Image result for night work cartoon

Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

“Tôi đã thực sự trở thành một con rô bốt", người quản lý ở một công ty kế toán giải thích. Mặc dù cùng các đồng nghiệp của mình dành một lượng thời gian khổng lồ mỗi ngày ở văn phòng, cô vẫn chia sẻ: “Tôi nghĩ đó là bình thường. Cứ như tôi đã bị tẩy não vậy. Lúc đó bạn như rơi vào một trạng thái tinh thần là mặc cho liên tục chịu thêm nhiều sức ép và đòi hỏi, bạn luôn tự nói với bản thân rằng sẽ không sao đâu, rằng bạn sẽ được nghỉ ngơi sau đó, chỉ là cái khoảnh khắc nghỉ ngơi đó chẳng bao giờ đến."
Trong suốt quá trình nghiên cứu của bản thân, tôi đã nghe rất nhiều những câu chuyện như thế này, chúng được lặp đi lặp lại ở các công ty kế toán, các công ty luật, các công ty tư vấn, và nhiều công ty với các công việc cổ cồn trắng khác. Tất cả chúng ta đều biết rằng thường xuyên làm việc liên tục trong thời gian dài không chỉ có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất mà còn làm giảm chất lượng công việc ở mức độ nghiêm trọng. Chúng ta luôn ước có thể thay đổi được cách làm việc việc của bản thân, nhưng cũng thường bất lực.
Làm việc nhiều liên tục là hiện tượng phổ biến ở các công việc quản lý và chuyên nghiệp. Đây là một xu hướng mới. Trước đây, nếu bạn là một nhân viên cổ cồn trắng, bạn phải làm việc siêng năng hết sức có thể ở giai đoạn đầu của sự nghiệp để nhận được những phần thưởng xứng đáng sau này, bao gồm cả sự bảo đảm về công việc trong suốt đời và cơ hội thăng tiến đều đặn. Trong những tổ chức lớn chuyên nghiệp như công ty luật, công ty kế toán, công ty tư vấn, ngân hàng đầu tư, phần thưởng là được đưa lên vị trí cổ đông (partner). Để lên được đó đòi hỏi sự cạnh tranh không ngừng nghỉ, nhưng khi bạn đã có được phần thưởng này thì nó mãi là của bạn. Những cổ đông không chỉ được chọn làm việc ở đâu và như thế nào mà còn có thể chọn loại công việc họ muốn làm. Tất nhiên, có nhiều cổ đông lâu năm chọn dành phần lớn thời gian “phát triển mối quan hệ doanh nghiệp" trên sân gôn, nhưng điều đó cũng được chấp nhận bởi vì họ đã cống hiến cho tổ chức đủ rồi.
Thế nhưng điều này giờ không còn đúng nữa. Một giám đốc bộ phận nhân sự trong một tập đoàn kế toán lớn nói với tôi: “Trưởng phòng kiểm toán thường xuyên đến văn phòng từ 5:30 sáng và ở đến 10 giờ tối, ngay cả trong những ngày cuối tuần. Một cổ đông ở vị trí quản lý cũng như vậy. Và họ không phải là những trường hợp hiếm. Những người còn lại trong công ty nhìn thấy các quản lý cấp cao làm việc như thế và họ cũng cố gắng bắt chước theo.”
Một nghiên cứu được đăng trong cuốn sách mới của tôi về khả năng lãnh đạo trong các tập đoàn chuyên nghiệp cho thấy xu hướng làm việc nhiều đến kiệt sức được tạo ra bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố phức tạp liên quan đến loại hình công việc, cơ cấu tổ chức của công ty cũng như bản thân chúng ta. Cốt lõi của vấn đề nằm ở sự bất an. Một người trưởng phòng lâu năm trong một công ty luật thừa nhận với tôi: “Tôi đến đây và cố gắng làm việc siêng năng hết sức có thể. Tôi có cảm giác tôi đang làm tốt việc của mình, nhưng thực tế thì lại rất khó để đo lường. Đó là bản chất của công việc chúng tôi: được ăn cả ngã về không. Và vì bản thân chúng tôi đều là những người đầy bất an nên lúc nào chúng tôi cũng sợ mình làm chưa đủ tốt."
Qua 500 cuộc phỏng vấn từng tiến hành để làm tài liệu viết sách của mình, tôi thấy được một điểm chung: nỗi bất an của một chuyên gia đến từ bản chất không đo lường được của các công việc cần đến kiến thức của họ. Làm sao mà bạn thuyết phục được khách hàng rằng bạn biết thứ gì đó đáng giá và xứng đáng với số tiền phí cao ngất ngưởng bạn tính cho họ? Sự bất an đến từ bản chất không đo đếm được này còn trở nên trầm trọng hơn bởi hệ thống thăng tiến theo kiểu “đi lên hoặc đi ra" trong các tổ chức danh tiếng, thứ khiến bạn và đồng nghiệp của mình trở thành những đối thủ cạnh tranh. Làm thế nào để thuyết phục được sếp rằng bạn có giá trị cao hơn người đồng nghiệp ngồi sát bên? Với tâm lý như vậy, không ai có thời gian để ngồi tận hưởng thành quả của mình - hay thậm chí là chỉ ngồi nghỉ ngơi một chút.
Vấn đề này trở nên tồi tệ hơn khi những công ty danh tiếng cố ý tìm và tuyển dụng những “người xuất chúng bất an" - một vài công ty đã thực sự sử dụng thuật ngữ này, nhưng không công khai. Những người xuất chúng bất an là những cá nhân có tài năng thượng hạng và cũng cực kỳ tham vọng, những người có được động lực vì luôn cảm thấy thiếu thốn bên trong. Sự thiếu thốn này có thể đến từ tuổi thơ, và là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như sự thiếu thốn về tài chính hay các mối quan hệ từ thuở nhỏ, hoặc nhận thức rằng tình yêu của cha mẹ dành cho họ phụ thuộc vào việc họ biết nghe lời và đạt thành tích cao.
Những nhà tuyển dụng mà tôi phỏng vấn kể rằng những cá nhân xuất chúng này thường bị hấp dẫn bởi các tập đoàn danh tiếng vì họ có động lực làm việc và mức độ kỷ luật bản thân cực kỳ cao. Những công ty do đó đã cố ý rót vào tai họ rằng: “Chúng tôi là công ty xuất sắc nhất trong lĩnh vực này, vì bạn đã được tuyển vào làm cho chúng tôi, bạn cũng xuất sắc như chúng tôi vậy.” Nhưng sau khi đã đi vào làm, những người xuất chúng bất an khám phá ra rằng các chính sách thăng tiến theo kiểu “đi lên hoặc đi ra" mạnh tay càng khiến cho sự bất an của họ trở nên tệ hơn. Họ sợ sẽ “bị lộ” rằng bản thân không giỏi như mọi người nghĩ - và sẽ bị đuổi việc. 
Trong ngắn hạn, những người xuất chúng bất an đóng góp cho công ty bằng những thành tích xuất sắc vượt trội. Giám đốc của một tập đoàn tư vấn từng nói với tôi: “Giả thuyết của tôi đó là những người xây dựng được mối quan hệ tốt nhất với các khách hàng là những người bất an. Bởi vì họ quá sợ nên sẽ luôn cố gắng hết sức có thể để làm khách hàng hài lòng, và họ sẵn sàng làm việc liên tục suốt một thời gian dài vì điều đó. Khách hàng thường sẽ cảm nhận được nhiệt huyết của họ và đáp lại tình cảm đó.”
Xu hướng làm việc quá sức càng được củng cố thêm bởi văn hoá kiểm soát quan hệ xã hội chặt chẽ được đặt ra bởi các tập đoàn lớn. Một mặt thì điều này đem đến sự thoải mái cho nhân viên. Một vài chuyên gia tôi phỏng vấn có nhắc đến công ty của họ như là một “gia đình", hoặc một thứ gì đó gắn kết hơn nữa. Như một chuyên gia tư vấn mô tả: “Khi tôi mới đến đây lần đầu, tôi nghĩ chỗ này giống như một giáo phái vậy. Nhưng tới nay, sau một thời gian làm việc thì tôi thấy nó thật tuyệt.” Một cách cực đoan, nhu cầu cống hiến của những người xuất chúng bất an sẽ khiến họ cực kỳ tuân thủ những điều lệ đặt ra và quen dần với những thói quen không lành mạnh.
Điều nghịch lý ở đây là những chuyên gia tôi phỏng vấn vẫn tin rằng họ có quyền tự quyết và nếu họ làm việc quá sức thì đó là vì họ muốn vậy. Họ không đổ lỗi lên công ty, bởi vì rõ ràng các công ty này đã đầu tư rất nhiều tiền vào những chiến dịch hỗ trợ việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc cho nhân viên. Thay vào đó họ đổ lỗi cho bản thân không đủ giỏi. Đồng nghiệp của họ lúc nào cũng tỏ ra rất ổn, và họ coi đấy là bằng chứng cho việc bản thân vẫn còn thua kém. Họ không có những buổi nói chuyện chân thành với nhau về vấn đề mình gặp phải, từ đó càng góp phần lan truyền huyền thoại về những cá nhân chuyên nghiệp bất khả chiến bại. Những hình mẫu tưởng tượng này lại càng khiến mọi người trong công ty cảm thấy họ vẫn chưa đủ chăm chỉ. Nếu gục ngã vì kiệt sức, họ nghĩ đó là lỗi của họ. Công ty cũng như các lãnh đạo thì hoàn toàn vô can, do đó mọi thứ cứ như vậy và chẳng có gì thay đổi. 
Hậu quả là khi những người xuất chúng bất an này trở thành lãnh đạo của công ty, theo một cách vô thức họ sao chép y nguyên lại hệ thống kiểm soát và văn hoá làm việc quá sức đã từng góp phần tạo nên con người họ.
Nếu bạn là một lãnh đạo và đang tự hỏi bản thân “Sao càng ngày tôi càng làm việc chăm hơn như thế này?”, thì hãy nhìn lại chính mình, nhìn lại tổ chức đã tạo ra bạn, và nhìn lại các chính sách trong công ty mà chính bạn đang khuyến khích. Làm việc siêng năng rõ ràng mang lại những phần thưởng lớn và sự sảng khoái. Nhưng hãy nghĩ đến cuộc sống cá nhân của bạn nữa. Hãy nhận ra khi nào bạn đang thúc đẩy bản thân và nhân viên của mình quá mức. Hãy học cách kéo bản thân và đồng nghiệp ra khỏi bờ vực của sự sụp đổ.
Sự bất an có thể đã giúp bạn đạt được vị trí như ngày hôm nay, nhưng hãy tự hỏi xem nó còn hiệu quả không? Có phải đã đến lúc bạn cần thừa nhận rằng mình đã “tới đích rồi" và bắt đầu dành một chút thời gian tận hưởng thành quả của chính mình? Nếu sếp của bạn là một người xuất chúng bất an, hãy xem sếp đã lan toả sự bất an đó lên con người bạn như thế nào - họ có khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy bản thân không đủ giỏi vì không thể bắt kịp họ?
Làm việc không ngừng nghỉ khi bạn cần hoặc muốn, nhưng chỉ làm như vậy một cách có ý thức, trong một khoảng thời gian nhất định để đạt được những mục tiêu nhất định. Đừng biến nó thành một thói quen chỉ vì bạn đã quên mất những cách làm việc hoặc lối sống khác. 
Và hãy xem xét lại cách bạn đang đánh giá những người ít siêng năng hơn bạn - có thể họ đã khám phá ra được điều gì đó mà bạn cần học hỏi thêm.
Nếu là một nhà lãnh đạo, bạn có trách nhiệm không chỉ với công ty mà còn với những người làm trong đó. Hãy giúp đồng nghiệp khai thác hết tiềm năng của họ, nhưng đừng cho phép bản thân bạn phóng đại hay lợi dụng sự bất an của họ. Hơn nữa, hãy luôn nhớ rằng trách nhiệm tối cao nhất của bạn là chăm sóc chính mình. 

Bài viết gốc: 
Bài viết được tài trợ dịch thuật bởi anh Minh Triet Luu, founder Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.
Các bài được tài trợ khác: