Liệu bạn có thể sống một cuộc đời tốt đẹp mà không cần tin vào Ki-Tô Giáo không? Tôi đã được yêu cầu viết về câu hỏi này, và giờ thì, trước khi trả lời câu hỏi này thì có một điều mà tôi cần phải nói. Nghe có vẻ như là câu hỏi này đến từ một người tự nói với bản thân anh ta rằng "Tôi không quan tâm liệu Ki-tô Giáo có đúng, có thật hay không. Tôi cũng không hề muốn biết là liệu những gì Ki-tô Giáo nói về vũ trụ này có đúng hơn những gì mà người Duy Vật nói hay không. Tất cả những gì tôi quan tâm tới là sống làm sao cho tốt đẹp mà thôi. Tôi sẽ chọn tín ngưỡng cho bản thân, nhưng không phải bởi vì tôi nghĩ rằng chúng là đúng mà là bởi vì chúng có thể giúp ích cho tôi vậy thôi."  Thật lòng mà nói thì tôi thấy khó để mà thông cảm với lối suy nghĩ này. Một trong những yếu tố phân biệt loài người với loài thú đó là loài người thì luôn luôn muốn biết về mọi thứ, luôn muốn tìm hiểu về thực tại và xem xét xem nó là như thế nào, chỉ bởi vì họ muốn biết. Và khi mà cái mong muốn được hiểu biết ấy đã hoàn toàn biến mất trong một con người, thì tôi nghĩ là lúc đó anh ta đã trở thành một thứ gì đó thấp kém hơn là con người rồi. Và để mà nói thật thì tôi không nghĩ rằng là bất cứ ai trong số các bạn đã thật sự mất đi cái mong muốn đó. Và có khả năng là những nhà truyền giáo ngây ngô ngờ nghệch, bằng cách luôn mồm nói với bạn rằng Ki-tô Giáo sẽ đem lại lợi ích cho bạn ra sao và rằng Ki-tô Giáo có tốt cho cái xã hội này đến thế nào, đã dần khiến cho bạn quên đi rằng là Ki-tô Giáo không phải là một thứ biệt dược. Ki-Tô Giáo tuyên bố rằng là nó đưa cho bạn sự thật-rằng nó sẽ nói cho bạn vũ trụ này thực ra là như thế nào. Những gì nó nói về vũ trụ có thể là thật mà có thể cũng không phải là thật, và rồi một khi câu hỏi đã được bày ra trước mắt bạn, thì hiển nhiên là cái sự tò mò trong bạn chắc chắn sẽ phải khiến cho bạn mong muốn tìm được ra câu trả lời rồi. Nếu như Ki-Tô Giáo là dối trá, thì không một con người chân thật nào sẽ muốn tin vào nó cả, dù cho nó có hữu ích tới mức nào đi chăng nữa; còn nếu như nó là thật, thì mọi con người chân thật sẽ đều muốn tin vào Ki-Tô Giáo, dù cho nó không hề đem lại một tí lợi ích gì đi chăng nữa.
Và khi mà chúng ta nhận ra điều này, thì lập tức chúng ta cũng nhận ra một điều khác nữa. Giả như Ki-tô Giáo hoá ra là thật, thì không thể nào có chuyện cả những người biết và không biết về sự thật ấy đều có thể sống một cuộc đời tốt đẹp giống nhau được. Hiểu biết về sự thật tạo ra sự khác biệt cho hành động của một người. Giả sử bạn tìm thấy một người đang chết đói trên đường và bạn muốn làm điều đúng đắn đi. Nếu như bạn không có kiến thức y học, thì bạn sẽ có thể tộng vào mồm con người đó một đống đồ ăn, và nếu như vậy thì kết quả sẽ là nạn nhân của bạn sẽ lăn ra chết thẳng cẳng.  Đó là hậu quả của làm việc thiếu kiến thức và chuyên môn. Tương tự như vậy, cả người Ki-tô Giáo và người không tin vào Ki-Tô Giáo đều có thể mong muốn làm điều tốt cho người đồng loại của mình. Một người thì tin rằng con người là bất tử, rằng tất cả đều được tạo nên bởi Chúa và do vậy đã được thiết kế để sao cho họ chỉ có thể đạt đến chân phúc một khi họ được đoàn tụ lại với Chúa, rằng họ đã đi chệch quá mức khỏi con đường, và rằng ý chí tuân phục Đấng Ki-Tô hoàn toàn là con đường duy nhất để họ có thể trở về. Người còn lại thì tin rằng con người là kết quả của một chuỗi các hoạt động mù quáng ngẫu nhiên của vật chất, rằng vào thời điểm ban đầu họ là những con thú và rồi qua thời gian đã dần dần được cải thiện, rằng họ sẽ sống trong khoảng 70 năm, rằng họ hoàn toàn có thể đạt tới hạnh phúc bằng những dịch vụ xã hội được thực hiện tốt và bằng những thể chế chính trị, và rằng tất cả mọi thứ khác (giải phẫu, thuốc tránh thai, toà án nhân dân, giáo dục, v.v...) được gọi là "tốt" hoặc "xấu" chỉ đơn thuần là dựa trên việc liệu chúng giúp đỡ hay cản trở chúng ta đạt được đến cái "hạnh phúc" ấy mà thôi.
Giờ thì hai người trên có thể đồng ý với nhau về rất nhiều điều nên làm cho người đồng loại của họ. Cả hai đều tán thành hệ thống cống rãnh hiệu quả và bệnh viện và một chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng rồi sớm hay muộn thì khác biệt trong niềm tin của hai người họ sẽ tạo ra sự khác biết trong hành động của họ. Có thể là cả hai đều vô cùng nhiệt tâm về giáo dục, thế nhưng rõ ràng là kiểu loại giáo dục mà họ muốn đem đến cho mọi người sẽ phải khác nhau rồi. Nếu như người Duy Vật chỉ đơn thuần thắc mắc rằng “Liệu hành động này có làm cho số đông được hạnh phúc thêm không?”, thì người Ki-Tô Giáo sẽ nói rằng “Ngay cả khi nó có thật sự làm cho số động được hạnh phúc thêm đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể làm điều đó được. Bởi vì như thế sẽ là bất công chính.” Và trong suốt thời gian ấy, sẽ một sự khác biệt to lớn tồn tại xuyên suốt những hành động của họ. Đối với người Duy Vật thì những thứ như quốc gia, giai cấp, và nền văn minh hẳn là sẽ phải quan trọng hơn là cá nhân, bởi vì mỗi cá nhân chỉ sống được có 70 năm bọ còn một tổ chức thì có thể tồn tại cho đến hàng thế kỉ. Nhưng đối với người Ki-Tô Giáo thì cá nhân lại quan trọng hơn, vì họ mới là bất tử; còn chủng tộc, nền văn minh hay là mấy thứ gì đó đại loại như thế, trái lại chẳng là gì ngoài những thứ sản phẩm nhất thời, phù du cả.
Người Ki-Tô Giáo và người Duy Vật có những niềm tin khác nhau vào vũ trụ. Không thể nào có chuyện cả hai đều đúng được. Đơn giản là người nào sai thì cách sống của người đó sẽ không thích hợp với vũ trụ thực tế này. Và như vậy thì hậu quả tất yếu đó là anh ta sẽ, với một tấm lòng chân thành đầy thiện ý, giúp đỡ những người đồng loại của mình hướng tới sự diệt vong của chính họ.
Với một tấm lòng chân thành đầy thiện ý… thế thì anh ta sẽ không có lỗi gì cả. Hẳn là Chúa (nếu như ông ấy có tồn tại) sẽ không trừng phạt một người chỉ vì một lỗi sai vô ý đến từ sự chân thành phải không? Nhưng liệu đó là tất cả những gì mà bạn đang nghĩ tới ư? Liệu rằng bạn đang sẵn sàng làm việc một cách thiếu hiểu biết cả cuộc đời này và gây ra đủ thứ tai hoạ, miễn sao là có người đảm bảo với bạn rằng bạn vẫn sẽ được an toàn và rằng sẽ không có một ai trừng phạt hay trách móc bạn sao? Tôi không nghĩ rằng là độc giả của tôi tệ đến như thế. Nhưng ngay cả khi anh ta tệ hại đến thế thật, thì tôi vẫn có vài lời cần phải nói với anh ta.
Câu hỏi đối mặt chúng ta không phải là “Liệu một người có thể sống một cuộc đời tốt đẹp mà không cần Ki-Tô Giáo không?” Câu hỏi ở đây là “Liệu Tôi có thể làm thế không?” Chúng ta đều biết là có những con người tốt đẹp mà không phải là người Ki-Tô Giáo rồi, Socrates và Khổng Tử thì chưa bao giờ nghe tới nó, còn những người như J.S. Mill thì không tin vào nó. Giả sử Ki-Tô Giáo là đúng, thì những con người này đã ở trong một trạng thái ngây ngô chân thành hoặc là đã phạm phải một sai lầm chân thành. Nếu như ý định của họ đúng là tốt như tôi nghĩ (vì dĩ nhiên là tôi không thể nào đọc vị trái tim của họ được) tôi hy vọng và tin tưởng rằng lòng thương xót của Chúa sẽ sửa chữa những sự xấu xa mà sự thiếu hiểu biết của họ, bị bỏ mặc cho tự tung tự tác, đã gây ra cho chính bản thân họ và cho những người chịu ảnh hưởng của họ. Nhưng cái người mà đã hỏi tôi rằng là “Liệu tôi có thể sống một cuộc đời tốt đẹp mà không cần tin vào Ki-Tô Giáo không?” rõ ràng là đang ở một vị trí hoàn toàn khác. Nếu như chưa bao giờ nghe nói tới Ki-Tô Giáo thì anh ta đã không hỏi tôi câu hỏi đó. Còn nếu như, đã nghe vè nó rồi, và sau khí đã xem xét nó một cách nghiêm túc rồi, anh ta đi đến kết luận rằng nó là dối trá và sai lầm, thì một lần nữa, anh ta đã không phải hỏi tôi câu hỏi đó rồi. Cái người đã hỏi câu hỏi này, đã nghe về Ki-Tô Giáo và đang không biết được là liệu nó có đúng hay không. Cái mà anh ta đang thật sự hỏi chính là “Liệu có cần tôi phải quan tâm về điều này không? Liệu tôi có thể chọn né tránh vấn đề này, cứ để mọi chuyện ở yên một chỗ và không đụng chạm gì vào nó, và cố gắng sống sao cho thật ‘tốt’ thôi không? Chẳng phải chỉ cần có ý tốt thôi là đã đủ để giữ cho tôi an toàn và vô phương trách móc mà không cần phải gõ lên cái cánh cửa kinh khủng ấy để chắc chắn rằng là liệu không có ai ở trong đó rồi sao?”
Đối với những người như vậy thì ta có thể trả lời là người đó chỉ đang muốn được sống “tốt” trong khi không biết rằng “tốt” có nghĩa là gì mà thôi. Nhưng đó không phải là toàn bộ vấn đề. Chúng ta không cần phải thắc mắc là liệu Chúa có định trừng phạt họ vì tội lười biếng và hèn nhát không, vì những con người đó sẽ tự trừng phạt bản thân họ. Con người đó đang trốn tránh. Anh ta đang cố ý không tìm hiểu xem liệu Ki-Tô Giáo là đúng hay sai, vì anh ta đã thấy trước rằng là sẽ có cả một đống vấn đề nảy sinh nếu như hoá ra Ki-Tô Giáo là đúng. Anh ta giống như một người ngại nhìn vào bảng thông báo vì sợ rằng sẽ tìm thấy trên đó một công việc đáng ghét được giao cho mình. Anh ta giống như một người không muốn nhìn vào tài khoản ngân hàng của bản thân vì sợ rằng sẽ nhìn thấy điều không hay. Anh ta giống như một người khi cảm thấy một cơn đau bí ẩn thì lại không chịu đi bác sĩ vì sợ sẽ phải nghe chẩn đoán.
Một người vẫn giữ vững sự vô tín ngưỡng của bản thân với những lí do trên, không phải là một người đang mắc phải một sai lầm chân thành. Anh ta đang cố ý phạm phải sai lầm, và sự cố ý đó sẽ lan toả ra và bao trùm ra khắp tất cả những ý nghĩ và hành động của anh ta: kết quả sẽ là một sự mưu mẹo tại hại, một mối lo lắng mơ hồ, và một tâm trí bị trơ cùn đi. Anh ta đã mất đi sự trong trắng của trí thức. Một sự chối bỏ chân thành Đấng Ki-Tô, cho dù có sai lầm tới đâu đi chăng nữa – cũng đều sẽ được tha thứ và chữa lành – “Bất cứ ai nói phạm đến Con Trai Của Con Người (Son Of Man), sẽ đều được tha thứ” (Matthew 12:32).  Nhưng né tránh Con Trai Của Con Người, lảnh mặt nhìn đi chỗ khác, giả vờ như không để ý, bỗng nhiên chú ý tới thứ gì đó bên kia đường, để mặc cho điện thoại reo liên hồi mà không nhấc máy lên vì có thể người gọi ấy chính là Ngài, bỏ một lá thư với nét chữ lạ lùng ở một chỗ mà không chịu mở ra vì có thể người gửi lại cũng chính là Ngài – thì đó lại là một câu chuyện khác. Bạn có thể chưa biết được rằng mình có phải là một người Ki-Tô Giáo hay không, nhưng rõ ràng là bạn tự biết rằng bạn là một Con Người, chứ không phải là một con đà điểu để mà đi chúi đầu vào trong đống cát như vậy. 
Ấy vậy mà – vì danh dự trí thức đã chìm xuống tới một mức quá thấp ở thời đại ngày nay của chúng ta – tôi vẫn còn nghe thấy một số người tiếp tục hỏi lí nhí rằng “Liệu nó có giúp được cho tôi không? liệu nó có khiến cho tôi hạnh phúc được không? Ông có nghĩ là tôi sẽ trở thành một con người tốt hơn nếu như tôi trở thành một người Ki-Tô Giáo không?” Chà, nếu như bạn nhất định phải biết thì câu trả lời của tôi là “Có.” Nhưng tôi chưa muốn đưa ra câu trả lời khi mà ta mới chỉ tới mức độ này. Ở đây có một cánh cửa, mà chờ đợi bạn đằng sau đó, theo như một số người đã nói, là bí mật của cả vũ trụ này. Hoặc là điều đó đúng, hoặc là điều đó không đúng. Và nếu như điều đó là không đúng, thì thứ được cất giấu đằng sau cánh cửa đó hoá ra sẽ chẳng là gì ngoài một trò lừa bịp vĩ đại nhất. Chẳng phải điều hiển nhiên đối với mọi con người (một con người chứ không phải là một con thỏ) là phải thử tìm ra xem thực hư mọi chuyện là như thế nào, và rồi dành toàn bộ công sức để hoặc là phục vụ cái bí mật vĩ đại ấy hoặc là lật tẩy cái trò hề khủng bố này sao? Đối mặt với toàn bộ vấn đề này, liệu bạn còn có thể toàn tâm toàn ý với cái sự “phát triển đạo đức” quý giá của riêng bản thân bạn không?
Được rồi, vậy thì Ki-Tô Giáo sẽ giúp ích cho bạn - nhiều hơn tất cả những gì mà bạn đã luôn mong muốn và kỳ vọng.  Và việc tốt đầu tiên mà nó làm cho bạn sẽ là nhồi nhét vào đầu bạn (ôi chao, điều đó sẽ không vui một chút nào đâu!) sự thật rằng cái mà bạn đã luôn gọi là “tốt” - tất cả những thứ như là “sống một cuộc đời tử tế” hay là “hãy tốt bụng” gì gì đó – hoá ra không phải là một điều gì đó quan trọng và tuyệt vời như bạn vẫn tưởng. Nó sẽ dạy cho bạn rằng thật ra, bạn không thể nào “tốt” (ít nhất là trong vòng 24 giờ) bằng những nỗ lực đạo đức của riêng bạn được. Và nó sẽ dạy rằng là cho dù bạn có thật sự làm được điều đó đi chăng nữa, thì bạn cũng vẫn sẽ chưa đạt được đến cái mục đích thật sự mà vì nó bạn đã được tạo ra. Đạo đức đơn thuần không phải là đích đến của cuộc đời. Bạn đã được tạo ra vì một mục đích hoàn toàn khác. Cả J.S. Mill và Khổng Tử (Socrates thì gần với thực tại hơn) đơn giản là không hề biết rằng cuộc đời là như thế nào. Những người cứ liên tục hỏi rằng liệu họ có thể sống tử tế mà không cần Đấng Ki-Tô không, không biết gì về cuộc đời cả; nếu đã biết thì họ cũng sẽ thấy được rằng là “một cuộc đời tử tế” chỉ là một cỗ máy đơn thuần so với cái thứ mà vì nó chúng ta được tạo ra mà thôi. Ta không thể vứt bỏ đạo đức: thế nhưng Cuộc Đời Thiêng Liêng, đã hi sinh vì chúng ta và đã kêu gọi chúng ta trở nên giống như thần linh, có một kế hoạch cho chúng ta mà đạo đức sẽ bị nuốt trọn vào trong đó. Chúng ta sẽ được tái-tạo lại. Tất cả phần còn thỏ trong chúng ta sẽ biến mất - những con thỏ âu lo, những con thỏ của mối bận tâm và những con thỏ đạo đức, cùng với cả những con thỏ hèn nhát và nhục dục nữa. Chúng ta sẽ chảy máu và sẽ kêu la khi trút đi bộ lông của mình; và rồi, ngạc nhiên làm sao, ta sẽ tìm thấy ở dưới lớp lông ấy tất cả những gì mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng nổi: một Con Người thật sự, một vị thần trẻ mãi không già, một đứa con của Chúa, mạnh mẽ, chói sáng, thông thái, xin đẹp và nhậm chìm trong niềm vui sướng.
“Nhưng khi sự toàn hảo đến, thì sự không hoàn hảo sẽ phải chấm dứt” (1 Corinthians 13:10). Ý tưởng về một cuộc đời “tốt đẹp” mà không có Đấng Ki-Tô là dựa trên hai sai lầm. Đầu tiên, chúng ta không có khả năng làm thế; thứ hai, khi đặt “một cuộc đời tốt đẹp” làm mục đích sau cùng, chúng ta đã lỡ mất điều cốt lõi của sự tồn tại của bản thân. Đạo đức là một ngọn núi mà chúng ta không thể trèo lên chỉ với mỗi sức lực của bản thân được; và nếu như cứ làm thế thì rồi chúng ta cũng sẽ chỉ bị chôn vùi trong băng giá và bầu không khí không thể hô hấp nổi của đỉnh núi mà thôi, do thiếu đi mất đôi cánh cần thiết để hoàn thành phần còn lại của cuộc hành trình. Vì chính là ở chỗ đó, cuộc hành trình thăng tiến mới thật sự bắt đầu. Tất cả những dây thừng và gậy đều được vứt đi, và chặn đường còn lại, ta chỉ có thể bay qua.