Người Bạn Thọt
Trong ký ức tuổi thơ của tôi mỗi lần được về quê ngoại là một điều tuyệt vời lắm!
Nhà ông bà nằm giữa một quả đồi, có con đường dốc lên với hàng cây um tùm xanh mát. Phía dưới chân đồi là lán nhỏ nơi ông làm tiệm sửa xe đạp, tôi vẫn hay xuống cùng ông vá xăm xe và tìm chỗ bị xì bằng cách nhúng chúng vào chậu nước. Tôi vẫn nhớ nụ cười hiền từ của ông khi thấy tôi bắt chước ông loay hoay cầm cái miếng mài, mài cái xăm xe đạp để sau đó là đòi dán miếng vá lên chỗ xăm thủng. Ngay phía trên đường dốc là cái chuồng lợn, nơi mà cứ đến giờ là tụi nó thò cái đầu chúng nó lên, kê hai chân lên thành và thi nhau kêu éc éc inh ỏi. Tôi hay chạy ra cạnh đó vặt lá đinh lăng, lá gì dài dài nhọn nhọn tôi cũng không nhớ rõ, cho chúng ăn. Là y rằng bà lại bảo đừng cho chúng ăn, không chúng nó đau bụng đấy.
Mùi cám lợn thơm phức, quả thật là tôi thấy thơm thật, nó hòa quyện với mùi rêu mốc, và một chút phân lợn tạo thành mùi đặc trưng mỗi khi tôi đứng gần đó xem ông đổ cám cho chúng. Bên cạnh nhà là bếp cũng có một mùi rất đặc biệt, mùi củi cháy, tro bếp, mùi mỡ, củ quả khô hòa quyện khiến mỗi lần vào bếp là tôi lại đưa lên mũi hít lấy hít để. Bên cạnh bếp là cái chuồng gà làm như 1 cái hầm, có mỗi một cái ô bé vừa đủ con gà đi ra và được đậy bởi cái cối đá. Cứ mỗi sáng là bà lại mở cửa cho chúng nó chạy ra, tôi cũng hay thắc mắc và ngồi xuống ngó xem bên trong đó có gì, nhưng chỉ thấy một màu đen thui. Tiếng bà the thé, dáng đi thoăn thoắt sáng nào cũng dậy sớm tinh mơ đi chợ và không quên mua hôm thì bánh mì, bánh rán, cho tôi. Bà chiều và quý tôi lắm.
Cái bậc giao giữa nhà và bếp là chỗ mà tôi ấn tượng và thích thú nhất mỗi khi nghĩ về đây. Nó là lối đi ra sau nhà và lên trên đỉnh đồi, chỉ vừa một người đi, đi qua đó là cả một không khí mát lạnh tràn đến, mùi mít chín thơm lừng, tiếng ve kêu râm ran. Giờ thì tôi mới hiểu tại sao tôi lại thích chạy nhảy ở đó đến vậy, đó là 1 sự lưu thông giữa hai vùng cảm nhận khác nhau, một bên tĩnh mịch, rì rào của đồi núi, một bên thì nào gà gáy, lợn kêu, thênh thang của khoảng sân rộng với tầm nhìn bao quát xuống tít chân đồi.
Người bạn thân cạnh nhà mà tôi hay về chơi hồi bé tên là Hưng, anh ấy bị thọt một chân, chân kia bị teo chỉ bằng một nửa chân bình thường, đâm ra anh ấy phải dùng 2 cái nạng. Cái thấy của tôi hồi đó chỉ đơn thuần là thấy rất lạ lẫm, vì cách anh ấy di chuyển bằng nạng tạo ra tiếng kêu lọc cọc, lọc cọc, cái chân bị teo lủng lẳng đung đưa theo chân kia. Trông thật thú vị! Khuôn mặt sáng với nụ cười toe toét cùng hàm răng trắng đều khiến tôi nhớ mãi. Nhớ về anh tôi thấy anh mạnh mẽ, tốt bụng, ấm áp. Anh cũng chiều tôi lắm nhé, tỉ mỉ vót đũa tre để lắp vào ống làm “súng đốp” cho tôi. Phải đến ba, bốn lần tôi không biết bắn khiến thanh tre bị gãy, anh vẫn kiên trì dạy tôi cách bắn và cặm cụi vót lại. Cả cách anh che chắn và bênh tôi mỗi khi bị tụi trẻ con gần đó quây lại nhắm bắn vào tôi. Tuổi thơ bêu nắng chạy nhảy khắp đồi núi, chạy thi với anh đến ngã sứt cả đầu gối. Tôi cứ nghĩ rằng anh ấy chẳng thể nào chạy nhanh được nhưng chưa lần nào tôi thắng được anh ấy cả. Những trưa hè không ngủ hai anh em ngồi trên bể nước kể chuyện nói cười tíu tít, gió thổi mát lành, chim hót líu lo, nhăn mặt nhấm nháp chùm dâu da mới vặt được. Không gian ở đây thật tuyệt.
Rồi lúc chia tay bịn rịn anh chạy ra tiễn tôi, vẫn cái dáng “nạng đi trước người” đó và nụ cười tươi, lọc cọc, lọc cọc chạy ra bể nước. Anh đứng đó vẫy tay chào tạm biệt cho đến lúc tôi đi khuất không còn thấy nữa. Đó là những kỷ niệm về quê ngoại của tôi đấy.
Bẵng đi một thời gian dài, khi nhà ông bà chuyển sang bên kia đường, không còn ở trên đó nữa. Tôi cũng trưởng thành hơn và tần suất về quê cũng ít đi, nếu có về chơi chỉ vài ngày, thậm chí là nửa ngày. Ký ức mới, dữ liệu mới được cập nhập liên tục cũng khiến tôi cũng quên mất có một người bạn thơ ấu như thế. Cũng vì một phần nghe nói anh ở trên thị trấn làm giáo viên dạy nghề cho các bạn khuyết tật khác nên rất lâu rồi tôi không còn gặp lại anh nữa.
Một lần nọ khi tôi về quê và đang ngồi thơ thẩn, chìm đắm trong những suy tưởng, thì anh xuất hiện. Có lẽ anh đi qua thấy tôi liền xuống hỏi thăm. Tôi rất bất ngờ khi thấy anh vẫn như ngày nào, giản dị với áo sơ mi kẻ sọc và chiếc quần vải cũ, ống quần bên chân thọt kia được sắn lên gọn gàng. Làn da rám nắng đen hơn càng làm nổi bật nụ cười tươi rói của anh. Anh hớn hở vừa hỏi vừa lọc cọc phi đến chỗ tôi : “Trường về chơi đấy hả?”
“…”
Quê hương tuổi thơ tôi - Mỹ Tâm - Harmonica Tab - The Harmonica


Tôi tươi cười niềm nở chạy đến bắt tay với anh, mời anh vào nhà uống nước, cùng nhau trò truyện về cuộc sống của nhau bao lâu nay ... Đấy là những điều mà tôi mong muốn mình sẽ làm trong lúc ấy. Nhưng thực tế thì tôi không làm được như vậy !
Tôi bối rối đưa mắt nhìn anh từ trên xuống dưới, lặng lẽ quay đi, tránh né câu hỏi của anh. Ôi cái cảm giác này thật khó chịu, có một thứ gì đó giằng xé trong nội tâm tôi. Một nửa là kì thị về cái sự tật nguyền ấy, về cái gọi là không xứng tầm, đẳng cấp, đã lâu rồi những mối quan hệ, bạn bè của tôi đã thay bằng những người bạn khác đẹp đẽ hơn, sành điệu hơn. Thế giới quan thay đổi. từng suy nghĩ, quan điểm, lối sống cũng khác đi, làm gì còn bận tâm đến những người như anh nữa! Quê mùa, tật nguyền, nghèo nàn, cũ kỹ!
Một nửa là kỷ niệm về con người ấy, sự ấm áp đầy tình yêu thương, sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng ấy. Từng ký ức tuổi thơ bỗng chốc ùa về, cảm thấy thật gần gũi và trân quý về công việc mà anh ấy đang làm, muốn bước đến chào anh ấy một câu, hoặc một cái bắt tay, một cái bắt tay dù chỉ là xã giao thôi cũng được !
Tiếng dì tôi lanh lảnh: “ Kìa, anh Hưng xuống chơi kìa không ra chơi với anh ấy à? ”
Tôi lúc ấy vẫn lặng thinh, rút điện thoại ra vuốt vuốt, tránh né. Anh đứng hình một lúc rồi rảo bước đi xuống cuối sân nhà chào mọi người và ngượng ngùng đứng đó. Tôi lén đưa mắt nhìn và bắt gặp ánh mắt của anh thoáng chút đượm buồn và thất vọng. Có lẽ anh cũng cảm nhận được cái khoảng cách do tôi tạo ra đó. Cách nhau một khoảng sân, giữa hai con người, 2 cuộc sống riêng, có chung một tuổi thơ, và chung luôn cả sự khuyết tật. Anh khuyết tật ở chân, còn tôi khuyết tật ở tâm hồn.
Không lẽ đây là cái giá của sự trưởng thành? Sự thay đổi khi khoác lên mình bao nhiêu lớp vỏ xã hội, đeo biết bao nhiêu lăng kính để nhìn mọi thứ méo mó lệch lạc đi. Để cái thấy không còn trong sáng, vô tư nữa mà thay vào đó là chất chồng những định kiến, phân biệt, phán xét. Thêm bộ quần áo lòe loẹt, tóc vuốt keo, dây chuyền, đồng hồ, có khiến tôi cao thượng hơn không? Hay chỉ làm tôi co cụm, nặng nề, khó thở …
Anh buồn bã bước ra về với khuôn mặt thất vọng.
Tuổi thơ, anh tiễn tôi bằng sự chân thành, hồn nhiên. Trưởng thành, tôi tiễn anh trong ê chề và sự kỳ thị. Tôi nhìn theo bước anh đi khuất như khi xưa anh tiễn tôi như thế, vẫn là cái dáng nạng đi trước người đó, nhưng từng tiếng nạng gõ lên nền sân như đang cày nát hết ký ức tuổi thơ của tôi ...
Lọc cọc, lọc cọc..
PS: Qua tâm sự trên ta thấy mỗi giai đoạn trưởng thành dù là chủ quan hay khách quan vẫn sẽ luôn có những thay đổi như vậy, chỉ có điều những thay đổi đó có khiến ta trở nên Chân Chính, Cao Thượng, Rộng Mở hơn hay không. Hãy cùng quan sát và ngẫm lại một chút các bạn nhé !
#Goctamsu
#thanhnienchanchinh