Cuối tháng 12 thi xong môn cuối, nó có nghĩa là đầu năm sau mình có thể đi làm chính thức chứ không phải làm chui với tranh thủ từng xíu một (đến là khổ) như mấy năm rồi. Vậy nên dạo này mình bắt đầu tìm việc và ứng tuyển dần.
Chuyện sẽ chẳng có gì để kể nếu như tối nay mình không phải trả lời một câu thế này: Please describe the most difficult situation in your life. (Miêu tả tình huống khó khăn nhất trong cuộc đời bạn)
*(Các bạn ạ, khóc ra nước mắt luôn vì lúc điền đơn mình đọc nhầm thành Imagine the most difficult situation in your life! (Tưởng tượng tình huống đen tối nhất có thể xảy ra với bạn) Cơ mà kệ đi, vì hiểu sai nên mình mới có ý để viết bài này…)
Đại thể là, lúc đó, mình chỉ nghĩ đến đúng cái chết, rồi nghĩ về việc mình mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo. Mình đã trả lời (một cách sai yêu cầu) thế này:
“The most difficult situation in my life would definitely be when I get into a fatal disease but still have to worry about money for treatment options, have not achieved something worth remarking my existence among my community, have no significantly good impacts on someone that makes them deeply regret (except for my family)
It is hard to imagine what I would do in that situation, but this question does help me realize what have been driving my decisions and actions every day.”
Giờ thì mình thấy may mắn vì đã hiểu sai câu hỏi, để vô tình ý thức được sâu sắc gốc rễ cái mình sợ nhất là gì, tại sao mình lại có xu hướng làm điều này điều kia, nghĩ thế này thế kia.
Mình nhận ra mình sợ chết. Không phải sợ việc tim ngừng đập, mà sợ bản thân tồn tại hay không cũng chẳng khác nhau là mấy.
042b5b3d823a7b64222b (1).jpg

Lúc bà mình mất, trong lễ viếng, người ta có đọc lại tiểu sử của bà lên như này: “Bà TTK, sinh ra và lớn lên ở …, sinh thời đã công tác ở …, làm được điều …, được anh chị bạn bè đồng nghiệp quý mến … ”
Mình rất nhớ cái khoảnh khắc đấy, vì trước đó mình tưởng chỉ các nhân vật lịch sử mới được ghi lại tiểu sử để nhớ công ơn. Hóa ra ai cũng có. Chỉ là các thế hệ về sau có ý chí lưu truyền hay không thôi. Và điều mình sắp nói có thể nghe rất ngu ngốc, nhưng mình nghĩ đến đám tang của mình trong chính đám tang của bà, các cậu ạ. Ngay khoảnh khắc đó, mình đã nghĩ rằng: “Khi người chủ trì đọc tiểu sử của mình lên, gia đình và người thân, bạn bè, đồng nghiệp cảm thấy tự hào, cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy được truyền động lực/ cảm hứng để sống và cống hiến nhiều hơn, tích cực hơn, ý nghĩa hơn.”
Nó lý giải cho việc mình trả lời trong đơn là: “have not achieved something worth remarking my existence among my community” (mắc bệnh hiểm nghèo trong khi không đạt được cái gì đánh dấu sự tồn tại của tôi trong phạm vi cộng đồng xung quanh)
Tiếp đến, mình hình dung ra thất bại lớn nhất trong đời là lúc mình chết mà không ai khóc thương, khóc vì tiếc sự ra đi của mình. Có lẽ đó là lý do mình ấn tượng sâu sắc cái Hiệu ứng cánh bướm/ Butterfly Effect mà D.Đ khai sáng cho. Hiểu đơn giản là mỗi hành vi dù là nhỏ nhất của một người đều có sự lan tỏa/ ảnh hưởng tới những thứ xung quanh. Cái quy luật này khiến mình trân trọng mọi khoảnh khắc, và cố gắng điều phối hành vi bản thân sao cho tác động của mình lên xã hội này là tốt, để điều tốt lan tỏa chứ không thả điều xấu lạc trôi.
Vậy nên mình viết “have no significantly good impacts on someone that makes them deeply regret (except for my family)” (chết mà không để lại tác động tốt đến ai đó, không tính gia đình, đủ khiến họ cảm thấy tiếc nuối sâu sắc)
Và vượt qua những điều bay bổng đó, mình ý thức bản thân cần thực dụng, cần rất nhiều tiền. Mình viết trong đơn là: “when I get into a fatal disease but still have to worry about money for treatment options” (khi tôi mắc bệnh hiểm nghèo mà vẫn phải lo vụ tiền bạc để trọn liệu trình chữa trị hợp ví)
Riêng với điều này, mình không chỉ sợ cho mình, mà cho cả bố mẹ, người thân mình nữa. Cái này quá rõ ràng, và chẳng cần viết dông dài thêm nữa nhỉ?
Kết bài, mình phải học lại tiếng Anh để trả lời đúng câu hỏi thôi…
---
Nghe có vẻ ngu ngốc tiếp, nhưng mình viết blog một phần đề con cháu sau này không chỉ biết mình qua cái ảnh thờ, hy vọng chúng nó học được gì đó: https://nalinhblog.wordpress.com/