Có ba người lính trên chiến trường, họ đang rất, rất sợ hãi. Họ còn cách pháo đài của mình hai trăm mét. Chỉ hai trăm mét thôi mà dài như vô tận. Bởi vì con quái vật họ phải đối đầu lúc này là một xạ thủ. Ai mà chẳng biết xạ thủ đáng sợ? Vô hình, lặng lẽ, để rồi khi bóp cò sẽ dễ dàng đoạt mạng bạn. Người lính thứ nhất mắt dáo dác nhìn quanh để chọn cho mình chỗ nấp lý tưởng. ĐOÀNG! Anh ta bị xạ thủ bắn chết. Người lính thứ hai nghĩ cách làm sao tiêu diệt gã xạ thủ cách đó 500m bằng khẩu súng trường trên tay. ĐOÀNG! Anh ta bị xạ thủ bắn chết. Người lính thứ ba cắm đầu chạy chả nghĩ gì cả. ĐOÀNG! Xạ thủ bắn trượt và anh chàng này sống.
Sự khác biệt của người lính thứ ba so với hai đồng đội xấu số kia là gì? Câu trả lời: Anh ta không bị tê liệt vì phân tích thông tin. 
Có bao giờ bạn trải qua cảm giác nghe một buổi thuyết giảng từ sáng tới chiều và sau đó đầu óc không còn nghĩ được cái gì nữa?
Có bao giờ bạn cảm thấy mình càng học chuyên sâu về một cái gì đó lại càng mất khả năng áp dụng kiến thức đó vào thực tiễn?
Hay có bao giờ bạn đọc quá nhiều sách về thể loại sáng tạo và do vậy mà… Mất luôn khả năng sáng tạo? :)))
Hay bạn có thường xuyên cân nhắc, cân nhắc nữa, cân nhắc mãi…. Với một đống thông tin trong đầu và chẳng thể đưa ra kết luận/quyết định cho vấn đề?
Nếu từng gặp những điều đó thì có nghĩa là bạn đang bị “no” suy nghĩ, hay còn gọi là bị “tê liệt thông tin vì phân tích quá nhiều”. Hiện tượng này xảy ra khi ai đó tìm hiểu/phân tích quá nhiều lý thuyết về một vấn đề nào đấy và vì vậy họ mất khả năng áp dụng lý thuyết vào thực tiễn (không thể sáng tạo ra sản phẩm, không thể đưa ra quyết định,...). Vấn đề này dễ xảy ra với những người có xu hướng suy nghĩ sâu (deep thinking) hay suy nghĩ quá phức tạp (overthinking). Tuy nhiên trong thời đại mạng xã hội tràn lan tin tức, ngay cả những người vốn không thuộc hai dạng trên cũng đã bắt đầu trở thành nạn nhân,. 
Nghĩ, nghĩ nữa, nghĩ mãi, chết vì nghĩ :)
Giống như dạ dày cần thức ăn, não bộ con người luôn luôn cần thông tin. Có điều giống như khi ăn quá no thân thể sẽ bị ì ạch, khi ta tiếp nhận quá nhiều thông tin, hoặc suy nghĩ phân tích quá nhiều, sẽ khiến cho đầu óc chúng ta tê liệt vì quá tải. Nhưng khi ăn no quá còn có thể nôn bớt ra, còn khi đầu quá tải vì suy nghĩ, việc “nôn” ra không đơn giản như vậy. 
Nhưng không đơn giản đâu phải là “không có cách”. Dưới đây là một vài cách để bạn có thể “nôn” bớt thông tin nếu lỡ “ăn quá no”: 

Ngừng câu hỏi “tại sao”.

Hỏi tại sao không xấu, cái xấu là tại sao lại hỏi tại sao ( :) ). “Tại sao” là loại câu hỏi rất mạnh trong việc phân tích vấn đề, vậy nên bạn muốn ngừng phân tích, trước hết hãy ngừng hỏi tại sao. Những câu hỏi “cái gì” và “làm thế nào để...” sẽ mang tính giải quyết vấn đề nhiều hơn là câu hỏi “tại sao”.

Gạt bỏ sự cầu toàn.

Một trong những lý do khiến người ta nghiện tìm thêm thông tin và phân tích vấn đề chính là tính cầu toàn. Sự cầu toàn sẽ mang lại nỗi sợ thất bại, và từ nỗi sợ thất bại đó sẽ thúc đẩy chúng ta thu thập, phân tích thông tin mãi mà không chịu bắt tay vào làm việc. Những tác giả viết truyện, họa sĩ và designer mới vào nghề thường dễ gặp tình trạng này. Vì quá cầu toàn cho sản phẩm, họ chỉ tập trung nghiên cứu các ý tưởng, mà càng nghiên cứu lại càng khiến bản thân không thể sáng tạo được. Vậy nên nếu đã chớm cảm thấy nặng đầu vì mải mê "suy nghĩ ra một ý tưởng cực kỳ độc đáo” thì mau ngừng lại và gạt  phăng tính cầu toàn đi nhé :)

Không bao giờ nghĩ về một điều gì đó quá lâu. 

Làm thế nào để ăn hết một con voi? Câu trả lời: Ăn dần trong một tháng. Ý tưởng ở đây là đừng bao giờ để bản thân bạn liên tục nghĩ về một điều gì đó quá lâu, mà thay vào đó luôn đặt cho mình giới hạn: "nghĩ bao nhiêu phút/giờ là đủ?".  Để tránh "no" suy nghĩ, cách tốt nhất là chia "bữa ăn suy nghĩ" của bạn ra làm nhiều bữa nhỏ để "ăn" dần dần. Bạn có thể nghĩ tiếp về vấn đề này vào một lúc khác, không phải bây giờ.

Vẽ nó ra giấy.

Tại sao lại là VẼ mà không phải là VIẾT? Ý tưởng của việc vẽ ra là để bạn có thể chuyển suy nghĩ (THINK) thành sự vật/sự việc (THING). Việc quá tải kiến thức xảy ra khi chúng ta tiếp thu quá nhiều lý thuyết mà không thể hình dung nó thành những hình ảnh cụ thể. Việc quá tải suy nghĩ cũng vậy (khi chúng ta phân tích quá nhiều về mặt lý thuyết mà không đem nó ra mặt thực tiễn). Bên cạnh đó, "no suy nghĩ" thường diễn ra ở những người deep thinking hoặc overthinking (đều là những nhóm người có khả năng suy nghĩ rất nhanh và liên tục trong một thời gian dài, đôi khi đến mức họ không kịp nhớ mình đã nghĩ gì mà đã lập tức nghĩ thêm vấn đề khác) - Vậy nên việc vẽ sẽ làm chậm lại quá trình suy nghĩ đó, hạn chế việc phân tích quá mức và giảm stress. Sketchnote là một giải pháp hữu ích cho ý tưởng này.
Tóm lại, ý tưởng chung ở đây là việc “no” suy nghĩ cũng gây ra nhiều khó chịu và đình trệ hệt như việc “no” thức ăn vậy. Khi chúng ta quá no, cách để nhẹ bụng đi là nôn ra bớt, hoặc ngừng đừng ăn nữa. Tương tự, khi tâm trí bạn bị tê liệt bởi quá tải phân tích thông tin, bạn nên hoặc là ngừng phân tích đi, hoặc là nhanh chóng biến những thứ trong đầu bạn trở thành cái gì đó thực tiễn (như hình vẽ trên giấy chẳng hạn).
Bài viết lấy cảm hứng từ một bài viết khác trên Spiderum (bài hay, nên đọc):
https://spiderum.com/bai-dang/Paralysis-Analysis-Te-liet-khi-suy-nghi-va-phan-tich-qua-nhieu-km1