Lâu lắm mới trở lại Spiderum khi mình đã ở một vị trí khác, đã có những góc nhìn khác với thời kì trước. Hẹn một ngày sớm thôi, sẽ viết về giai đoạn thất-nghiệp-có-chủ-đích của mình. Còn giờ đây, mình muốn nói một câu chuyện khác.
Beautiful Goodbye Quotes Farewell My Friend Quotes Thoughts

Nói qua một chút về mình và lý do tại sao lại có bài viết này. Giờ mình đang làm việc ở vị trí Truyền thông nội bộ của một công ty vừa vừa, tầm 70 nhân viên. Tuy mới vào công ty cũng gần đây thôi, tầm 9 tháng, nhưng mình cảm thấy mình dành cho công ty này, công việc này một vị trí lớn trong tim và dĩ nhiên, trong cuộc sống của mình. Thế là, khi công ty có những sự biến động về nhân sự, như bây giờ, mình là một trong những người để tâm nhất, vì, well, nó là công việc cả mình, nhưng cũng là vì mối quan hệ tình cảm của mình dành cho công ty nữa. Trong đầu mình hiện lên rất nhiều câu hỏi, sao ở thời điểm này, bạn lại chọn cách rời đi, liệu bạn rời đi có phải vì công ty chưa đủ tốt cho bạn, nếu mình/công ty biết về ý định này của bạn sớm hơn, liệu có thể thay đổi quyết định cuối cùng của bạn không... Những câu hỏi này, đến giờ vẫn chưa thể có câu trả lời.
Nhưng nếu khách quan để đứng trên góc độ công việc thì có hai vấn đề cần nhìn nhận thế này:
Bạn không thể ngăn nhân viên nghỉ việc
Việc nhân viên nghỉ việc có một tỉ nguyên nhân chủ quan và khách quan, và không phải nguyên nhân nào bạn cũng có thể giải quyết. Nhiều khi việc không đi cùng được với nhau không rõ ràng như 1 + 1 = 2, chưa hẳn đã là do bạn đúng, công ty/sếp sai hoặc ngược lại. Nhiều khi chỉ đơn giản là định hướng phát triển của bạn không còn phù hợp với tầm nhìn chiến lược của nơi ấy.
Khi đó, việc cần làm là phả nhìn nhận khách quan về tình hình phát triển của công ty, nếu mọi thứ vẫn đang đi đúng định hướng ban đầu thì việc rời đi của một hoặc một số nhân viên không phản ánh được vấn đề đáng kể nào. Việc chăm chăm đi tìm nguyên do cũng không hẳn là cách hay để giải quyết vấn đề, ngoài lý do khách quan do môi trường làm việc, chính sách của công ty tác động, còn có những lý do chủ quan mà chính bản thân người nhân viên đó mới biết được. 
Bộ máy hoạt động trơn tru khi và chỉ khi đảm bảo được định hướng phát triển chung chứ không phải bằng mọi cách duy trì đội ngũ nhân sự ổn định mà thay đổi những cái được coi như hồn cốt của công ty. Đó là chưa kể đến chuyện, một cánh cửa cũ đóng lại là cơ hội cho một cánh cửa mới ở ra. Người mới đến, có thể đem lại những làn gió mới đến, mang đến sức sống mới cho doanh nghiệp và tưới tắm lại những quy trình đã cũ. Điều này về đường dài sẽ đem lại những hiệu quả tích cực cho công ty.  
Bạn cũng không nên ngăn nhân viên nghỉ việc
Đồng ý là một khi đã bước chân vào công ty, thì mỗi nhân viên đều là một phần máu thịt của nó. Việc một người rời đi không chỉ để lại sau lưng khoảng trống về công việc, mà còn để lại một khoảng trống tinh thần trong cả một cộng đồng, và dĩ nhiên, cả trong lòng cấp trên nữa. Đừng nghĩ là người ta là lãnh đạo, người ta không quan tâm gì đến đời sống, tâm tư, tình cảm gì của nhân viên. Một khi đã ở công ty thời gian tính bằng năm, nói chuyện bao lần, cùng ăn cùng chơi, cùng đá bóng, cùng uống rượu, thì bên cạnh mối quan hệ công việc, chúng ta còn một sợi dây tình cảm anh em nữa. 
Thế nhưng, càng vì thế mà công ty lại càng không nên kìm chân nhân viên lại. Sự trung thành trong công việc là tốt, nhưng không phải là bắt buộc. Chỉ cần trong thời gian bạn còn sống ở đây, bạn thực hiện tốt, đúng và đủ những nhiệm vụ mà công ty giao phó cho bạn, vầy là đủ. Bạn có chí lớn, bạn có lý tưởng, bạn tìm được môi trường mới tốt hơn để vẫy vùng, nếu vậy, công ty sẽ rất vui mừng để bạn ra đi để thực hiện hoài bão của mình. Đấy mới thật sự là anh em đúng nghĩa. 
------
Khi kết thúc quãng đường này, công ty ghi nhận được đóng góp của bạn tới thành quả chung. Và cũng cố gắng hết sức để các bạn khi ngoái nhìn lại cũng thấy quãng thời gian gắn bó với công ty là không uổng phí. Đó mới đích thực là một kết thúc vẹn toàn cho cả hai bên.