Cuộc sống của tôi có rất nhiều con người "bận rộn". Họ bận đến nỗi không còn thời gian nào để đọc sách hay làm dịu tâm hồn mình bằng cách tự đối mặt với mình, huống chi là nói đến hiểu triết học. Giải pháp của họ cồng kềnh hơn, ngốn thêm bao nhiêu tâm trí, bào mòn đi bao nhiêu thể lực và thời gian, sau đó kéo tất cả cuộc sống của mình vào hỗn độn. Đặc biệt nguy hiểm hơn, họ có khả năng ảnh hưởng và lây lan những cảm xúc của mình cho người khác. Dường như lại quá hợp lý, con người thường bỏ qua mọi nguyên nhân dẫn đến vấn đề của họ. Phải tự làm bản thân hoảng loạn thì họ mới có cảm giác sống? Chúng ta mất đi quá nhiều niềm tin đến nỗi không biết phải làm gì nên đã chọn con đường phó mặc cho định mệnh. Chúng ta tiếp tục bị dắt mũi, tổn thương, chà đạp,... Tuyệt thay, chúng ta lại đang đến gần hơn với chủ nghĩa hư vô. Chúng ta đã tiến bộ đến nỗi dựa vào ít hơn những tâm linh và ngẫu tượng mới để lại được hứa hẹn sự bao bọc, vỗ về. Nhưng, con người chúng ta quá yếu ớt, chúng ta nhận ra, sau cùng, ai sẽ lại bao bọc và làm êm dịu thêm cho tâm hồn chúng ta?
Với Hậu hiện đại, những nhà tư tưởng như Voltaire, Kant, Locke, Rousseau, Montesquieu,... đã hỗ trợ con người trong tư tưởng giải phóng họ khỏi tính khiêm cung sợ hãi những hiện tượng cực đoan, mê tín thừa thãi. Tuy nhiên, Nietzsche đã dẫm một bước thật mạnh mang tính triệt để hơn: "Sau khi giải phóng khỏi các yếu tố liên quan đến thần thoại, tôn giáo đều bị phá tan, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp?" Ôi không tôi vẫn còn đang bị xoay như chóng chóng bởi trò chơi cung và cầu của thị trường. Tôi thích ăn rau hơn, nhưng với tình hình dịch bệnh, giá thành rau còn khiến tôi phát sôi và tôi thà chọn ăn thịt. "Lời nguyền kim tiền" vẫn đùa giỡn với tôi. Tôi tiêu thụ hàng tá số lượng hàng hóa lớn khi tôi thực hiện giãn cách vì Covid -19. Tôi ăn như một chiến hạm và tôi lãng phí hầu hết các tri thức của mình cho việc ngủ qua ngày qua tháng. Vì tôi cảm thấy bản thân như trầm cảm khi phải theo dõi tin tức từ Ấn Độ, Thái Lan,... hay anh bạn láng giềng nằm trên đầu. Ngoài vấn đề dịch bệnh và thường xuyên phải an ủi mọi người một cách cực đoan nhất thì tôi còn theo dõi tình hình chính trị vẫn mãi còn căng thẳng lịch sử vì Nga và Mỹ, vì Biden vừa nhắc gì đó về Bắc Việt trên đài. Mọi người xung quanh tôi sôi máu lên với Hội Thánh nào đó lại làm lan nhiễm căn bệnh và họ vẫn còn bình phẩm về những gì diễn ra ở Ấn Độ với sự kiện "Siêu lây nhiễm" khác. Họ cần sự giải quyết, tuyệt đối, triệt để! Và tôi đã tối tăm mặt mũi khi cảm nhận được sự móp méo xâm lấn lấy con tim họ, bởi vì họ ủng hộ những cách thức cực đoan. Lí do một phần họ cũng đang bắt đầu mất đi nhiều thứ.
Tôi tự hào vì mình là con dân của nước Việt. Xung quanh tôi là Socrates: "Mọi buông thả theo bản năng, vô thức sẽ dẫn đến sự suy đồi", là Apollo vì ảnh hưởng ít nhiều bởi sự hiền hậu của Phật giáo chứ không phải là Dionysus - vị thần của u tối, trụy lạc, buông thả. Nhưng với quan điểm này, tôi đã chọn đứng theo học hỏi Dionysus để cứu lấy tâm hồn mình. Chúng ta phải vừa phải có lòng trắc ẩn, vừa phải dứt khoát chống lại nguyên nhân của sự đau khổ. Chúng ta không sai, không có lỗi và không phải chuộc tội như Kitô giáo đề cập chỉ vì chúng ta được sinh ra là con người và sống. Nếu Thượng đế tạo ra chúng ta để chuộc tội thì ngài ắt hẳn rất buồn khi tự chơi một mình. Nên nếu đại dịch, thiên tai, khủng hoảng,... xảy ra tuyệt đối không phải là vì chúng ta đang bị trừng phạt. Chúng ta luôn sống "thiện" nhưng cũng không dễ dạy vì chúng ta khóc và đau lòng suốt. Và tôi, người đang sống với nội tâm của mình không khác gì một cuộc chiến. Cũng như Nietzsche, tôi đánh giá cao con người qua lượng tử, quyền lực và sự dồi dào trong ý chí của họ. Qua sức đề kháng với đau đớn, thử thách họ có thể chịu đựng và nỗ lực biến nó thành lợi thế. Nên tôi cũng đã rất nỗ lực để chuyển tất cả những bất ổn của mình trong lúc này, với hiện trạng là tất cả mọi người đều có dấu hiệu dậm chân tại chỗ, thì âm thầm từng ngày để tiến bước. Nietzsche nói chúng ta có thể phát triển thành Siêu nhân. Đã là người thì theo Nietzsche, không thể sống một cuộc đời không tì vết, không va chạm với kẻ khác, hoặc thống trị họ, hay thúc đẩy, cản trở. Đó là quy luật của sự va chạm và chúng ta chỉ cần nhìn thoáng qua nó. Tất nhiên, cũng ngược lại, chúng ta cũng dẫn dắt, giúp đỡ, truyền cảm hứng cho nhau,... Nếu ta thấy bất lực và có dự cảm không an toàn về các tình hình đã diễn ra, thì ta cũng chỉ cần một - trở thành Siêu nhân hoặc hai - phản ứng lại nó. Nếu ta chọn cách một, có thôi. Điều kiện và ý nghĩa Siêu nhân của Nietzsche đã đưa ra, đầu tiên, điểm chung duy nhất của Siêu nhân và anh hùng trong truyện tranh là cái phong thái đầy sức mạnh của tinh thần: sự phong phú của bản thân, sự lành mạnh của bản năng, sự chấp nhận chính mình. Tiếp theo, với hắn ở đời hạnh phúc chưa chắc là điều quan trọng nhất. Hắn sẽ kiên quyết đấu tranh và sẵn sàng hy sinh cho những giá trị cao đẹp nhất của mình. Hắn suy nghĩ độc lập với ý kiến của kẻ khác và hắn yêu cuộc đời này! Vậy nên, thật sự tồn tại Siêu nhân trên cuộc đời này và tôi còn có khả năng trở thành Siêu nhân. Bởi chắc chắn một điều, tôi rất yêu cuộc đời này. Nhờ Nietzsche, tôi đến với triết học một cách máu lửa hơn và thay vì đổ lỗi nên lí do khách quan bên ngoài đã kìm hãm năng lực của mình, triết học liên tục mở lối và phát triển năng lực của tôi. Tôi là một người trẻ, và tôi hiểu triết học. Vậy rào cản ảo tưởng nào đã khiến người "bận rộn" cho rằng đó là tri thức cao siêu hay theo đuổi nó lại quá bóng bẩy?Điều đó khiến tôi có chút làm mình làm mẩy vì buồn cười.
Đó là điểm sáng của Nietzsche. Nietzsche đã khám phá ra một tư tưởng cực kì hoang dã và chấn động. Tất nhiên, nó ảnh hưởng sâu sắc và có mặt hầu hết ở hiện đại. Khi "Thượng đế đã chết", chúng ta tự biến mình thành những vị thần. Như bộ phim nổi tiếng với giới trẻ gần đây "Girl From Nowhere" có câu kết "Khi không còn tôi ở đây, liệu con người sẽ là người quyết định cán cân công lý?" Vâng, chắc chắn. Nietzsche khuyên ta nên theo đuổi ý chí quyền lực. Không phải bàn cãi, các nhà chính trị độc tài áp dụng rất tốt khi không ngần ngại hy sinh con người khi cần thiết. Ờ, và với đại dịch lần này, chúng ta đã chứng kiến quyết định của một số Quốc gia là nên hy sinh sự sống của người lớn tuổi hay là vấn nặng để duy trì tương lai cho thế hệ sau để giảm thiểu gánh nặng kinh tế và y tế cho xã hội. Hay nên hy sinh con tin để bắt phạm nhân vì không chắc chắn được bọn này có lại sẽ tiếp tục làm nên tội ác. Vậy Nietzschhe có ý gì khi đánh giá chiến tranh như một việc rèn luyện cá tính con người? Và ta phải chấp nhận không hoàn toàn từ bỏ chiến tranh như một việc không thể thiếu được ư? Đối với người nhận thức được rõ ràng việc chúng ta đang tụt hậu và tiến gần với thời kì man rợ, như một sợi dây khá mỏng và nhạy cảm để nó nổ ra. Chúng ta không cần lí lẽ của ông để dùng nó như một phương thức chữa lành một dân tộc đang trên đà trở nên bạc nhược, với dòng máu háu chiến và tuyệt diệt giết chóc mà không bị lương tâm câu xé, hoặc xem thường những tổn thất nặng nề và sự sục sôi căm hờn vì mất niềm tin. Một nền văn hóa và cách thức bệnh hoạn này không nên và cũng không cần thiết phải xảy ra với chúng ta. Bởi vì Việt Nam 1000 năm, 100 năm hơn đã quá thấm kết quả quả cách thức này. Không có sự tiến bộ nào, không có danh dự nào hay sự ca tụng nào của dân tộc nào, chỉ có kìm hãm và đau khổ. Chấm hết. Con mãnh thú vớ vẩn và đen tối nhất của con người bị méo mòn bởi sự rối loạn không ngừng vì không khi nào thật sự thỏa mãn. Chúng ta dường như không nghiêm túc để tìm bình yên. Chúng ta đã bỏ lơ triết học, những giá trị cao đẹp nhất, không so sánh thậm chí rút một kinh nghiệm nào. Để rồi như thói quen, lại lên cơn điên trong sự vùng vẫy tìm lối thoát. Chung quy lại, để cùng nhau đối đầu hay chống trọi một cách nghiêm chỉnh với luật sinh tồn, chúng ta nổi cơn tanh bành tự tuyệt duyệt kìm hãm nhau bởi việc đánh bóng giá trị. "Những gì đã ngả nghiêng, chúng ta cứ xô đổ thêm." Nhưng tôi không lờ đi hay chỉ phê phán, tôi đã chọn cách đưa ánh nhìn dịu nhẹ hơn và tổng quát hơn. Tính chinh phục của chúng ta vẫn còn đó, cái ác vẫn còn đó, con mãnh thú ấy vẫn là chúng ta và thậm chí còn làm cho chúng ta "người" hơn. Tôi thích xem phim đâm chém, máu me, lịch sử. Không phải nói, dân tộc Việt thắng những cuộc chiến nào tôi lại không khỏi xôn xao trong lòng cái niềm vinh hạnh tự hào đấy. Những điều tối tăm đấy có sự mê hoặc, thậm chí là ám ảnh. Càng phủ nhận, chỉ càng thấy kích thích thêm. Dường như có gì đó xảy ra khi chúng ta giáo dục, kiểm soát, ngăn cấm nhau khỏi những cùng cực tệ hại nhất: hận thù, tra tấn, hãm hiếp, phản bội, chiến tranh rồi tuyệt vọng. Đó là cảm xúc thăng hoa nhất đã lấn chiếm chúng ta hơn tình yêu rồi ư? Cho đến bây giờ tôi đã day dứt tự kết luận. Nhưng nếu không vì am hiểu, những khai phá và tư tưởng đã bước trước thì tôi đã tụt xuống khỏi vũng bùn tuyệt vọng. Tôi hoàn toàn có những cảm xúc mãnh liệt với thế giới, nhạy cảm với những diễn biến của xã hội, thậm chí dễ tổn thương. Bởi vì tôi là con người, và tôi yêu con người.
Hãy cứ thoải mái lại vì ta đã cảm thấy mình đang buồn, đang đau khổ, đang điên loạn hay tổn thương. Đơn giản vì ta đang sống và đó là những bước tiến, thử thách và thăng hoa cuộc đời trao tặng. Nếu như việc theo đuổi hạnh phúc là thứ khó nhất, và nó khiến ta đau khổ, thì vẫn phải tiếp tục chọn lựa việc không ngừng vùng vẫy. Tôi cũng vậy, tôi hiếm khi ghét những xúc cảm tiêu cực của mình, và khi ý thức được bản thân còn thở, tôi tự thấy mình thăng hoa và sống hơn những người khác.
Kết thúc bài, tôi sẽ đề ra một viễn kiến cực kì Siêu nhân của Nietzsche và tôi vẫn không thôi ấn tượng về nó: "Có là không tưởng chăng, khi một kẻ tội phạm tự đầu thú và hắn lại là người tố cáo và công khai ký lệnh trừng phạt mình". Vậy, có thể sống với tuyệt vọng nhưng cũng nên tạo thêm hy vọng rằng, con người chúng ta quá mệt mỏi vì chạy hay quyết định công lý lên một ai, ta có thể đạt đến trình độ đạo đức cao nhất là tự nhận thức và trừng phạt chính mình. Hãy hoàn thiện nhân cách và đạo đức của mình. Khi giá trị này đang dần bị lu mờ và thờ ơ đi. Có những đỉnh cao và phát triển mà con người hoàn toàn có thể chạm đến, thì tại sao chúng ta phải chọn lựa tự mài mòn bản thân chết héo hay suy thoái tụt hậu? Triết học rơi vào tay mỗi người khác nhau sẽ khác nhau. Rơi vào tay người vô dụng cũng chưa chắc nó đã vô dụng và nếu triết học vô dụng rơi vào tay người có dụng cũng chưa chắc vẫn còn vô dụng. Với tôi, triết học không phải là trò chơi để nói suông tác dụng gì với người khác, nhưng nó đã có dụng rất nhiều lên tôi. Trước khi đến với triết, tôi tự thấy vô dụng, giãy đành đạch vì lãng phí kiến thức và liên tục làm rối tầm mắt mình. Vậy nên, hy vọng bạn cũng tiếp cận và có trải nghiệm với triết như tôi.