Thời gian gần đây mình có đọc một số quyển sách có chủ đề tâm linh của hai tác giả là Dolores Cannon và Sal Rachele. Có một khái niệm thú vị được nhắc tới trong những quyển sách đó là khái niệm thời gian phi tuyến. Hiểu một cách đơn giản thì thời gian phi tuyến là phiên bản trái ngược của thời gian tuyến tính mà chúng ta vẫn quan niệm và sử dụng hiện nay.
Trong khi thời gian tuyến tính được xem như một dòng sự kiện trôi từ quá khứ tới hiện tại tới tương lai, thì thời gian phi tuyến được định nghĩa là sự đồng thời tồn tại của cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Như thế cũng có nghĩa là những sự kiện trong đời một người không phải đang dần dần đi vào tồn tại mà cả cuộc đời người đó vốn dĩ đã tồn tại một cách trọn vẹn rồi.
Điều này là có thể không? Trước hết chúng ta hãy thử xem xét ba khái niệm quen thuộc trong thời gian tuyến tính là quá khứ, hiện tại và tương lai trong một thí nghiệm nhỏ nhé.

Quá khứ, hiện tại và tương lai

Để tiện cho việc theo dõi, mình gán quá khứ cho -1, hiện tại là số 0 và tương lai là số 1. Các số > 1 và các số < -1 là tương lai và quá khứ xa hơn. Hãy giả định hiện tại là thứ ba và đối tượng tham gia vào thí nghiệm này lại là anh A (để biết anh A là ai, mời các bạn đọc bài viết này của mình). Như vậy anh A đang ở mốc số 0, và thứ hai, thứ tư, thứ năm và thứ sáu lần lượt là các mốc số -1, 1, 2, 3.
Anh A dù không may gặp phải tay anh chị nọ nhưng là một lập trình viên hạnh phúc, vì anh chỉ phải đi làm từ thứ hai đến thứ sáu. Là một người cẩn thận, anh ghi lại các mốc thời gian cho từng ngày làm việc một. Như vậy chúng ta có thể thấy các ngày trong tuần chuyển sang các mốc khác nhau khi anh A tiến về cuối tuần như sau:
thứ hai: -1 -> -2 -> -3 -> -4
thứ ba: 0 -> -1 -> -2 -> -3
thứ tư: 1 -> 0 -> -1 -> -2
thứ năm: 2 -> 1 -> 0 -> -1
thứ sáu: 3 -> 2 -> 1 -> 0
Anh A có một số hoạt động thú vị hơn vào thứ bảy và chủ nhật nhưng chúng ta không cần phải quan tâm, vì chúng ta đã có thứ tư và thứ năm rồi. Như các bạn thấy, thứ tư và thứ năm đều trải qua các mốc < 0, > 0 và = 0. Như vậy thứ tư và thứ năm đồng thời là quá khứ, hiện tại và tương lai. Điều này có nghĩa là quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một. Từ quan điểm của anh A thì quá khứ đã trôi qua và tương lai còn chưa tới, nên những gì mà anh có chỉ là hiện tại.
Ảnh bởi
Nadine Shaabana
trên
Unsplash
Trong thí nghiệm trên, các ngày trong tuần mặc dù khác tên nhưng có vai trò về mặt thời gian là như nhau, nên bất cứ ngày nào trong tuần cũng được coi là như nhau (và như thứ tư hay thứ năm). Nếu như chúng ta xem xét thí nghiệm này từ tuần trước tới tuần này và kết thúc ở tuần sau của anh A thì các ngày thứ hai, thứ ba và thứ sáu của tuần này cũng sẽ đi qua đầy đủ 3 mốc thời gian < 0, = 0 và > 0.
Như vậy từ quan điểm tuyến tính, có thể hiểu quá khứ và tương lai chỉ là ảo ảnh, khi chúng được định nghĩa trong sự tương đối với hiện tại, mà hiện tại thì không ngừng tiến về phía trước. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu về thời gian phi tuyến xem sao.

Thời gian phi tuyến

Để hiểu được thời gian phi tuyến, chúng ta cần thoát ra khỏi tư duy tuyến tính vốn nhìn thời gian như một dòng chảy có hướng. Thoát ra khỏi tư duy tuyến tính cũng có nghĩa là thoát ra khỏi khái niệm quá khứ, hiện tại, tương lai và thứ tự trước sau mà những khái niệm đó được định nghĩa. Một ví dụ cho thời gian tuyến tính là khi bạn xem livestream của một ai đó. Bạn xem từ lúc họ bắt đầu, tiếp tục theo dõi và không thể biết sắp tới họ sẽ nói gì. Chỉ đến khi livestream kết thúc, bạn mới biết toàn bộ nội dung của cuộc nói chuyện.
Ngược lại, thời gian phi tuyến giống như khi người streamer đó đã hoàn thành livestream, lúc này toàn bộ cuộc nói chuyện được lưu lại như một video sẵn sàng cho việc xem lại. Bạn lúc này nắm trong tay toàn bộ nội dung, bạn có thể tua đến thời điểm nào tùy ý, lựa chọn xem theo cách mình muốn mà không cần phải đi theo thứ tự. Nếu muốn, bạn có thể xem phần kết trước khi xem phần mở đầu.
Ảnh bởi
Wahid Khene
trên
Unsplash
Từ quan điểm thời gian phi tuyến, quá khứ không mất đi và tương lai thì đang tồn tại. Thời gian phi tuyến không có một mốc hiện tại để lấy đó làm điểm tham chiếu, chỉ có sự tồn tại đồng thời của các sự kiện. Như vậy, nếu một người có thể trải nghiệm thời gian phi tuyến, người đó giống như bước ra ngoài dòng thời gian để có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh.
Thật khó để xác định thời gian phi tuyến có tồn tại hay không, khi chúng ta chỉ có thể trải nghiệm được hiện tại. Mà hiện tại mà chúng ta trải nghiệm là sự phản ánh của thực tế qua các giác quan đi vào não bộ của mình, chúng không nhất thiết là thực tế. Bộ phim Ma Trận đã khai thác điều này với nhân vật chính Neo phải lựa chọn giữa viên thuốc xanh và đỏ, giữa thế giới thực và Ma Trận. Có thể điều gần nhất với trải nghiệm phi tuyến mà chúng ta có thể làm lúc này là hình dung lại cuộc đời của mình từ khi bắt đầu cho đến giờ.
Ảnh bởi
ANIRUDH
trên
Unsplash
Hãy nhớ lại bạn của thứ hai tuần trước, đầy hứng khởi để bắt đầu một tuần mới (hoặc là không) bạn đâu biết rằng mình sẽ bị sếp và đồng nghiệp hành với các task khó trong tuần đó. Bạn của tuần trước nghĩ rằng mình đang sống trong hiện tại, không biết cũng không tin bạn của hôm nay tồn tại vì đối với bạn lúc đó tương lai còn chưa tới. Bạn của hôm nay nhìn lại, cười vào sự ngây thơ của bạn tuần trước, trong khi đó cũng băn khoăn không biết tuần này những gì sẽ xảy ra với mình vì tương lai còn chưa tới. Vậy cũng có thể là, trong khi bạn đang băn khoăn, bạn của tuần sau vốn đã tồn tại và cũng đang nghĩ về bạn?

Những vấn đề với thời gian phi tuyến

Đọc đến đây hẳn bạn cũng nảy ra một số băn khoăn: nếu như cả cuộc đời một con người vốn dĩ đã tồn tại trọn vẹn, thì người đó có tự do ý chí hay không? có phải cuộc đời người đó đã được tiền định từ trước? Nếu họ lựa chọn khác đi thì cuộc đời của họ sẽ ra sao? Đối với vấn đề này, mình đặt ra 3 giả thiết:
1. Con người không có tự do ý chí, cuộc đời là tiền định
2. Con người có tự do ý chí, mỗi khi người đó lựa chọn hành động khác đi, họ ghi đè lên nhánh thực tại từ thời điểm đó và làm nó thay đổi
3. Con người có tự do ý chí, mỗi khi người đó lựa chọn hành động khác đi, họ tạo ra một nhánh thực tại mới cho mình
Để minh họa cho 3 giả thiết này, bạn có thể theo dõi hình bên dưới:
Giả thiết thứ 1 tương đương với thuyết tiền định, cuộc đời con người vốn có an bài, không có tự do ý chí cũng như các thực tại song song.
Giả thiết thứ 2 có tồn tại tự do ý chí, nhưng không tồn tại nhiều thực tại song song.
Giả thiết thứ 3 là phức tạp nhất, khi con người vừa có tự do ý chí và vừa có các thực tại song song. Các thực tại này không thể được biểu diễn đơn giản như một cái cây với các cành và nhánh vì những sự kiện trùng lặp giữa các thực tại có thể tồn tại. Hơn nữa, mặc dù ít có khả năng nhưng không thể loại trừ việc các thực tại khác nhau có thể có chung một khoảng thời gian mà ở đó các sự kiện là giống nhau.

Phần kết

Vậy sự thật là gì? con người có tự do ý chí hay tất cả đã do số phận định đoạt? chúng ta có những thực tại song song với những cái tôi điên rồ (hoặc thiên tài) hay không? Dù rất muốn đi đến cùng sự thật, chúng ta cũng chưa thể trả lời những câu hỏi này. Cũng như nhân loại thuở xa xưa tin rằng Trái Đất là phẳng vì đó là những gì mà họ thấy, một sinh mệnh 3D cũng không thể đứng ngoài thời gian để có một trải nghiệm phi tuyến thật sự, ngoại trừ anh chàng Loki và người cha trong phim Interstellar.
Ảnh: series Loki, Disney
Ảnh: series Loki, Disney
Tuy vậy, có lẽ không biết là một phước lành. Ai có thể sống yên ổn nếu biết mình sẽ qua đời vì một tai nạn vào tuần sau, hay chứng kiến một cái tôi khác trong một thực tại song song có được những gì mà cái tôi này không có? (gợi ý: họ sẽ giết rất nhiều người) Nếu như một cuộc đời đã được tiết lộ trước, thì cũng giống như một bộ phim đã lộ tình tiết. Đời sống đối với người đó chỉ là sự tồn tại không có hi vọng, không có bất ngờ, không có các cảm xúc, không có các trải nghiệm để học hỏi nữa.
Trong khi đó, những thực tại song song có thể là niềm an ủi cho những ai không may mắn, những người đã phạm sai lầm trong quá khứ, những người vẫn còn nuối tiếc một lựa chọn nào đó. Có lẽ họ sẽ thấy nhẹ nhõm hơn khi nghĩ rằng có những cái tôi khác đã đi những con đường mà họ không đi, trải nghiệm những niềm vui mà họ không thể có và tất cả các quyết định một người có thể lựa chọn thật ra đều đã được chọn trong những thực tại đan cài bất tận kia.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình và chúc các bạn một ngày vui vẻ! ;)