See the source imageẢnh: zapmeta
Ngày hôm qua, tôi vừa đọc thông tin về việc phá rừng thông gần 50 tuổi để xây Sân Golf Đăk Đoa (Gia Lai) rộng 174ha. Từ các thông tin trên báo chí, ta có thể biết thêm rằng quy mô của dự án không chỉ dừng lại ở con số 174ha. Tổng thể dự án này sẽ lên tới 500ha, tương đương với việc phá tới 83% toàn bộ rừng của khu vực này. Vụ việc đã tạo ra dư luận trong xã hội. Và chỉ sau hơn 24h kêu gọi, thư Kiến nghị hủy bỏ phê duyệt sân golf Đăk Đoa của Avaaz đạt gần 8000 chữ ký.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, các cá nhân và tổ chức đã nỗ lực tạo ra rất nhiều chương trình hành động vì môi trường, chương trình trồng cây gây rừng, trồng rừng phòng hộ và rừng ngập mặn,... Gần đây nhất là Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình “Vì một Việt Nam xanh” giai đoạn 2018 – 2022 do Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Các tổ chức tiêu biểu khác như WildAct, CHANGE, AFEO, Green Seed, SỐNG FOUNDATION,...vẫn luôn kiên trì và bền bỉ trên hành trình bảo vệ màu xanh của môi trường nơi chúng ta và con cái chúng ta đang sống.
Liên quan đến dự án Sân Golf Đăk Đoa, tôi xin được trích 1 đoạn thông tin mà cô Jang Kiều - Founder & Chairperson tại SỐNG FOUNDATION đã chia sẻ trên Facebook của cô để mọi người có cơ sở so sánh giữa hai hành động bảo vệ - và tàn phá có khác biệt lớn thế nào:


''Tháng 6 này là một mốc thời gian rất quan trọng đối với tôi, với từng thành viên của dự án Forest Symphony thuộc chương trình HẠNH PHÚC XANH: chúng tôi chính thức bắt tay trồng 50ha rừng ngập mặn ở Sóc Trăng sau hơn 2 năm thử nghiệm và học hỏi việc trồng cây nói chung và trồng rừng nói riêng.

Chúng tôi sẽ trồng liên tục, dự kiến đến đầu tháng 7 là hoàn thành 8.5ha rừng của năm nay. Rồi tháng 7 và tháng 11 chúng tôi sẽ trồng rừng ở vùng khô hạn Ninh Thuận, bằng phương pháp bom hạt giống và trồng cây trên núi đá.

Cứ cặm cụi như thế, là công sức của nhiều trăm người và đóng góp của hàng chục ngàn người, hi vọng năm nay sẽ có được 28.5ha rừng, một con số vô cùng bé nhỏ. Nhưng đây chỉ là rừng mới trồng, chứ phải 50-70 năm nữa mới có những cánh rừng như rừng thông Đăk Đoa, nếu liên tục chăm sóc, bảo vệ và trồng bổ sung ít nhất trong vòng 5 năm. Mà Đăk Đoa đâu chỉ phá 174ha đó, đấy chỉ là giai đoạn 1, tổng của dự án là 500ha, tôi nhắc lại, 500ha tức là bằng cộng đồng cùng với SỐNG FOUNDATION trồng trong 20 năm với tốc độ của năm nay. Và còn có nhiều dự án phá hoại hàng ngàn hecta rừng của các tập đoàn “hàng đầu” Việt Nam nữa!!!''

Về câu chuyện của thế giới, sự việc này làm tôi nhớ đến bài phát biểu dài 6 phút của Severn Cullis Suzuki (khi ấy cô 12 tuổi, đến từ Canada) tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro, Brazil vào năm 1992. Bài phát biểu ấy đã nói lên những thiệt thòi mà thế hệ tương lai sẽ phải chịu vì hệ quả của ô nhiễm môi trường trầm trọng.
See the source image
Ảnh: Severn Cullis Suzuki (khi ấy cô 12 tuổi, đến từ Canada) tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro, Brazil vào năm 1992

Dù chỉ kéo dài trong 6 phút, nhưng với lập luận và sự chân thành của mình, Suzuki đã khiến những người lãnh đạo hàng đầu của thế giới phải im lặng. Trong đó, có 2 nội dung mà tôi ấn tượng sâu sắc nhất đến bây giờ:


“Cháu đang đấu tranh cho tương lai của bản thân. Mất đi tương lai của mình không giống như thua một cuộc bầu cử, hay mất đi vài điểm trên sàn chứng khoán. Cháu ở đây để nói thay cho những đứa trẻ đang chết đói mà không ai nghe được tiếng khóc của chúng. Cháu ở đây để nói thay cho vô số loài động vật đang chết dần trên cả hành tinh này vì không có nơi nào để đi.
...
Cháu chỉ là một đứa trẻ và cháu không biết hết mọi giải pháp, nhưng cháu muốn các cô chú hiểu rằng các cô chú cũng thế. Các cô chú không biết cách xử lý những lỗ thủng ở tầng ozone, không biết cách khiến cá hồi trở lại một con suối đã ngưng chảy, không biết cách hồi sinh một loài vật đã tuyệt chủng và cũng không thể mang lại những khu rừng ở những nơi giờ đây chỉ còn là sa mạc. Nếu các cô chú không biết cách khắc phục hậu quả thì xin đừng phá hoại thêm nữa!”.
Sau gần 29 năm, lời phát biểu đó vẫn luôn là những trăn trở về câu chuyện và thực trạng bảo vệ môi trường của thế giới. Chúng ta phải thừa nhận một sự thật đáng buồn là lời nói của cô chỉ khiến cho các đại biểu tại hội nghị im lặng chứ không làm thức tỉnh được cả một thế hệ con người. Những vụ việc tiêu biểu như vụ tràn dầu ở Mexico, động đất sóng thần ở Nhật Bản, thảm họa đại dịch toàn cầu Covid-19, hay ngay lúc này là vụ phá rừng làm sân golf tại Việt Nam đều có khả năng đánh một quyền thật mạnh vào niềm tin bảo vệ trái đất, khiến mọi kết quả và sự nỗ lực của rất nhiều cá nhân/tập thể có nguy cơ lung lay và sụp đổ.
Quay lại vấn đề của chúng ta, khi mà thực tế luôn tồn tại khoảng cách quá lớn giữa nguồn lực thúc đẩy lẫn thực thi các dự án bảo vệ môi trường và các thế lực phá hoại rừng vì mục đích ''phát triển kinh tế''. Liệu bao nhiêu năm nữa, chúng ta và con cháu chúng ta có thể thấy lại những mảng xanh của rừng, hay chỉ là những bãi đồi hoang tàn chờ ngày cái cây cuối cùng bị đốn hạ. Rồi chờ nhắm mắt? - Đó là một câu hỏi, đồng thời cũng là nhiệm vụ bức thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi những hành động quyết liệt và kiên trì hơn.
10 LÝ DO CẦN XEM XÉT ĐỂ HỦY BỎ DỰ ÁN SÂN GOLF ĐAK ĐOA 
1. Nguy cơ đe dọa nguồn nước của cộng đồng địa phương và làm nghiêm trọng hơn tình hình hạn hán ở huyện Đak Đoa.
2. Nguy cơ ô nhiễm môi trường mà trước hết là nguồn nước và đất.
3. Có bằng chứng về việc cố ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng bất hợp lý để thực hiện dự án đầu tư và cho thấy bản chất đây là một quá trình tư nhân hóa cảnh quan công cộng.
4. Trong bối cảnh chất lượng và diện tích rừng của huyện Đak Đoa nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung đều thấp, rừng thông Đak Đoa cần được giữ lại làm rừng phòng hộ.
5. Quá trình tham vấn cộng đồng địa phương thiếu tính thực chất và minh bạch.
6. Cam kết không làm mất rừng là không đáng tin cậy.
7. Sân golf không phải là bài toán kinh tế tối ưu cho ngân sách nhà nước
8. Ý nghĩa văn hóa và lợi ích từ du lịch cộng đồng của đồi cỏ hồng và rừng thông Đak Đoa
9. Việc xây dựng sân golf và quy hoạch khu phức hợp Đak Đoa đã và đang gây sốt đất, tạo hệ quả lâu dài lên đời sống xã hội.
10. Phê duyệt việc xóa bỏ một khu rừng để thực hiện dự án đầu tư là đi ngược lại với xu hướng bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở nên ngày một khốc liệt, và đi ngược lại với cam kết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế của chính phủ Việt Nam.
—-
Chú thích:
1. Avaaz là một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ thành lập tháng 1-2007 với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn cầu về các vấn đề như biến đổi khí hậu, nhân quyền, quyền động vật, tham nhũng, đói nghèo và xung đột.
2. Link bài phát biểu 6 phút của Severn Cullis Suzuki:
3. Bài viết có trích dẫn thông tin trên Facebook của cô Jang Kiều và phần thông tin 10 lý do xem xét hủy bỏ dự án được chia sẻ trên diễn đàn NGO
4. Bài viết này tôi hoàn toàn không đính kèm link kêu gọi chữ ký như bài viết trên các kênh xã hội của mình. Tôi chỉ muốn đưa ra thông tin về sự việc và góc nhìn của bản thân về vấn đề này. Chính vì môi trường luôn là chủ đề bức thiết, cần các giải pháp triệt để và kiên trì, nên những thông tin này cần được lan rộng, để mọi người có thể góp thêm tiếng nói cũng như có những hành động thiết thực hơn.