Năm 1981, Nhà dịch tễ học Geoffrey Rose đã đề cập đến một nghịch lý được gọi là "Prevention Paradox" hay "Nghịch lý phòng ngừa". Trong đó, ông dẫn chứng các trường hợp trẻ em mắc Hội chứng Down. Theo lý thuyết thì nguy cơ sinh con bị Hội chứng này sẽ rất cao với phụ nữ lớn tuổi, tuy vậy trong thực tế chỉ có 13% số trẻ bị mắc là con của những bà mẹ tuổi trên 40 trong khi 51% lại đến từ trẻ có mẹ dưới 30 tuổi - độ tuổi có rủi ro thấp.
Nhà dịch tễ học Geoffrey Rose, người đầu tiên đề cập đến "Nghịch lý phòng ngừa"
Nghịch lý này dẫn đến một nhận định quan trọng, bất kỳ ai cũng có nguy cơ về sức khỏe! Và vấn đề của ngành y tế là họ đang quá tập trung nguồn lực vào những người có rủi ro cao mà bỏ qua số đông - những người mang rủi ro về bệnh tật ít hơn. Do đó tỉ lệ người mắc bệnh không giảm mà ngày càng gia tăng về số lượng. Hiểu đơn giản hơn đó là họ đang "Chữa bệnh hơn phòng bệnh".
Và "Nghịch lý phòng ngừa" một lần nữa được nhắc đến trong đại dịch COVID-19.
Đặc biệt tại các quốc gia phương Tây, ở đây nghịch lý được tái hiện vô cùng rõ nét. Khi các ca nhiễm được phát hiện, ngành y tế các nước tâp trung xử lý những người mắc bệnh trước mà đánh giá thấp việc nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao, các khuyến cáo đeo khẩu trang và cách ly được đưa ra khi trường hợp nhiễm đã lên đến hàng nghìn người. Đây là lúc vấn đề xảy ra, do nguồn lực được tập trung cho những người bệnh nặng và rủi ro cao giúp cho số người chết được hạn chế phần nào, nhưng số người nhiễm lại tăng cao do thiếu các biện pháp phòng bệnh, điều này dẫn đến tỉ lệ tử vong trên số người nhiễm bị kéo xuống thấp và gây nên những suy diễn rằng dịch bệnh không nguy hiểm hay thậm chí là không có thật. Số ca nhiễm tại châu Âu và Mỹ tăng lên mỗi ngày chính là điển hình cho việc các nước rơi vào bẫy "Nghịch lý phòng ngừa", tức là dập lửa tại chỗ lửa to nhưng vẫn để lửa nhỏ âm ỉ lan rộng.
Ở nhiều nơi, người ta vẫn không tin COVID là có thật
May mắn là sau khi học được bài học, một số nước đã bắt đầu tập trung mạnh vào các biện pháp phòng chống dịch hơn, như ở Pháp, dưới các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày đã giảm từ hơn 50.000 xuống khoảng 10.000. Hay tại Bỉ, quốc gia có tỷ lệ nhiễm nCoV trên đầu người cao nhất châu Âu trước khi chính phủ ban lệnh phong tỏa, số ca nhiễm đã giảm từ 17.000/ngày xuống còn khoảng 2.500.
Điều cuối cùng, xin được trích một câu của tiến sĩ Y tế Công - Ole Melkevik : 
Chúng ta liệu có muốn hy sinh tự do cá nhân vì lợi ích của sức khỏe cộng đồng?
Có lẽ đây cũng chính là câu hỏi mấu chốt của người dân các nước đang chịu ảnh nặng nề từ Covid hay xa hơn là các dịch bệnh trong tương lai. Việc lựa chọn sự tự do của bản thân hay sức khỏe của chính mình và cộng đồng, có lẽ mỗi cá nhân đều có riêng một câu trả lời. Và chính câu trả lời của họ phản ánh chính xác những gì đang diễn ra trên thế giới ngay tại thời điểm này.