NHỮNG NGÀNH NGHỀ GIÚP BẠN SỐNG TỐT MÀ KHÔNG CẦN BẰNG ĐẠI HỌC: P2 - NGHỀ PHA CHẾ
Tiếp tục series về các ngành nghề không cần học đại học nhưng vẫn giúp bạn có thu nhập tốt khi đi làm, hôm nay mình sẽ viết về 1 nghề...
Tiếp tục series về các ngành nghề không cần học đại học nhưng vẫn giúp bạn có thu nhập tốt khi đi làm, hôm nay mình sẽ viết về 1 nghề khá thú vị và được nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay. Đó là nghề pha chế.
1. Tổng quan về nghề pha chế
Nghề pha chế nhìn chung sẽ là pha các loại đồ uống (beverage) và nằm trong chuỗi ngành thuộc nhà hàng khách sạn. Nghề pha chế là 1 nghề nhìn chung khá áp lực do phải học nhiều kiến thức mới, thời gian làm việc cũng muộn vì sẽ phải làm ca tối hoặc sáng sớm. Với sự phát triển hiện nay của dịch vụ ăn uống nói chung và ngành đồ uống nói riêng thì người pha chế sẽ chia ra thành 2 loại:
Barista là chuyên pha các dòng đồ uống thiên về café và đồ uống nhẹ trong quán café. Là 2 barista chuyên nghiệp, bạn sẽ có kiến thức sâu về các loại café, mùi vị và cách pha chế các nguyên liệu để tạo ra 1 ly café thực sự đặc biệt. Người làm barista cũng sẽ thường biết về các kỹ thuật art liên quan tới café như làm latte art, làm các loại bọt sữa, mix các loại đồ tráng miệng vào đồ uống cho vừa ngon vừa đẹp mắt…… Khi đã trở thành 1 barista chuyên nghiệp, chỉ cần ngửi mùi hương café hoặc nếm 1 chút vị café thôi là bạn có thể biết được hàm lượng, chất lượng và xuất xứ của chúng cũng như sẽ bùng nổ trong đầu bạn các loại công thức khác nhau để cho ra nhiều cách biến tấu cho 1 ly café có thể pha. Nghe nghệ thuật thực sự đúng không?
Loại thứ 2 là những người chuyên pha chế các loại đồ uống có cồn hoặc không cồn nhưng thường được phục vụ trong bar, pub, lounge hay club và sẽ được gọi là Bartender. Khi làm bartender thì bạn sẽ phải học thêm khá là nhiều kỹ năng mềm do đối tượng khách hàng và môi trường làm việc cũng khá khác biệt. Khi đã là 1 bartender chuyên nghiệp, kiến thức về rượu và kỹ năng biểu diễn của bạn sẽ được trau dồi rất nhiều nếu bạn có niềm yêu thích đối với loại đồ uống này.
Đặc điểm chung của cả bartender và barista sẽ là đều biết pha chế các loại đồ uống phổ biến chung chung như trà, nước ép, đá xay hoặc sinh tố.
2. Đối tượng và thời gian học
Nhìn chung thì yêu cầu ban đầu để học pha chế cũng không hề khắt khe. Thường các bạn tốt nghiệp trung học và có niềm yêu thích với đồ uống là có thể học được. Tuy nhiên để phát triển với nghề thì sẽ cần 2 yếu tố quan trọng đó là sự nhạy bén và tính kỷ luật. Ngoài việc pha chế theo công thức, do kiến thức ban đầu về các loại nguyên liệu, độ uống và dụng cụ sử dụng sẽ khá nhiều, nhất là đối với rượu nên việc nhạy bén để ghi nhớ và lựa chọn chuẩn xác khi pha chế đồ uống là điều rất cần thiết. Ngoài ra, việc pha chế cũng cần sự luyện tập, nhất là khi tập làm café art hay học biểu diễn pha chế rượu nên tính kỷ luật khi luyện tập cũng rất cần thiết. Để trở thành 1 người pha chế giỏi, bạn cần có 1 đôi bàn tay linh hoạt, đầu óc nhanh nhạy và thao tác dứt khoát, rất cần sự luyện tập chăm chỉ để hình thành. Ngoài ra, do sản phẩm của người pha chế là đồ uống, thứ đi trực tiếp vào cơ thể khách hàng nên việc vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng, nên cần phải cẩn thận và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh và tính an toàn khi kết hợp các nguyên liệu với nhau rất cần được chú trọng.
Thời gian học pha chế cũng sẽ được chia ra làm 3 giai đoạn chính.
Giai đoạn đầu kéo dài chỉ 1-2 tháng bạn sẽ học pha các loại đồ đơn giản và thường là học pha theo công thức có sẵn. Sau khóa học ngắn này thì bạn sẽ có thể trở thành phụ bar để pha các loại đồ đơn giản hoặc café đơn giản theo công thức sẵn hoặc là làm ở những quán đồ uống đại trà như kiểu quán nước ép, quán trà sữa… Chính vì thế, thường các bạn sinh viên khi đi làm thêm ở quán trà sữa thì sau 1-2 tháng training và làm việc có thể đứng pha và có thể tự gọi mình là 1 nhân viên pha chế rồi ^^.
Giai đoạn 2 sẽ là giai đoạn học chuyên sâu hơn. Ở giai đoạn này, thường người học sẽ cần lựa chọn cho mình là đi theo hướng barista hay bartender để học chuyên về phần đó. Nhìn chung quá trình học chuyên sâu từ lúc học lý thuyết và cả giai đoạn luyện tập thực hành sẽ khoảng 4-6 tháng, và để trở nên chuyên nghiệp và thành thục thì cả thời gian từ lúc chưa biết gì sẽ có thể là 1 năm.
Nếu lựa chọn trở thành 1 barista, bạn sẽ học về các loại cà phê, các loại trà, các loại ly tách khác nhau để phù hợp với mỗi loại đồ uống. Các bạn sẽ được học các kĩ năng sử dụng máy pha café cũng như các kỹ thuật pha café khác nhau như dùng máy espresso, dùng ấm hand drip hoặc dùng máy đánh sữa để làm kem bọt, học cách đổ sữa để làm 1 ly latte art của riêng mình. Việc nhớ được mùi vị của các loại café khác nhau, các loại trái cây hoặc trà khác nhau để tưởng tượng sự kết hợp của chúng thành 1 ly đồ uống vừa đẹp vừa ngon và tốt cho sức khỏe không hề đơn giản và cần sự học tập rèn luyện thật sự nghiêm túc.
Nếu định hướng trở thành bartender thì cái cần học nhiều nhất sẽ là kiến thức về các loại rượu và đồ phụ liệu đi kèm. Thực sự để nhớ được hết tên các dòng rượu chính và mùi vị để tưởng tượng được ra trong đầu 1 ly rượu thành phẩm cần tới sự học tập thực sự nghiêm túc. Việc sử dụng các loại ly trong pha chế rượu cũng rất được chú ý do đây là loại đồ uống mang tính chất thường thức tinh tế khá cao nên trong quá trình học các bạn cũng sẽ được học rất nhiều về các kiến thức này. Ngoài ra, do môi trường làm việc sẽ là ở quán bar, 1 ly rượu cũng có giá đắt hơn nên việc học kỹ năng pha chế 1 cách đẹp mắt và kỹ năng giao tiếp để nói chuyện với khách khi tư vấn đồ uống cũng rất quan trọng và cần trau dồi nhiều.
Sau giai đoạn học chuyên sâu và đã có kinh nghiệm trong khi vừa học vừa làm thì các bạn hoàn toàn tự tin để làm việc ở các quầy bar hoặc quán café chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì là nghề thuộc về ẩm thực nên việc cập nhật các loại xu hướng thường xuyên và học hỏi chuyên sâu là cần thiết. Trong giai đoạn đi làm, các bạn pha chế chuyên nghiệp sẽ thường học thêm các khóa học ngắn để học về các kỹ năng khó hơn, các loại đồ uống khó hơn hoặc các khóa kỹ năng mềm về quản lý để phát triển sự nghiệp sau này.
Một khóa học pha chế trọn gói từ cơ bản tới chuyên sâu sẽ chỉ khoảng 8-10 triệu và nếu ban đầu bạn xin được làm ở 1 quán có quy trình đào tạo cho nhân viên từ đầu khi còn tiết kiệm được chi phí khá nhiều. Đương nhiên vì chia ra 2 nhánh cụ thể là barista hoặc bartender nên các khóa sẽ chỉ dạy 1 trong 2 hướng này chứ không dạy cả 2. Hiện nay thì việc đào tạo pha chế bài bản thường được tổ chức ở các trung tâm hoặc nhà hàng khách sạn lớn và sau khi học xong các bạn sẽ có chứng chỉ để chứng mình cho quá trình học nghề của mình. Ngoài ra thì chủ của 1 số quán cũng mở cac lớp đào tạo để lấy nguồn nhân viên lành nghề cho quán và tăng thêm thu nhập cho họ. Các lớp này học phí cũng sẽ thấp hơn để thu hút học viên. Các bạn sinh viên học ngành du lịch khách sạn cũng được học pha chế nhưng trong khuân khổ bài này mình sẽ không nói tới các đối tượng đó.
3. Cơ hội việc làm và thu nhập sau khi học nghề
Với sự phát triển của ngành kinh ăn uống và ngành du lịch, nhà hàng khách sạn như hiện nay thì nhu cầu tuyển dụng các nhân viên pha chế lành nghề là vô cùng lớn.
Sau khi hoàn thành khóa học cơ bản thì 1 phụ bar có thể pha chế đồ đơn giản và phụ việc cho pha chế chính với mức lương khoảng 4-5tr/tháng. Nếu bạn may mắn tìm được việc ở 1 quán lớn và có chế độ thưởng doanh số cho phụ bar thì thu nhập có thể lên 6-7tr. Nếu bạn vào làm phụ bar thì sẽ phụ trách pha những đồ đơn giản và sắp xếp, rửa dụng cụ, chuẩn bị nguyên liệu cho pha chế chính. Còn nếu quán nhỏ và đồ đơn giản sẵn như kiểu nước ép, trà sữa thôi thì bạn sẽ là pha chính luôn.
Với các bạn xác định làm barista thì sẽ có cơ hội làm ở các chuỗi café lớn hoặc các quán café tự mở với phong cách riêng. Khi làm barista chính ở quầy thì mức lương trung bình sẽ khoảng 8-12 triệu tùy quy mô quán mà bạn làm. Nếu quán có chế độ thưởng doanh số thì có thể lên đến 15 triệu, nhưng bạn phải là 1 barista có tay nghề vững và rất thông thạo, có gu riêng. Ngoài ra khi đã vững nghề và có tiếng, bạn cũng có thể đi dạy nghề để tăng thêm thu nhập nhưng sẽ khá mệt vì thời gian làm ở quán cũng khá căng thẳng rồi.
Với những người đi theo hướng làm bartender thì bên cạnh kiến thức và kỹ năng về pha chế sẽ cần có kỹ năng giao tiếp để nói chuyện, tư vấn đồ cho khách vì đặc điểm khi đi uống ở quán bar là có thể yêu cầu bartender pha 1 ly không có trong menu. Thêm vào đó thì nếu bartender nói chuyện duyên thì sẽ khiến cho khách lui tới nhiều hơn, uống nhiều hơn, tăng doanh thu cho quán. Bên cạnh đấy thì kỹ thuật biển diễn lúc pha chế cũng là 1 điều ăn điểm cho nghề bartender vì đối tượng phục vụ sẽ là những người có thu nhập cao hơn. Do môi trường làm việc là bar, pub và thời gian làm việc sẽ khá muộn (bar/pub thường mở từ 5-6 giờ tối tới 2-3 giờ sáng) nên mức lương cũng sẽ cao hơn để bù đắp cho điều kiện làm việc của bartender. Do có thể hưởng các thu nhập phụ từ tiền doanh số, tiền tip và bản thân lợi nhuận từ kinh doanh quán bar cũng cao hơn quán café nên thu nhập của bartender cũng sẽ cao hơn barista 1 chút. 1 bartender lành nghề có thể có thu nhập 15-20 triệu nếu làm ở quán có tiếng. Tương tự với barista thì bartender cũng có thể tận dụng thời gian ban ngày để dạy nghề kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên do đặc thù nghề là phải làm việc khá muộn thì bạn nào có sức khỏe không tốt thì nên cân nhắc.
Khi bạn là 1 pha chế đã có kinh nghiệm và thể hiện được khả năng quán xuyến công việc cũng như giúp quán trở nên nổi bật thì rất có thể sẽ được lên các vị trí quản lý như giám sát bar hoặc quản lý. Ở vị trí này thì các bạn sẽ làm công việc pha chế ít hơn mà việc chính sẽ là quản lý nhân sự (các bạn pha chế trẻ hơn) và quán xuyến tất cả hoạt động của quán hoặc của quầy bar. Ở vị trí này bạn sẽ có thể phát huy sự sáng tạo trong việc tư vấn cho chủ quán về xây dựng menu, tạo ra các món uống mới thường xuyên để thu hút khách hoặc đưa ý kiến về các chương trình giúp quán thu hút khách. Việc này mình nghĩ chắc sẽ là phần thú vị nhất vì bạn được tự sáng tạo ra sản phẩm và không phải pha theo công thức của 1 người khác mua ở đâu đó về như 1 cái máy. Ở vị trí này, lương cứng của bạn có thể lên tới 20 triệu và được nhận thêm thưởng từ doanh thu của quán. Tuy nhiên, nếu các bạn muốn lên những vị trí cao với mức thu nhập cao hơn thì nơi bạn làm việc cũng cần có quy mô 1 chút như kiểu 1 nhà hàng của khách sạn lớn.
Một hướng khác cho các bạn pha chế có kinh nghiệm và kỹ năng đó là tự ra mở quán. Barista thì sẽ mở quán café còn bartender sẽ mở pub nhỏ của riêng mình. Với tình hình thị trường cạnh tranh như hiện nay thì việc bắt đầu mở 1 tiệm café hoặc quán pub có thể nói là khó khăn. Tuy nhiên nếu bạn đã có tiếng trong giới, có lượng khách quen và thực sự có gu riêng, có tầm nhìn 1 chút về marketing và thị trường thì dần dần sẽ thành công. Khi có 1 đứa con tinh thần của riêng mình và có thể sống với đam mê thì còn gì bằng phải không? Tuy hướng này bắt đầu sẽ khó khăn nhưng sẽ giúp bạn sống lâu dài với nghề hơn vì thực sự nếu đi làm thuê thì chức vụ cao nhất bạn có thể làm chỉ có thể là quản lý của quán hoặc quầy bar chứ không thể lên quản lý cấp cao được nếu không có bằng cấp đại học hoặc cao đẳng đào tạo chính quy.
Kết lại thì nghề pha chế tuy nhiều thứ thú vị và bạn có thể được coi như 1 người nghệ sĩ với những loại dụng cụ, nguyên liệu nhưng sẽ cần nhiều nỗ lực và sự đam mê thực sự với nghề để có thể đi xa. Với những người thực sự nỗ lực và có chí cầu tiến thì thành công sẽ đến nếu bạn biết nắm bắt cơ hội.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất