VFS cổ phần hóa. Cãi nhau ỏm tỏi là thế mà có vẻ chả mấy ai (khán giả yêu điện ảnh) nói đến bởi sự tình phức tạp mà thông tin lại ít, hoặc đơn giản là vì họ thực sự không quan tâm. Tôi đã xem một số bài viết và clip, quan điểm của 2 bên, nhưng những gì tôi viết sau đây, lại có vẻ rất ít liên quan đến vụ cổ phần hóa này, mà chính là nói về những "nghệ sĩ".
Trong clip có đoạn diễn viên Quốc Tuấn ( bố cậu bé Bốp ), nói những người nghệ sĩ như bác ấy, ở VFS, đã không được giao việc làm, không được sáng tạo, không được trân trọng danh dự. Người lãnh đạo VFS thực chất muốn xóa bỏ hoàn toàn việc làm phim, hạ thấp hình ảnh người nghệ sĩ, để công chúng lãng quên và quay lưng với hãng. Thật buồn. Hẳn là chúng ta khi xem đến đoạn này sẽ thấy cảm thông với gian truân của những người nghệ sĩ. Nhưng hãy tạm ngừng ở đây một chút...
... Bạn hãy thử nghĩ lại xem, nền điện ảnh của chúng ta "phát triển" thế nào trong hơn 30 năm qua? Câu trả lời đã quá rõ ràng. Điện ảnh VN không hề phát triển mà chỉ thụt lùi. Khán giả cứ thế bị ném vào nỗi thất vọng sâu thẳm . "Phim Việt Nam" dần trở thành thuật ngữ để người Việt chỉ thứ phim lạc hậu, kệch cỡm, khôn khan. Khán giả trở thành lũ đần độn, lười biếng, không (bao giờ) có khả năng tiếp nhận nghệ thuật.
Trước đây vài năm, tôi thường nghĩ xem ai là thủ phạm gây ra hoàn cảnh như vậy. Tôi muốn chỉ thẳng mặt "hắn" để buộc tội. Một tay khùng chuyên làm phim chân dài. Một ông diễn viên hài hải ngoại dùng tiền để biến điện ảnh thành thứ trò hề rẻ tiền. Một bà già thuộc ban bệ nào đó áp đặt cái tư duy tiểu nông lên nghệ thuật. Mỗi khi xem xong một phim nước ngoài tuyệt hay, được làm từ những năm 60, so sánh với những phim Việt Nam mới nhất, tôi lại càng căm thù "bọn chúng". Tôi đã từng cay cú như thế đấy. Và hôm nay khi được nghe 2 chữ "nghệ sĩ" từ bác, tôi mới thật tìm ra cái nghiệm cuối của phương trình này.

Tố Uyên trong "Con chim vành khuyên" (1962)
Các bác " nghệ sĩ " uất ức vì hãng phim bị định giá thương hiệu bằng 0. người ta có thể nhận ra một mánh lới của những tay con buôn ở trong đó , bởi VFS vẫn có một giá trị truyền thống vì có những bộ phim gắn với dòng chảy của lịch sử. Nhưng mà, cái bộ phim cuối cùng mà người ta còn nhắc đến khi nói về VFS là từ những năm 70 của thế kỉ trước, vậy gần 40 năm tiếp theo của VFS đạt được thành quả gì? Như đã nói ở trên, đó là sự thụt lùi. VFS như thể đã chết từ 40 năm trước rồi. Hãng phim đã chết trong tay chính thế hệ "nghệ sĩ" các bác.
Lấy ví dụ như chính bác diễn viên Quốc Tuấn đó, bác đã làm những gì cho đúng cái danh hiệu "nghệ sĩ" mà bác đang "đeo" ? Bác có thể nói công việc của bác là âm thầm cống hiến, cũng được. Nghệ sĩ có thể im miệng, còn tác phẩm phải lên tiếng. Người ta chỉ biết có 2 thứ về bác, trước kia là anh Vác tù và hàng tổng, bây giờ là ông bố có đứa con tật nguyền. Chẳng có một thành quả nghệ thuật nào?
Một lần nữa bác đổ lỗi cho người quản lý không giao việc cho bác, dù các bác muốn làm. Một nghệ sĩ không thể tự tìm con đường nghệ thuật của mình, mà lại phải chờ đợi để được giao việc ư? Bản năng người nghệ sĩ là cho phép bác ngồi yên như thế sao? Hay là ta nên nói cho đúng, những người tự nhận là "nghệ sĩ" như các bác, thực chỉ là những ông thợ, thợ quay phim, thợ diễn, thợ viết kịch, bởi bao năm qua các bác chỉ làm đúng bổn phận của những người thợ. Hôm nay, người chủ lật lọng quay lưng lại với các bác, các bác có thể đấu tranh, nhưng hãy mang đúng thân phận của người thợ. Đừng dùng hào quang chân chính của một nghệ sĩ để làm một cái lá chắn cho mình.
Đã một ngày nào các bác là nghệ sĩ đâu, mà đòi hỏi cái phẩm giá của người nghệ sĩ. Các bác dùng nước mắt để khán giả hiểu lầm đằng sau các bác là sự hy sinh, là cống hiến cao cả, nhưng các bác đã hy sinh cái gì? Sự cống hiến của các bác cũng chỉ như một người lao công tận tụy, bao năm đi quét lại một con đường.
Nếu không có vụ VFS cổ phần hóa này, các bác có đứng lên, bóc mẽ những đổ nát bên trong nó không? Các bác có dám mạnh miệng nói những "nghệ sĩ" các bác sẽ dùng bộ não, và máu, và đôi tay, để thay đổi diện mạo điện ảnh nước nhà không? Hoặc giả dụ, người ta cổ phần hóa thành công, các bác mỗi người một chỗ, lại ấm phần của mình, thì cái sự thay đổi ấy có cơ may xảy ra không?
Chúng ta, tôi và cả bác, đều biết câu trả lời.
Nền điện ảnh này chỉ thay đổi và phát triển, khi những người theo đuổi điện ảnh là những người nghệ sĩ chân chính, thực thụ, với cả tài năng và đạo đức nghề nghiệp. Hay đúng hơn, người ta phải trả lại ý thực sự của một nghệ sĩ. Không phải là một chức danh to tát, mơ hồ mà đơn giản là những người sáng tạo , nhưng dũng cảm để đập bỏ những bức tường định kiến của xã hội.
Thành kiến là kẻ thù của nghệ thuật. Nghệ thuật sinh ra để phá bỏ thành kiến
Tôi đã từng nói chuyện với những người trẻ tuổi, được đào tạo và làm tại cơ quan phim truyền hình nhà nước. Khi tôi nói điện ảnh Việt Nam phải đi tìm những cái mới. Họ bảo tôi rằng không thể, vì phim Việt Nam phải chơi theo luật của Việt Nam, không thể như phim-nước-ngoài được. Nghĩa là không được thay đổi gì hết, mà ta chỉ cần học cách để hòa vào guồng quay của nó.
Ở Việt Nam, một "nghệ sĩ" phải học tuân thủ những cơ chế, chứ không phải phản kháng và phá bỏ những định kiến để tạo ra cái mới. Tôi tin đó là điều họ được dạy, từ những người thày "nghệ sĩ" của họ. Sau chục năm họ sẽ trở thành "nghệ sĩ" và truyền đạt lại cái di sản của họ cho lớp "nghệ sĩ" kế cận.
Nghệ thuật là đi tìm một con đường. Nhưng những người "làm nghệ thuật" ở Việt Nam lại tưởng nghệ thuật là đi theo dấu chân của người đi trước họ. 
Bài viết này, tôi không công kích riêng bác diễn viên Quốc Tuấn, mà bác chỉ là một cá nhân thuộc một lớp người đã không đi đúng con đường chân chính của nghệ thuật. Đó thậm chí có thể coi như là một tội ác. Nói vậy, nghĩa là VFS chìm xuồng cùng lũ "nghệ sĩ" , chẳng phải nỗi mất mát gì cho nghệ thuật nước nhà, trái lại đó là hệ quả mà người ta đã nhìn thấy từ lâu rồi. Hệ quả mà chính các bác là cái tác nhân của nó vậy.