Tôi là một đứa con ngoan của gia đình, một cậu học trò giỏi trong mắt thầy cô, một cậu bạn hiền lành (như cục đất) trong mắt bạn bè. Tôi cũng tự nhận thấy rằng mình rất hiền và tốt bụng, nghe lời những người lớn hơn, đôi lúc còn rụt rè, e ngại người khác.
12 năm trôi qua, con đường tôi đi duy nhất chỉ là đường tới trường. Càng lớn, tôi càng ít tham gia các hoạt động có nhiều người. Tôi luôn cười với mọi người nhưng không chủ động bắt chuyện, làm quen. Điều đặc biệt là tôi luôn tuân theo những quy tắc, chuẩn mực bố mẹ đặt ra. Những thứ đó lập trình ra cỗ máy trong tôi.
Thi đại học, ừ thì đăng kí vào Khoa Công nghệ thông tin của cái trường này cũng có tiếng, ra trường cũng có miếng ăn vì dân Công nghệ không lo chết đói (mọi người bảo thế), và vì tôi cũng là một game thủ nên có chút hứng thú với công nghệ.
Đại học năm 1, tôi nhận ra học đại học rất khó. Tôi từng là học sinh giỏi Toán, nhưng giờ điểm chỉ còn trung bình. Kì 1 tôi kém, và tôi dồn hết tâm trí vào kì 2. Tất cả cũng được đền đáp, tôi suýt soát được học bổng đủ để đóng tiền một kì học.
Nhưng những áp lực tôi gặp phải, và cả những tác động bên ngoài vào tâm lí của đứa con trai 19 tuổi không một đứa bạn xung quanh, nó rất lớn. Tôi bắt đầu nghĩ đến dành 1 năm nghỉ ngơi, bảo lưu kết quả học tập. Suy nghĩ đó lóe lên trong đầu tôi, dày vò tôi, vì đó là sự đe dọa đến quy tắc được đặt ra:"Không bỏ dở việc học!".
Giờ tôi đang học kì thứ 4, tôi cảm thấy không hề có động lực hay hứng thú nào với những môn học trên lớp. Không phải tôi không thích ngành tôi chọn, mà tôi không có ĐỘNG LỰC. Tôi cần thời gian để suy nghĩ. Tôi chưa bao giờ có đủ thời gian để suy nghĩ cho quyết định quan trọng của cuộc đời tôi.
Vậy nếu tôi quyết định bảo lưu và dành thời gian cho chính mình, liệu đó có phải sự kết thúc?
Hay là sự bắt đầu?
Đó là sự nổi loạn?
Hay chỉ là cần tìm sự bình yên và mục đích sống?