<i>minh họa bởi </i><a href="https://katmenschik.de/"><i>Kat Menschik</i></a>
minh họa bởi Kat Menschik
Tôi đã không ngủ mười bảy ngày rồi. Đúng vậy, mười bảy ngày liên tiếp.
Tôi không nói về mất ngủ, tin tôi đi, tôi biết chứng mất ngủ là gì. Tôi đã kinh qua nó hồi còn học đại học – hay “một cái gì đó tương tự vậy” – bởi tôi không chắc rằng triệu chứng của mình sau đó có giống với chứng mất ngủ mà mọi người thường nói hay không. Chắc hẳn đến gặp bác sĩ thì họ sẽ nói cho bạn biết đấy, nhưng dù sao thì tôi đã không đi. Tôi biết như vậy sẽ không tốt, tôi cũng không phải cứng đầu gì, chỉ là bằng trực giác tôi biết họ không thể giúp gì được tôi. Và tôi cũng không nói gì với cha mẹ hay bạn bè, bởi tôi biết rằng họ cũng chỉ sẽ nói điều tương tự mà thôi.
Hồi đó, “chứng từa tựa như mất ngủ” của tôi kéo dài cả tháng trời.  Tôi không thể nào ngủ được trong suốt thời gian đó. Buổi tối, tôi vào giường và nói với chính mình: “Được rồi, ngủ thôi nào.” Dường như điều đó thậm chí còn khiến tôi khó ngủ hơn, nó phản ứng ngay tức khắc, như một loại phản xạ có điều kiện. Tôi đã thử đến rượu, thuốc ngủ, nhưng chúng hoàn toàn không có tác dụng. Cho đến khi trời hửng sáng, tôi cảm thấy như cơ thể mình đang trôi đi. Nhưng đó không phải là ngủ, chỉ là đầu ngón tay chạm vào mép ngoài cùng của nó mà thôi. Và trong suốt thời gian đó, đầu óc tôi hoàn toàn tỉnh táo. Tôi thấy mệt, nhưng tâm trí tôi ở đó, trong căn phòng riêng, ở phía bên kia của bức màn trong suốt, quan sát tôi. Cơ thể vật lí của tôi đang trôi qua ánh ban mai yếu ớt, và trong lúc đó nó cảm nhận được tâm trí của tôi đang hít thở gần bên. Tôi vừa là cơ thể đang chuẩn bị ngủ, vừa là ý chí quyết tâm thức đến cùng. Cơn buồn ngủ không trọn vẹn này kéo dài suốt trong ngày. Đầu tôi lúc nào cũng mù mịt. Tôi không thể nắm bắt được những thứ xung quanh tôi - khoảng cách hoặc khối lượng hoặc kết cấu của chúng. Cơn buồn ngủ cứ ập đến vào những khoảng thời gian đều đặn: trên tàu điện ngầm, trong lớp học, trên bàn ăn. Tâm trí tôi sẽ rời khỏi cơ thể, thế giới bắt đầu lắc lư. Tôi làm rơi mọi thứ: bút chì, ví hay nĩa ăn. Tất cả những gì tôi muốn là thả mình xuống và ngủ. Nhưng tôi không thể. Cơn mất ngủ luôn ở đó bên cạnh tôi. Tôi có thể cảm thấy cái bóng lạnh lẽo của nó. Đó là cái bóng của chính mình. Thật kỳ lạ, tôi nghĩ khi cơn buồn ngủ bao trùm lấy tôi, tôi sẽ mắc kẹt trong cái bóng của chính mình. Tôi sẽ đi bộ, ăn uống và trò chuyện với mọi người trong cơn buồn ngủ của mình. Và kỳ lạ nhất là không ai để ý cả. Tôi đã sụt 7 ký trong tháng đó, nhưng không ai nhận ra cả. Không ai trong gia đình tôi, không ai trong số bạn bè hay bạn học của tôi, nhận ra rằng tôi đang trải qua cuộc sống trong cơn mê sảng, không một ai.
Nó đúng theo nghĩa đen: Tôi trải qua cuộc sống trong cơn mê. Tôi không còn cảm thấy điều gì nữa cả, hệt như một cái xác khô. Sự tồn tại của tôi, cuộc sống của tôi trên đời, dường như chỉ là một ảo giác. Chỉ một cơn gió bấc thôi, cũng sẽ khiến tôi nghĩ rằng cơ thể mình sắp bị thổi bay đến cùng trời cuối đất, đến một vùng đất nào đó mà tôi chưa từng thấy hay nghe nói đến, nơi mà tâm trí và thể xác của tôi sẽ vĩnh viễn chia lìa. Và rồi tôi sẽ nhắm mắt, tự nói với mình, tôi không có gì để giữ lại cả. Và sau đó, khi đêm đến, hai con mắt tôi lại mở thao tháo. Tôi bất lực, như bị khóa trong lõi của một thứ gì đó bởi một lực rất lớn.  Tất cả những gì tôi có thể làm là thức đến sáng, mở trừng con ngươi trong màn đêm. Tôi thậm chí không thể suy nghĩ. Khi tôi nằm đó, nghe đồng hồ tích tắc từng giây, tôi không làm gì khác ngoài việc nhìn chằm chằm vào bóng tối cho đến khi nó từ từ sâu hơn và từ từ nhỏ đi.
Và rồi một ngày kia nó lại hết, không báo trước, không tác động ngoại cảnh, tôi trở lại cuộc sống bình thường. Tôi vật vờ tại bàn ăn sáng. Khi tôi đứng dậy mà không nói gì, hình như tôi đã đánh rơi một cái gì đó ở bàn, tôi nghĩ ai đó đã nói với tôi cái gì đó. Nhưng tôi không nhớ chắc chắn. Tôi lảo đảo về phòng, bò lên giường, vẫn mặc bộ đồ ấy, và ngủ một giấc liền tù tì qua hai mươi bảy giờ sau. Mẹ tôi hoảng hốt kéo tôi dậy, bà thậm chí còn tát vào mặt tôi, nhưng tôi vẫn cứ bất tỉnh. Và sau khi tôi tỉnh dậy, tôi lại là con người cũ của mình. Có lẽ. Tôi không biết tại sao mình lại có chứng mất ngủ này hay tại sao vào một ngày đẹp trời nó lại biến đi đâu mất. Nó giống như một đám mây đen dày đặc kéo đến từ đâu đó, một đám mây chứa đầy những điều đáng ngại mà tôi không hề hay biết. Không một ai biết được chúng đến từ đâu hay chúng đã đi đâu. Tôi chỉ chắc rằng chúng đã từng đến với tôi, và rồi chúng biến mất.
Nói chung là, những gì tôi có hiện giờ khác xa chứng mất ngủ ấy, không một chút nào. Tôi chỉ là không đi ngủ, dù chỉ một giây. Chỉ trừ sự thật ấy ra, thì tôi toàn bình thường. Tôi chỉ không cảm thấy buồn ngủ, và đầu óc tôi tỉnh táo hơn bao giờ hết. Minh mẫn hơn, nếu có thể cho là như vậy.  Về thể chất, tôi vẫn bình thường: Tôi thèm ăn; và không cảm thấy mệt chút nào. Xét về phương diện hàng ngày thì tôi không có vẫn đề gì cả. Tôi chỉ không thể ngủ được.
Thế nhưng chồng và con trai tôi đều không nhận thấy điều này. Tôi cũng sẽ không nói với họ. Tôi không muốn bị bảo rằng hãy đến gặp bác sĩ đi. Tôi biết nó sẽ chẳng giúp được gì cả. Như trước đây, tôi phải tự làm việc với chính mình thôi. Thế nên, họ chẳng phải mảy may nghĩ ngợi điều gì. Nhìn từ bên ngoài, cuộc sống của chúng tôi không thay đổi. Lẳng lặng, như thường nhật.
Sau khi vẫy tay chào tạm biệt chồng và con vào buổi sáng, tôi lấy xe đi siêu thị. Chồng tôi là một nha sĩ, phòng khám của anh ấy cách căn hộ của chúng tôi mười phút lái xe. Anh ấy và một người bạn học cũ cùng nhau mở phòng khám này. Làm chung với nhau thì chỉ cần thuê một kỹ thuật viên và một tiếp tân là đủ.  Người này có thể giúp đỡ người kia trong công việc. Cả hai làm việc rất ăn ý, thế nên mặc dù không có bất kì mối quan hệ đặc biệt nào, phòng khám đã phất lên như cồn chỉ sau năm năm hoạt động. “Anh không muốn phải lao đao nhiều hay quá đâm đầu vào công việc,” chồng tôi nói, “nhưng cũng không thể đòi hỏi gì thêm.” Và tôi sẽ luôn nói rằng, “Đúng vậy nhỉ, ta chẳng thể phàn nàn gì thêm.” Quả thật là như vậy.
Chúng tôi đã chịu ngân hàng một khoản vay lớn để mở phòng khám này. Một phòng khám nha khoa đòi hỏi một khoản vốn lớn đầu tư cho trang thiết bị. Còn chưa kể sự cạnh tranh thì không hề nhỏ. Vào khoảng thời gian đầu mới khai trương thì chẳng có mấy người đến khám. Và nhiều phòng khám đã phải đóng cửa vì điều này. Ngày đó, chúng tôi còn trẻ và túng thiếu, lại thêm đứa bé mới chào đời. Không ai có thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ tồn tại trong một thế giới khắc nghiệt như vậy.  Nhưng chúng tôi đã sống sót, bằng cách này hay cách khác. Năm năm. Đúng vậy, chúng tôi chẳng thể thể phàn nàn điều gì. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn gần 2/3 số nợ để trả. “Em biết vì sao họ lại đến khám nhiều như vậy đấy,” tôi nhìn và nói với anh,  “đó là bởi vì chồng em quá đẹp traiii.”
Đây là trò đùa nhỏ của chúng tôi. Anh ấy không đẹp trai chút nào. Nói thật thì, khuôn mặt của anh ấy trông hơi lạ. Thậm chí đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại kết hôn với một người có khuôn mặt kì lạ như thế. Tôi đã có những người bạn trai khác đẹp trai hơn nhiều. Điều gì khiến khuôn mặt anh ấy trông kì lạ đến thế, tôi thực sự không thể diễn tả được. Khuôn mặt đó không đẹp, nhưng cũng không xấu. Đó cũng không phải là loại mà mọi người nói là có “vẻ riêng.” Thành thật mà nói thì "kỳ lạ" là tất cả những gì phù hợp với sự mô tả này. Nói đúng hơn thì khuôn mặt anh ấy không có vẻ gì quá nổi bật để mà phân biệt cả. Nhưng mà, chắc chắn phải có một số yếu tố nào đó khiến khuôn mặt này quá đỗi bình thường, và nếu tôi có thể nắm bắt được bất kì điều gì đó, tôi đã có thể hiểu được sự kỳ lạ của tổng thể. Tôi đã từng cố vẽ anh ấy, nhưng tôi không làm được.  Tôi không thể nhớ anh ấy trông như thế nào. Tôi ngồi, nắm chặt cây bút chì trong tay, thế mà vẫn chẳng có nét nào trên giấy cả. Việc này khiến tôi ngạc nhiên. Làm sao bạn có thể sống với một người lâu đến như vậy mà vẫn không thể nào hình dung ra khuôn mặt họ? Dĩ nhiên, tôi có thể nhận ra anh ấy nếu tôi bắt gặp anh trên đường. Tôi thậm chí còn có thể nhận ra được hình hài và tâm trí của anh. Nhưng khi nói đến vẽ thì, tôi đành chịu thua. Tôi làm gì được bây giờ? Nó giống như đâm đầu vào bức tường vô hình vậy. Điều duy nhất tôi nhớ được là khuôn mặt anh ấy trông “kì lạ.”
Kí ức về điều này thường khiến tôi lo lắng.
Dù sao thì, anh là loại đàn ông mà mọi người đều yêu quý. Rõ ràng đó là điểm cộng lớn trong công việc, nhưng tôi luôn nghĩ anh giỏi và có thể thành công ở bất kì mảng nào. Anh ấy mang đến cho người khác cảm giác an toàn. Tôi chưa từng gặp ai như vậy trước đây. Tất cả bạn bè phụ nữ của tôi đều thích anh ấy. Và tôi mến anh ấy, tất nhiên. Tôi nghĩ tôi thậm chí còn yêu anh. Nhưng thật ra thì, cũng có những lúc tôi không thích anh.
Nhưng dù sao thì anh có nụ cười hồn nhiên, y như một đứa trẻ vậy. Không có nhiều đàn ông trưởng thành có thể làm được điều đó. Và bạn biết là nha sĩ thì nên có hàm răng đẹp, đúng chứ, và anh có tất.  “Đẹp trai không có lỗi,” anh ấy luôn trêu lại như thế. Chúng tôi là những người duy nhất hiểu câu đùa đó. Đó là nhận thức của thực tại – rằng chúng tôi đã xoay sở được, để tồn tại, bằng cách này hay cách khác – và điều đó trở thành điều vô cùng quan trọng đối với chúng tôi.   
Anh lái chiếc Sentra ra khỏi bãi xe vào khoảng 8:15 sáng hàng ngày. Trường học của con chúng tôi ở ngay trên đường đi làm. “Hai bố con đi cẩn thận nhé.” Tôi luôn nói. “Yên tâm mà,” anh luôn trả lời như vậy. Luôn luôn là như thế. Anh tra chìa khóa, nhét băng Haydn hoặc Mozart vào hệ thống âm, ngân nga theo điệu nhạc. Hai "người đàn ông" của tôi luôn vẫy tay chào tôi trước khi đi. Hai người vẫy tay gần như giống hệt nhau. Thật kì lạ. Họ nghiêng đầu ở cùng một góc và đưa lòng bàn tay theo cùng một hướng, di chuyển nhẹ từ bên này sang bên kia, như thể đã được huấn luyện bởi một biên đạo chuyên nghiệp. Tôi có xe riêng của mình, một chiếc Honda Civic đã qua sử dụng. Một người bạn cũ đã bán nó cho tôi với một cái giá không thể hời hơn. Một tấm cản đã hư, và thân xe đã lỗi thời, xuất hiện nhiều vết rỉ sét. Đồng hồ đo quãng đường chỉ hơn 150.000 cây số. Thỉnh thoàng – tầm một đến hai lần trong tháng – nó không chịu nổ máy. Động cơ nó đơn giản là ‘không có hứng hoạt động’ ngày hôm đó. Tuy nhiên, chiếc xe cũng không tồi tàn đến mức phải đi thay mọi thứ. Nếu ta kiên nhẫn chờ nó lâu hơn, tầm mười phút chẳng hạn, thì nó sẽ hiều việc nó cần làm. Bạn biết đấu, tất cả mọi thứ, hay kể cả con người – độ một đến hai lần trong tháng, đều có những ngày như thế. C’est la vie. Chồng tôi gọi chiếc xe là "con lừa của em."  Tôi không quan tâm lắm. Dù gì đi nữa thì đó cũng là con lừa của riêng tôi.
Tôi lái chiếc Civic của mình đến siêu thị. Sau đó, tôi quét dọn nhà cửa và giặt giũ. Sau cùng là sửa soạn bữa trưa. Tôi cố gắng hoàn tất hết mọi việc trong buổi sáng, thậm chí nếu có thể, chuẩn bị luôn cả bữa tối cho gia đình. Nếu được vậy, thì toàn bộ thời gian buổi chiều sẽ là của tôi. Chồng tôi về nhà ăn cơm vào buổi trưa. Anh không thích ăn ở ngoài, anh nói rằng ăn ở ngoài thì đông, lại còn thức ăn không ngon và mùi khói thuốc thì bốc lên nghì ngụt. Anh luôn thích ở nhà, dù có phải tốn thời gian chạy về đi chăng nữa.
Thật ra thì tôi cũng không chuẩn bị gì quá cho buổi trưa. Tôi hâm lại thức ăn thừa hồi sáng hoặc luộc qua nồi mì. Tôi cố gắng sao để tiết kiệm thời gian nhất. Và dĩ nhiên có chồng ngồi cạnh thì bàn ăn cũng vui hơn nhiều. Trước đây, khi phòng khám mới bắt đầu hoạt động, buổi chiều những ngày đầu còn rất vắng khách, vì vậy hai chúng tôi sẽ đi ngủ sau khi ăn trưa. Đó là khoảng thời gian đáng yêu nhất của anh. Cánh cửa khép lại, và nắng chiều dịu nhẹ len lỏi vào phòng. Khi đó chúng tôi trẻ hơn rất nhiều, và hạnh phúc hơn. Tất nhiên, giờ đây chúng tôi vẫn hạnh phúc. Tôi thực sự nghĩ như vậy. Trong nhà hầu như chưa bao giờ xảy ra những cuộc cãi vã. Tôi yêu và tin tưởng anh. Và tôi chắc rằng anh ấy cũng cảm thấy như vậy về tôi. Nhưng dần dần, năm qua tháng lại, cuộc sống của bạn cũng dần thay đổi theo. C’est la vie, bạn không thể làm gì được. Bây giờ lịch buổi chiều của anh dày đặc, chúng tôi vừa anh xong thì anh lại phải thu xếp để chạy ngay ra phòng khám. Anh có những chiếc răng ốm yếu mòn mỏi chờ đợi anh. Nhưng chúng tôi ổn với điều đó, chúng tôi hiểu không thể khiến tất cả mọi việc theo ý mình.
Sau khi chồng đi khỏi, tôi lấy khăn tắm và bộ đồ bơi, lái xe đến câu lạc bộ thể thao trong khu phố.  Tôi bơi trong nửa giờ, tôi luyện tập một cách chăm chỉ. Thật ra tôi cũng không quá cuồng việc bơi: tôi chỉ muốn giữ cho thân hình được gọn gàng. Tôi thích cơ thể mình, à thực ra thì tôi không thích mặt của mình lắm. Nó không tệ, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự thích nó. Cơ thể của tôi thì lại là việc khác. Tôi thích khỏa thân đứng trước gương, nghiên cứu những đường nét mềm mại, cân đối theo cái cách của nó. Tôi không chắc nó là gì, nhưng tôi biết nó chắc hẳn là một thứ từ bên trong, một thứ gì đó rất quan trọng đối với tôi, và tôi không muốn mất nó.
Tôi hiện tại đã ba mươi. Khi bạn đã chạm đến nó, bạn sẽ nhận ra nó chẳng to tát gì, như kiểu là tận cùng của thế giới – một dấu chấm hết cho tuổi xuân như mọi người vẫn nghĩ. Bản thân tôi cũng sợ việc già đi, nhưng tôi phải đồng ý rằng nó khiến một vài việc trở nên dễ dàng hơn. Vấn đề chỉ ở việc bạn nhìn mọi việc với thái độ như nào. Dù sao thì, tôi ý niệm rất rõ một điều: nếu một người phụ nữ đã quá ba mươi, biết yêu cơ thê mình và nghiêm túc trong việc giữ gìn dáng người của nó, thì cô ấy phải có những nỗ lực nhất định. Tôi nghiệm ra điều đó từ người mẹ của tôi. Bà ấy từng là một phụ nữ mảnh mai, xinh xắn, nhưng giờ thì không còn nữa. Tôi không muốn điều tương tự xảy ra với mình.
Sau khi bơi xong, tôi sử dụng phần còn lại của buổi chiều theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi tôi sẽ đi lang thang đến quảng trường nhà ga và lang thang hết tiệm này đến tiệm khác. Đôi khi tôi sẽ về nhà, cuộn tròn trên ghế sofa nằm đọc sách, nghe đài, hoặc chỉ đơn giãn là nằm đó nghỉ ngơi.  Vào buổi chiều, khi con tôi đi học về, tôi giúp nó thay quần áo chuẩn bị một bữa snack nhẹ. Khi ăn xong, nó sẽ chạy đi chơi với bạn hoặc làm gì đó. Nó còn quá nhỏ để bị nhồi nhét vào những buổi học thêm, và chúng tôi cũng không áp đặt nó chuyện học piano hay bất cứ điều gì. “Cứ để con nó chơi cho thỏa,” chồng tôi nói, “hãy để nó lớn lên một cách hồn nhiên.” Lúc nó chạy đi chơi, tôi nói điều tương tự y hệt như nói với chồng mình: “Cẩn thận nha con,” và nó cũng đáp lại y hệt như vậy, “không sao đâu ạ.”  Khi đã chiều tà, tôi bắt tay vào chuẩn bị bữa tối. Con trai tôi luôn về lúc sáu giờ, nó còn có tập hoạt hình trên TV của nó. Và nếu không có ca cấp cứu nào, thì chồng tôi thường đã ở nhà trước bảy giờ. Anh không hay la cà, hiếm khi đụng đến một giọt nào, và cũng ghét những cuộc xã giao vô nghĩa. Anh hầu như luôn đi thẳng về nhà từ chỗ làm. Cả nhà quây quần bên bàn ăn, kể về những gì chúng tôi đã làm ngày hôm đó. Con trai tôi luôn là người có nhiều thứ để kể nhất. Mọi thứ diễn ra trong con mắt của trẻ con luôn mới mẻ và tràn đầy sự bí ẩn. Nó kể chuyện, chúng tôi chú tâm lắng nghe, chêm vào chỗ này chỗ kia. Sau bữa tối, nó được làm bất cứ điều gì nó thích - xem tivi, đọc, hoặc chơi trò nào đó với bố nó. Những hôm có bài tập về nhà, nó sẽ ngồi lì trong phòng học. Tôi cho con đi ngủ lúc 8h30, tôi ôm nó, vuốt tóc, nói câu chúc ngủ ngon rồi tắt đèn.
Sau đó là thời gian vợ chồng tôi với nhau. Anh ấy ngồi trên ghế sofa, đọc báo và kể về bệnh nhân của mình hay điều gì đó trên báo. Sau đó, anh thường bật Haydn hoặc Mozart. Tôi thích thú việc nghe nhạc, nhưng chẳng bao giờ tôi phân biệt được hai đại danh tài đó. Đối với tôi, những bản nhạc chẳng có mấy sự khác biệt. Khi tôi thừa nhận điều đó với chồng tôi, anh ấy nói với tôi rằng điều đó không quan trọng. "Tất cả đều đẹp, và đó là những gì ta nên chú tâm." 
“Tựa như anh vậy,” tôi nói.
“Ừ, giống như anh,” anh trả lời với nụ cười tươi lên đến tận mang tai. Anh trông rất vui.
Đây là cuộc sống của tôi – nói đúng hơn thì là cuộc sống trước khi tôi ngừng ngủ - mỗi ngày đều là sự lặp lại của ngày trước đó. Trước đây tôi hay quen ghi nhật kí, nếu bẵng đi hai, ba tôi quên viết, tôi sẽ gần như quên hết đi những việc trước đó. Ngày hôm qua có thể là ngày hôm trước, hoặc ngược lại. Tôi đôi khi tự hỏi đây là kiểu cuộc sống gì nhỉ, không phải là tôi cảm thấy nó trống rỗng, tôi chỉ, đơn giản là, choáng ngợp với nó. Về việc sự phân định giữa ngày và đêm, giữa các ngày với nhau. Về việc tôi là một phần của cuộc sống này, một hiện thực đã gần như ôm trọn lấy tôi. Về việc dấu chân của tôi đã bị cuốn trôi trước khi tôi có cơ hội quay lại và nhìn chúng. Mỗi lần cảm thấy như vậy, tôi sẽ nhìn vào mình trong gương – tôi chỉ đứng đó, nhìn nó trong mười lăm phút, ánh mắt tôi trống rỗng, vô hồn. Tôi nhìn chằm chằm vào nó như thể đang nhìn một vật nào đó, rồi từ từ nó bắt đầu ngắt kế nối với tôi, trở thành một vật thể tồn tại đồng thời với cơ thể tôi. Và rồi sự nhận thức quay trở lại với tôi: Ở đây và ngay bây giờ. Không còn cần đến dấu ấn. Hiện thực và tôi cùng tồn tại đồng thời, ở đây và ngay bây giờ. Đó là điều quan trọng nhất.
Nhưng bây giờ tôi không thể ngủ được nữa. Đó cũng là khi tôi ngừng viết nhật ký.
Tôi nhớ rất rõ vào cái đêm tôi mất đi khả năng ngủ ấy. Lúc đấy tôi đang trong một cơn ác mộng – đen đúa, nhầy nhụa. Tôi không nhớ mình đã  mơ thấy gì, nhưng tôi nhớ cảm thấy ấy: đáng sợ, và gớm ghiếc. Tôi giật người dậy khi nó đang lên lúc cao trào – đó là lúc tôi biết mình được trao cho một khởi đầu lại, tựa hồ như ai đó đã trao cho tôi cơ hội sống cuối cùng trước cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Tôi nghĩ nếu tôi còn ở trong giấc mơ đó thêm một giây nữa thôi, tôi sẽ mất hút luôn vào nó, mãi mãi. Lúc vừa mới tỉnh dậy, tôi thở dốc, ngực tôi thắt lại đau đớn. Chân tay tê liệt, tôi nằm đó bất động, lắng nghe nhịp thở hổn hển của mình, cảm nhận cơ thể mình như đang bị kéo giãn ra trên tấm phản của một cái hang sâu hút. “Chỉ là mơ thôi, chỉ là mơ thôi mà,” tôi tự trấn an, và đợi cho hơi thở mình chậm dần. Tôi cảm thấy tim như muốn vỡ tung ra ở cái tư thế này, phổi dồn máu lên não, cơn co thắt dữ dội, nó thổi phành phạch như cái ống thổi. Tôi tự hỏi mấy giờ rồi nhỉ. Tôi cố quay đầu nhìn đồng hồ, nhưng vô ích. Vừa lúc đó, tôi thoáng thấy ngay chân giường lờ mờ một bóng đen. Tôi nín thở. Tim, phổi, mọi thứ bên trong tôi, dường như đóng băng trong khoảnh khắc đó. Tôi nhìn thẳng vào nó.
.
[còn nữa]