Năm cũ kể chuyện bồ cũ: mình đã bớt ... hãm như thế nào sau một mối tình?
Xin chào các bạn!!!! Ảnh chụp từ cửa sổ phòng mình Sau một chuỗi ngày âm u mưa rền gió rít, hôm nay Bỉ được ngày nắng đẹp để...
Xin chào các bạn!!!!
Sau một chuỗi ngày âm u mưa rền gió rít, hôm nay Bỉ được ngày nắng đẹp để ngồi nhâm nhi ly trà gừng wrap-up lại chuyện năm cũ. Chuyện hơi buồn là mình chia tay bồ cũ cũng được 4 tháng rồi. Bận rộn đủ thứ chuyện từ thesis, internship đến chạy cái business nho nhỏ ÔM Project của mình ở Việt Nam nên chưa có thời gian reflect câu chuyện tình này. Nay được ngày đẹp trời moodup để nhớ lại, trân trọng và by somehow thấy biết ơn những kỷ niệm, bài học mà mình có với người cũ.
Trước tiên cần trình bày một chút. Mình thực sự là một tấm chiếu mới trong chuyện tình cảm. Mình đã xác định sẽ đi du học từ hồi cấp ba nên không muốn dính dáng gì đến chuyện tình cảm, sợ con đ~ tình yêu níu chân không đi được. Xong do một vài sự cố kỹ thuật (nếu các bạn biết scandal lộ đề SAT năm 2014) nên mình không đi Canada học đại học mà đợi đến mãi 2019 mới phục thù sang châu Âu học thạc sỹ. Do vậy trong bốn năm học đại học thêm một năm đi làm, mình vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Mà các bạn biết đấy, gái 24 tuổi mà vẫn còn trinh thì nó ở một độ ... hãm nhất định.
Mục tiêu kiếm giai của mình khi sang đây du học là nhất Việt nhì Á tam whatever. Do vậy mình tích cực tham gia mấy hoạt động trong hội du học sinh, rồi cộng đồng người Việt lắm. Khổ nỗi đa số toàn mấy em xanh tươi mà gu của mình lại thích mặn mà một tẹo. Mấy anh trai hơn tuổi thì toàn hoặc là có người yêu rồi, hoặc là PhD ở trình độ tư duy mình không với tới được. Tóm lại là không có duyên. Nên mình chuyển qua dating app. Quẹt Tinder được 3 ngày thì mình chán vì ngày nào cũng trả lời 7-8 cái "How was your day?" nó xàm lắm á. Ơn giời bạn mình đã suggest Hinge, một cái dating app mà mình cảm thấy nó có học (intellectual) hơn Tinder. Không biết ở Việt Nam có Hinge không ta? Nếu có thì mình highly recommend nha mấy bồ.
Về cơ bản giao diện của Hinge nó như vậy nè.
Profile trên Hinge sẽ xen lẫn ảnh và mấy câu trả lời kiểu "thế mạnh của tôi là", "đừng ghét tôi nếu bạn phát hiện ra rằng", "một ngày hẹn hò lý tưởng là khi chúng ta",... Do có nhiều thông tin hơn nên pick-up line cũng thú vị hơn là "Hey beauty, how are you doing?" (blewww) trên Tinder. Mình vẫn nhớ trên profile bồ cũ của mình có câu "Tôi cao 1.95cm và không khí trên này cũng không trong lành hơn là mấy". Mình đã match ông ý với câu reply "Ey, anh có nghĩ 36cm chênh lệch chiều cao giữa hai đứa đủ để coi là distance relationship hay không?" (haha tự thấy mình cũng có năng khiếu thả thính chứ bộ). Đấy nghiệp vận và mình yêu xa thật. Mình ở Bỉ còn ông ý ở Hà Lan, cách nhau 120km lận. Và uhm bồ cũ mình là một anh trai Hà Lan da trắng tóc vàng mắt xanh, cách 120km với kỳ vọng về anh trai Việt Nam ăn bún đậu mắm tôm và lẩu mắm.
Dating được 2 tháng thì tụi mình chính thức in relationship. In relationship được 2 tuần thì ... move in. Vâng tui sang thăm bồ hôm trước thì hôm sau châu Âu lockdown đóng biên do Covid. Nên chuyến thăm Hà Lan hai ngày trở thành hai tháng. Nghé con mới sinh không sợ hổ. Mình nghĩ ngày xưa mình ở ký túc xá 12 người trong ba năm cấp ba còn chịu được nữa là chỉ có 2 đứa.
Ừ thì xin lỗi mình nhầm....
Mình đã đánh giá quá thấp sự khác biệt văn hóa, lifestyle, cách phản ứng, hành xử, bày tỏ, và trong cả những chuyện củi gạo mắm muối hàng ngày. Và trong những cú va chạm nhỏ có to có đó, mình bất chợt tự nhìn lại bản thân, phân tích xem tại sao mình và bạn ấy lại có cách phản ứng và hành động khác nhau đến vậy. Mình cảm thấy mình đã học hỏi và phát triển bản thân rất nhiều từ những va chạm đó. Nào giờ cùng nhìn lại xem mình đã học được gì từ mối tình này nhé!
Mua sắm tiết kiệm
À ờ ngoài việc thẳng tính thì người Hà Lan còn nổi tiếng là hà tiện. Cái này tui confirm nha. Họ thực sự tính toán từng xu một đó các bạn ạ ("Cái này ở siêu thị bán rẻ hơn tiệm Á 30 cent, qua siêu thị mà mua.") Mình là đứa rất ghét shopping nhưng lại rất thích đi siêu thị và rất hay chi tiêu quá tay cho grocery. Nhờ bồ cũ, mình đã học cách check app của siêu thị để xem hôm nay có khuyến mại gì để lên meal plan cho mấy ngày tới. Lên list mỗi khi đi mua sắm để không bị sa đà vào mấy đồ không cần thiết mà mua vì nó vừa tầm mắt. Cũng học được cách xem giá phải xem giá/kg chứ đừng nhìn vào giá trên bao bì. Trứng gà nè 2* tức mấy con gà được đối xử tử tế hơn, đắt hơn một tý nhưng mua cũng được (responsible customer). Trước khi quen bồ mỗi tháng mình tiêu hết hơn 300e cho grocery, sau khi quen thì mỗi tháng tiêu tầm 200e thôi, đáng nể lắm đó.
Độc lập hơn
Trước khi có bồ, mình vẫn là cô gái ngôn tình cho rằng người yêu phải chăm sóc, nâng niu mình mới gọi là yêu. Nhưng bồ cũ mình thì cho rằng bản thân phải tự biết cách chăm sóc, nâng niu bản thân mình trước rồi hẵng trông mong người khác sẽ đối xử với mình như vậy. Vậy nên trong buổi hẹn hò thứ hai mình bị hỏng xe đạp, ông ý không sửa hộ mình mà đi siêu thị mua bộ dụng cụ sửa chữa về dạy mình sửa kèm câu nói xanh rờn "Nếu không có anh thì em làm sao?" OK fine sau một buổi hẹn hò mình đã tự thay được đèn xe đạp, vá lốp, bơm xe, chỉnh phanh chân, tiện học luôn cả cách mài dao nữa. Lúc đầu mình nghe thấy có lý lắm, xúc động lắm, nghĩ là ồ ông ý dạy mình cách làm để nhỡ không có ông ý thì mình vẫn xoay xở được, chứ nếu mà ông ý ở đó thì sẽ làm giúp mình thôi. Sai toét nhé các bạn! Một khi tự mình đã biết làm rồi thì mình sẽ tự làm luôn cho nhanh đỡ phải nhờ vả. Và người ta cũng assume rằng mình tự làm được thì đâu cần phải giúp đỡ nữa. Đấy các bạn thấy tôi giống tấm chiếu mới chưa?
Nói xấu vậy thôi chứ mình vẫn thấy vui vì đã học được thêm nhiều kỹ năng hay ho mới (dù nói thật là nhiều lúc có thấy tủi thân đó, dù sao tui cũng là một con gái mà). Và điều quan trọng hơn là mình phát hiện ra bản thân mình có khả năng độc lập về mặt tinh thần hơn mình nghĩ nhiều. Trước khi hẹn hò, mình đã nghĩ rằng mình sẽ khá dựa dẫm và dính người, luôn muốn sự chú ý từ người yêu. Giả thuyết này xuất phát từ ba lập luận: 1) trong nội tâm mình luôn mong muốn được dựa dẫm một ai đó vì mình xa gia đình từ nhỏ, phải tự lập từ sớm, thêm nữa đôi khi hơi áp lực với việc là một người chị cả luôn phải làm gương cho các em, 2) hoàn cảnh bên ngoài khi mình đang ở một đất nước mới, là một người lạ, một otherness nên mong muốn có một ai đó thật gần gũi để có thể chia sẻ cảm xúc, 3) tin rằng tình yêu như hai mảnh puzzle ghép lại, hai người bổ khuyết cho những thiếu sót của nhau (hơi lậm ngôn tình các bác ợ). Đó phân tích lý thuyết nghe ngựa vậy nhưng trên thực tế mình không cảm thấy bị phụ thuộc về mặt tình cảm (emotional dependence) quá mức vào người yêu như mình sợ. Mình vẫn tự tìm thấy niềm vui trong những thứ ngớ ngẩn hàng ngày và tự entertain bản thân qua những suy nghĩ hoang đường vu vơ. Mình nhận ra type người lý trí như mình sẽ chọn yêu (choose to love) chứ không để tình yêu dắt mũi (fall in love). Đó là mối quan hệ mà hai cá nhân độc lập lựa chọn yêu nhau do nhận thấy cả hai có nhiều điểm chung, phù hợp để cùng đi với nhau trên đoạn đường dài phía trước. Vậy nên mối quan hệ của bọn mình bắt đầu bằng việc hai người cảm thấy phù hợp để phát triển một mối quan hệ rồi sau đó mới dần nảy sinh tình cảm. Do đó tình cảm của bọn mình không có giai đoạn nồng cháy honey moon đâu mà như hai ông bà già 80 tuổi vậy.
Communication vô cùng quan trọng
Đầu tiên là cách nói yêu nhé. Người yêu mình một ngày chắc ổng nói đến hai chục lần I love you luôn. Đến ngủ mơ cũng quay sang ôm mình I love you. Mới đầu mình thấy sao mà cliche thế nhưng sau rồi cũng quen. Đó là cách thể hiện tình cảm mà ông ý học từ gia đình. Mới đầu ông ý cũng tủi thân tại sao mình không nói I love you bao giờ, bị ép mới nói mà đặc biệt nói I love you bằng Tiếng Việt thì lại càng không luôn. Mình phải giải thích rằng trong văn hóa châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tình yêu thể hiện bằng lời nói bị cho là sáo rỗng mà phải thể hiện bằng hành động cơ. Vâng hôm sau ổng mặc cái áo màu hồng mà ổng ghét nhất vì mình thích màu hồng, "anh mặc cho em vui mắt đó", đủ mang tính hành động chưa? Phải mất một thời gian hai đứa mới làm quen và hiểu được cách thể hiện tình yêu khác nhau của đối phương đó.
Đến phần quan trọng giải thích sự khác biệt văn hóa có thể dẫn đến bất đồng giao tiếp như thế nào nè. Các bạn biết đó, người Hà Lan vô cùng thẳng tính, đến ruột ngựa cũng không so được đâu. Vậy nên phong cách nói chuyện của họ vô cùng trực tiếp luôn. Trái lại, mình nhận ra người miền bắc thích nói chuyện dựa trên assumption. Người được cho là tinh tế là người đưa ra được những giả định gần với thực tế nhất. Ví dụ khi có khách đến chơi, cô mình để ý bác trai không thích ăn hành, cậu con trai nhỏ tuổi hay gắp nem, và cô con gái út rất thích màu đỏ. Khi khách đến chơi lần tiếp, cô mình cố tình chuẩn bị một bát nước dùng không hành cho bác trai, làm món nem cỡ nhỏ hơn để cậu con trai dễ gắp, và một cái bát màu đỏ xinh xinh cho cô con gái. Đó là sự tinh tế của nghệ thuật giao tiếp không lời. Và bồ mình rất ghét điều đó vì ổng cho rằng giao tiếp như vậy không hiệu quả. "Sao em không hỏi thẳng anh luôn mà cứ đoán đoán". Buồn cười là nếu mình đoán đúng thì ông ý thấy creepy và bị manipulate còn nếu đoán sai thì bảo thấy chưa, toàn lệch sóng hoài. Và do mình đang sống trong môi trường Hà Lan mà, nên thôi bản thân phải tự thích ứng thôi. Nhưng việc tập trước với bồ cũng giúp mình khá nhiều trong công việc sau này khi mình hiểu hơn ảnh hưởng của khác biệt văn hóa trong giao tiếp có thể ảnh hưởng tới kết quả công việc ra sao.
Bình đẳng giới
Nghe có vẻ trớ trêu nhưng thật sự bạn trai mình là người giúp mình đem lý thuyết về bình đẳng giới vào thực hành. Mình được học rằng bình đẳng giới là khi nữ giới được thừa nhận và đối xử công bằng, được tiếp cận với các cơ hội phát triển như nam giới,... Mình vẫn luôn tự hỏi là nữ, mình cảm thấy bình đẳng khi nào? Và mình nhận ra bình đẳng giới đơn giản là khi mình được làm những điều mình muốn dựa trên ý chí và mong muốn của bản thân mình chứ không phải do kỳ vọng mà xã hội, gia đình, văn hóa, "người ta" cho rằng mình cần làm với tư cách là một người phụ nữ.
Chuyện là một lần mình quạu quọ vì mình thấy mình đã vất vả nấu ăn rồi mà ông ý không đi rửa bát. "Nếu em cho rằng việc nấu ăn là vất vả thì đâu cần làm? Anh có thể nấu hoặc mình có thể order đồ ăn mà? Anh nghĩ em nấu vì em thích nấu ăn chứ?" -"Nhưng em là bạn gái anh và em thấy cần take care chuyện đó vì anh đang đi làm mà (ông ý work-from-home)" - "Ủa bộ mình có hợp đồng nếu là bạn gái thì em phải lo chuyện đó hả?"
Bang! Hóa ra mình đã tự tạo áp lực cho bản thân và cho rằng mình đang hy sinh thời gian, công sức của mình để thỏa mãn người yêu và tất nhiên nên được công nhận. Vậy nên khi không được công nhận, mình đã cảm thấy thất vọng và tức giận. Ừ vì bồ mình đâu có kỳ vọng giống "người ta" về mình để mà công nhận cái mình làm đâu. Và mình chợt nghĩ ủa tại sao phải cần người khác công nhận, mình nên làm thì mình thấy vui chứ. Và mình nghĩ lối tư duy này nên áp dụng cho cả nam và nữ vì mỗi người chúng ta đều đang gánh những áp lực khác nhau mà "người ta" cho là bạn cần làm.
Việc thay đổi góc nhìn nhận không chỉ giúp mình hiểu rõ hơn làm thế nào để hiểu bình đẳng giới từ góc độ cá nhân mà còn giúp mình có thái độ tiếp nhận những sự kiện một cách bình thản hơn. Chính vì vậy mình chia tay mà không hề có sự ấm ức hay tiêu cực gì với bồ cũ mình mình nghĩ dù kỷ niệm tốt hay xấu, mình đã enjoy every moment trong mối quan hệ này.
Học cách bày tỏ cảm xúc thật của bản thân
Đây là điều quan trọng trọng mà mình học được từ mối quan hệ này. Không biết cách nhìn nhận này là do văn hóa hay do nền giáo dục gia đình của mình (các bạn góp ý giùm mình nha): người miền Bắc nói chung không có thói quen thể hiện cảm xúc thật của bản thân. Ba mẹ mình dạy mình cần học cách khống chế (không phải điều chỉnh) cảm xúc, không để cho người khác biết mình nghĩ gì. Điều kì lạ là mình rất thẳng tính với người lạ nhưng lại thảo mai với người nhà vì mình không muốn làm mất lòng, tổn thương những người mình thực sự quan tâm. Mình hay thể hiện là con người tính toán, mưu mẹo với ba mẹ vì mình biết ba mẹ mình cho rằng phải có tính cách như thế mới dễ sống trong xã hội bây giờ, để ba mẹ yên tâm về mình. Đôi khi, có những việc mình làm đơn thuần chỉ vì mình có khả năng giúp đỡ người khác nhưng khi kể với ba mẹ, mình phải thêm thắt rằng làm thế có thể mang lại lợi ích gì cho mình trong tương lai.
Và mình giữ thói quen đó với người yêu mình. Mỗi khi có khúc mắc, mình đều không nói ra vì nghĩ thôi chấp làm gì những chuyện nhỏ nhặt lông gà vỏ tỏi này. Để rồi mọi thứ cứ tích tụ dần vào tạo thành những cảm xúc tiêu cực, không chỉ với bồ mình mà còn cả với mối quan hệ của tụi mình. Sự kỹ tính của bồ mình giờ đây trở thành sự bắt bẻ, dạy mình làm mọi thứ trở thành do ông ý lười ông ý không muốn làm thôi,... Đây cũng là lý do chính dẫn đến sự chia tay của tụi mình. Mình vẫn nhớ mãi câu nói đầy hoang mang và đau lòng của bồ mình khi đó: "Nếu em có thể nói ra những điều em thấy ấm ức dần dần từng chút một, anh tin mình có cách để giải quyết. Nhưng bây giờ em bùng nổ như thế này, anh không biết phải làm sao cả?"
Tạm kết: Đôi lời gửi tới người yêu tương lai
Này anh cần phải thấy biết ơn người yêu cũ của em rất nhiều đấy nhé. Nhờ anh ý mà em đã biết nấu ăn, mua sắm thông minh hơn, độc lập hơn, biết cách giải quyết mẫu thuẫn hơn là dỗi người yêu, nói chuyện thẳng thắn hơn, biết rằng cần phải chia sẻ cảm xúc nhiều hơn, by somehome bớt hãm hơn một tí tị tì ti. Hy vọng nhờ những bài học này, em có thể làm tốt hơn trong mối quan hệ mới và kỳ vọng một kết quả tốt đẹp hơn nhé!
Ok Nào giờ chuẩn bị đón năm mới thôi nào!
___________
Chuyện vui hay buồn thì tui vẫn xin phép có một phút quảng cáo cho cái business nho nhỏ ÔM Project của tui và chúng bạn. Mong mọi người ghé shop ủng hộ nha!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất