Nguồn gốc các loài – Charles Darwin
Nguồn gốc các loài. Mình đọc bản dịch của Trần Bá Tín, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu. Cảm ơn Bá Tín vì bản dịch. Mỗi bản dịch không bao...
Nguồn gốc các loài. Mình đọc bản dịch của Trần Bá Tín, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu. Cảm ơn Bá Tín vì bản dịch. Mỗi bản dịch không bao giờ là hoàn hảo đối với tất cả mọi người nhưng đó là cả một công trình nên mình rất trân trọng.
Nguồn gốc các loài. Đây là một bản ghi chép lại một số nghiên cứu của Darwin do chính ông thực hiện. Mình nghĩ rằng nếu bạn thích khám phá về tự nhiên, thích đọc nghiên cứu đặc biệt về sinh học, thực vật học, sơ lược địa chất học. Mình chắc rằng bạn sẽ rất thích cuốn sách này. Vì sách hay đối với mình phải đúng chủ đề mà người đọc muốn tìm hiểu, không phải theo số đông hay theo lời bình (review), vì lúc đó bạn biết bạn cần gì và có được gì sau khi đọc một cuốn sách hơn là một sự tò mò.
Cuốn sách có 14 chương xoay quanh các vấn đề như biến đổi thuần hóa, biến đổi tự nhiên, đấu tranh sinh tồn, chọn lọc tự nhiên, quy luật biến đổi, những khó khăn về mặt lý thuyết, bản năng, sự lai giống, nhược điểm của cứ liệu địa chất, sự tiếp biến về mặt địa chất của các sinh thể, phân bố địa lý (2 chương), mối quan hệ qua lại giữa các sinh thể và kết luận.
Sự khác nhau giữa biến đổi thuần hóa và biến đổi tự nhiên? Mình không tìm được câu trả lời trong cuốn sách, cái mình tìm được là giải thích về biến đổi. Những biến đổi thuần hóa không hẳn xuất phát từ việc sinh sản, có những biến đổi được tạo ra từ thói quen, tập quán, khí hậu và môi trường xung quanh. Biến đổi tự nhiên chỉ ra loài có nhiều chủng loại sẽ có nhiều biến đổi đa dạng hơn loài có quy mô hạn chế. Biến đổi do thuần hóa hay do tự nhiên nếu được di truyền qua nhiều thế hệ thì biến đổi đó mang tính sống còn. Cũng có những biến đổi lặp lại qua bao đời mà không đem lại bất cứ lợi ích nào cho loài. Những biến đổi thuần hóa và biến đổi tự nhiên vẫn tiếp tục cho đến thời điểm hiện tại và nghiên cứu của Darwin đã xây dựng nên nền tảng cho những nghiên cứu về biến đổi sau này.
Đấu tranh sinh tồn. Nếu không có đấu tranh sinh tồn Darwin ghi chép “nếu không bị tiêu diệt thì mỗi sinh vật sẽ gia tăng một cách tự nhiên ở tốc độ rất cao đến nổi Trái đất chẳng bao lâu sẽ ngập tràn con cháu từ một cặp sinh vật mà thôi” [1] và loài người được xếp vào loài sinh sản chậm nhưng sẽ chật kín chỗ đứng sau vài ngàn năm. Đấu tranh sinh tồn không chỉ là cuộc chiến giữa các cá thể mà còn là sự chọn lọc cho các thế hệ sau. Chính điều này cũng dẫn đến sự xuất hiện của nhiều loài độc lập, riêng biệt thậm chí khác xa hoàn toàn với loài khởi sinh. Để dẫn chứng cho điều này, Darwin đã ưu ái cho chương Đấu tranh sinh tồn những ví dụ cụ thể và kết quả của những thực nghiệm mà ông đã làm như với loài ong nghệ, nếu không có ong nghệ thụ phấn cho hoa bướm dại (heartsease-viola tricolor) thì loài hoa này sẽ tuyệt chủng vì hoa này không được sự chú ý của những loài ong khác. Việc đấu tranh sinh tồn được Darwin nhận xét như những trận chiến, “trận chiến bên trong trận chiến đang tái diễn với thắng lợi thay đổi và nhìn toàn cảnh thì các lực lượng cân bằng nhau rất tinh vi đến nổi khuôn mặt của tự nhiên vẫn không đổi sau thời gian dài mặc dù chắc chắn một tí nhỏ nhặt nhất cũng đem lại chiến thắng cho sinh vật này so với sinh vật kia”[2].
Chọn lọc tự nhiên. Câu hỏi được Darwin đặt ra trong chương này là tự nhiên có thực hiện chọn lọc tính trạng như con người hay không? Những tính trạng hay cá thể được sinh ra liệu có được tồn tại và sống sót? Không như con người, ta dừng lại khi đạt được những tính trạng mong muốn, thành phẩm ta cho là hoàn hảo thì khi nào chọn lọc tự nhiên sẽ dừng lại? Sự chọn lọc tự nhiên diễn ra từng giây, từng phút, từng ngày, từng giờ khắp mọi nơi âm thầm và vô tình. Một quá trình chậm chạp mà ta chỉ thấy kết quả sau một thời gian rất dài cho đến khi con người kịp nhận ra. Một màu lông khác biệt có thể làm một giống gà gô bị hủy diệt, đó là chưa kể đến môi thường sống, tác động khác.v.v. Sự chọn lọc này sẽ diễn ra theo mùa, theo một thời điểm nhất định của mỗi loài. Khi sự chọn lọc tự nhiên diễn ra sẽ có lợi hay hại cho chính loài đó, những tính trạng có thể phân ly, di truyền và cũng có thể dẫn đến tác động to lớn là tuyệt chủng. Sau khi đọc chương này mình hiểu được rằng Trái đất, bản thân nó cũng có sự chọn lựa riêng. Thiên tai, dịch bệnh, nếu không xét những yếu tố khoa học thì mình nghĩ đó cũng chính là công cụ để Trái đất thực hiện hay thúc đẩy một quá trình chọn lọc tự nhiên cho bản thân.
Đây chỉ là chương mình thích, nếu bạn thích tìm hiểu về sự chọn lọc tự nhiên, bạn hãy từ từ nghiền ngẫm nghiên cứu của Darwin nhé!
[1] và [ 2] . Trích theo bản dịch của Trần Bá Tín.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất