"Nếu biết trăm năm là hữu hạn"
Lại một buổi chiều khá thơ thẩn sau khi đã làm được hết các nhiệm vụ trong ngày, mình lại có chút thời gian đọc sách, nghe nhạc piano...
Lại một buổi chiều khá thơ thẩn sau khi đã làm được hết các nhiệm vụ trong ngày, mình lại có chút thời gian đọc sách, nghe nhạc piano và có chút động lực để viết một thứ gì đó (Cảm ơn sếp và công ty rất nhiều vì đã tạo điều kiện cho nhân viên đọc sách và trau dồi vốn hiểu biết ít ỏi)
Cuốn sách mình đọc đã khá cũ, nhưng không vì cũ mà nó mất đi giá trị nào đó (cho đến thời điểm này), có tên là "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" của Phạm Lữ Ân. Đây là món quà khá là vu vơ của chị Châu. Cuốn sách mình được chị tặng sau khi hai chị em gặp nhau vào năm ngoái, lúc chị đang công tác ở Sài Gòn và có chút thời gian ra Hà Nội. Đó là khoảng thời gian mình gặp chị với tinh thần hoảng loạn với cuộc đời, chỉ biết oà lên rưng rức vì nhiều sự mệt mỏi. Và thực sự, cho đến lúc này, khi tình trạng hoảng loạn đã có dấu hiệu đỡ hơn (nhưng chưa hết), mình mở cuốn sách ra, dành một khoảng thời gian nhất định trong tuần để đọc. Cuốn sách không khiến người ta ngấu nghiến đọc từ trang này đến trang khác, mà đây là cuốn sách để đọc chậm, hiểu từ từ. Do đó cần đọc mỗi ngày 1 -2 phần, để cảm thấy nhẹ lòng hơn, giống như lời bà chị khẩu nghiệp viết tặng: "Vì nếu biết trăm năm là hữu hạn, ắt ta sẽ muốn cười nhiều hơn.."
Mỗi phần trong cuốn sách đều nhắc đến một nỗi suy tư nào đấy: gia đình, tình yêu, tình bạn,.... Cho đến thời điểm này, mình mới đọc sang phần thứ 7/44 phần của cuốn sách. Nhưng có đến 6 phần đầu tiên nói về chủ đề gia đình và người thân. Và đúng là nên như vậy, khi nhắc đến điều gì quan trọng nhất của cuộc đời, và phần đáng suy tư nhất, thì gia đình nên là mối quan tâm hàng đầu.
Có một số đoạn mình khá thích, và thực sự muốn lưu giữ nó mãi...
“Nhà ” chỉ là một từ ngắn ngủi , nó không đồng nghĩa với sự bình yên , nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “ nhà ” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh .
Quả thực, là khi lớn lên, mình mới thấy thời thơ ấu của mình quá đỗi đáng yêu, màu hồng và vô tư đến mức gần như vô tâm. Tâm lý lúc này của mình bị chia ra làm hai chiều hướng: Một phía trách móc bản thân quá đỗi hững hờ với những thực tế hồi bé mà người thân trải qua, mặt khác, lại thầm cảm ơn sự ngốc ngếch đấy. Vì nếu không có sự ngây ngô làm lá chắn, thì chắc hẳn sẽ không có mình như hiện tại, và tuổi thơ của mình cũng sẽ không bình yên đến vậy.
Nếu bạn không cảm thấy bình yên khi nhớ về thời thơ ấu, thì chẳng có tháng ngày nào nữa trong cuộc đời bạn có thể cảm thấy bình yên
Hơn thế nữa, mình cảm thấy may mắn, cho dù đôi khi mình vẫn hay phàn nàn với bạn bè rằng mình xui số 2 thì không ai xui số 1. Cho dù đôi lúc có rối loạn, có cảm thấy bất lực đến cạn kiện, nhưng chỉ cần về nhà ôm mèo Bông, nói chuyện với ông bà ngoại, hay đơn giản là túm lấy hộp cơm mẹ chuẩn bị sẵn cho vào buổi sáng... thì đã thấy nhẹ nhõm lắm rồi...
Đôi khi, có những mâu thuẫn xảy ra giữa cách giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ và sự chiều chuộng của ông bà. Nhưng khi lớn lên, bạn nhìn lại thời ấu thơ và sẽ hiểu rằng : nhân cách của mình đã được hình thành nhờ cả hai điều đó, nhờ sự cân bằng của cả hai. Quả thật, ai có được cha mẹ nghiêm khắc và ông bà nuông chiều thì quả là hạnh phúc lớn lao....
Và cuốn sách còn nhiều điều, nhiều chủ đề khác nữa. Nếu có dịp thích hợp, chắc chắn nó sẽ là cảm hứng cho mình viết tiếp, để chắc chắn rằng bản thân cần dũng cảm hơn, vị tha hơn và bớt mơ hồ hơn...
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất