Nền kinh tế đằng sau một giải đua Marathon
Tổ chức giải chạy lời gì? lời bao nhiêu?
Hai năm trước mình lâm bạo bệnh và phải tập đi lại sau ca phẫu thuật. Năm trước mình đã hoàn thành cự ly 10km ở 3 giải marathon, và năm nay sẽ là 3 giải half marathon (đã hoàn thành 1). Mình nhận thấy sức hút và sức gây nghiện của những giải chạy bộ. Bây giờ bạn cá với mình không? Chỉ cần thử tham gia một giải, bạn sẽ có luôn ý định cho cái giải tiếp theo ngay khi đặt chân đến vạch đích.
Nhưng mình không viết bài này để kêu gọi bạn chạy bộ, thay vào đó là chia sẻ những gì mình biết về cách các giải chạy đang khai thác ví tiền của chúng ta :)) Trung bình (chúng) mình tốn khoảng 500.000 VNĐ cho một chiếc vé chạy bộ, ở cự ly ngắn nhất (là 5km). Số tiền đó không ít. Thế các giải chạy đã làm gì với số tiền đó?
Thôi vô việc :))
1. Chi phí:
Đã bắt đầu phát sinh ngay từ lúc chốt diễn ra giải chạy.
Địa điểm và cơ sở vật chất
Trước tiên là xác định địa điểm, cung đường, tiến hành đo đạc khoảng cách. Để đo đạc khoảng cách thì phải xin giấy phép từ chính quyền địa phương, cũng như các không gian khác như bãi đậu xe, quảng trường, công viên,..để thiết kế khu vực expo (là khu vực nhận BIB (vé) chạy, bộ race-kit (bộ sản phẩm hỗ trợ trước-trong-sau chạy bộ) và khu vực sân khấu (phải đủ sức chứa cho các vận động viên tham gia, đặc biệt cho lúc tập trung để warm-up (khởi động)). Nói chung, route (đường) chạy phải đẹp, phải có view, và khu vực expo phải ở đâu đó dễ thu hút và đủ lớn. Đoạn này có thể tốn một khoản lệ phí xin cấp phép.
Trang thiết bị và dụng cụ
Thiết kế và sản xuất bộ RACE-KIT: BIB chạy, áo chạy, huy chương, túi chạy là bốn phụ kiện cơ bản nhất, ngoài ra còn có backdrop, banner, cờ (của giải chạy),..
Hỗ trợ khác trên đường chạy: nước uống, thức ăn, điện giải, thiết bị y tế, hệ thống phun sương (nếu giải chạy xịn và được nhiều tiền tài trợ :D), nhà vệ sinh di động (cho các chặng dài),..phải sẵn sàng và liên tục được fill đầy ở mỗi trạm.
Hệ thống tính giờ có lẽ là thứ ngốn nhiều chi phí nhất ở mục này. Mà chi phí tiềm ẩn cũng cao, hiện đang có 2 lựa chọn cho nhà tổ chức, 1 là thuê và 2 là tự sản xuất. Nhưng ở thời điểm mới chỉ tổ chức 1-2 giải thì tự sản xuất có thể không phải là lựa chọn hay :)) Một giải chạy mới cần xem hưởng ứng và trải nghiệm của những người tham gia, cân đối chi phí và doanh thu, xem có lời không, nếu lỗ thì lần sau lời được không, mới tính tới chuyện tổ chức thành series hằng năm. Khi đó tự sản xuất sẽ có lợi hơn.
Nhân lực
An ninh, y tế, nhân sự quản lý đường chạy, hướng dẫn khu vực expo, dẫn chương trình, huấn luyện viên thể thao, trọng tài,...Chỗ này có thể tiết kiệm được một chút chi phí nhờ tuyển tình nguyện viên.
An ninh, y tế, nhân sự quản lý đường chạy, hướng dẫn khu vực expo, dẫn chương trình, huấn luyện viên thể thao, trọng tài,...Chỗ này có thể tiết kiệm được một chút chi phí nhờ tuyển tình nguyện viên.
Quảng bá, truyền thông
Phần này ngốn nhiều chi phí nhất, tuy nhiên có thể được tối ưu bằng việc kêu gọi tài trợ và các nguồn lực quảng bá miễn phí từ các nhà tài trợ giải chạy. Chỗ này giải chạy nào đã từng được tổ chức trước đó (và thành công, tất nhiên) sẽ có lợi thế tệp khách hàng cũ, tận dụng được kênh word of mouth (truyền miệng).
2. Doanh thu
Tiền mua BIB và tiền tài trợ. Ở các giải chạy quy mô tầm nhỏ và trung bình ở VN, đặc biệt là trong giai đoạn mới nổi này, doanh thu gần như tới từ tiền bán BIB chạy. Còn một khoản nữa đến từ tiền tài trợ. Ước tính lợi nhuận thì không ước tính trên khoản tài trợ, vẫn là tính trên tiền mua BIB. Thực tế thì phần tài trợ sẽ cover chưa tới 50% tổng chi phí .
Dưới đây là ước tính cân đối thu - chi cho một giải chạy bộ quy mô 5000 người. Mình lấy giá BIB trung bình ở cự ly thấp nhất - 5km, giai đoạn regular, để ước tính, và các khoảng chi phí khác được ước tính trên cơ sở tham khảo phân bổ chi phí từ nhiều giải chạy khác nhau trong & ngoài nước. Tất nhiên mọi biến số có thể dao động, tuỳ theo điều kiện tổ chức.
Nếu tính cả các khoản chi phí nhỏ khác như phí cấp phép, chi phí sửa chữa hư hỏng thiết bị, các thiết bị backup, chi phí hỗ trợ nhân lực, và..team building của core team, thì xét ra một tổ chức vẫn có một khoản lời, giải chạy càng lớn, các chi phí cố định sẽ giảm tỉ trọng và lợi thế kinh tế theo quy mô sẽ được tận dụng. Ví dụ đơn giản bạn đặt sản xuất càng nhiều áo chạy thì chi phí trên đầu người càng thấp...và thực tế thì số tiền mà bạn bỏ ra cho một cái BIB thì chưa tới một nửa trong số đó trả về cái áo và cái huy chương mà bạn nhận được.
Tuần trước mình đi Thái Lan và được tham gia một giải chạy phong trào nhỏ để gây quỹ cho bệnh nhân, được tổ chức ở bệnh viên Siriraj, Bangkok. Khâu tổ chức cũng như bao cuộc thi khác ở VN. Và mình nhận thấy có hai điểm đặc biệt ở giải này.
Sau khi kết thúc giải chạy, mọi người xếp hàng và được lựa chọn một suất ăn mình muốn, đồng thời ở khu vực expo cho phép các nhãn hàng trực tiếp kinh doanh sản phẩm của mình, chủ yếu là đồ ăn thức uống. Đây rồi! Đây chính là một nguồn thu nữa :) nhà tổ chức có thể bán một slot koisk (ki-ốt) cho các nhãn hàng kinh doanh (1). Tưởng tượng bạn về tới đích, mệt bể hơi tai, đói, trước mặt là kiosk bán món nước trái cây bổ sung vitaminA-Z hay trà chanh thanh nhiệt gì đó. Chỉ cần đứa bạn bên cạnh gật đầu cái thôi thì là đã có thêm 2 khách bước vào hàng và xoè tiền ra rồi. Với những thành phần chạy bộ phong trào như mình thì điều đó rất dễ xảy ra, với chiếc điện thoại luôn mang theo mình thì việc thanh toán không phải là vấn đề. Mình đã chứng kiến người ta xếp hàng để mua cà phê Koh-Kae ở khu vực expo sau khi chạy xong. Mình cũng không hiểu vì sao người ta có thể uống cà phê sau khi chạy? Nhưng yea, họ đã thực sự xếp hàng để mua cà phê, trà, sinh tố và thậm chí là xếp hàng mua mì.. :D
Dọc đường chạy cứ khoảng 800m sẽ có một chiếc máy ảnh chĩa cam vào bạn. Những tấm ảnh chụp bằng máy kỹ thuật số, ghi lại khoảnh khắc (chúng) mình đắm chìm vào đường đua, một ánh mắt rực lửa, một đôi chân thoăn thoắt. Và cái cảm giác nhìn xem mình đã bùng cháy ở đó như thế nào thực sự thoả mãn. Mình đã từng nhận những tấm hình đó cách ở cuộc giải Oneway Vũng Tàu 2022. Mình chia sẻ ở khắp mọi nơi và lấy làm tự hào lắm. Và bây giờ ở giải International Marathon Đà Nẵng 2024, thậm chí là ở giải Siriraj mới đây, những tấm hình đó giờ được bọc watermark. Và muốn xem ảnh không có watermark, bạn vui lòng mua :D Giận gì đâu, một nhà tổ chức sự kiện hoàn toàn có thể làm thế. Mua hay không là quyền của những người tham gia. Mình thì ùm..cũng có tìm thử hình chạy, và họ trả cho mình 2 loại ảnh, 1 là ảnh có độ phân giải thấp, 2 là ảnh có độ phân giải cao nhưng có watermark :D
Rất tiếc cho giải là watermark không phải là vấn đề của mình lắm, vẫn có thể cầm đi khoe được (nhưng có thể là vấn đề của những runners khác).
Còn nguồn thu nào nữa không? Có thể sẽ phát sinh trong tương lai, nơi vận động viên tham gia giải chạy có chọn lọc hơn, và là lúc họ quan tâm đến thương hiệu của các nhà tổ chức giải. Nhà tổ chức nào uy tín hơn sẽ có lợi thế giá BIBs, hoặc yêu cầu người tham gia thoả mãn một số điều kiện thể chất. Các giải chạy của họ từ đó trở nên danh giá hơn. Lấy cuộc đua Marathon New York City làm ví dụ. Đây là một trong những cuộc chạy marathon được săn đón nhất trên thế giới. Những ai muốn tham gia phải đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện trước khi có thể được đảm bảo bước chân xuống đường chạy. Họ đã làm gì? Tổ chức một cuộc bốc thăm may mắn để trao cơ hội tham gia marathon. Và sau đó là một scheme phí đăng ký, phụ thuộc vào tình trạng của bạn. Cư dân Hoa Kỳ là thành viên của nhóm New York Road Runners phải trả 255 USD cho phí đăng ký cho cuộc đua năm 2022. Phí đó tăng lên thành 295 USD đối với cư dân không phải là thành viên. Ngoài mục tiêu giới hạn số lượng người tham gia để tránh mất kiếm soát quy mô, họ còn biết cách tận dụng chính sách giá và scheme để tối đa lợi nhuận.
3. Các giải chạy ở Việt Nam đang diễn ra thế nào?
Về quy mô: mỗi giải chạy, tính ở thị trường Việt Nam thôi nha, có quy mô tầm trung bình nhỏ (từ 2000 đến 20000 người tham dự), kể cả các giải marathon quốc tế, và thực tế là chưa có giải nào lên được quy mô 20 nghìn người.
Hình thức: đa dạng và ngày càng đa dạng. Từ marathon, trails, ultra marathon, ultra trails. Cự ly đua trải dài từ 1.5km đến 100km.
Thời gian diễn ra giải chạy: cuối tuần, thường là chủ nhật. Một ngày vừa vặn để người ta di chuyển đến địa phương vào tối thứ 6, đến nơi vào sáng thứ 7, du lịch một ngày, lấy BIB và race-kit một buổi, check-in và đăng tải hình mình đang tham gia một giải chạy nè - lên mạng, hôm sau đua được rồi đấy. Hôm sau là Chủ Nhật.
Tần suất: ở mỗi địa điểm chạy, chỉ diễn gia đúng một giải, vào đúng một ngày trong năm. Tần suất này mình đánh giá là thấp, giống như bạn đi du lịch vào mùa lúa vàng ở Mù Cang Chải, đi ngắm hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang, hoa ban ở Tây Bắc. Đi một lần, chưa chắc quay lại lần hai. Nhưng cũng giống như giải đua, mỗi năm hoa vẫn nở, vẫn chào đón khách du lịch nồng nhiệt.
Ai đang tham gia trò này? các nhà tổ chức sự kiện, thường được đồng hành bởi các nhà tài trợ. Thương hiệu của họ đôi khi sẽ gắn liền với giải chạy. Các nhà tài trợ thì đến từ các lĩnh vực khác nhau: Truyền thông, Xây dựng, Ngân hàng, Bảo hiểm,.. - ngoài lợi thế truyền thông, những tay chơi của các ngành này đều có lợi nhuận tốt, họ nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu gắn liền với một hình ảnh đầy năng lượng và mang tính lan toả như giải đua marathon - một nước đi cần thiết.
Đối tượng (khách hàng): trẻ em, người lớn. Người lớn thì tệp tiềm năng nhất là dân văn phòng, yêu thích tham gia trải nghiệm mang tính phong trào. Vì sao là yêu thích tham gia phong trào mà không phải là yêu thích thể thao?
Marathon là một mặt hàng tương tối kém co giãn về giá, vì vậy ngay cả khi giá BIB có cao thì người ta vẫn mua, thậm chí chịu chi rất nhiều tiền cho trải nghiệm này.
Trải nghiệm là một mặt hàng có giá, nhất là khi nó có sự kết hợp của cả sức khoẻ và du lịch cùng lúc. Người ta gọi việc đi tới những nơi xa xôi để tham gia một giải chạy bộ, đồng thời kết hợp du lịch ở đó là race-cation. 80% số người tham gia một giải chạy ở địa phương không phải là người ở địa phương đó, 71% trong số họ còn đi thưởng ngoạn đồ ăn thức uống và 64% đi thăm thú cảnh quan địa phương. Nếu như kinh doanh phòng Gym, phần lớn khách hàng mua gói tập và không tới phòng tập, phần lớn khách hàng tới phòng tập là để có cảm giác mình là người sống khoẻ mạnh (*), thì ở giải Marathon, phần lớn người mua tham gia là để thoả mãn cảm giác mình là một người đầy năng lượng, sống khoẻ, mình đang cầm huy chương, áo finisher checkin ở cuộc thi này nè, hashtag #têncuộcthimarathon #lovemyself. Tuyệt! Trải nghiệm đó xứng đáng gần 1 triệu đồng tiền BIB kia chứ? Chưa kể tiền vé khứ hồi, tiền đặt phòng khách sạn, tiền di chuyển và du lịch thêm? Nếu là mình thì sẽ là có :D và mình nghĩ nhiều người khác cũng có suy nghĩ giống mình.
Hiểu được điều đó, ngày càng có nhiều tổ chức đứng ra tổ chức nhiều giải chạy hơn, tần suất diễn ra nhiều hơn, và số người tham gia phong trào cũng nhiều hơn. Đứng trước lợi ích vĩ mô về thúc đẩy du lịch cho địa phương, một giải chạy cũng dễ nhận được ưu ái từ chính quyền.
Và đó là cách giải chạy ở Việt Nam đang bị thương mại hoá quá nhanh.
Theo thống kê của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF), năm 2023 chỉ tính riêng các giải bán marathon, marathon, siêu marathon được tổ chức trên toàn quốc đã lên tới hơn 60 giải. Thế nhưng chỉ trong ba tháng đầu năm 2024 đã có trên 20 giải thế này được diễn ra. Bên cạnh lợi ích, sở cho biết rất nhiều người dân bị ảnh hưởng từ các sự kiện do tổ chức ngoài trời, ảnh hưởng đến giao thông, an ninh, vệ sinh môi trường; quy chuẩn của các giải marathon, điều kiện cần và đủ về chuyên môn để tổ chức các giải chạy bộ vẫn chưa được ban hành.
Bằng chứng là một số giải chạy thực sự đang thiếu tôn trọng với người tham gia, và được tổ chức sơ sài đến khó hiểu chỉ để thu được lợi nhuận
Mình cũng không hiểu tại sao những giải này được cấp phép. Tuy nhiên một khi số giải chạy tăng lên, người chạy sẽ có nhiều lựa chọn hơn với những giải chạy uy tín, khâu tổ chức bài bản. Việc thương mại hoá một giải chạy là điều tất yếu, nhưng cũng phải theo quy luật tất yếu của kinh doanh, sản phẩm bạn tệ thì chả ai mua. Với hình thức kinh doanh là tổ chức giải chạy, sản phẩm của nó đang chính là sự an toàn của người tham gia. Chúng ta bước chân trên đường chạy, chỉ biết tiến lên phía trước, không biết có điều gì sẽ xảy ra nhưng chúng ta hào hứng. Các nhà tổ chức, vì thế, cần giữ được tinh thần ấy cho đến hết cuộc đua, vì cơ bản đó là sản phẩm của các vị.
Là một người đã bị cuốn vào sức hút của marathon, ham thích chinh phục và phiêu lưu, mình thấy vui vì phong trào chạy bộ ở Việt Nam ngày càng phát triển, càng vui hơn nữa là một vài người bạn bảo rằng mình đã truyền cho họ cảm hứng để sống năng lượng hơn, bọn mình rủ nhau tham gia các giải chạy bộ sắp tới. Đây chính là ý nghĩa xã hội - cái tinh thần của business này. Hy vọng sau chia sẻ nhỏ này, nếu bạn có ý định tham gia một giải chạy nào, sẽ có cách đánh giá đa chiều hơn, và chọn được một giải chạy mang lại đúng tinh thần của chạy bộ, chứ không phải là lợi dụng cái tinh thần đó để kinh doanh.
4. Tài liệu tham khảo
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất