Khi nghĩ về những lời nói dối, chúng ta có xu hướng nghĩ tới những lời nói dối nghiêm trọng, thường được nói ra bởi những nhân vật tầm cỡ. Bạn có thể điểm qua danh sách những lời nói dối như vậy trong lịch sử nước Mỹ suốt nửa thế kỷ qua: Lyndon B. Johnson và sự kiện Vịnh Bắc Bộ; Richard Nixon và vụ bê bối Watergate; tuyên bố “Tôi không có quan hệ tình dục với người phụ nữ ấy” của Bill Clinton trên sóng truyền hình; phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng Hoa Kỳ sở hữu bằng chứng không thể chối cãi về vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq; những cáo buộc “birther” của Donald Trump về Barack Obama.
Nhưng phổ biến hơn cả là kiểu nói dối và lừa dối mà chúng ta xem như những điều tốt đẹp và tử tế của xã hội. Chúng xuất hiện đầy rẫy trong các cuộc đối thoại hằng ngày. Trong một bài viết có tựa Everybody has to lie (Tạm dịch: Ai cũng nói dối) vào năm 1975, nhà xã hội học Harvey Sacks, người sáng lập lĩnh vực mang tên “phân tích hội thoại”, đã phân tích một cách chi tiết vô số hành vi lừa dối trong bối cảnh thường ngày, bắt đầu với những lời chào hỏi cơ bản, thường là phiên bản của câu “Bạn có khỏe không?”, trong đó người hỏi không thực sự quan tâm và không kỳ vọng nhận được câu trả lời thành thật.
Chúng ta nói “Chúc một ngày tốt lành” khi chẳng quan tâm gì đến điều đó. Chúng ta nói “Bữa tối này thật tuyệt vời” ngay cả khi nó vô cùng dở tệ. Đôi khi, “Thật vui khi anh đã đến chơi” có nghĩa là “Tạ ơn Chúa, cuối cùng, buổi tối dài vô tận này cũng kết thúc!”. Những lời nói dối này được mô tả như những quy tắc bất thành văn trong nghi thức xã giao. Những đứa trẻ không biết nói dối một cách trơn tru ngoài xã hội sẽ bị cha mẹ khiển trách khi về nhà. Trong nhiều tình huống, Sacks phát hiện ra rằng nói dối phổ biến hơn nói thật.
Hãy thử tưởng tượng về một thế giới không có những lời nói dối hằng ngày như vậy. Cột bên trái là những gì diễn ra trong các ngày thứ Hai của bạn với toàn những điều tốt đẹp. Cột bên phải là những gì diễn ra trong cùng ngày nhưng không có “lớp vỏ bọc đường”.
Những người nói dối thành thạo đến mức tinh vi thường có vẻ ngoài lôi cuốn, thậm chí “chân thành”. Hãy nghĩ về cách mọi người đón nhận Ronald Reagan và Bill Clinton trong thời gian đương nhiệm và trong chiến dịch vận động tranh cử. Những người quanh họ cảm thấy đặc biệt; họ cảm thấy họ được yêu quý. Trong cuộc đời mình, tất cả chúng ta đều biết những người như Reagan và Clinton. Họ có vẻ quan tâm đến những điều chúng ta cần phải nói. Ở họ toát lên sự đồng cảm, và họ khiến chúng ta thấy thoải mái, dễ chịu. Chúng ta có những cụm từ tích cực để mô tả những con người như vậy – chúng ta gọi họ là những người có “trí tuệ cảm xúc”. Thật kỳ lạ, bất kể nói rằng mình rất quan tâm đến sự thật, chúng ta lại không có những lời lẽ tích cực để mô tả những người dám nói ra suy nghĩ thật của họ. Chúng ta không có một từ nào đủ tích cực dành cho người không biết nói dối theo các quy tắc tương tác xã hội. Nhưng chúng ta biết những người như vậy khi nhìn thấy họ. Họ có vẻ ngoài lạnh lùng hoặc tàn nhẫn.
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã chứng minh bằng thực nghiệm những điều mà hầu hết chúng ta vốn đã biết: Phép lịch sự và lời nói bọc đường là yếu tố cần thiết cho hoạt động của các đội nhóm và các tổ chức. Sự thô lỗ tại nơi làm việc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cách tư duy và hành động của chúng ta. Trong một thử nghiệm, các tình nguyện viên được yêu cầu xuất hiện tại một phòng thí nghiệm, nơi họ được đón chào bởi một “giáo sư” – người này sẽ nói với họ rằng phòng họp đã được đổi sang phòng khác. Một số tình nguyện viên sẽ được hướng dẫn theo cách lịch sự. Đối với số khác, “giáo sư” sẽ nói: “Anh chị không biết chữ à? Ngay trước cửa đã có biển thông báo cuộc thử nghiệm đã được chuyển sang phòng khác. Nhưng anh chị không buồn nhìn vào nó, phải không? Thay vào đó, anh chị thích làm phiền tôi trong khi thấy rõ rằng tôi rất bận. Tôi không phải thư ký ở đây, tôi là một giáo sư bận rộn”. Kết quả, những tình nguyện viên bị đối xử thô lỗ đã giải được ít câu đố đảo chữ hơn và ít sáng tạo hơn trong cách sử dụng từng chữ cái. Họ cũng không sẵn lòng giúp đỡ người khác. Gần 3/4 số tình nguyện viên được đối xử lịch sự đã tự giác giúp người khác nhặt sách lên. Trong số những tình nguyện viên bị đối xử thô lỗ, thậm chí chưa tới 1/4 tự giác mở lời giúp đỡ người khác.
Trích sách "Ảo tưởng tích cực"