Tôi có rất nhiều sở thích, đặc biệt là đọc, nghe và ghi chép. Tôi có thể dành cả ngày để đọc, nghe và hầu hết tôi đều sử dụng nguồn nước ngoài. Một phần vì công việc, một phần vì tôi biết rằng bằng cách “ép” bản thân như vậy, khả năng ngoại ngữ của tôi sẽ tăng nhanh chóng.
Trong series bài viết “My Favorite List” này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những gì tôi đọc, tôi nghe, tôi sử dụng và làm thế nào để tối ưu hóa chúng. Tôi vẫn dùng các nguồn này mỗi ngày để học hỏi và không ngừng tìm ra các cách học tốt nhất. Với tôi, không có gì tuyệt vời hơn việc thử, trải nghiệm, sai lầm, sửa, áp dụng và lại tiếp tục chu trình này cho những thứ khác. Khi học bằng cách thử-và-sai, tôi sẽ biết được đâu là những cái phù hợp với mình và đâu là những cái mà tôi cần điều chỉnh.
Series này gồm có các phần sau:
Phần 1: My Reading List – Tôi đọc gì?
Phần 2: My Watching List – Tôi xem gì?
Phần 3: My Learning List – Tôi học gì?
Phần 4: My Writing List – Tôi viết gì?
Bắt đầu từ tuần này tôi sẽ viết ra những gì tôi đọc, tôi nghe, tôi học và tôi viết. Tất cả những điều này đều xuất phát từ trải nghiệm của tôi và tôi cũng đã theo đuổi được một thời gian khá dài.
***

Phần 1: My Reading List – Tôi đọc gì?

Tôi đọc nhiều nguồn, nhiều thể loại, nhiều lĩnh vực. Cuộc sống, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế. Đôi khi, tôi cũng đọc một chút về sinh học, khoa học và cập nhật các nghiên cứu mới. Tuy nhiên, tôi vẫn dành nhiều thời gian nhất cho các bài viết về phát triển bản thân, kỹ năng sống, công việc và cách tư duy.
Dưới đây là một số website tôi yêu thích và theo tôi, chúng vô cùng ý nghĩa cho những ai thích đọc, thích học.

1. Medium

đọc gì trên mạng

Medium là một trong những website tôi đọc nhiều nhất. Đây là một nền tảng blog dành cho tất cả mọi người. Bất kể bạn là ai, làm nghề gì, miễn là bạn có thứ gì đó muốn chia sẻ đều có thể truy cập vào website, đăng ký tài khoản và bắt đầu viết. Đa phần các bài viết trên website này đều bằng tiếng Anh với cách viết đơn giản, dễ hiểu nên nó rất phù hợp với những ai đang muốn cải thiện ngoại ngữ.
Cho đến bây giờ, tôi biết đến Medium khoảng 1,5 năm và tôi cũng từng đăng một số bài viết của mình lên đó. Sau một thời gian sử dụng, Medium thực sự đã mang đến cho tôi vô cùng nhiều những kiến thức về cách sống tích cực, cách làm việc hiệu quả, tư duy và hiểu rõ hơn những gì tôi chưa biết. Nếu lần đầu tiên tham gia Medium, bạn có thể follow một số tác giả hàng đầu như Darius ForouxJames AltucherQuincy Larson, Benjamin P. HardyGary Vaynerchuk Thomas Oppong. Đây đều là các tác giả với hàng nghìn lượt follower, các bài viết hay, sâu sắc và ý nghĩa.
Một điểm thú vị nữa của Medium đó chính là nếu yếu thích một bài viết, thay vì nút “Like” như nhiều website khác, bạn sẽ click vào biểu tượng “vỗ tay” để thể hiện sự hài lòng của mình. Tuy đây là một điểm nhỏ nhưng đôi khi, nó cũng có thể tạo ra sự khác biệt.

2. Harvard Business Review

đọc gì trên mạng

Harvard Business Review (HBR) là một tạp chí rất nổi tiếng được xuất bản bởi Harvard Business Publishing (thuộc đại học Harvard). Tạp chí được xuất bản 6 lần mỗi năm và rất may mắn là ai cũng có thể đọc với số lượng 3 bài miễn phí mỗi tháng (khi chưa đăng nhập website). Nếu muốn đọc nhiều hơn (6 bài free/tháng), bạn có thể dùng email cá nhân tạo tài khoản đăng nhập.
HBR đặc biệt phù hợp với những người thích kinh doanh, muốn cải thiện các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, ra quyết định, marketing, hiểu về chiến lược, truyền thông, quản trị bản thân, văn hóa doanh nghiệp, cân bằng công việc – cuộc sống, lập kế hoạch sự nghiệp, cải thiện năng suất công việc và khám phá công nghệ. Các bài viết trên HBR đều được viết bởi các giáo sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu… những gì họ viết ra đều phải mất rất nhiều thời gian tổng hợp, phân tích, đúc rút.
Gần như, mỗi tuần tôi đều ghé thăm HBR 5 đến 6 lần vừa để đọc thêm vừa để cải thiện kỹ năng viết Tiếng Anh vì các bài viết đều được viết theo đúng phong cách học thuật (academic). Có bài tôi đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu rõ hơn và đôi khi cũng chỉ “dám” đọc tiêu đề và mô tả thôi vì mỗi tháng tôi chỉ được đọc 6 bài đầy đủ miễn phí. ^_^

3. The Book of Life

đọc gì trên mạng
The Book of Life (tạm dịch: Cuốn sách cuộc đời) là một website vô cùng đặc biệt, thuộc sở hữu của The School of Life (tạm dịch: Trường đời). Đúng với tiêu đề của trang: “Developing Emotional Intelligence” – Phát triển trí thông minh cảm xúc – khi ghé thăm website, bạn sẽ thấy có 6 chương rõ ràng: Capitalism (hiểu về vật chất, tiền bạc, truyền thông, địa vị xã hội…), Work (hiểu về sự hài lòng trong công việc, tìm kiếm việc làm, những nỗi đau khổ trong công việc), Relationships (hiểu về sự lãng mạn, mâu thuẫn, tình dục, con cái), Self (chương này dành để hiểu bản thân như tự nhận thức, điềm tĩnh, nhân cách, tâm trạng, kỹ năng cảm xúc), Culture (bao gồm nghệ thuật, ẩm thực, du lịch, giải trí, kiến trúc), và Curriculum (bao gồm các bài viết về triết học, lý thuyết chính trị, xã hội học, văn học, tâm lý trị liệu). Tôi đọc nhiều các bài viết ở chương Self, Relationships và Work vì chúng gần gũi và hữu ích cho chính tôi. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn bất cứ chủ đề nào bạn thích để tìm hiểu.
So với Medium và HBR, lối viết trên The Book of Life có thể sẽ gây khó khăn cho một số người. Tuy nhiên, độ sâu của các bài viết không thể nào diễn tả được. Rất nhiều lần tôi nhận ra chính mình nhờ những bài viết đó, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tôi hiểu sâu hơn “cái tôi” của mình, ý nghĩa cuộc sống ở đâu và làm thế nào để kiểm soát cảm xúc.
Nếu muốn nghe thay vì đọc trên The Book of Life, bạn có thể subscribe kênh YouTube The School of Life nhé. Các video đều được xây dựng công phu, hình ảnh ấn tượng và không quá dài.

4. Zen Habits
đọc gì trên mạng

Zen Habit là blog của tác giả Leo Babauta. Hiện anh đang sống tại Davis, California với vợ và 6 đứa con.
Tôi không phải là một chuyên gia, không phải là một bác sĩ, cũng không phải là một huấn luyện viên. Tôi không kiếm hàng triệu đô la, và tôi cũng không phải là vận động viên vĩ đại nhất thế giới. Tôi là một người đàn ông bình thường, một ông bố với 6 đứa con, một người chồng, một người thích viết lách đến từ Guam. Nhưng tôi đã làm rất nhiều thứ vài năm trước (và thất bại rất nhiều) và trên hành trình đó, tôi cũng học được rất nhiều bài học.
….
Tôi không làm tất cả mọi thứ cùng lúc, và bằng cách xây dựng nền tảng và học hỏi từ mỗi thành công trước đó, tôi có thể chinh phục thử thách mới mà tôi đặt ra cho bản thân mình.
…..
Giờ đây, tôi không hề đòi hỏi sự hoàn hảo. Tôi thất bại liên tục, thường xuyên. Nhưng tôi không để nó ngăn bản thân mình. Có lẽ, hôm nay tôi không chạy. Nhưng điều này không có nghĩa tôi sẽ không chạy vào ngày mai, và trong dài hạn, tôi sẽ có những tiến bộ xuất sắc.
Làm sao tôi làm được tất cả những điều này? Không có phép màu kỳ diệu nào cả, cũng không cần phải nỗ lực hay cống hiến một cách đặc biệt. Những phương pháp đơn giản, những thứ mà tôi chia sẻ trên website này, và những thứ tôi vẫn đang học để làm chúng hoàn hảo và có lẽ sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo được.
Đây là những lời chia sẻ chân thành của Leo Babauta trên blog của mình và khi đọc được những lời này, tôi hiểu rằng Zen Habits chính là thứ mà tôi cần để cải thiện chính con người tôi. Và đúng là tôi đã học được rất nhiều: làm thế nào để tách mình ra khỏi những ồn ào của cuộc sống, hiểu rõ bản chất của việc cố gắng thay đổi sẽ không phải là điều tốt hay cách để lấy lại sự tự tin cho bản thân mình. Hiển nhiên, tôi vẫn chưa đọc hết tất cả nhưng hàng tuần tôi đều dành thời gian ghé thăm Zen Habits.
Zen Habits phù hợp với những ai muốn thay đổi bản thân bằng cách rèn luyện những thói quen nhỏ hàng ngày. Tất cả các câu chuyện đều là những trải nghiệm thật sự của tác giả. Không hề cầu kỳ, hoa mỹ về câu từ; rất thân thiện, gần gũi và thực tế. Thêm nữa, Zen Habits cũng không có quảng cáo trên trang hay bất cứ sự gây nhiễu nào, khác hoàn toàn với nhiều website về chủ đề phát triển bản thân khác.
5. The Minimalists
đọc gì trên mạng

Gần đây, tôi có đọc cuốn sách Minimalism: Live a meaningful life (bản ebook), được viết bởi hai tác giả là Joshua và Ryan – chủ nhân của blog về chủ nghĩa tối giản rất nổi tiếng: The Minimalists. Cuốn sách là tập hợp những bài viết đã được xuất bản trên blog này xoay quanh việc làm thế nào để sống đơn giản, bao gồm các phần: sống ở hiện tại, sức khỏe cảm xúc, tăng trưởng và cống hiến. Rất tiếc là hiện tại cuốn sách chưa được xuất bản ở Việt Nam nên nếu bạn muốn đọc bản ebook tiếng Anh thì click vào đây nhé.
Đối với blog The Minimalists, đây thực sự là tài nguyên quý giá dành cho những ai đang thực hành cách sống tối giản (tôi cũng là một trong số đó). Joshua và Ryan giải nghĩa từ tối giản như sau: “Điểm cốt lõi đó là chủ nghĩa tối giản là một công cụ giúp bạn được giải phóng. Giải phóng khỏi nỗi sợ hãi. Giải phóng khỏi lo lắng. Giải phóng khỏi việc bị lấn át. Giải phóng khỏi tội lỗi. Giải phóng khỏi khủng hoảng. Giải phóng khỏi sự lệ thuộc. Tự do”.
Một vài điều tuyệt vời tôi đã học được trên blog này cho tới bây giờ đó là: cách tạo ra nhiều hơn, tiêu ít hơn, trân trọng những điều nhỏ nhặt, tổ chức email hay không mua những thứ tôi không cần thiết.
Ngoài những website này, tôi cũng thường xuyên đọc trên các trang web sau:

Khoa học:

  1. New Scientist
  2. National Geographic

Phát triển nghề nghiệp:

  1. Mind Tools
  2. The Muse
  3. LinkedIn
  4. Forbes

Cuộc sống:

  1. Lifehacker
  2. Lifehack
  3. Mark Manson
  4. James Clear
  5. Brain Pickings

Kinh doanh & Công nghệ:

  1. The Economist
  2. The Vox
  3. The Next Web
  4. We Forum (đây là diễn đàn Kinh tế thế giới. Tôi thường ghé thăm website này để đọc, tìm hiểu các vấn đề về giáo dục, con người, công nghệ… và học cách viết để cải thiện kỹ năng Writing của mình).
Tôi sẽ thường xuyên cập nhật danh sách này để chia sẻ cho cho bạn những gì tôi tìm được, học được. Nếu bạn quan tâm có thể subscribe tôi để nhận được bài viết/bài dịch hàng tuần nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của tôi.

Các phần tiếp theo