Mình lần đầu biết đến thử thách No Tech Wednesday (tạm dịch là ngày thứ tư không công nghệ) từ podcast Unlock FM, tập "Tạm biệt Productivity". Từ đó đến giờ chắc cũng hơn một tháng rồi. Có ngày quên mất hôm nay là thứ tư, có ngày ngủ quên gần cả buổi sáng và cũng có ngày không thực sự "no tech" lắm. Dù vậy, mình cũng có kha khá những câu chuyện và bài học rút ra được từ thử thách này. Nếu có hứng thú về chủ đề detox công nghệ, sống chậm lại hay chỉ đơn giản là muốn biết thêm những góc nhìn mới, hãy cùng mình nhìn lại hành trình này nha. Mình tham gia thử thách No Tech Wednesday (NTW) không phải vì mình cảm thấy bị quá tải với mạng xã hội hay áp lực công việc gì cả, chỉ là mình đang tìm kiếm những điều mới, thử - sai, từ đó nhận ra thêm những góc cạnh chưa được khai phá của bản thân. Nội dung của thử thách thì cũng nằm trong chính tên của nó: không sử dụng các thiết bị công nghệ vào ngày thứ tư. Dù vậy, bạn vẫn có thể thay ngày thứ tư thành một ngày nào khác trong tuần, trong tháng hay một khoảng thời gian nào đó bạn cảm thấy phù hợp. Unlock FM cũng chia sẻ một vài hoạt động để làm vào những ngày "no tech" và các mẹo để thực hiện thử thách một cách hiệu quả trên website.
Lúc vừa bắt đầu tham gia NTW, mình thấy rất khá bứt rứt và khó chịu khi thiếu đi các thiết bị công nghệ, không được làm những việc thường ngày và trở nên năng suất. Mình thực sự là một con nghiện productivity. Buổi tối trước ngày NTW đầu tiên, mình còn dự định sẽ offline cả ngày nhưng rồi mình nhận ra mình chỉ cần "no tech" một buổi sáng là đủ để mình chậm lại. Dù gì thì tên thử thách cũng là No Tech Wednesday chứ đâu phải "Wedneslunch" hay "Wednesnight" đâu :))) Nghĩ lại thì thấy mình lươn thật.
Trải qua hơn 1 tháng với NTW thì mình thấy hoạt động này không chỉ là để thư giãn, để chậm lại mà còn là để tạo đà chuẩn bị cho những hoạt động năng suất hơn về sau qua việc tập trung, tự định hướng và đối thoại với bản thân. Ban đầu khi tắt điện thoại, laptop, suy nghĩ đầu tiên đến với mình là "Bây giờ làm gì?". Từ trước đến giờ hầu hết những công việc mình làm mà có thể quy ra thành KPI, để click vào check box đều diễn ra trên môi trường mạng. Từ việc viết blog, học online cho đến học tiếng Anh, trò chuyện, networking đều thông qua màn hình máy tính. Bây giờ phải tạm gác những công cụ đó sang một bên, mình thấy khá trống vắng và nhiều khi còn nghĩ mình chắc hẳn đã làm được một cái gì đó nếu đang ngồi trước màn hình máy tính lúc đó. Nhưng đã đi thì phải đi đến cùng, đâu thể mới vài bước mà cho rằng mình không phù hợp được. Đến giờ mình nhận ra rằng cũng có nhiều điều mình có thể làm khi "tạm xa công nghệ" như lau dọn nhà cửa, đọc sách, lên kế hoạch và viết. Dù cũng có lên lịch cho những hoạt động này hằng ngày nhưng mình cảm thấy bản thân tập trung và ít bị phân tâm hơn trong những buổi sáng NTW. Mình nghĩ rằng vì mỗi sáng thứ tư đều không có một task cụ thể nào được đặt ra nên mình cũng không phải bận tâm đến chúng, càng không phải lo về những tin nhắn chưa được trả lời trong chiếc điện thoại đã được tắt thông báo từ tối hôm trước.

1. Phơi đồ

Mình thường bắt đầu NTW như những ngày bình thường: thức dậy, vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng, chỉ khác là sẽ không có những video từ kênh Yoga With Adriene. Rồi mình phơi đồ và dọn phòng lại một chút. Mình nhận ra mình thích làm việc nhà (nếu không ai bắt làm), cảm giác như mình đang chăm chút cho nơi mình sống vậy. Mỗi buổi sáng phơi từng chiếc áo, nhìn những cành cây xanh mềm mại, mình thấy bản thân cũng như một cái cây, cũng đang vươn mình đón nắng, từng sợi, từng sợi vàng óng, ấm áp và trìu mến. Để rồi từng ngày, mình thấy mình đang lớn lên dưới mái nhà đã cũ, chậm rãi và vững vàng. Đã bao lâu mình chẳng hề để tâm đến những thứ xung quanh và bên trong chính mình một cách từ tốn đến vậy.

2. Lau nhà

Lúc trước mình siêng lau nhà lắm, ngày nào cũng lau một hai lần. "Vũ khí" lau nhà của mình tiến hóa từ cây lau nhà vắt nước bằng cách xoay thân đến cây lau nhà 360 nhấn xuống để xả nước và cuối cùng dừng lại ở khăn micro-fiber. Lúc trước khi dùng các loại cây lau thông dụng, mình thấy sàn không bao giờ đạt đến độ "sạch bong kin kít" như mình muốn cả. Lúc thì không với được tới chỗ hẹp, lúc thì không đủ lực để lau đi những vết ố, lúc lại càng lau càng thấy nhiều bụi vải đen trắng đủ loại. Cho đến khi đọc được bài viết "Mình Đầu Tư Gì Cho Bản Thân Mình?" của tác giả Story-Beering đăng trên Spiderum, hành trình dọn dẹp của mình đã bước sang một chân trời mới. Khăn micro-fiber có khá nhiều ưu điểm so với khăn cotton: không rơi nhiều bụi vải, bền, nhanh khô,... (bạn có thể đọc thêm trong bài viết của Story-Beering). Nên vậy, mình thường tạm biệt khăn cotton và ... bò ra để lau sàn với chiếc micro-fiber mỗi sáng NTW, cảm giác phải gọi là cực kỳ thỏa mãn. "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm", đi trên sàn nhà không tì vết cảm thấy mát lòng mát dạ thực sự. Dọn dẹp mà không nghe podcast, không một tiếng thông báo hay tin nhắn cũng là một nhân tố giúp mình thấy thoải mái và thoáng đãng hơn. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dọn dẹp là một phương thức trị liệu khá hiệu quả, mà mình cũng thích sạch sẽ nữa nên NTW trở thành một dịp để vệ sinh lại hết căn phòng.

3. Lên kế hoạch

Dọn dẹp sạch sẽ rồi mình sẽ ngồi vào bàn học, mở sổ ra và bắt đầu việc mình thích nhất trong ngày: lập kế hoạch. Mình bắt đầu thích việc lên lịch trình cho mọi thứ từ những năm lớp 8 với quyển sổ cafe Trung Nguyên từ giấy carton tái chế. Lên lớp 10, tham gia BCH, mình càng phải lên kế hoạch và ghi chú nhiều hơn. Đến tận bây giờ thì mình tận dụng hết các loại ứng dụng ghi chú, lên lịch từ điện thoại đến máy tính để phục vụ cho học tập và đời sống. Nhưng với NTW, mình lại được quay lại với bút giấy, với những ô vuông đầu dòng đánh dấu việc cần làm. Bất tiện thì cũng có nhưng mình cảm thấy những thứ được ghi xuống giấy có sức nặng rõ ràng hơn là những điểm ảnh chạy ngang màn hình, thứ có thể được chỉnh sửa bất cứ khi nào. Cầm chiếc bút bi trên tay, bấm đầu bút lạch cạch, mình nhớ đến những việc trước giờ mình hay tặc lưỡi "để mai tính", những buổi hẹn bắt đầu với "bữa nào", những mục tiêu tưởng chừng chẳng bao giờ làm được... Mình bớt trì hoãn và đối mặt với những việc đáng ra mình phải giải quyết từ lâu.
Không cầm điện thoại giúp mình có thời gian để suy nghĩ về việc mình muốn trở thành ai, mình sẽ làm gì với cuộc đời này. Vào Đại học, xung quanh đâu cũng là những người giỏi giang, ai cũng có những câu chuyện mình chưa biết và giỏi những thứ có lẽ mình chưa từng nghe đến. Họ biết về chứng khoán, tiền ảo, NFT, họ có những mối quan hệ thật xa vời, họ giỏi tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, họ am hiểu về chuyển động của thế giới, họ quan tâm đến chính trị và những chính sách lớn lao, họ làm ra những bản thiết kế đầy thu hút... Nhưng rốt cục họ vẫn là "họ". Mình luôn bị ảnh hưởng bởi những con người giỏi giang như vậy, mình muốn học những thứ họ biết, muốn có những kỹ năng họ đang sở hữu nhưng lại không có đủ thời gian và sự kiên trì. Những buổi sáng NTW, không điện thoại, không máy tính, không có những profile đầy ấn tượng, mình lại đặt ra những mục tiêu cho riêng mình và chỉ riêng mình. Bất cứ thứ gì không phục vụ cho những mục tiêu đó đều sẽ bị bỏ qua. Điều này giúp mình tiết kiệm được thời gian và công sức cho những thứ thực sự giúp ích cho mình và tạm thời để sang một bên những gì "người khác giỏi". Mình là một con người đầy tham vọng nhưng cũng rất nhạy cảm. Mình cũng hay tự so sánh và cảm thấy áp lực. Nhưng rồi mình lại nhận ra mỗi người có một con đường riêng và mình đang bước đi rất vững vàng trên con đường của chính mình. Có một câu "thần chú" từ Yoga With Adriene mà mình rất thích "My breath is my anchor - My anchor is my breath". Trong những buổi sáng tĩnh lặng, mình nhận ra NTW cũng như hơi thở vậy, nó giúp mình neo lại những suy nghĩ vẩn vơ và định hướng cho những ngày sắp tới, để trở về đúng với con người mình.

4. Viết

Mình bắt đầu viết từ năm lớp 2 với những bài thơ ngây ngô nhưng đầy công sức. Rồi mình viết truyện, vài chương với những lượm lặt và chắp và từ trải nghiệm của một đứa trẻ cấp 2. Lên cấp 3, mình viết những dòng caption giờ nhìn lại sao mà dài dòng và rắc rối. Đến giờ, lại với giấy và bút, mình ghi lại những suy nghĩ của mình, chân thực, mơ mộng. Viết giúp mình hiểu mình hơn và cũng hiểu người hơn. Với NTW, mình để cho dòng hồi ức trôi trong khoảng thời gian dường như rất chậm và bắt lấy những cảm xúc mỏng manh, mơ hồ. Khi viết xuống thành mặt chữ, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bỗng dưng mình thấy những cảm xúc của bản thân thật vô lý và... bật cười. Mình nhận ra mình vẫn còn trẻ con, vẫn còn bồng bột và thiếu suy nghĩ lắm. Vẫn còn một quãng đường dài phía trước. Viết, mình nhận ra vô vàn bài học với những góc nhìn mới, lạ lẫm. Và dường như chỉ với những khoảng lặng không điện thoại, máy tính, ta mới sẵn lòng để nhìn lại ta, để thấy mình đã tiến xa đến thế nào, để hiểu mình còn phải cố gắng nhiều lắm, và để viết.

5. Đọc

"Đọc sách" có lẽ là một lời khuyên đã quá phổ biến. Mình cũng thích đọc, nhưng cũng không biết bao lần mình tự nhủ "để mai rồi đọc vậy". Nhưng rồi với NTW - không thông báo, không tin nhắn, không check list, mình thấy thời gian như bị kéo dãn ra, từng giờ từng phút đều chậm lại một cách lạ kỳ. Đã phơi đồ, lau nhà, đã lên kế hoạch và cũng đã viết nhưng đồng hồ vẫn chưa quay đến 12h trưa thẳng đứng. Thì thôi, đọc sách vậy. Thú thật là mình thấy đọc sách buồn ngủ lắm, cả với những chủ đề mình thích. Nhưng đến khi hoàn thành được một chương hay cả cuốn sách, cảm giác hài lòng lại thay thế cho sự buồn ngủ ban đầu. Nhờ NTW nên mình cũng hoàn thành được kha khá mục tiêu cho việc đọc và lượm lặt được không ít kiến thức từ sách.
Từ cảm giác lạ lẫm, bứt rứt khi bắt đầu thử thách, đến giờ mình bỗng thấy tiếc nuối khi không biết liệu có thể tiếp tục những ngày NTW hay không. Mong rằng mình vẫn sẽ sắp xếp được một khoảng thời gian nào đó trong tuần để tiếp tục hành trình này với giấy và bút. Cảm ơn Unlock FM Podcast, 2 host và nhóm sản xuất đã đem đến những nội dung thật bổ ích. Cảm ơn các bạn, những người đã đọc đến tận đây. Nếu thấy hứng thú với thử thách này thì hãy cùng mình tham gia và chia sẻ những trải nghiệm của bạn dưới phần bình luận nhé.
Bài đăng số 16
Ngày 02 tháng 10 năm 2021