Trước khi bắt đầu bài viết này, mình muốn cảm ơn tất cả những người đã dành thời gian đọc bài viết đầu tiên mình đăng cách đây không lâu. Tất cả lượng view/ upvote/ bình luận của mọi người là niềm động lực rất lớn để mình tiếp tục. CẢM ƠN MỌI NGƯỜI RẤT NHIỀU.
♦Đôi dòng tản mạn về nguồn cảm hứng cho bài viết:
    ‘’Khải hoàn’’, hiểu một cách đơn giản, là ''chiến thắng trở về''. Khải hoàn từ trước đến giờ vốn là một chủ đề được khai thác rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật: thi ca, điện ảnh, âm nhạc, hội họa... ‘Khải Hoàn Ca’’ chào mừng binh lính chinh chiến trận mạc trở về; “Khải Hoàn Môn’’ là di tích lịch sử, đồng thời là nơi lưu lại những chiến công của người Pháp; v.v
"Nụ hôn" - bức ảnh mang tính biểu tượng kết thúc Thế Chiến II
     
     Phía trên chính là bức ảnh chụp lại nụ hôn nồng cháy của một cặp đôi khi nghe tin Thế Chiến II kết thúc, được nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt ghi lại giữa quảng trường Thời Đại (New York) vào ngày 14-8-1945.
Watchmen (2009), tác phẩm chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của DC Comics
    Nụ hôn này đã từng được đạo diễn Zach Snyder tái hiện lại trong bộ phim Watchmen, phát hành vào năm 2009.

    Trong vũ trụ DC Comics, bao gồm cả mảng điện ảnh là với những tác phẩm thuộc DC cũ/ DCEU hay mảng hoạt hình là DCMA, không chỉ một mà rất nhiều lần đã dựng lên những cảnh khải hoàn. Đó có thể là những bản tráng ca hào hùng, cũng có thể là những bản bi ca đẫm nước mắt. Và đặc biệt hơn, không chỉ có nụ hôn sau thế chiến được tái hiện trong bộ phim Watchmen kể trên; gần đây, trong phần phim hoạt hình Justice League Dark: Apocalypse War, nụ hôn khải hoàn lại được tái hiện một lần nữa bởi bàn tay của bộ đôi Matt Peters và Christina Sotta. Và đó cũng là chi tiết chính mà tôi muốn phân tích trong bài viết này.

♣     Sơ lược về nội dung của Justice League Dark: Apocalypse War

     (Cảnh báo: Phía sau có những tình tiết spoil nội dung phim để phục vụ cho quá trình phân tích. Ai đang có ý định xem phim thì nên theo dõi bộ phim trước rồi quay lại với bài viết của mình. Còn ai chưa hay không có ý định xem thì cũng nên thử, bởi đây là một bộ phim rất hay.)

        Mọi biến cố trong phần phim này có thể xem là hậu quả từ sai lầm của The Flash khi anh đã tạo ra Flashpoint trong một nỗ lực quay về quá khứ để cứu người mẹ của mình. Việc đó đã vô tình đưa Trái Đất vào tầm ngắm của Darkseid, một tên bạo chúa vũ trụ - chủ nhân của hành tinh Apocalypse, một kẻ chinh phạt tàn bạo và máu lạnh bậc nhất trong vũ trụ DC.

      Nhìn chung, bộ phim là một bức tranh được tô hoàn toàn bởi những mảng màu tăm tối: cốt truyện nặng nề, nhiều nút thắt và chuyển biến bất ngờ, dàn nhân vật mang chiều sâu tâm lý và được khai thác kỹ lưỡng, tất cả đẫn đến một kết cục tưởng rằng thỏa đáng nhưng lại không hề viên mãn như những gì người xem mong đợi.

   Justice League Dark: Apocalypse War khép lại bằng việc Darkseid cùng bè lũ tay sai bị kéo vào hư không – sự kiện được coi như chính thức đặt dấu chấm hết cho nền thống trị của tên ác bá. Tuy nhiên, để dẫn đến kết cục đó, rất nhiều máu đã đổ trên khắp cõi vũ trụ. Tàn cục, Trái Đất vẫn còn tồn tại nhưng mang tổn thất nặng nề vô cùng: mất đi gần hết lượng lõi magma, đứng trước nguy cơ trở thành một hành tinh chết trong tương lai không xa; chưa kể đến hàng tỉ người thiệt mạng, bệnh dịch, đói nghèo, thiên tai liên miên,... Hơi thở của sự tận diệt đang len lỏi khắp mọi ngóc nghách; và theo như lời của Batman, dốc hết nguồn lực cạn kiệt còn lại thì cũng phải mất ít nhất là cả chục năm nữa để khôi phục lại hành tinh xanh, nhưng kết cục cũng không mấy khả quan. Những thành viên còn lại của JL – hay chính xác hơn, của cái thứ đã từng là JL, đã từng là biểu tượng bất diệt của hòa bình kia; tụ lại dưới chân tòa Titans Tower đổ nát. Cuộc chiến dai dẳng đã kết thúc, mặc dù sau cùng đã giành chiến thắng, nhưng họ còn lại được những gì?? Đau đớn, mệt mỏi hiện rõ trên nét mặt bọn họ. Ai cũng đã mất đi gia đình, mất đi bạn bè, và thậm chí có những người còn mất đi một phần thân thể; sống nốt những tháng ngày còn lại trong hình hài cyborg – bị dấu vết đầy cay nghiệt của cuộc chiến tranh đeo bám.Đối diện với thực tại nghiệt ngã đến như vậy, mọi hi vọng hoàn toàn bị dập tắt, bốn bể mây mù vây quanh. Một chiến thắng không có tiếng còi báo thắng trận, không có niềm hân hoan chào đón những chiến binh trở về, và cũng mặc nhiên không có một khúc khải hoàn ca nào. Không cam lòng, John Constantine đã thuyết phục Barry (The Flash) tạo ra một Flashpoint khác, sửa chữa thực tại mục nát đó. Đã từng sai lầm và phải gánh chịu những hậu quả do hành động của mình gây ra, Barry không hề muốn lặp lại nó một lần nào nữa. Thế nhưng, những lời cuối của John đã thắp lại một tia hi vọng mong manh cho Barry, và dường như cũng là nêu ra giải pháp tốt nhất trong tình thế này:

      _Mọi thứ sẽ thay đổi.. một lần nữa. Có những thay đổi sẽ thực sự đẹp đẽ, nhưng chúng ta cũng có thể lặp lại những sai lầm mà ta đã từng. Sẽ không hoàn hảo, nhưng chắc chắn là tốt đẹp hơn những gì ta có hiện giờ !


     Những khung hình cuối cùng trong bộ phim, từ phía chân trời, ánh sáng của vụ nổ thời không do Barry tạo ra hòa với ánh sáng bình minh; đó cũng chính là ánh sáng của hy vọng, của tương lai mà những người còn sót lại đang mong chờ. Trong giây phút đó, Robin và Raven đã trao cho nhau một nụ hôn nồng cháy. Nụ hôn ấy đã được nung nấu, trải qua biết bao trắc trở, thậm chí là phải trả bằng rất nhiều máu và đã có lúc tưởng chừng như nó còn chẳng có cơ hội tồn tại. Đó đúng nghĩa là một nụ hôn khải hoàn, tuy có phần muộn màng; nhưng mang ý nghĩa mừng thắng lợi vừa qua và mong đợi những gì tốt đẹp sẽ xảy ra trong tương lai.
    

        Việc John đề xuất tạo ra một Flashpoint, thực sự là một chi tiết đầy mỉa mai. Bởi vốn dĩ khởi nguồn của mọi sự chính là gây ra bởi Flashpoint, và cũng chính nó lại là giải pháp cuối cùng cũng như khả thi nhất trong tình thế khốn khó này. Dùng một thứ mà bản thân nó vốn là sai lầm để sửa chữa sai lầm do chính nó gây ra. Không bàn về việc hiệu quả của nó tới đâu, cả Barry và John đều muốn nắm lấy cơ hội dù là nhỏ nhất để sửa chữa những sai lầm ban đầu của cả nhóm. Cũng không bàn đến tính logic hay cẩn trọng trong lối suy nghĩ của họ, hậu quả hiện tại họ phải đối mặt quá lớn, và xây dựng lại từ đầu trong tình huống đó vẫn tốt hơn gấp vạn lần so với tiếp tục từ đống đổ nát hoang tàn kia. Thế nhưng, thử nghĩ rộng ra, và cũng nghĩ hẹp lại một chút, nếu đặt chúng ta, hoàn cảnh thực tế của chính chúng ta vào trong câu hỏi: ‘’Nếu có cơ hội sửa chữa (những) sai lầm trong quá khứ, liệu bạn có muốn nắm lấy cơ hội đó không?’’.
    ....
      Với bản thân tôi thì câu trả lời đã, đang và sẽ luôn là “KHÔNG!’’
Là con người, không ai hoàn mĩ, không ai có thể tự tin mà nói rằng “tôi đây chưa từng mắc một sai lầm nào”. Những sai lầm đó đã góp phần định hình con người chúng ta ở hiện tại. Có những sai lầm thật sự nhỏ nhặt, không đáng nhớ, không đáng nhắc và cũng không gây cho ta nhiều phiền toái. Nhưng cùng với đó, là những lỗi lầm to lớn, thậm chí là đủ lớn để tạo ra biến cố thay đổi bản chất của một người.

    Nếu có trong tay cỗ máy thời gian hay bỗng nhiên được trao cho một loại năng lực có thể “tua” lại cuộc đời mình, hiển nhiên ta sẽ đứng trước hai sự lựa chọn: quay trở lại sửa chữa những sai lầm hoặc chấp nhận việc chúng đã xảy ra và tiếp tục sống với những hậu quả.

    Tôi của những tháng ngày bồng bột trước kia chắc chắn sẽ chọn phương án thứ nhất. Cũng tự nhiên thôi mà, đúng không? Hừm, tôi vốn là một chàng trai suy nghĩ rất rất nhiều, chiếm thời gian và khối lượng nhiều nhất trong đống suy nghĩ đó của tôi là những viễn cảnh mà tôi vẽ ra nếu một ngày kia bản thân mình có khả năng quay ngược về quá khứ để sửa chữa những sai lầm. Tôi có thể làm đi làm lại, sống theo nhiều cách khác nhau, cho đến khi nào tôi tìm ra được một thực tại mà ở đó cuộc sống của tôi là hoàn hảo nhất. Thế nhưng đến một lúc, tôi chợt đặt ra câu hỏi: “Sau đó thì sao? ”.Tôi vẫn sẽ phải tiếp tục sống, và chắc chắn là sẽ mắc thêm những sai lầm mới. Chẳng lẽ cứ mỗi lần phạm phải sai lầm, tôi lại lạm dụng cái “quyền năng” của mình, sống trong những vòng lặp vô hạn sửa chữa sai lầm; để rồi vào một ngày không xa, chính bản thân trở nên mệt mỏi và chán ngắt, chấp nhận buông bỏ và quay về với thực tại??

     Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn cuộc sống thật hoàn hảo và dễ dàng; nhưng đồng thời, ta cũng biết rằng cuộc sống  vốn là một biến số, ẩn chưa muôn vàn sự biến hóa thú vị và bất ngờ. Và cái phần “biến số thú vị” đó chính là cái đã tạo cho chúng ta “sống”, chứ không chỉ đơn thuần là “tồn tại”. Việc ta cứ tiếp tục sửa chữa sai lầm như vậy không khác gì như chơi đi chơi lại 1 cuốn video game, lựa chọn tuy an toàn, chắc chắn nhưng sớm muộn cũng tạo cảm giác nhàm chán khi bạn đã biết hết tất cả những trở ngại và dễ dàng giải quyết chúng. “Tồn tại” như một cái máy được lập trình, có thể chạy trơn tru được những phần mềm đã cài sẵn; chạy đi chạy lại những vòng lạp logic cứng nhắc, không có khả năng ứng biến với những thay đổi hệ thống bất ngờ, thiếu đi cái hồn của sự “sống’’.

    Trong show hoạt hình nổi tiếng Rick and Morty có một tập khá hay thế này: Morty được ông nội Rick chế tạo cho một chiếc remote thời gian có 2 nút bấm: một nút bấm để Morty ghi lại vị trí của cậu tại thời điểm bất kì; và nút bấm còn lại để cậu trở về vị trí đó bất cứ lúc nào. Tất nhiên, có trong tay thứ quyền năng lớn như vậy, Rick đã tận dụng nó hết mức có thể. Sống hết mình, thử những điều mới mẻ, mắc sai lầm tùy tiện và sửa chữa từng cái một. Đó hoàn toàn là những biến số mà chính bản thân Morty tạo ra và cậu có thể kiểm soát được. Cho đến khi cậu gặp được cô bạn gái – wow, một biến số mà lần này là do cuộc đời trao cho cậu. Và biến số đó mang tên “tình yêu”. Chính tình yêu đã thay đổi cách suy nghĩ của Morty. Ai đã hoặc đang ở trong một đoạn tình cảm đều biết rằng; tình yêu có lúc ngọt ngào, đẹp đẽ; cũng có lúc lắm giận hờn và khiến người trong cuộc cảm thấy thật ngột ngạt và chỉ muốn buông bỏ. Chuyện tình mới chớm nở của Morty cũng không phải là một ngoại lệ. Nhưng lần này, Morty đã biết trân quý những kỉ niệm của hai người; cậu coi chúng là duy nhất, là bất khả thay thế trong lòng mình – và vì vậy cậu đã không chọn nhấn nút reset mỗi lần gặp khó nữa, mà dũng cảm đối mặt và giải quyết mọi chuyện một cách cẩn thận hơn, quyết đoán hơn bởi cơ hội giờ chỉ còn “một” mà thôi. Đỉnh điểm của tập phim là khi máy bay của hai người gặp nạn trong chuyến đi qua vùng núi tuyết lạnh lẽo. May mắn là cả hai vẫn giữ được tính mạng của mình. Tuy nhiên, cái lạnh, cái đói và thậm chí là cái chết đang chực chờ, đã buộc Morty phải đưa ra quyết định quay trở lại để tìm cái remote đã bị rơi mất. Vượt qua muôn trùng khó khăn, cuối cùng cậu cũng đã tìm được nó. Bên cạnh cái remote là chiếc điện thoại chỉ còn đủ pin để thực hiện 1 cuộc gọi duy nhất. Đắn đo suy nghĩ, trước cái chết đang cận kề và cái lạnh buốt da buốt thịt đang đông cứng từng tế bào trong cơ thể cậu, Morty đã dồn hết tất cả sức lực còn lại, ấn dòng số 911 với ngón tay bật máu...

   Mỗi quyết định mà ta đưa ra sẽ dẫn cuộc đời đi theo một lối rẽ khác nhau. Có những lúc, tôi nghĩ rằng, những thứ hiện tại mình đang có: bạn bè, chuyện học hành, tình cảm... dù không biết được khi đem so sánh với những gì mà mình đã có thể có được nếu ngày trước chọn lựa khác đi; có tốt hơn hay không. Nhưng tôi luôn mặc định rằng, những gì tôi có đã là tốt nhất rồi; và nếu có cho tôi chọn lại, tôi cũng sẽ không đánh đổi những thứ ấy lấy cái gì đó tốt hơn, mà sẽ kiên định với quyết định mà bản thân đã đưa ra – dù cho đó có là quyết định của những tháng ngày còn đầy nông nổi và sai lầm. Nó có thể ngu ngốc, có thể không hoàn hảo; nhưng có như thế mới là “sống”.

      Thất bại là mẹ thành công, những sai lầm cũng vậy, phần nào đó, nó đóng vai trò như một người thầy, dạy cho ta những bài học cuôc đơi đắt giá; một phần như người mẹ, uốn nắn tính cách, định hình con người ta. Bởi vậy, ta phải ghi nhớ, phải căm thù những sai lầm để tránh phạm phải nó,  nhưng đồng thời, cũng phải trân quý những gì mà nó đã dạy ta. Sai lầm vừa là bạn, vừa là thù; chọn đồng hành cũng nó và tiến lên hay là trở thành kẻ bại tướng trong bóng ma quá khứ thì hoàn toàn là lựa chọn của chính bản thân chúng ta.