Nguồn: youtube
Nguồn: youtube
Mấy nay cộng đồng mạng xôn xao về vấn đề “Nghệ sĩ không làm từ thiện thì ai cứu dân?”. Mình không cần phải dẫn chứng các trường hợp ngoài nghệ sĩ vẫn hàng ngày hàng giờ hỗ trợ những người khó khăn từ chính quyền, doanh nghiệp cho tới cá nhân.
Mình đã hoạt động từ thiện từ năm 2015, may mắn là mình tham gia được 01 nhóm từ thiện có tổ chức bài bản ngay từ ban đầu vì vậy qua từng năm mình cũng đã học được rất nhiều kinh nghiệm. Mình cũng đã từng gặp 01 số bạn trẻ nhờ mình tư vấn về tổ chức chương trình từ thiện. Đa số các bạn khi có ý tưởng đều chỉ muốn giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn chứ không xác định thực hiện 01 cách bài bản. Chính vì vậy mà dẫn tới nhiều vấn đề đặc biệt là vấn đề về minh bạch tài chính.
Bài viết này mình chỉ muốn chia sẻ cách thức tổ chức 1 chương trình từ thiện để từ đó có thể giúp đỡ thêm được nhiều hoàn cảnh hơn cũng như tránh cho các bạn khỏi phải điều tai tiếng liên quan đến tài chính.
Vì bản chất của từ thiện là việc kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, quyên góp để thực hiện chương trình vì thế yếu tố đầu tiên để thực hiện 1 chương trình từ thiện là sự “Minh Bạch”. Sự Minh Bạch bao gồm:
·      Đối tượng được giúp đỡ, hỗ trợ.
·      Cách thức, hình thức giúp đỡ, hỗ trợ.
·      Thực hiện chương trình
·      Báo cáo, thống kê tổng kết chương trình
Thứ 1: Đối tượng được giúp đỡ, hỗ trợ: Đối tượng này có thể là bất kì ai mà các bạn cảm thấy thật sự cần giúp đỡ. Có thể là người thân, hàng xóm hoặc thậm chí là chó mèo bị nạn trên đường.
·      Tìm hiểu, xác minh qua chính quyền và người dân địa phương. Phải đảm bảo hoàn cảnh đấy thật sự cần được giúp đỡ. Việc này rất quan trọng, do mình đã gặp 01 số trường hợp nhìn rất đáng thương nhưng sau khi tìm hiểu kĩ thì lại là lừa đảo hoặc không đến nỗi phải cần hỗ trợ. Việc tìm hiểu này cũng giúp cho bạn đảm bảo được uy tín của mình để có thể thực hiện các chương trình tiếp theo. Ngoài ra việc tìm hiểu kĩ càng thể hiện tấm lòng thật sự muốn giúp đỡ người khác chứ không phải chỉ làm qua loa để lấy danh tiếng. Cách tìm hiểu dễ nhất là cứ đến tận nhà hỏi thăm hàng xóm, tổ trưởng hoặc chính quyền địa phương cấp gần nhất. Trong trường hợp là người vô gia cư các bạn có thể tìm hiểu về nơi họ đang tạm trú dành ra 1 2 ngày sau đấy để cross check xem thật sự người đấy có ở đấy thật hay không?
·      Mục đích hỗ trợ: Sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh cần được hỗ trợ. Bạn sẽ xác định hoàn cảnh này cần phải hỗ trợ những gì. Tiền mặt, phương tiện đi lại, lương thực… Mình cũng không đồng tình với quan điểm “tốt nhất cứ gửi tiền mặt” vì khi bạn gửi tiền mặt bạn sẽ rất khó kiểm soát người được hỗ trợ có thật sự sử dụng tiền đấy đúng mục đích hay không? Ngoài ra, với mối quan hệ hoặc ít ra mang danh nghĩa từ thiện thì việc các bạn mua hiện vật để hỗ trợ sẽ rẻ hơn so để cho người được hỗ trợ tự đi mua.
Thứ 2 Cách thức giúp đỡ, hỗ trợ:
·      Cần phải huy động chi phí bao nhiêu, phải mua bao nhiêu phần. Đi tìm nhà cung cấp với giá cạnh trang. Tất cả các chi phí phải có hóa đơn chứng từ.
·      Lên chương trình hỗ trợ: Thời gian, địa điểm phải được lên kế hoạch cụ thể và rõ ràng. Lưu ý nên check trước với chính quyền địa phương tại đấy. Tránh trường hợp bị hủy do chưa xin phép.
Thứ 3: Cách thức huy động:
·      Sau khi đã có đầy đủ thông tin về chương trình dự kiến mình sẽ thực hiện viết bài trên fanpage hoặc fb cá nhân. Đa phần nguồn lực huy động được đến từ mối quan hệ cá nhân. Cần lưu ý rõ nếu huy động tiền mặt thì phải có thời gian kết thúc huy động cũng như thông báo rõ việc sử dụng tiền mặt trong trường hợp tiền huy động lớn hơn ngân sách dự kiến của chương trình (chuyển vào quỹ để sử dụng cho chương trình tiếp theo, chuyển vào 1 quỹ từ thiện khác.)
·      Số tài khoản nhận quyên góp: do bài viết này để hướng đến cá nhân nên việc tạo 1 tài khoản hội nhóm mình sẽ không đề cập đến. Các bạn nên tạo 1 tài khoản ngân hàng mới chỉ để thực hiện các giao dịch liên quan tới chương trình.
·      Trong trường hợp nhận ủng hộ bằng hiện kim thì phải nêu rõ thời gian địa điểm nhận hàng, thông tin liên lạc với người đại diện nhận. Lưu ý: hiện kim nên nêu rõ sản phẩm nào cần huy động tránh trường hợp huy động rất nhiều nhưng người được hỗ trợ không thể dùng. Dẫn đến lúc đấy các bạn lại phải loay hoay xử lý số hàng đã huy động đấy.
Thứ 4: Thực hiện chương trình:
·        Xuyên suốt thời gian thực hiện chương trình các bạn nên chụp lại hình ảnh vừa làm tư liệu để huy động cho các chương trình sau vừa là báo cáo nhanh, cập nhật thông tin cho các MTQ về chương trình. Lưu ý khi các bạn phải xin phép trước khi chụp ảnh hoặc ghi hình để thể hiện sự tôn trọng cũng như tránh các tình huống phát sinh sau này liên quan đển hình ảnh cá nhân.
·        Sau khi trao tặng các bạn nên chuẩn bị 1 biên bản xác nhận giữa người được hỗ trợ hoặc đại diện người nhận hỗ trợ với phía bên các bạn. Đây là bằng chứng xác nhận các bạn đã hoàn tất nghĩa vụ đối với MTQ.
Thứ 5: Báo cáo, thống kê tổng kết chương trình:
·        Tổng kết chương trình bao gồm bảng cân đối thu chi.
·        Thư cảm ơn các MTQ
Đây là 1 số kinh nghiệm mà mình đã rút kết trong suốt thời gian tham gia thiện nguyện. Nếu các bạn cần thấy thiếu sót điểm nào có thể bổ sung cho mình biết. Mình hy vọng qua bài viết này sẽ có thêm nhiều bạn tự tin hơn trong việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.