Đây là bài dịch tiếp theo của mình liên quan tới chủ đề Bơm sinh học (Biotic pump). Nếu như ở bài trước, mình dịch bài giới thiệu khái quát về lý thuyết bơm sinh học thì ở bài này sẽ cho thấy nó góp phần giải thích vào quá trình gây hạn hán được cho rằng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh Maya. Tuy thông tin của bài không có tính thời sự nhưng vẫn nhắc nhở chúng ta một bài học lịch sử đáng giá về việc bảo vệ rừng-ngôi nhà của loài người. Link bài gốc: https://news.mongabay.com/2011/12/evidence-mounts-that-maya-did-themselves-in-through-deforestation/
Các nhà nghiên cứu đã thu thập thêm bằng chứng cho giả thuyết về nguyên nhân của sự sụp đổ nền văn minh Maya vĩ đại: đó là sự phá rừng. Tại hội nghị của Liên minh Địa Vật lý Hoa Kỳ (AGU), nhà khí hậu học Ben Cook đã trình bày nghiên cứu gần đây cho thấy việc tàn phá rừng nhiệt đới của người Maya cuối cùng dẫn đến sự suy giảm lượng mưa và có thể là cả hạn hán gây rung chuyển nền văn minh này. Mặc dù ý tưởng cho rằng người Maya có thể đã tự hại mình về mặt sinh thái thông qua việc phá rừng đã được thảo luận rộng rãi, và trong cuốn sách nổi tiếng Collapse (Sụp đổ) của Jared Diamond cũng được nhắc đến, nhưng phát hiện của Cook càng làm tăng thêm sức nặng cho giả thuyết. Mô hình của Cook và các đồng nghiệp chỉ ra rằng sự thay thế rừng nhiệt đới bằng nông nghiệp dẫn đến sự gia tăng công xuất phản xạ của mặt đất, được gọi là suất phản chiếu (albedo) (1). Sự gia tăng hệ số phản xạ này đã làm thay đổi các mô hình về mưa.
Khu di tích Tulum (2). Ảnh được chụp bởi Rhett A. Butler
"Đất nông nghiệp và đồng cỏ hấp thụ năng lượng từ mặt trời ít hơn một chút so với rừng nhiệt đới vì bề mặt của chúng có xu hướng nhẹ hơn và phản xạ nhiều hơn", Cook giải thích với Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA (GISS) và Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia, thành phố New York, trong một bản tin của AGU. "Điều này có nghĩa là ít năng lượng tham gia hơn trong quá trình đối lưu và tạo mưa."
Trước khi Columbus tìm ra châu Mỹ, đế quốc Trung Mỹ này đã chặt phá rừng trên diện rộng để nuôi dân số ngày càng tăng. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng họ đang làm sự sụp đổ của mình ngày càng trầm trọng. Khoảng sau năm 900 sau Công nguyên một chút, nền văn minh Maya đã hầu như sụp đổ.
Để làm rõ giả thuyết này, Cook đã mô phỏng thảm thực vật che phủ một cách chi tiết và chính xác ở bán đảo Yucatan (3) trước và sau khi xảy ra sự sụp đổ. Sự mô phỏng này cho thấy ở bán đảo Yucatan vào khoảng thời gian từ năm 800 đến 950 sau Công nguyên, chỉ một lượng mưa nhỏ còn sót lại.
Chạy mô hình khí hậu với dữ liệu mới, Cook nhận thấy một sự thay đổi rõ ràng: lượng mưa nói chung giảm từ 10 đến 20%. Ảnh hưởng nhiều nhất xảy ra xung quanh các trung tâm dân cư đông đúc của người Maya. Trong giai đoạn cuối cùng của người Maya, từ 800 đến 950 sau Công nguyên, lượng mưa đã giảm 20%. Các mô hình này cũng phù hợp với những ghi nhận về lượng mưa của thời kỳ này lấy từ dữ liệu măng đá hang động (4).
Mô hình khí hậu mới thể hiện sự tương ứng giữa hiện tượng giảm lượng mưa với tình trạng suy thoái rừng ở Trung Mỹ thời kỳ tiền Columbia. Hình này cho thấy bao nhiêu phần trăm lượng mưa giảm trong khoảng thời gian từ năm 800 đến năm 950 sau Công nguyên. Đây cũng là giai đoạn mà nền văn minh Maya đạt đỉnh điểm về dân số và đột ngột sụp đổ. (Credit: Ben Cook, GISS)
Tuy nhiên, Cook nói rằng có thể có nhiều hơn một nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của người Maya. "Tôi không tranh luận rằng phá rừng gây ra hạn hán hoặc điều này chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự suy tàn của người Maya, nhưng kết quả của chúng tôi cho thấy rằng phá rừng có xu hướng làm biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán và khoảng một nửa vùng khô hạn trong thời kỳ tiền thuộc địa chính là kết quả của việc phá rừng, "ông nói.
Nhưng một trận hạn hán lớn sẽ làm tê liệt nền nông nghiệp đối với dân số ngày càng tăng, làm cạn kiệt nguồn nước thiết yếu và có khả năng gây mất ổn định về mặt chính trị và tôn giáo. Những phát hiện của Cook đã củng cố cho một nghiên cứu trước đó được thực hiện bởi Robert Oglesby vào năm ngoái, cũng cho rằng nạn phá rừng đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của Maya.
Sau sự sụp đổ của người Maya, nền văn minh Aztec đã trỗi dậy trong khu vực này. Tuy nhiên, nền văn minh này đã suy tàn bởi bệnh đậu mùa và bởi cuộc xâm lược có quy mô nhỏ của người Tây Ban Nha vào năm 1519. Được phát tán bởi người châu Âu, bệnh đậu mùa được cho là đã giết chết một số lượng người dân bản địa đáng kể, dù điều này vẫn còn đang tranh cãi. Giữa năm 1500 và 1650 sau Công nguyên, rừng được phục hồi do sự suy giảm về dân số.
Các nhà khoa học trong những năm gần đây đã bắt đầu gia tăng tìm mối liên kết giữa các mô hình về mưa với các khu rừng nhiệt đới. Một nghiên cứu vào năm 2005 của NASA đã phát hiện ra rằng khói từ những khu rừng bị đốt cháy ức chế sự tạo ra mây, làm giảm lượng mưa. Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2009 đăng trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia cho thấy nạn phá rừng lịch sử ở Trung Quốc và Ấn Độ đã thay đổi gió mùa, làm giảm lượng mưa ở Trung Quốc 10% và Ấn Độ 30%. Hậu quả có thể vượt ra khỏi phạm vi khu vực xảy ra nạn phá rừng: theo NASA, rừng Amazon ảnh hưởng đến lượng mưa từ Mexico đến Texas; rừng nhiệt đới Trung Mỹ ảnh hưởng đến lượng mưa ở Trung Tây (Midwest) (5); và các khu rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á ảnh hưởng đến lượng mưa ở Trung Quốc và Balkan. Tuy nhiên, lý thuyết cấp tiến nhất của hai nhà khoa học Nga, Victor Gorshkov và Anastassia Makarieva, cho rằng rừng chính là động lực chính dẫn đến lượng mưa toàn cầu. Hoạt động như những máy bơm, rừng đẩy lượng mưa từ các khu vực ven biển vào sâu trong nội địa. Nói cách khác, mất rừng có thể gây ra hạn hán cho các trung tâm lục địa, ví dụ như hạn hán ở Úc có thể được giải thích là do mất rừng ven biển trên diện rộng.
Ngoài việc tạo ra mưa, rừng còn cung cấp nhiều lợi ích cho con người: nơi lưu trữ carbon, nơi bảo tồn phần lớn sự đa dạng sinh học của thế giới, cung cấp dược phẩm cứu người, nơi bảo vệ các hồ chứa nước ngọt rộng lớn và bảo vệ các nền văn hóa bản địa.
Nếu giả thuyết cho rằng người Maya đã diệt vong là do phá rừng thì nó cung cấp một bài học rõ ràng cho thế giới ngày nay. Theo một phân tích gần đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), thế giới đã mất 72,9 triệu ha rừng từ năm 1990 đến 2005, một diện tích gấp đôi diện tích của nước Đức. Khai thác gỗ, canh tác độc canh, nông nghiệp quy mô lớn, khai thác mỏ, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, xây dựng đường sá và các hoạt động khác là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy thoái rừng hiện nay trên thế giới.
Cook cho biết: "Chúng ta có thể thấy những điều này xảy ra một lần nữa", ông ám chỉ vào tình trạng mất rừng hiện nay ở Trung Mỹ.
Chú thích (Các chú thích dưới đây lấy từ nguồn wikipedia):
1. Albedo (Suất phản chiếu): là khái niệm liên quan đến hiện tượng phản xạ khuếch tán (diffuse reflection) hoặc công suất phản xạ của bề mặt. Nó được định nghĩa bằng tỷ số giữa bức xạ tản phát ra từ bề mặt so với bức xạ chiếu đến bề mặt đó.
2. Khu di tích Tulum: là một thành phố Maya thời kì tiền Columbia. Khu di tích này nằm trên những vách đá cao 12 m dọc theo bờ biển phía đông bán đảo Yucatan ở bang Quintana Roo, Mexico.
3. Bán đảo Yucatan: nằm tại đông nam Mexico, tách biệt biển Caribe với vịnh Mexico, bờ biển phía bắc của bán đảo nằm bên eo biển Yucatán. Bán đảo nhằm ở phía đông của eo đất Tehuantepec, một phân vùng địa lý chia tách Trung Mỹ với phần còn lại của đại lục Bắc Mỹ.
4. Măng đá (stalagmite): là một dạng trầm tích hang động phát triển từ nền hang động đá vôi lên, với hình măng, nón thấp nhỏ... được thành tạo do kết tủa cacbonat canxi (CaCO3) từ nước chảy qua đá vôi ở trần hang động, cao dần dần trên nền hang động.
5. Midwest (Trung Tây Hoa Kỳ): Thuật ngữ "Midwest" hay có nghĩa "trung tây" là một thuật ngữ sai nghĩa vì phần lớn vùng này nằm trong nửa phía đông của Hoa Kỳ. Vùng này bao gồm 12 tiểu bang nằm ở giữa và phía bên trong đông bắc Hoa Kỳ: Illinois, Indiana, Iowa, Kansas, Michigan, Minnesota, Missouri, Nebraska, Bắc Dakota, Ohio, Nam Dakota, và Wisconsin.