Metacognition là gì và tại sao nó lại quan trọng?
Về mặt từ vựng, từ metacognition cũng có tiền tố meta- giống như metadata hay metaverse. Tiền tố meta- bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "vượt qua" hay "siêu"
Chào các bạn, đã lâu rồi mình không viết gì trên Spiderum vì lo những chuyện cá nhân và công việc. Loạt bài viết "Làm thế nào để chiến thắng bản thân" mình đã có ý tưởng từ đầu cho phần 3, song mình cảm thấy nội dung trong đó quá hiển nhiên ai cũng biết nên vẫn để ngỏ. Mình đành cáo lỗi với những bạn nào đang chờ phần 3, có lẽ một ngày đẹp trời mình sẽ viết nốt để khép lại loạt bài này 😔. Thôi không dông dài nữa, chúng ta vào bài nhé.
0. Metacognition và khó khăn của sự tự nhận thức
Về mặt từ vựng, từ metacognition cũng có tiền tố meta- giống như metadata hay metaverse. Tiền tố meta- bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "vượt qua" hay "siêu" [1]. Metadata là dữ liệu được dùng để mô tả cho dữ liệu khác, mình tạm dịch là "siêu dữ liệu". Nếu như dữ liệu đang bàn là một bài viết, thì metadata cho bài viết đó là thông tin tác giả, ngày viết, ngày đăng, ngôn ngữ bài viết, số lượt thích và bình luận, thẻ đính kèm v.v.
Tương tự như vậy, Metacognition có nghĩa là nhận thức về sự nhận thức [2]. Trong phạm vi bài viết này, mình tạm dùng cụm từ "sự tự nhận thức". Đây là một cấp độ nhận thức cao hơn nhận thức cấp 1 (nhận thức sự vật, hiện tượng, khái niệm v.v.) Nó đòi hỏi tâm trí một người phải lùi lại một bước, tách ra khỏi chính nó để nhìn nó như một đối tượng quan sát khách quan. Việc làm này cũng giống như người thiền sư lặng lẽ quan sát những suy nghĩ của mình vậy.
Khó khăn của sự tự nhận thức đến từ việc con người thường chìm đắm trong việc mình đang làm, để ý tới thế giới bên ngoài hơn là để ý tới thế giới bên trong. Thật khó để một người đồng thời duy trì nhận thức cấp cao và cấp 1 khi mà sự chú ý của họ đã phải dành cho những tình huống diễn ra liên tục tại một thời điểm, đi kèm với đó là những tín hiệu thông tin tới từ các giác quan.
1. Khi một người thiếu khả năng tự nhận thức
Hãy tưởng tượng kịch bản sau: anh A đang ngồi trên ghế đá, ăn kem sôcôla trong công viên thì một tay anh chị bước đến. Hắn giật cây kem trên tay anh, liếm một lượt rồi trợn mắt hỏi "sao mày không mua kem dâu?" rồi vứt toẹt xuống đất ngay trước mặt anh. Trong hoàn cảnh vừa mất kem, vừa bị xúc phạm gu ăn uống, anh A không nhận ra mình đang tức tối như thế nào hay những phản ứng tiếp theo nên là gì. Tất cả những gì anh muốn là nhào tới đấm một cú vào mặt hắn cho bõ ghét (hoặc là ấm ức nhìn lũ kiến bu vào cây kem).
Hãy giả định anh A đi theo kịch bản đầu tiên là nhào tới đấm hắn. Tay anh chị vốn đã quen đánh lộn nhanh chóng né được cú đấm của anh và tẩn anh một trận ra trò. Ở một vũ trụ khác đen tối hơn, hắn rút dao ra xiên anh A một phát như cô bán xiên bẩn xiên thịt. Chẳng bao lâu sau, anh xuất hiện trên các trang báo mạng với một số bình luận bên dưới: "thời nay ăn kem trong công viên cũng chết, ghê thật!" hay "nó mà ăn kem dâu có phải đã sống rồi không!"
2. Tự nhận thức để làm gì, ngoài cứu anh A thoát chết?
Đùa chút thôi, trên đây là một kịch bản cực đoan cho thấy hậu quả của hành động không có nhận thức. Mặc dù vậy, nếu bạn dõi theo tin tức hàng ngày, những cái chết lãng xẹt như thế vẫn thỉnh thoảng xuất hiện. Câu chuyện có thể khác đi nếu như anh A có ̶v̶õ̶ thể nhận ra cơn nóng giận đang điều khiển mình. Trong kịch bản trên, nó có thể giúp anh tránh xung đột không cần thiết bằng cách chọn một phản ứng khác: ngắm bầy kiến bu vào cây kem (hay còn gọi là chịu nhục) Ít nhất anh vẫn có thể tự hào vì có thể kiềm chế bản thân.
Bạn có thể nói rằng anh A có quyền phản kháng vì anh là nạn nhân, mình đồng ý. Nhưng hãy nhớ kịch bản trên không phải để đổ lỗi cho nạn nhân, vì thủ phạm ở đây là tay anh chị kia. Đó chỉ là một ví dụ cho sự không nhận thức được bất lợi của anh A khi đánh nhau với một kẻ khỏe hơn và có kinh nghiệm hơn. Ngay cả khi anh A ở thế có lợi, thì đánh nhau cũng chả đem lại điều gì tốt đẹp cả.
Nếu như anh A biết mình đang nghĩ gì, đang cảm thấy gì thì thay vì tuân theo phản ứng tự động như một bản năng, anh có thể bình tĩnh hơn để lựa chọn hành động tiếp theo. Khi đó, suy nghĩ hay cảm xúc muốn gây gổ không còn sức mạnh quyết định hành động của anh.
Đối với bản thân, nhờ tự nhận thức mà mình nhận ra và giải quyết được một vấn đề lặp đi lặp lại. Đó là nếu như mình ăn no vào buổi trưa, đến tầm 3h - 3h30 chiều mình sẽ rất buồn ngủ. Uống cà phê thì hên xui vì có lúc nó giữ cho mình không ngủ nhưng cũng không đủ tỉnh táo. Khi nhận ra mô hình ăn no - buồn ngủ này, mình quyết định ăn trưa nhẹ nhàng hơn mọi khi, và kết quả là mình có thể ngồi cả buổi chiều mà cơn buồn ngủ không kéo đến nữa.
Trong việc lập trình của mình, các nhóm dự án thường sử dụng Scrum. Nó là một phương pháp phát triển nhanh nhẹn (agile) [4]. Phương pháp này có một thực hành được gọi là Sprint Retrospective [5]. Đúng như tên gọi của nó, trong cuộc gặp này toàn đội dự án sẽ tụ tập lại, nhìn lại Sprint (phiên làm việc có độ dài được xác định trước, thường từ 1-4 tuần) vừa qua. Mỗi người sẽ viết ra giấy note những việc team đã làm tốt, những việc team làm chưa tốt. Với những việc chưa tốt, cả nhóm tiếp tục thảo luận và đề ra những hành động để cải thiện tình hình.
Sự tự nhận thức cũng được ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục. Trong quyển sách tựa đề Metacognition: The Neglected Skill Set for Empowering Students (tạm dịch - Tự nhận thức: Bộ Kỹ Năng Trao Quyền Người Học Bị Lãng Quên) 2 nhà tư vấn giáo dục Robin Fogarty và Brian Pete đề ra 3 khía cạnh của sự tự nhận thức mà trẻ em cần học. Những chiến thuật nhỏ hơn nằm trong 3 lĩnh vực cụ thể là: lên kế hoạch học tập, theo dõi và đánh giá việc học [3].
Khi một người nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân ở các vai trò công việc khác nhau, biết mình biết gì cũng như không biết gì trong một lĩnh vực cụ thể, họ có thể đề ra những chiến thuật học tập phù hợp, hiệu quả riêng cho bản thân hay đánh giá khả năng của mình trong việc thực hiện một công việc nào đó. Việc ước lượng năng lực bản thân chính xác hơn cũng giúp họ tránh rơi vào hiệu ứng Dunning - Kruger [6].
Với những ai đang tu tâm dưỡng tính, hạn chế tạo nghiệp thì khả năng tự nhận thức được tham, sân, si trong bản thân mình là thiết yếu. Nếu như lời nói và hành động không tốt có thể được người khác phản ánh thì những suy nghĩ, cảm xúc xấu chỉ có thể được quan sát bởi chính người đó.
Tuy nhiên đừng để mình bị mắc kẹt trong sự tự nhận thức. Vì một người luôn có thể nhìn lại nhận thức trước đó của mình nên sẽ không có giới hạn nào cho số bước họ có thể lùi. Bạn có thể tưởng tượng một hàng người đứng xem bức "Tiếng Thét". Người đầu tiên nhìn vào bức tranh và nghĩ "Ồ bức tranh này làm tôi thấy sợ hãi". Người thứ hai có thể cảm nhận được sự sợ hãi khi nhìn vào người thứ nhất. Người thứ ba nhìn vào người thứ hai và biết anh ta đang quan sát người thứ nhất. Chuyện này lặp lại cho những người sau và cứ 1 giây lại có 1 người mới đứng vào hàng. Mặc dù việc này có vẻ sâu sắc, mình nghĩ nó không còn cần thiết từ người thứ 4.
3. Rèn luyện sự tự nhận thức
Vì sự tự nhận thức cũng là một dạng kỹ năng, nên nó có thể được thực hành và cải thiện theo thời gian. Tuy vậy, mình không rõ tâm trí các bạn hoạt động ra sao, nên chỉ có thể đưa ra một số hướng chung hay phương pháp có hiệu quả đối với mình:
Hồi tưởng lại việc mình đã làm và phân tích
Hãy lấy một ví dụ như sau: bạn nhớ rằng mình đã tra đi tra lại một từ tiếng Anh nhưng cứ mỗi khi nhìn thấy bạn lại quên mất nghĩa của nó là gì. Khi điều này xảy ra với mình, mình nhận ra đây là vấn đề về phương pháp học. Tại sao ư? vì mình đã tra đi tra lại từ đó có nghĩa là mình không lười. Mình nhớ được các từ khác có nghĩa là trí nhớ mình vẫn ổn. Mình nhận ra có những từ đơn giản là khó nhớ hơn những từ khác, như vậy mình cần nhớ nó theo một cách khác thay vì lặp đi lặp lại. Một phương pháp hiệu quả với mình là hình dung ra một cảnh kỳ quặc mà trong đó mặt chữ và nghĩa của từ cùng xuất hiện. Như vậy, khi mình gặp cái này mình sẽ liên tưởng đến cái kia.
Đặt câu hỏi "từ đâu mà tôi có suy nghĩ, cảm xúc này?"
Câu hỏi như thế này giúp mình giải quyết vấn đề, đi tìm nguyên nhân gốc rễ thay vì chỉ thấy phần ngọn. Tùy theo câu trả lời mà mình chọn làm gì tiếp theo. Nếu như nguyên nhân đến từ bên ngoài, thì mình tìm cách thay đổi hoàn cảnh. Nếu nguyên nhân đến từ bên trong, thì mình dò ngược tiếp nguyên nhân nào gây ra nguyên nhân này. Khi đi đến điểm gốc, mình nhìn được chuỗi vận hành của tâm trí và hiểu bản thân hơn. Chuỗi này cũng có thể được phá vỡ bằng cách phá vỡ một mắt xích nào đó. Đôi khi vấn đề là phức tạp, nhiều nguyên nhân đến từ nhiều phía thì mình cần chiêm nghiệm lâu dài hơn.
Thực hành thiền định
Thiền định là một cách giúp dọn trống tâm trí khỏi những suy nghĩ, lo lắng vụn vặt, lan man về quá khứ, về tương lai và đưa mình về với hiện tại. Nếu việc hồi tưởng là tự nhận thức được thực hiện sau này thì thiền định giúp mình tự nhận thức tại thời điểm hiện tại. Thiền thực ra rất đơn giản, không cao siêu như một số người nghĩ vì về bản chất đây là một thực hành hướng sự tập trung vào một đối tượng duy nhất. Mình thường chọn hơi thở vì nó khá là dễ làm. Trong quá trình thực hành, bạn sẽ thấy những suy nghĩ xuất hiện. Bạn chỉ cần quan sát chúng, không níu kéo cũng không xua đuổi thì tự chúng sẽ biến mất. Dần dần, chúng ngày càng ít đi và bạn có thể nhận ra những cảm xúc, suy nghĩ tinh tế hơn của mình mà thường ngày bị che khuất.
Để đạt hiệu quả cao nhất, các bạn hãy tự tìm tòi nhé. Chúc các bạn nhiều hứng khởi trên hành trình khám phá bản thân và cảm ơn các bạn vì đã đọc bài viết của mình!
Nguồn tham khảo:
[1] Meta - Wikipedia
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất