Vậy là lại một đợt dịch nữa đến và đi. Điều làm chúng ta khó chịu vào năm ngoái thì năm nay đã quay trở lại với tên gọi khó chịu hơn: “năm COVID thứ 2”. Nhiều người phải làm việc tại nhà, nhiều người bị mất việc và nhiều người thì chọn chủ động ở nhà, chỉ đơn giản là ở nhà thôi, nghỉ việc hay không không quan trọng.
Sau những thời gian qua thì bạn có gặt hái được gì không? Một sự hồi phục sức khoẻ hoặc căn bệnh viêm phổi chẳng hạn? Tôi thì gặt được vài thứ vui vẻ hơn trong 2 tháng qua và sẵn sàng chia sẻ rồi đây.
Xem lại các bài viết cũ thì đây trông chẳng khác gì phần 2 của năm ngoái:

1. Học chơi cờ vua

Trước đây tôi (tất nhiên là) không biết chơi môn này dù khá hứng thú với mấy quân cờ. Tôi nghĩ nó thú vị, ngầu ngầu và rất nguy hiểm, mình mà biết chơi thì đã thật. Nhưng cũng vì nghĩ cờ vua khó nhằn và phức tạp như vậy thì sao mình chơi nổi, nào là phải có tư duy chiến thuật, nào là phải biết đi trước đi sau, bày binh bố trận thì mới chơi được chứ ngựa ngựa ngơ ngác như tôi thì đúng bó tay. Chưa kể đến việc chưa từng được đi học hay được ai có chuyên môn đào tạo thì chỉ có thể chơi được cờ vua trong giấc mơ. Ấy vậy mà tôi vô tình quen được một cao thủ cờ vua, à nói đúng ra thì anh này giỏi quá nhiều thứ và cờ vua chỉ là một trong số đó, ổng truyền đam mê cho tôi bằng cách luôn bảo anh đang bận chơi cờ mỗi khi tôi hỏi bài vở gì đó. Tôi có rụt rè kể cho ổng là muốn học chơi cờ mà không biết sách giáo trình nào phù hợp cho người mới bắt đầu thì ổng chỉ cho cái app chơi trên điện thoại chess.com mà học.
ngầu vậy mới chơi được chứ gì nữa.
ngầu vậy mới chơi được chứ gì nữa.
Nửa tin nửa ngờ nhưng vì rảnh nên tôi cũng thử học qua game và trộm vía là tôi chơi được thật sau khi học. Từ mấy nước cơ bản như quân nào đi như nào, ăn ra sao đến mấy khái niệm tốt thông, bắt tốt qua đường hay đòn đôi đòn kép,.. tôi đều hiểu nôm na và dùng được. Cũng do cái app hướng dẫn kĩ quá nên không thể không hiểu đấy mà.
app dạy chơi mà tôi học, khá hữu ích.
app dạy chơi mà tôi học, khá hữu ích.
Nghe câu chuyện tự học cờ vua lãng xẹt thế thì đúng chẳng có gì tự hào để kể, chỉ là cảm giác dám đối mặt với một điều mình luôn sợ hãi từ trước và nghĩ rằng mình không làm nổi thì nay đã thực hiện được, đáng để vui chứ nhỉ.
Trình độ hiện tại của tôi còn thua cả mấy bé tiểu học nhưng tôi nghĩ cũng không quan trọng lắm, gì cũng cần bắt đầu mà. Sao phải so sánh với người khác thì đối thủ lớn nhất là chính bản thân của ngày hôm qua đã bị loại. Bây giờ mỗi ngày tôi đều chăm chỉ giải mấy puzzle trên app để quen có cảm giác và hiểu dần dần. Chơi nhiều hay cọ xát nhiều cũng tốt nhưng hoá ra mấy cao thủ cờ vua trên thế giới toàn bày binh bố trận gần hết hiệp rồi đợi đối phương sai lầm mà tấn công dứt điểm. Hiểu ra điều đó thì như việc biết rằng mình mới đếm đến 10 trong môn toán thôi, cái chính là biết trình độ mình kém và phải tìm hiểu và học hỏi những gì trong thời gian tới. Đó mới quan trọng (và tiếp tục luyện tập thêm để biết đếm đến 20, 30 chẳng hạn).

2. (Vẫn) đọc sách

cre: Arvid Volz
cre: Arvid Volz
Tôi đọc thêm được một tiểu thuyết của Higashino Keigo ("Bí mật của Naoko") và hoàn thành dang dở 2 quyển “Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu” (Richard David Precht) cùng “Bản thiết kế vĩ đại” (Stephen Hawking và Leonard Mlodinow) một người anh tôi quen có gợi ý 2 đầu sách khác về vũ trụ của tác giả nổi tiếng nào đó mà tôi quên tên mất tiêu(*). Ngoài ra còn là quyển sách tranh “500 ngày yêu anh đổ em bao nhiêu độ rồi” của Chan và Bowl cùng với tiểu thuyết “Giữa hai chúng ta” của Sally Rooney và “Đề án hạnh phúc – bí mật của sự thật huy hoàng” (Gretchen Rubin).
“Bí mật của Naoko” thì tôi thấy không hợp lắm, có lẽ do đã mong đợi và thấy cũng được mọi người đánh giá cao nên tôi hơi hụt hẫng khi đọc trực tiếp. Tôi đã mong đợi một cú twist phức tạp hơn cũng như nhịp điệu nhanh hơn chút nữa ở cuốn này mà không được. 2 quyển bên dưới thì dễ thương hơn chút. “Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu” của tác giả/nhà báo người Đức Richard David Precht. Tựa đề có thể gây hiểu nhầm về một cuốn sách selfhelp cho tuổi trẻ nhưng thực ra nó giống một quyển sách đại cương triết học không theo dòng lịch sử nào thì đúng hơn. Tác giả chia nội dung thành 3 phần tương ứng 3 câu hỏi: Tôi có thể biết gì, Tôi nên làm gì và Tôi có thể hi vọng gì. Tìm hiểu quyển này trên mạng có lẽ sẽ ra nhiều review chi tiết hơn. Nói thật nếu không tập trung thì đọc mấy trang xong có khi phải đọc lại từ đầu hoặc chẳng nhớ tác giả đang nói gì nữa. Nếu bận bận thỉnh thoảng mới sờ vào quyển này thì chắc cú mỗi chương phải đọc lại 2 3 lần là ít. Tôi đọc 2 lần thì thấy sẽ “vào” hơn và nhận ra sự liên kết kĩ hơn mà từ lần đầu chưa thấy được.
cre: ảnh mạng
cre: ảnh mạng
Quyển thứ 3 cũng là một quyển tôi đọc lâu rồi nhưng cứ bị ngắt quãng mãi nên đợt này mới hoàn thành - "Bản thiết kế vĩ đại". Quyển này tôi thấy dễ hiểu hơn mấy quyển về vũ trụ trước của ông chú (“Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” và “Lược sử thời gian”) tuy nhiên đọc về vật lí với lí thuyết này nọ thì dễ ngủ gật hoặc gây ra mấy suy nghĩ trên trời dưới biển nên cần chú ý tập trung và ghi chú lại sơ đồ đơn giản kẻo dễ lẫn lộn.
Đọc Ebook khá nhanh.
Đọc Ebook khá nhanh.
Quyển tiếp theo là sách tranh “500 ngày yêu anh đổ em bao nhiêu độ rồi” của 2 bạn trẻ Chan và Bowl, cuốn này ra mắt khá lâu rồi nhưng tội lỗi là đợt này nó sale mạnh nên tôi mới mua. Câu chuyện tình yêu của 2 bạn rất dễ thương, từ những ngày đầu làm quen, tán tỉnh đến khi đã yêu mấy năm trời (giờ thì hai bạn đã làm đám cưới). Đọc xong thấy có niềm tin vào tình yêu nhiều lắm, thậm chí là cả những bài học về sự sẻ chia, nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau. Nếu bạn muốn một cuốn sách cuối tuần ngọt ngào và một mình thì nên đọc nhé, sách mỏng thôi và (hứa là) không làm bạn thấy lãng phí thời gian đâu.
cre: tự chụp...
cre: tự chụp...
“Đề án hạnh phúc – bí mật của sự thật huy hoàng” (Gretchen Rubin) thì lại là một phong cách khác. Tôi không đọc review trên Goodreads trước mà hơi liều lĩnh một chút khi mua. Không có gì ngạc nhiên khi nó khá giống với hình dung của tôi. Một quyển sách hơi hơi selfhelp một chút nhưng bù lại có (vài) thông điệp khá hữu ích. Kiểu như câu nói “Ngày thì dài nhưng năm thì ngắn” hay “một trong những cách tốt nhất để khiến bản thân hạnh phúc là làm cho người khác hạnh phúc. Một trong những cách tốt nhất để khiến người khác hạnh phúc là mình cần hạnh phúc trước tiên”,.. tất nhiên, trong 200 trang sách thì có những điều tôi thấy bổ ích, cũng có những điều thấy không đồng tình nhưng tôi chọn cách lạc quan và lưu giữ những điểm tích cực của tác giả. Nếu hỏi tôi có muốn giới thiệu quyển này cho bạn không thì thực ra hơi hên xui, tôi không biết nền tảng đọc của bạn như thế nào, bạn là ai, bạn có ước mong hay niềm đam mê gì, liệu có thể thích phong cách tác giả này hay không, nhưng nếu bạn đang hơi bế tắc và lâu rồi chưa đọc gì thì có thể thử mà không kì vọng gì nhé.
Và cuối cùng, quyển tiểu thuyết mỏng của tác giả người Ireland – Sally Rooney “Giữa hai chúng ta” (tên gốc “Normal people”) tôi được giới thiệu bởi một người bạn học ngành văn học. Tác phẩm nói về hành trình trưởng thành của Connell và Marianne từ xuyên suốt những năm cấp 3 đến hết đại học. Ở giữa họ là thứ tình cảm phức tạp xen lẫn giữa tình yêu và tình bạn, họ bị giằng co giữa những suy nghĩ và hành động bản thân với câu hỏi tôi là ai, tôi có bình thường (như mọi người) không và tôi có yêu anh ấy/cô ấy không.
Nhìn chung, đây được đánh giá là một tác phẩm phản ánh hiện thực ở người trẻ khá sắc sảo, dù với người khó tính họ sẽ chỉ trích các nhân vật chính rất nhiều, nói thật đôi lúc tôi cũng sốt ruột với mấy quyết định của nữ chính mà không biết kêu ai. Vì được giới thiệu và cũng mua đợt sale mạnh nên quyển sách này giống một món ăn đổi vị với tôi vậy. Có lẽ tôi sẽ không đọc nó vào thời gian này nếu biết trước hương vị. Nói thêm tí nữa thì quyển này cũng được đề cử giải Màn Booker 2018, danh hiệu “tiểu thuyết Ireland của năm” tại giải thưởng sách Ireland 2018 và kha khá giải thưởng khác, các bạn có thể tìm trên tiki hoặc shopee đều có.
Một câu văn khá ấn tượng của truyện khi nam chính nhớ về người bạn cấp 3 của cậu ấy như này: “Connell cố gắng vẽ lại bức tranh chính xác về khuôn mặt Rob trong tâm tưởng mà không thể. Một hình ảnh chung chung và quen thuộc sẽ xuất hiện đầu tiên, nhưng khi nhìn kĩ hơn, các đường nét lập tức tách rời nhau , mờ đi, trở nên lẫn lộn”. Đáng để thử không?
Số sách trên một nửa tôi đọc ebook, một nửa là sách giấy, cũng không hẳn có lí do gì đặc biệt, đổi hình thức cho có cảm hứng thôi.

3. Viết/vẽ sketchnote

Vốn cuồng sổ tay và thích vẽ vớ vẩn nên đợt này được nghỉ tôi dành thêm thời gian mò mẫm theo YouTube và pinterest để trang trí thêm cho xinh. Mấy hình tôi vẽ nói thật trông không khác gì trẻ con nguệch ngoạc nhưng bạn tôi bảo nếu vẽ cho vui thì thành công rồi vì nhìn “tranh” tôi vẽ nó thấy buồn cười… thôi thì cứ cho đó là một lời khen đi.
Ngoài mấy cái hình vẽ thì tôi cũng cố thêm kiên nhẫn để trang trí mấy headline phong cách bullet journal trong sổ. Trông cũng không giống trên mạng lắm nhưng mấy trò vẽ vời này giúp tôi nhận ra dù mình không có năng khiếu nghệ thuật hay sự kiên nhẫn và nhanh nhạy cho lắm thì ít nhất làm xong vẫn có niềm vui. Tầm này thì niềm vui quả thật là xa xỉ.
Nếu bạn thắc mắc tôi có thể vẽ xấu đến đâu thì bên dưới chính là ví dụ..
Sin lũi vì xấu...
Sin lũi vì xấu...

4. Viết

Dường như mỗi lần được nghỉ dài tôi (và vài người khác) lại có sức viết tốt hơn. Cảm giác không bị áp lực và mất tập trung cho những việc khác nên hoàn thành bài nhanh chóng và đẻ ra nhiều ý tưởng mới. Việc viết và biên tập lại thực sự rất tốn thời gian và để đúng ý thì còn khó nữa. Nhưng dịch mà, ngoài thời gian ra thì đâu có gì khác để thử.
học online/ghi chép/viết gì đó?
học online/ghi chép/viết gì đó?
Mọi người có thể viết trên Fanpage facebook, kể dăm ba câu chuyện vui vẻ, hoặc viết blog trên wordpress, spiderum, viết cho mình, viết cho công việc, hoặc đơn giản chỉ viết thôi. Viết nhiều sẽ tiến bộ và câu chữ sẽ tự nhiên như hơi thở vào một lúc nào đó.

5. Vài việc lặt vặt khác

Nấu nướng nhiều hơn, dọn dẹp nhiều hơn hay suy nghĩ bâng quơ nhiều hơn và ghi lại. Sau chỉ thị 16 thì có lẽ mọi người sẽ phải ở nhà khá lâu, học cách đối mặt với chính mình hoặc tận hưởng thời gian này có lẽ sẽ tốt hơn là chỉ chán nản nằm dài, dù chán thật.
Cuối cùng thì, những điều tôi đã làm được hay đạt được đều không có gì to tát hay lớn lao cả nhưng tôi vui vì mình đã đề ra mục tiêu và hoàn thành nó, qua đó còn là quá trình đào sâu và đối thoại với chính mình về ý nghĩa của việc đang sống nữa.
Tôi vui vì mình thấy hạnh phúc và biết ơn cuộc sống này, có lẽ điều đó khá tích cực.
Hi vọng bạn vẫn khoẻ và hi vọng bạn cũng tìm ra và tận hưởng điều gì đó mới mẻ thú vị với bạn nhé. Thật mong một ngày hết dịch để chúng ta được trở lại nhịp sống cũ.
(*): cuốn "Vũ Trụ" (Cosmos) của Carl Sagan