, giúp chúng ta dễ dàng tìm kiếm khi cần thiết.
Đây là cách mình đã áp dụng cho những quyển sách dài (Fiction, Non-Fiction, Semi-Fiction) để đưa ra bản tóm tắt đầy đủ ý và ngắn gọn nhất.
KIỂM CHỨNG THÔNG TIN
Ở bước này, bạn không còn là vai trò “người quan sát phân loại” nữa mà chuyển sang “kiểm duyệt viên” khó tính. Tại sao mình lại nói khó tính? Bởi vì giai đoạn này, bạn cần sàng lọc và quyết định xem thông tin nào phù hợp để đưa vào não bộ. Tất nhiên, sẽ có rất nhiều nghi vấn, giả định, tính liên hệ được đặt ra để phục vụ quá trình này.
Dưới đây là 6 đặc điểm chính sẽ giúp chúng ta trong việc phân tích và kiểm chứng thông tin (*):
- Có sự khớp nối trong mục tiêu (purpose) và mục đích (goal) (**)
- Đặt ra câu hỏi, vấn đề của bản thân để liên hệ
- Thông tin, dữ liệu và bằng chứng đưa ra phải có sự liên quan mật thiết với mục tiêu và mục đích
- Nhận định hoặc suy luận để đưa ra kết luận phải dựa trên thông tin, dữ liệu và bằng chứng được trình bày
- Quan điểm hoặc khung tham chiếu có sự khớp nối với nhau
- Giả thuyết, khái niệm và ý tưởng có tính liên kết chặt chẽ
THU THẬP THÔNG TIN
Đây là bước cuối cùng trong 4 nguyên tắc cơ bản giúp chúng ta nâng cao kỹ năng đọc - hiểu của bản thân. Cụm từ “thu thập thông tin” hay còn được biết đến là “take away” thường xuất hiện ở dưới cuối mỗi bài học. Nó cũng được áp dụng tương tự với thông tin mà chúng ta tiếp nạp.
Sau khi trải qua bước kiểm duyệt viên khó tính, ta đã chọn lọc được thông tin đúng đắn và phù hợp với bản thân. Vậy nên, việc cần làm bây giờ chỉ là thu lượm và thực hành thôi.
Kết luận lại, quá trình hoàn thiện bản thân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Biết được mình cần gì, muốn gì có lẽ cũng phải mất cả một khoảng thời gian. Vậy nên, điều quan trọng là cứ đi đi, chậm cũng được, miễn là đừng dừng lại.
(*): Adapted from Paul, R., & Elder, L. (2007). The miniature guide to critical thinking: Concepts and tools. Dillon Beach, CA: The Foundation for Critical Thinking Press
(**) Tham khảo thêm: http://www.differencebetween.net/miscellaneous/difference-between-purpose-and-goal/
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất