Bước vào trong một quán cà phê mới khai trương, bạn được nhân viên đưa cho menu để có thể chọn lựa. Cà phê, trà, đá xay, nước uống theo mùa… hàng chục loại thức uống khác nhau khiến bạn hoa cả mắt vì không biết nên chọn loại đồ uống nào.  Đối tượng để lựa chọn thì rất nhiều nhưng cảm giác khó chịu khi phải cân đo đong đếm giữa tất cả sự lựa chọn. Và rồi bạn lại chọn ly cà phê sữa bởi vì nó quen thuộc nhất.
Hiện tượng này được gọi là Nghịch lý Lựa chọn và nó đang được quan tâm nhiều hơn trong xã hội hiện tại, khi các sự lựa chọn đang dần nhiều và trở nên dễ tiếp cận hơn với đại chúng. Nghịch lý Lựa chọn có nghĩa rằng mặc dù chúng ta tin rằng việc có nhiều lựa chọn giúp chúng ta dễ dàng đưa ra quyết định, do đó làm tăng sự hài lòng của người tiêu dùng, nhưng việc có quá nhiều lựa chọn thực sự đòi hỏi chúng ta nhiều nỗ lực hơn để đưa ra quyết định và có thể khiến chúng ta cảm thấy không hài lòng với sự lựa chọn của mình.
“Học cách lựa chọn thật khó. Học cách lựa chọn tốt còn khó hơn. Và học cách lựa chọn tốt trong một thế giới có những khả năng không giới hạn còn khó hơn, có lẽ là quá khó” — Barry Schwartz

Nghịch lý Lựa chọn

Nghịch lý Lựa chọn (Paradox of Choice) được phổ biến rộng rãi trong cuốn The Paradox of Choice: Why More is Less (2004) của tác giả Barry Schwartz. Ông là nhà tâm lý học người Mỹ, người từ lâu đã nghiên cứu sự giao thoa kinh tế học và tâm lý học, bắt đầu quan tâm đến việc xem các lựa chọn ảnh hưởng như thế nào đến hạnh phúc của người dân trong các xã hội phương Tây. Ông cho rằng phạm vi lựa chọn mà chúng ta có sẵn ngày nay lớn hơn nhiều so với trước đây; tuy nhiên, sự hài lòng của người tiêu dùng không tăng nhiều như các lý thuyết kinh tế truyền thống mong đợi.
Sự lựa chọn thường được gắn liền với sự tự do, lựa chọn càng nhiều sẽ tương đương với sự tự do càng nhiều. Thay vì phải chọn giữa A và B, dần dần lựa chọn C, D ra đời và vòng lặp được bắt đầu. Khi ngày càng có nhiều lựa chọn, người đưa ra quyết định sẽ có được sự thoải mái khi có thể chọn thứ gần đúng nhất với yêu cầu của bản thân.
Tuy nhiên, Schwartz nhận thấy rằng việc có vô số lựa chọn trong thế giới hiện đại thực sự khiến mọi người ít hài lòng hơn với quyết định của mình. Ông nhận thấy rằng thay vì làm tăng sự hài lòng với quyết định, việc có quá nhiều lựa chọn lại khiến mọi người ít hài lòng hơn. Mặc dù tự do là quan trọng nhưng Schwartz giải thích rằng có một ranh giới mong manh giữa việc có quyền tự do lựa chọn những gì bạn muốn và việc bị tê liệt khi đối mặt với quá nhiều lựa chọn. Trong bài báo “Làm tốt hơn nhưng cảm thấy tệ hơn” xuất bản cùng năm với cuốn sách của mình, Schwartz và đồng tác giả Andrew Ward đã tuyên bố rằng “tự do không bị giới hạn sẽ dẫn đến tê liệt”.

Các lí do dẫn đưa chúng ta rơi vào Nghịch lý Lựa chọn:

1. Quá tải lựa chọn

Khi có một vài sự lựa chọn, chúng ta sẽ phân chia năng lực tập trung ra để nhận biết những đặc điểm của sự lựa chọn, từ đó so sánh với nhu cầu bản thân. Khi số lượng sự lựa chọn được tăng lên hàng chục hay hàng trăm, hàng ngàn, sự phân bổ năng lượng trở nên khó khăn và mỗi sự lựa chọn chỉ được quan sát rất sơ sài, từ đó dẫn tới sự không hài lòng với lựa chọn của bản thân.

2. Sự tối đa hóa lựa chọn

Đứng trong shop quần áo với hàng ngàn mẫu áo khác nhau, chiếc nào cũng đẹp, chiếc nào cũng xịn, bạn muốn chọn chiếc áo phù hợp với bản thân thì phải làm sao? Bạn kéo ra từng chiếc áo, thử chúng, rồi treo lên, lặp lại cho đến khi hết? Cho rằng bạn chọn ra được 10 chiếc áo trong số áo có ở shop, tiếp theo bạn sẽ phải chọn giữa chúng, chất vải này xịn nhưng áo quá nhỏ, chiếc này vừa vặn nhưng không phải màu bạn thích hay mọi thứ đều hoàn hảo cho đến khi bạn nhìn đến giá…
Chúng ta sẽ có xu hướng tối đa hóa sự tương đồng từ sự lựa chọn với nhu cầu của bản thân, đôi khi là quá phi thực tế. Khi phải sử dụng quá nhiều nặng lượng để lựa chọn, chúng ta sẽ không thể phân biệt được cái nào sẽ phù hợp với mình, khiến quá trình chọn lựa diễn ra lâu dài và tiêu hao sức lực nhiều hơn.

3. FOMO

Tiếp tục với ví dụ bên trên, nếu mua chiếc áo A mình có thể mặc để đi học, còn chiếc áo B thì sẽ rất tuyệt nếu như mặc nó vào buổi hẹn hò cuối tuần này và chiếc áo C bên này lại phù hợp hơn với cuộc đi chơi tối nay nhưng mình chỉ cần thêm một chiếc áo thôi, bây giờ nên như thế nào đây?
Với tâm lí sợ bỏ lỡ (Fear of Missing Out – FOMO), sự hoài nghi sẽ diễn ra trong đầu người chọn, nếu mình chọn nhầm chiếc áo mà mình sẽ không thích thì sao, nếu yêu người B thay cho người yêu hiện tại thì mình sẽ được hạnh phúc hơn hay không… Với tác động của FOMO, sự lựa chọn của bản thân sẽ là lựa chọn tồi tệ và khiến chúng ta nghĩ mình có thể phải cam chịu với sai lầm đó khi đã quyết định.

Hạnh phúc với lựa chọn – biết bản thân muốn gì, cần gì

Bước 1: Hãy liệt kê những tiêu chí rõ ràng về yêu cầu của bản thân cho sự lựa chọn hoàn hảo.
Bước 2: Sắp xếp các sự lựa chọn theo độ quan trọng, tiêu chí nào là cần thiết hơn sẽ nằm ở vị trí trên cùng.
Bước 3: Đánh dấu những tiêu chí không bắt buộc.
Bước 4: Áp dụng bộ lọc tiêu chí vào sự lựa chọn, lựa chọn phù hợp nhất với bản thân sẽ có nhiều điểm tương đồng nhất với tiêu chuẩn bản thân đã đặt ra.
Đây sẽ là các bước đơn giản để bạn có thể áp dụng vào gần như mọi thứ khi phải lựa chọn. Biết mình muốn gì sẽ không đem lại cho bạn một chiếc áo hoàn hảo hay một người bạn đời hoàn hảo, nhưng nó sẽ khiến bạn trở nên hạnh phúc hơn và tiết kiệm năng lượng cho các hoạt động hàng ngày.
Với rất nhiều sự lựa chọn được thêm vào mỗi ngày, danh sách thứ mà chúng ta có thể chọn đang dần tiến gần hơn về con số vô hạn. Việc có thể chọn lựa một cách thông minh sẽ tiết kiệm thời gian, tiết kiệm năng lượng và mang lại sự thỏa mãn về sự lựa chọn của bản thân.