Bạn đã bao giờ gặp một công việc nào mà đủ khiến bạn buông bỏ nguyên tắc, lối sống và thậm chí là chấp nhận thay đổi mình để dung hoà với nó chưa? Mình đã từng không tin vào điều này! Nhưng hiện tại, sau ba năm, nhìn lại chặng đường đã qua, thực sự mình đã thay đổi quá nhiều. Đến mức khó có thể nhận ra, để thích hợp hơn với công việc mình đã chọn.
Mình từng là một người luôn thu mình vào vỏ ốc. Mình không thích giao tiếp với ai cả. Mình từng được leader gặp riêng để hỏi liệu có muốn tiếp tục làm ngành này không mà sao không chịu mở lòng ra. Mình cũng từng muốn từ bỏ vì nó quá khác biệt với con người mình. Nhưng cuối cùng, mình lại không!
Nếu bạn cũng là một người hướng nội như mình và đang cảm giác vô chừng trên con đường quảng cáo sôi động trái ngược với chính mình, thì hãy đọc bài viết này nhé! Bài viết này dành cho bạn.

I. Bạn có phải là người hướng nội không?

Mình không nói mình là điển hình trong giới hướng nội nhưng mình có rất nhiều giới hạn khi tiếp xúc với người khác. Những giới hạn vô hình do chính mình đặt ra.

Về tính cách: mình khó gần và siêu cấp hướng nội. Bất kỳ ai quen biết mình đủ lâu cũng sẽ nhận thấy điều này. Không chỉ thế, bề ngoài mình còn lãnh đạm và ít thể hiện cảm xúc. Người hướng nội thường có cảm giác rất mệt mỏi và mất năng lượng mỗi khi phải tiếp xúc với nhiều người. Mỗi ngày, mình đều sẽ cuộn mình trong chăn và im lặng một chút để lấy lại năng lượng, thường là trước khi đi ngủ. Đôi khi, mình sẽ chẳng nói chuyện với ai cả, siêu cấp im lặng,
Điều này hoàn toàn trái ngược với người hướng ngoại, họ rất yêu thích và cảm giác năng lượng hơn khi được tiếp xúc với nhiều người. Vì thế, họ rất thích hợp làm các công việc yêu cầu quảng giao và năng động như quảng cáo, bán hàng, tư vấn v.v…
Một vài dấu hiệu cơ bản xác định bản thân là người hướng nội:
Bạn không thích tiếp xúc với người lạ, khi gặp người lạ bạn không phải là người mở đầu câu chuyện mà hay chờ đối phương bắt đầu trước?
Bạn thích ở một mình và chìm trong suy nghĩ của bản thân hơn là cùng ai đó nói chuyện tâm sự?
Bạn thường ngại thể hiện mình ở nơi công cộng, và nếu có buổi tiệc (hoặc họp mặt) bạn sẽ là người ngồi một góc để nhìn mọi người hơn là đứng lên khuấy động không khí?
Đối với bạn, việc ở một mình hai ngày cuối tuần, thậm chí nhiều hơn rất thoải mái chứ không hề khó khăn chút nào?
Nếu lên một chiếc xe buýt hay xe khách, bạn là người chọn vị trí cuối hoặc kề cuối, thay vì đầu hoặc giữa xe?
Bạn không thích những cuộc gọi đến, và có xu hướng né tránh nếu có thể?
Đặc biệt, bạn thích viết lách, vẽ tranh hay viết nhạc, thích được nói lên suy nghĩ của mình thông qua các phương tiện khác chứ không phải là lời nói. 
Điều này chính là một lý do khiến giới nghệ thuật đa phần là người hướng nội.
Bạn có thể test ở đây: Test hướng nội hay hướng ngoại. (tiếng anh nha)
Người viết lách thuộc tuýp hướng nội rất nhiều. Nguyên nhân thường là vì trong đầu của người hướng nội có rất nhiều suy nghĩ, thắc mắc và cả nỗi niềm chẳng thể tỏ cùng ai. Họ thường sẽ tìm cách nói ra trên các trang giấy, bài thơ, văn, v.v…

II. Rào cản người hướng nội có thể gặp phải khi làm quảng cáo

Ngành Marketing hay môi trường quảng cáo không yêu cầu bạn phải hướng ngoại nhưng không phủ nhận những bạn hoà đồng vui vẻ hài hước dễ hoà nhập hơn. Lý do chính là vì ngành này đòi hỏi bạn phải liên tục thay đổi, tiếp xúc với người này người kia, học cách giao tiếp và làm việc với người khác, chủ động nêu ra ý kiến của mình để giải quyết vấn đề, v.v…
Mình từng suy nghĩ rất nhiều liệu có nên tiếp tục làm công việc này không? Mình không biết các bạn hướng nội khác như thế nào nhưng cá nhân mình khá khó tiếp xúc với người khác và cũng khó bộc lộ cảm xúc dễ dàng. Mỗi khi có cuộc họp sảy ra, mình là kẻ ngồi im lìm một góc và lắng nghe tất cả mọi người nói. Mình ít khi nào nói lên quan điểm nếu nó chưa được chắc chắn.
Rất nhiều thời điểm, mình không thích bản thân như vậy, mình cũng từng hoài nghi con đường này chọn có đúng không? Khi mà rất nhiều việc yêu cầu trái ngược hẳn với điều mình vốn có.

Có chị leader hẹn mình ra gặp riêng và bảo: “Em ít nói như thế sẽ ảnh hưởng đến mọi người. Nếu em muốn tiếp tục làm ngành này, muốn hoà nhập thì em phải thay đổi”
Mình cũng không hề chủ động như hiện tại. Điều đó khiến mọi người không nắm được ý nghĩ thật sự của mình. Đối với ngành quảng cáo nói chung và môi trường agency nói riêng, bạn nhất định phải chủ động mới trở nên dễ dàng hơn.
Không chỉ riêng gì quảng cáo, mà trong cuộc sống hiện nay, việc là một người hướng nội mang lại khá nhiều rào cản giao tiếp khiến chúng ta khó mà hoà đồng vào với mọi người xung quanh.
Nếu bạn, đã và đang, cảm thấy việc tiếp xúc nhiều người làm tinh thần trở nên mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng mỗi ngày.
Nếu bạn cố gắng tập luyện cách làm mình trở nên hướng ngoại hơn như nói cười, hoà hợp…
Nếu bên trong bạn liên tục bảo rằng bạn không hợp, nhưng vẫn lờ đi và ráng thêm chút nữa…
… mình muốn nói rằng BẠN THẬT GIỎI. Bạn đã đi được tới bước này rồi!

III. Nhưng hướng nội cũng là một món quà

Tại sao vậy?
100% người hướng nội có suy nghĩ thấu đáo và thường chìm vào thế giới nội tâm.
Nhưng người này luôn có khả năng thấu cảm và sáng tạo cao. Họ thường chiêm nghiệm một vấn đề nhiều khía cạnh chứ không chỉ trên bề mặt.
Ngoài ra, người hướng nội thường có khả năng quan sát và nghiên cứu rất tốt. Họ có thể đúc kết được rất nhiều kết luận, dù chỉ là một sự vật hiện tượng cố định nào đó.
Đây chính là một lợi thế khi bạn tìm kiếm insight của khách hàng trong quảng cáo. Một thế mạnh to lớn mà nếu bạn nắm bắt và trau dồi tốt, bạn sẽ có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

IV. Cách mình dung hoà giữa sự hướng nội và cuộc sống agency

Mình không thay đổi kiểu biến “bùm” thành người hướng ngoại. Mình vẫn là người hướng nội. Mỗi khi làm việc về, mình vẫn phải núp ở một cái “lùm riêng tư” và tự nạp năng lượng “một mình”. Bản chất rất khó thay đổi. Bạn hay mình đều như vậy nên sẽ không có chuyện mình khuyên bạn thay đổi thành hướng ngoại cho dễ sống hơn, ít nhất là trong thời đại và môi trường này.
Mỗi tính cách, mỗi cách nhìn nhận sự việc trên cuộc đời đều có chỗ đứng rất riêng. Chỉ là, nếu chúng ta chọn kiên trì với một điều gì đó, có thể là công việc, tình cảm hay bạn bè, có đôi khi bạn sẽ thay đổi một chút trong sự chấp nhận được để phát triển hơn.

Chúng ta có rất nhiều phương pháp để một người hướng nội phát huy hết khả năng của họ và dung hoà với sự sôi động của quảng cáo. Dưới đây là những điều mình đã đúc kết được, với cương vị một cá nhân hướng nội trong ngành này:

Đừng ép bản thân, cho mình chút thời gian

Người hướng nội bao giờ cũng cần nhiều thời gian để thích nghi hơn với một môi trường mới, công việc mới hoặc thậm chí là chiến dịch/sản phẩm mới.
Thời gian này thường dùng để suy nghĩ thấu đáo những vấn đề xung quanh điều đó. Bạn không cần phải gồng mình lên ép bản thân phải nhanh nhanh. Cách tốt nhất là nên cho mình một giới hạn để thích nghi và chấp nhận nó.
Vậy nên, nếu bạn cảm giác mình cần thời gian để thích nghi, thì hãy thả lòng mình một chút. Đây là điều hết sức bình thường để bạn có thể cảm giác năng lượng nhiều hơn.

Đừng quên dành thời gian cho bản thân – một mình

Bản chất ngành quảng cáo là một trong những ngành có tốc độ biến đổi nhất thế giới hiện nay. Agency quảng cáo lại rất sôi động và biến đổi liên tục. Thời gian đầu, nhiều lúc mình đi từ 7h sáng đến 11h đêm mới tới nhà (đi quay phim hay event chẳng hạn). Vì quá mệt mỏi nên mình thường ngủ luôn mà ít dành thời gian cho bản thân hơn trước. Và sau những đợt như vậy, mình luôn cảm giác mệt mỏi và bệnh tật. Mình thậm chí còn bị bệnh thật, thường là cảm hay viêm họng. Sau này, điều mình luôn làm sau một ngày làm việc là tắt máy đi sau 10h tối. Lúc này, mình thường ngồi hoặc nằm, suy ngẫm về cuộc đời (^^), tầm cỡ 15-20 phút là đủ.
Đó chính là cách mình nạp lại năng lượng cho chính bản thân một cách đơn giản nhất.
Cách nạp năng lượng cho người hướng nội là không gian một mình riêng tư. Bạn có thể xoay vòng với những công việc khác nhau, với rất nhiều người khác nhau nhưng ít nhất nên dành cho mình ít thời gian vào buổi sáng hoặc buổi tối cũng được một mình.
Mình thường quan niệm thế này: năng lượng làm việc là thứ quan trọng hơn thời gian làm việc. Vì vậy, hãy để bạn tràn ngập năng lượng mỗi ngày. Chứ không phải mất dần và không còn hứng thú nữa.

Mình quản lý công việc, chứ không phải công việc quản lý mình

Điều mình từng mắc phải khi vừa bắt đầu làm việc, từ ngay lúc ban đầu luôn, hồi mình còn làm thiết kế cơ. Là mình thường chạy theo công việc.
Người hướng nội rất dễ vấp phải tình trạng này. Họ thường ít nói, dễ nhận việc thêm và không biết cách phản bác. Họ dễ rơi vào tình trạng việc thì nhiều, nhưng không phải là việc của mình. Thêm nữa, họ cũng rất ngại nhờ vả và nhận sự giúp đỡ từ người khác. Vì vậy, họ thường bị overload nếu không biết cách sắp xếp và quản lý.
Cách của mình là: To do list và Not do list. Có những việc mình nhất định phải làm và cũng có những việc mình nhất định không làm. Đó là giới hạn mình đặt ra cho chính bản thân.
Việc nào mình làm:
- Việc thuộc trách nhiệm của mình.
- Việc sẽ giúp mình học hỏi và phát triển.
- Những công việc hỗ trợ đồng đội liên hệ trực tiếp.
Việc nào là mình không nên làm:
- Việc thuộc quyền hạn của người khác.
- Việc mà người khác làm tốt hơn mình.
- Việc mất thời gian nhưng lại không mang kết quả cao.
Thêm nữa, trong suốt quá trình làm việc, mình luôn cố gắng làm tốt trong một giới hạn thời gian nhất định và sẽ nghỉ ngơi vừa phải. Mình từng thức trắng liên tục vài đêm liền để chạy đồ án hay hoàn thành deadline nào đó. Dần dần những điều này làm sức khoẻ mình yếu dần. Mình nhận ra công việc không phải là 100% cuộc đời và nếu người khác có nhiều việc hơn có thể sắp xếp được thì sao mình lại không!

Nếu chủ động được gì thì hãy chủ động

Trong công việc, bạn nên chủ động đề xuất ý kiến thay vì ngồi một góc. Mình thấy cái này không gây mất năng lượng cho mình. Mình chỉ thấy nó khó lúc mới bắt đầu thôi. Nhưng có lần đầu thì sẽ có lần thứ 2. Nên đừng ngại bạn nhé!
Ý tưởng của bạn, nên được đưa ra ánh sáng! Ý kiến của bạn cũng vậy.
Bước đầu tiên, bạn có thể viết tất cả ý tưởng của mình ra giấy, sau đó trình bày với 1 – 2 đồng nghiệp trong buổi họp nhỏ trước. Sau đó rồi mới tiến đến các buổi họp lớn hơn.
Hoặc bạn có thể thử cách này, tập luyện tại nhà trước gương hoặc bức tường. Đây là cách các sinh viên trường West Point làm mỗi ngày ít nhất một tiếng đồng hồ để bước trên con đường thành chính khách, hay doanh nhân diễn thuyết trước hàng nghìn người.
Mỗi lần trình bày trước nhiều người, dù là team nhà, mình cũng run lắm. Nhưng mà việc tập trước gương và ghi ra các idea trước cũng như các lập luận làm mình tự tin hơn. Bạn có thể thử cách này xem.
Người hướng nội sẽ cần môi trường thân thuộc để làm điều này. Ví dụ, ở một công ty một thời gian, tất cả mọi người đều là đồng nghiệp quen rồi.

Hướng nội rất tốt, đừng cố gắng biến mình thành hướng ngoại

Mình luôn thấy tính cách hướng nội của bản thân rất hay ho. Nó giúp mình chiêm nghiệm được nhiều thứ. Như những dòng chữ bạn đang đọc này. Một người viết thường cần suy nghĩ nhiều điều. Mà hướng nội giúp mình có được điều này dễ dàng hơn.
Hồi trước, mình từng nghĩ rằng tại sao không phải là hướng ngoại chứ. Nhiều khi mình muốn hoà nhập vào tập thể, nhưng sao khó như vậy. Mọi người có hiểu nhầm mình là lạnh nhạt hay “chảnh cún” không nhỉ? (À thì thân rồi, người ta nói từng nghĩ vậy thật…)
Nhưng bạn ạ, hướng nội rất tốt. Có thể, tất cả mọi người lúc đầu sẽ không hiểu bạn. Nhưng dần dần, mọi người sẽ hiểu. Mình không nghĩ ai đó sẽ vì bạn là người hướng nội mà không chấp nhận công việc của bạn. Nó chỉ làm bạn khó phát huy được sức mạnh thật sự của chính mình thôi. Về vấn đề này, bạn có thể tham khảo cuốn sách sau nếu muốn phát huy bản thân triệt để: Tìm lại chính mình .
Mọi tính cách đều rất tuyệt vời. Hướng nội hay hướng ngoại đều có hai mặt: lợi và hại. Vì vậy, đừng vì mình là hướng nội mà tự ti nhé! Mình hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thể hiểu được một người hướng nội trong môi trường quảng cáo sẽ gặp phải khó khăn và lợi ích gì cũng như các biện pháp giúp mình dung hoà và phát triển tốt hơn mỗi ngày.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay câu chuyện nào bạn muốn chia sẻ, đừng ngại nhắn tin hoặc comment, mình sẽ ở đây chờ bạn!
Hug your dark side,
Jeen,