NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ - CÂU CHUYỆN ĐẪM NƯỚC MẮT VỀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ HỒI GIÁO
“Lần đầu tiên Isra nhận ra đó chính là lý do tại sao mà bạo lực gia đình lại phổ biến đến thế. Không phải vì chính phủ không đưa ra...
“Lần đầu tiên Isra nhận ra đó chính là lý do tại sao mà bạo lực gia đình lại phổ biến đến thế. Không phải vì chính phủ không đưa ra các biện pháp để bảo vệ phụ nữ mà vì từ bé, phụ nữ đã được dạy rằng họ là những sinh vật vô tích sự, đáng xấu hổ, đáng đánh, rồi lớn lên lại bị trói buộc và lệ thuộc vào những người đàn ông coi họ không khác gì cái bịch bông. Isra vừa nghĩ vừa tủi thân muốn khóc. Cô cảm thấy nhục nhã vì sinh ra đã là thân đàn bà con gái, thấy nhục cho chính mình và thấy nhục cho cả những đứa con của mình.”
Năm Isra 17 tuổi, cô vẫn hay mơ mộng về tình yêu, về một cuộc sống hạnh phúc như những câu chuyện trong truyện cổ tích Ngàn lẻ một đêm. Ngay cả khi, cô phải lấy một người chồng theo sự sắp đặt của bố mẹ, rời bỏ gia đình, quê hương theo chồng sang Mỹ thì cô vẫn hi vọng tại xứ sở cờ hoa, cuộc sống, tiếng nói của người phụ nữ sẽ được tôn trọng hơn trên đất Palestine. Nhưng ảo mộng mãi là ảo mộng, dù đi xa khỏi Palestine đi chăng nữa, một người phụ nữ vẫn chỉ là phụ nữ, ở đây hay ở bất cứ đâu. Hôn nhân, thiên chức làm mẹ - đó là giá trị duy nhất của người phụ nữ. Khi cô sinh ra 4 người ra con gái, dưới những hủ tục khắc nghiệt của văn hóa đạo Hồi và tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào máu, cô không thoát khỏi cảnh lủi thủi một mình trong nhà bếp, bị chồng bạo hành gia đình, gia đình chồng khinh rẻ. Nỗi đau, sự tủi nhục, tuyệt vọng cùng cực đẩy Isra vào nỗi buồn vô hạn mà không ai có thể cứu giúp…
18 năm sau, Deya – con gái của Isra, được nuôi dưỡng bởi bà bảo thủ Fareeda, một lần nữa chịu số phận tương tự mẹ cô khi bị ông bà nội ép buộc lấy chồng. Deya thích đọc sách giống mẹ mình, cô thích học ở trường, cô có những giấc mơ lớn cho bản thân và muốn được đi học đại học. Vì thế, Deya phải đấu tranh, chống chọi giữa truyền thống và hiện đại, bản sắc và tiến bộ, giữa mong muốn của bản thân và kỳ vọng của gia đình mình. Cô không chịu thỏa hiệp với vận mệnh của chính mình, mà như người bà cô hay nói: vận mệnh của phụ nữ chính là hôn nhân. Nhưng cô cũng sợ sẽ đánh mất ông bà và ba người em gái của mình. Là một người phụ nỡ gốc Palestine trên đất Mỹ, cô bị giằng xé giữa hai luồng văn hoá, cảm thấy mình không thuộc về bất cứ nơi nào và không biết cuộc đời sẽ đi về đâu.
“Cháu sợ khiến cho gia đình và nền văn hoá của cháu phải thất vọng, rồi đến cuối cùng mới nhận ra là từ trước đến nay họ đã đúng. Cháu sợ những gì người ta sẽ nghĩ về cháu nếu cháu không làm những cái mà mình phải làm. Nhưng cháu cũng sợ nghe theo lời người ta rồi lại phải nuối tiếc. Cháu sợ phải kết hôn nhưng cháu còn sợ cảnh phải sống đơn độc nhiều hơn. Có cả ngàn giọng nói đang cất lên trong đầu cháu và cháu không biết phải nghe theo giọng nào. Cả cuộc đời cháu đang nhìn cháu chằm chằm và cháu không biết mình nên làm gì cả.”
Fareeda – mẹ chồng của Isra và bà nội của Deya là người phụ nữ là chắt góp từng đồng để đưa gia đình chạy trốn khỏi trại trị nạn sang Mỹ với giấc mơ thoát khỏi chiến tranh, không bị tù dày và được sống yên ổn. Dù ở trên đất Mỹ, bà vẫn tâm thế phải luôn giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống. Với bà, người vợ bị đánh là chuyện lẽ thường, người vợ phải bị dạy bảo bởi người chồng. Vai trò của người phụ nữ là thuộc về hôn nhân, ở trong nhà bếp, lo cho chồng con và phải sinh con trai. Bà đã trải qua những chuyện đó và bà nghĩ con cháu bà cũng phải vậy. Bà là nỗi đau và cũng là nguyên nhân của nỗi đau.
“Bà không hề ngạc nhiên khi cha bà về nhà và đánh mẹ con bà không thương tiếc, vì bi kịch Nakba vẫn cuộn lên trong huyết quản của ông. Và bà cũng không hề ngạc nhiên khi lấy phải một người đàn ông đánh vợ. Làm sao ông không đánh bà được kia chứ, khi mà họ nghèo đến nỗi cuộc sống của họ chỉ toàn ô nhục? Bà biết nỗi khổ của người phụ nữ bắt đầu từ nỗi khổ của người đàn ông, rằng món nợ của người này rồi cũng thành món nợ của người kia.”.
Những người đàn bà là câu chuyện về ba thế hệ phụ nữ Hồi Giáo khác nhau. Mỗi người phụ nữ đều có những ước mơ và khát vọng cất lên tiếng nói của riêng mình. Nhưng cuối cùng, dưới bóng ma đen tối bao trùm bao thế kỷ của văn hóa bảo thủ, lịch sử biến động đã gây nên những tổn thương cho phụ nữ Mỹ gốc Ả Rập, khiến họ trở nên câm lặng và phải học cách chấp nhận nỗi đau của mình.
Tại sao những người phụ nữ lại phải chịu những đau đớn, những sự khinh rẻ, sự coi thường không bằng một con người đó? Tại sao những người phụ nữ đã chịu đựng nhiều tổn thương lại nhẫn tâm để con gái của mình đi theo vết xe đổ của mình? Và làm sao để những người phụ nữ có thể vượt qua khỏi những hủ tục, sự lạm dụng để phá vỡ sự im lặng và cất lên tiếng nói của mình?
Những câu hỏi sẽ như cơn sóng trào cuộn lên trong bạn. Những câu hỏi khiến bạn sôi sục, khiến bạn tức giận, nhưng cũng khiến bạn thấy bản thân thật bất lực, nhỏ bé. Giống như một mũi kiếm xé toạc trái tim bạn.
Những phụ nữ Hồi Giáo ở khắp nơi trên thế giới vẫn đang phải từng ngày chịu đựng những bất công, áp bức, từng ngày đấu tranh có những quyền lợi mà bất cứ con người tự do nào cũng có. Ở ngay giữa thế kỷ này, phụ nữ vẫn thật nhỏ bé và đáng thương. Hành trình để lắng nghe giọng nói bên trong và can đảm đi theo nó chưa bao giờ là dễ dàng. Và cuộc đấu tranh để tiếng nói của phụ nữ có thể sánh ngang với người đàn ông trong gia đình còn rất dài và rất xa.
Một cuốn sách sẽ xoáy sâu vào những cảm xúc dữ dội nhất trong bạn, giằng xé bạn và khiến bạn không ngừng bị ám ảnh về thân phận người phụ nữ Hồi Giáo. Nó sẽ đọng lại trong trái tim và tâm trí của bạn rất lâu sau trang cuối cùng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất