Một buổi tối muộn trên đường về sau khi đi đá bóng, trong lúc dừng đèn đỏ N.A. có hỏi mình: “Nếu mày được thay đổi một điều gì đó về ngoại hình của mình, mày sẽ chọn điều gì?” (bối cảnh lúc đó không tính đến những điểm trên cơ thể có thể cải thiện được trong thực tế)
Mình chợt nhận ra mình đã suy nghĩ về câu hỏi này từ lâu rồi, mọi thứ lướt qua thật nhanh, mình nghĩ đến vóc dáng thấp bé, đôi bàn tay thô kệch, đôi lông mày mọc “đẳng hướng”, mắt trái hai mí nhưng nhìn như một mí. Mình đã dành thời gian để có fantasy (ảo mộng) về việc nếu mình trở thành một người đẹp trai xuất chúng thì sẽ như thế nào, nhưng giờ đây đứng trước một giả tưởng nếu được thực sự trở thành người đẹp trai xuất chúng; mình có lựa chọn điều đó không?
Khi đèn đỏ dần chạy về số 0, mình trả lời một cách rất bản năng nhưng quả quyết, câu trả lời là: “Tao không muốn thay đổi gì cả.” Chẳng cần đợi vài giây để hiệu ứng của câu trả lời bắt đầu phát tác như ta vẫn hay làm khi nói ra một điều gì đó mang tính khẳng định, mình giải thích luôn suy nghĩ này cho N.A. thông qua một quyển tiểu thuyết mình đã đọc từ lâu.

Chân dung Dorian Gray – Oscar Wilde

Dorian Gray là một chàng trai trẻ sống trong thời Victoria tại Anh. Chàng được thừa kế một tài sản kếch xù từ người chú quá cố, và đặc biệt, có một sắc đẹp trác tuyệt, kết hợp với phong thái duyên dáng, trong trẻo làm người khác say đắm. Chàng có hai người bạn thân là Huân tước Henry và hoạ sĩ tài ba Basil Hallward, người mà đã được truyền cảm hứng để tạo nên một tuyệt tác là bức chân dung Dorian Gray. Nhìn thấy mình trong tranh, Dorian chìm đắm trong sự ngưỡng mộ và cả lòng ghen tị, vì vẻ đẹp của bức tranh được giữ mãi, còn chàng, một người trần mắt thịt, sẽ già nua đi theo năm tháng, và đi cùng với đó là sắc đẹp của chàng. Dorian đã nguyện ước rằng mình sẽ được trẻ đẹp mãi như những nét cọ vẽ của bức chân dung.
Và thật kì lạ, nhiều năm trôi qua mà ngoại hình trẻ trung căng tràn sức sống và tuyệt mĩ của Dorian vẫn vẹn toàn, nhưng bên trong Dorian đã thay đổi. Bên cạnh có Henry khuyến khích những tư tưởng vị kỉ, Dorian dần rơi vào vòng xoáy của sự truỵ lạc, không màng đến việc làm người khác đau khổ, linh hồn chàng đã bị nhuốm bẩn. Dorian phát hiện ra bức chân dung cũng dần biến tướng theo con người chàng, khuôn mặt trong tranh càng trở nên thù hận, gớm ghiếc, đáng kinh tởm ngay cả đối với chính Dorian. Để rồi không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự buông thả cho những nhục thể, khoái lạc, sự giằng xé lương tâm và cuối cùng chàng đã phạm vào tội ác lớn nhất và tự kết liễu đời mình.
Dorian và bức chân dung - hiện thân cho linh hồn mục ruỗng của chàng. Nguồn: theedgesusu.co.uk
Dorian và bức chân dung - hiện thân cho linh hồn mục ruỗng của chàng. Nguồn: theedgesusu.co.uk
Gạt chủ nghĩa duy mỹ, tính phê phán thời đại của tác phẩm qua một bên, câu chuyện đã phác hoạ một chàng Dorian có lòng tham vô tận với nhan sắc và sự công nhận. Không có gì sai nếu chúng ta muốn mình đẹp và thật đẹp, nhưng sẽ thật là sai nếu chúng ta luôn ám ảnh với vẻ đẹp bề ngoài mà quên đi lòng trắc ẩn, sự vị tha và sự thông tuệ.
Hẳn là bạn sẽ nghĩ điều này có liên quan gì đến câu hỏi của N.A., một điều chỉnh nhỏ thôi, không tham lam, sẽ giúp mình trở nên đẹp hơn và trong một điều kiện nào đó, nó có thể giúp mình phát triển hơn cả về thể xác lẫn tinh thần, chứ không hề cực đoan như trường hợp của Dorian. Nhưng mình ước rằng mọi chuyện nó đơn giản như thế, sẽ không bao giờ có một thân hình và khuôn mặt lí tưởng phù hợp với tất cả các tiêu chuẩn về cái đẹp. Nếu mình có được một điều chỉnh có lợi, nói là, mặt đẹp trai hơn chẳng hạn, liệu mình có hài lòng với điều đó không? Hay mình còn muốn vóc dáng người phải cường tráng, râu quai nón phải xồm xoàm (nếu theo đuổi phong cách Viking), vân vân; để rồi nó sẽ dần biến thành một cái giếng không đáy? Thực sự là mình không biết. Mình đã chọn cách an toàn hơn, đó là học cách chấp nhận bản thân như nó vốn là, dù mình sẽ cố đưa nó đến phiên bản hoàn thiện nhất.
Vì vậy, "đùng một cái" trở nên hấp dẫn (về thể chất), không bàn cãi gì, cho mình rất nhiều đặc quyền, sự công nhận, một vài khoái cảm trong cuộc sống. Nhưng nó có làm cho mình hạnh phúc hơn, đóng góp vào việc hiện thực hoá những lí tưởng của bản thân không, mình khá nghi ngờ về điều đó.

Sự bất mãn với ngoại hình là một trong vô vàn các khó khăn mà ta nên chấp nhận

Nó sẽ rất không nên, thậm chí là kì cục nếu mình nghĩ rằng bạn nên có lựa chọn giống với mình. Bởi mình hiểu mỗi người có một câu chuyện riêng của cuộc đời, và cách sống, đối nhân xử thế khác nhau. Câu trả lời kia không hề làm cho mình trở nên cao đẹp và thoát tục hơn, chỉ là nó phù hợp với mình hơn. Nó cũng không đồng nghĩa với việc mình trở thành người phớt lờ đi hình ảnh ngoại hình của mình trong mắt người khác; mình vẫn hay soi gương, vuốt tóc rồi tự cười cười.
Mình chỉ muốn nhắn nhủ với bạn rằng, dù bạn có đẹp hay không đẹp (cứ cho là có một ủy ban trên trời có thang đo và hệ quy chiếu cho việc đó đi), dù bạn có hài lòng với ngoại hình của mình hay không, thì bản năng của chúng ta là tiếp tục sống. Thật vậy, khi các bạn ngồi đọc những dòng này, bạn và mình đều đang sống. Có thể chúng ta sống vì một mục đích nào đó, có thể không; nhưng chúng ta vẫn đang sống. Chúng ta sống cùng hàng tỉ người ngoài kia, cùng cơ man những biến cố xảy ra nhằm xáo trộn “sự trật tự” trong cuộc sống của bạn (theo Nguyên lí II của Nhiệt động lực học), nhằm làm cho bạn cảm thấy bản thân bớt giá trị đi, nhưng chúng ta vẫn đang sống. Chúng ta sống cùng vô vàn những khó khăn và sự bất mãn với ngoại hình của mình là một trong số đó.
Khi con người chưa biết cách tạo ra lửa, những người tiền sử trong các bộ tộc có thể dễ dàng bị mất lửa (lửa là tài sản lớn nhất và có thể quyết định vận mệnh của cả bộ tộc) khi giao tranh với bộ tộc khác hoặc đơn giản bị tấn công bởi thú rừng. Nhiều thế kỉ sau, cụ thể là thời kì Cách mạng nông nghiệp, những người nông dân có thể bị mất trắng cả một mùa vụ cung cấp lương thực nuôi sống gia đình mà họ dành tâm sức cả năm trời vì tự nhiên xuất hiện một cơn bão “trời đánh” nào đó.
Việc nuôi lửa và giữ lửa là vô cùng quan trọng đối với bộ tộc người tiền sử. Nguồn: sci-news.com.
Việc nuôi lửa và giữ lửa là vô cùng quan trọng đối với bộ tộc người tiền sử. Nguồn: sci-news.com.
Hẳn là họ phải tức đến phát điên và vô cùng tuyệt vọng. Nhưng sau đó, bộ tộc tiền sử vẫn tìm cách kiếm lại lửa để khai hoang và làm miếng thịt ngon hơn, những người nông dân lại gieo hạt giống vào đất và mong đợi đến một mùa màng bội thu tiếp theo. Nhiều người trong số đó chọn tin vào một thế lực vô hình có thể ban phước lành và giúp họ tránh được tai ương, nhưng họ cũng không oán thán khi đã cầu nguyện rồi mà tai ương vẫn tiếp tục xảy ra. Họ hiểu rằng các biến cố, sự đau khổ, buồn bực là điều mà họ không thể kiểm soát được, họ chấp nhận nó, như một thứ vẫn luôn ở đó, như một lẽ của tự nhiên, và bước tiếp.
Thế nên, nói một cách hoa mĩ, chắc là, bằng một cách nào đó, đã xuất hiện một đoạn gene mang tên “sức bật tinh thần” từ tổ tiên chúng ta và được truyền lại cho chúng ta. Nhưng không phải đoạn gene nào trong genome cũng được phiên mã và dịch mã, có những đoạn gene cứ nằm yên ở đó; lựa chọn của chúng ta là có kích thích nó hay không.
Nếu bạn không đẹp (theo ủy ban trên trời kia), thì cũng chẳng cần tự nhủ rằng mình đẹp như một số diễn ngôn nào đó. Vì việc không đẹp cũng chẳng sao, nó giống như một vấn đề trong hàng tỉ các vấn đề khác mà chúng ta cần đối mặt thôi, nhỉ?
I was not, I have been, I am not, I do not mind. – Epicurus
Mình biết rất nhiều người có ngoại hình không có gì nổi bật so với tiêu chuẩn chung về cái đẹp, nhưng việc họ hiểu rõ được bản thân cả trong lẫn ngoài, sự biết tự công nhận với những thành tựu cá nhân, cộng với một gu thẩm mĩ phù hợp (điều hoàn toàn có thể tự xây dựng được) thì họ lại trở nên cuốn hút hơn bao giờ hết. Họ có thể làm cho người khác say đắm hoàn toàn nhờ vào những điều không chỉ đơn thuần là ngoại hình.
Họ hiểu rằng các biến cố, sự đau khổ, buồn bực là điều mà họ không thể kiểm soát được, họ chấp nhận nó, như một thứ vẫn luôn ở đó, như một lẽ của tự nhiên, và bước tiếp.
Tất cả trong tất cả, nếu bạn muốn đẹp hơn, hãy tác động lên ngoại hình của mình bằng bất kì cách nào bạn muốn (chăm sóc cơ thể, tập thể dục, trang điểm, …). Nếu đã làm hết trong khả năng rồi mà vẫn chưa thấy hài lòng, hãy để nó ở đó như một con Ông Kẹ và tạm “bắp rang bơ” nó đi. Hãy lao ra ngoài kia chinh phục những điều tạo nên giá trị khác cho bản thân, vì những gì làm nên bạn đâu chỉ là việc trông bạn như thế nào đâu.
Để "xử lí" Ông Kẹ, bạn cầm đũa phép lên, tưởng tượng đến cảnh kì cục của Ông Kẹ mà bạn thấy hài hước, rồi hô to "Riddikulous". Nguồn: harrypotterfanzone.com
Để "xử lí" Ông Kẹ, bạn cầm đũa phép lên, tưởng tượng đến cảnh kì cục của Ông Kẹ mà bạn thấy hài hước, rồi hô to "Riddikulous". Nguồn: harrypotterfanzone.com

Kết

Sau khi đã về nhà và tắm xong, mình phải chạy ngay xuống phòng bếp để nói nốt một câu với N.A. đang ăn mì tôm mà lúc dừng đèn đỏ mình chưa nói: “Nhưng nếu tao chọn thay đổi thì chắc K. sẽ thích tao đấy”. Dù sao thì mình cũng là một người bình thường, mình sẽ không khỏi có suy nghĩ rằng nếu mình hấp dẫn hơn thì cô bé kia sẽ thích lại mình đâu, nhưng mình chấp nhận điều đó, với một chút xót xa pha lẫn hài hước. Và rồi hai đứa cùng cười.
Cảm ơn các bạn đã đọc!
Disclaimer:
1. Mặc dù câu trích dẫn của Epicurus ở trên có hàm ý về cái chết; nhưng đối với mình, nếu tách ra khỏi văn cảnh gốc, nó mang nghĩa về việc mỗi cá nhân vẫn luôn sở hữu cái "tôi", những kì vọng về bản thân, về xã hội được bồi đắp bởi tất cả mọi người, mọi vật xung quanh ta.
2. Trên phương diện cá nhân và sinh học, chúng ta không thể kiểm soát (hay ở trên mình dùng từ kích thích) việc biểu hiện của gene, nhưng mình dùng thuật ngữ này để ám chỉ một thứ nội tại trong chúng ta có thể được kích thích và phát triển, đó là tính cách.