Trong thư gửi em trai Warren - xuất hiện trong tập thứ nhất của hai tập thơ Thư của Sylvia Plath - Sylvia Plath đã viết như thế này về mẹ mình: “Bà không sao kham được sự phấn khích hay khổ tâm lớn lao, khi đó sẽ thức trắng đêm, nên nhiệm vụ chính của chị em mình là trao cho mẹ một ảo tưởng (chỉ là giờ đây nó chẳng còn giống một ảo tưởng) rằng chúng ta hạnh phúc, thành đạt và tự lập.” Mẹ của Plath, bà Aurelia, đã cho xuất bản vào năm 1975 bản thư còn lại của cô con gái, và khẩn cầu của cô đã bị loại ra khỏi phiên bản đã xuất bản cho công chúng, cho đến ngày hôm nay mới được thêm vào lại.

Lần đầu tiên tôi đọc The Bell Jar (tạm dịch Lọ hình chuông) không có gì đặc biệt đáng nhớ; sự thật là, dù tôi biết rằng mình đã đọc vì quyển sách tôi còn giữ có các ghi chú của tôi lúc trước, tôi cũng chẳng thể nhớ lần đầu đọc quyển sách là khi nào. Nhưng khi học đại học, một người bạn tôi lấy quyển Nhật ký nguyên vẹn khi chúng tôi đang trong sảnh ăn và bắt đầu đọc cho tôi nghe một đoạn văn lạ lùng, quyến rũ giăng đầy những vì sao li ti, kết thúc bằng câu: “mày đã phí hoài hai giờ đồng hồ viết theo dòng ý thức ở đây và rốt cuộc là cái dòng ấy của mày thậm chí chẳng có đủ để huênh hoang” cùng với dấu chấm hết do Plath quệt vào. Thời điểm ấy thì tôi nhớ rõ. Chính niềm vui của cô khiến tôi quan tâm. Tôi bị cuốn vào Nhật ký của Plath, vì chúng hé lộ những sự phức tạp của một cô gái trạc tuổi tôi: bao nhiêu sự chế giễu mà cô ấy phải đối mặt hàng ngày, cái giá trị bản thân cố hữu và đôi khi bị thổi phồng mà cô dùng để đánh trả lại sự từ khước, cách mà những sự phức tạp ấy khiến tôi cảm thấy mình vẫn chưa đủ bạo liệt, hay thèm khát, hay hoài ngôn, rối rắm hay quá hào hứng, hay buồn bã. Vì Plath cũng không như thế.
Nhưng trước khi đọc những trang nhật ký, cảm nhận của tôi về cô là cảm nhận bao trùm lấy nhận thức của công chúng: nhà thơ bi phẫn nhét đầu mình vào bếp lò trong lúc hai đứa con mình đang ngủ ở phòng kế bên. Về hình thức, quyển Nhật ký dày và chữ in lại nhỏ. Ở trang bìa, các màu sắc đa dạng từ đen đến vàng xám đến màu cam, những sắc xám chỉ ra đó là một trong những nguồn ít ỏi còn lại thể hiện con người của Plath bằng văn bản.

Năm 2017 là một năm quan trọng với người hâm mộ nhà thơ nữ này, đánh dấu bằng việc tìm ra thêm hai bài thơ và một số lá thư trước đây ít biết tới chỉ ra sự bạo hành của Ted Hughes (ND: nhà thơ, và chồng của Sylvia Plath), bên cạnh một triển lãm ảnh chụp những con người khác nhau của cô tại Bảo tàng chân dung quốc gia tại Washington, sẽ mở đến hết tháng 5/2018. Xét tới thời đại của những chân dung chỉnh sửa bằng kỹ thuật số, và các sắc diện của bản dạng của chúng ta thể hiện ra trên từng phương tiện thể hiện mà chúng ta sử dụng - sự chân thật tự trào của Snapchat, sự thưa thớt và ưu mỹ và khơi gợi sự ghen tức của Instagram - việc chúng ta bị những thể hiện khác nhau của Plath về bản diện của cô cuốn hút hoàn toàn là hợp lý.
Thế nhưng trong trường hợp của Plath, các biến đổi này lại trỏ tới những động cơ tăm tối hơn. Sự trình diễn một cái tôi giả, cái “ảo ảnh”, mà Plath viết ra trong thư cô gửi người em là thứ mà Alice Millner, tác giả của quyển sách thâm niên Bi kịch của một đứa trẻ thiên tài, gắn với việc Plath tự vẫn. Đứa trẻ thiên tài của Millner không thuộc phạm trù tài năng phổ quát - như trong thiên phú nghệ sĩ hay học thuật - mà chính là khả năng ướm mình vào nhu cầu của kẻ khác một cách cụ thể. Lý thuyết của Millner viết rằng một mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có tính chất ái kỷ ở đó cha hoặc mẹ sử dụng con mình như một tấm gương để khẳng định cái tôi của bản thân họ, tạo ra nơi đứa con sự hình thành một bản dạng lệ thuộc vào việc che giấu cảm xúc và nhu cầu của bản thân để đẹp lòng người lớn. Trong các mối quan hệ lành mạnh, tương quan này đảo ngược. Đứa trẻ có tài phải che giấu cái mà Miller cho là cái tôi đích thực đằng sau một cái mặt nạ, để phản ánh một cái tôi sai biệt.
Dù trong quyển Thư gửi gia đình xuất bản năm 1975, mà Belinda McKeon chỉ ra, Plath “dụng sức tác tạo nên một luồng sáng cực kỳ tích cực, thành đạt lên các trải nghiệm của bản thân, sáng tác về cuộc sống của mình như một báo cáo tiến độ, bảo đảm luôn có sự tri ân dành cho những người góp sức hào phóng,” trở nên phần nào đó tẻ nhạt trong sự lạc quan thái quá, thì Nhật ký lại kể một câu truyện khác; ở đó, nữ thi sĩ đều đặn bày tỏ sự căm ghét cô dành cho mẹ mình. Miller biện rằng “chúng ta có thể học được,” bằng cách quan sát cái tôi sai biệt này mà Plath đã tạo ra dành cho mẹ cô, “thế nào là tự tử: là cách duy nhất để diễn đạt cái tôi thật - với cái giá là chính cuộc sống.” Tôi không phải là một nhà tâm lý và nguyên nhân Plath tự vẫn quá ư phức tạp để một học giả văn học nhăm nhe chẩn đoán, nhưng cái tôi không có thật là một nội dung mà Plath đã đánh vật suốt văn nghiệp của mình, là nội dung tạo nên thi ca, tiểu thuyết và phê bình của cô.
Đã có những thoáng viết về ham thích này nơi trong tác phẩm sớm sủa nhất. Luận văn tốt nghiệp đại học, “Tấm gương thần: Nghiên cứu về nhân vật tồn tại song song trong hai tiểu thuyết của Dostoevsky” của Plath viết rằng cả Ivan Karamazov, trong Anh em Karamazov, và Yakov Golyadkin, trong Con người kép, đã “cố gắng loại bỏ phần quan trọng nào đó trong tính cách của mình với hy vọng cứu vãn chính thể. Giải pháp đơn giản này, tuy thế, lại là sai lầm, vì các tính cách bị đè nén quay trở lại ám ảnh lấy họ trong thể thức con người kép.” Cô viết rằng con người kép, hay cái tôi bị kiềm nén, thường “chọn vai phản diện hay những đặc điểm bị kiềm nén của chủ nhân và trở thành một kẻ bắt chước hay một bóng ma tiên báo sự hủy hoại và cái chết.” Sau khi cái tôi đích thực được lộ diện, cái tôi sai biệt tìm cách trốn chạy khỏi nó, trước khi ao ước cái chết.

Và trong những bản thảo đầu tiên của Lọ hình chuông, Plath công khai thể hiện sự âu lo của một cái tôi bị kiềm nén xuyên suốt trong tác phẩm ở những hình thái sâu khẽ hơn. Trong một đoạn văn mà Plath về sau gọt bỏ, Esther đã kể lại với chính mình như sau,
Mình chẳng bao giờ trở thành một y tá được. Ý nghĩ về nghề cao quý phục vụ những người bệnh và bị thương tật và tật nguyền và tất cả những con quái vật bị phá bỏ khuất khỏi những tòa nhà công hay tư bằng gạch luôn quyến rũ lấy mình, nhưng khi phải đối diện với nó thì mình quay lưng. Chúng khiến mình thấy tởm lợm đến nỗi mất đi nhân tính.
Rồi cô diễn tả mong muốn tiệt trừ những con quái vật ấy như sâu bọ đến thế nào, và chúng khiến cô cảm thấy như thể đang nhìn vào một tấm gương quỷ làm lộ ra thực tại đằng sau chiếc mặt nạ cô mang. Rằng đoạn văn ấy vạch trần hai đối cực ám ảnh Esther suốt quyển tiểu thuyết - những con quái vật bị kiềm nén mà cô muốn tiêu diệt đi vì sự phản tư đáng sợ hãi mà chúng gợi nên - có lẽ chính là cái dẫn đến việc nó bị loại bỏ.
Nhật ký của Plath cũng minh họa mâu thuẫn này. Tháng 10 năm 1957, cô viết “Thư gửi một con ác quỷ”, trong đó có dòng, “Mình có một cái tôi tốt, nó yêu bầu trời, những ngọn đồi, ý tưởng, những món ăn ngon, những màu sắc sáng. Con quỷ trong mình sẽ giết chết cái tôi này bằng việc đòi hỏi nó công bằng tồn tại cho mình, và nói rằng nó nên chạy đi mất nếu không được như thế… Do đó: một khuôn mặt khắc khổ. Một vị trí của sự mỉa mai, của song ảnh.” Cái không gian nằm giữa chính là cái đặc thù tác phẩm của Plath. Và tôi cho rằng sự ngắt kết văn hóa của chúng ta từ khi Plath tự vẫn gắn liền với khó khăn khi phải dung hòa những phức tạp và nhân dạng ấy của cô, một khao khát muốn tinh giản về cô, do đó tách loại chúng ta khỏi việc ngẫm ngợi về nhiều mâu thuẫn mà cô gặp phải trong tác phẩm và thi ca mà cô sáng tác.
Bận tâm của tôi đối với việc viết về các bản ngã có thật và không có thật trong tác phẩm của Plath chính là nó tạo ra sự chú ý đến cái chết do tự vẫn của cô, vốn đã chiếm lấy phần lớn các thảo luận về Plath. Khi tôi tìm đến lưu trữ về Plath ở Smith College, nơi cô theo học cao học, tôi thảo luận với Karen Kukil, người biên tập quyển Nhật ký, đồng biên tập các tập thư gửi, và giám tuyển cho Mortimer Rare Book Room, nơi các bài luận của Plath đang được cất giữ.

Trưa hôm đó chúng tôi dùng bữa với nhau, và khi cùng trèo và trượt qua tuyết bẩn giòn trong ánh chiều tà của Northampton giữa tháng Một, chúng tôi dã nói về cảm giác nghịch nhĩ xuất hiện khi người ta nói về Plath, như khi có ai đó, trong một buổi đánh giá đề tài quái gở nào đó, hỏi tôi đang viết gì trong luận án tiến sĩ, và câu trả lời của tôi - về Plath - đón nhận nhận định sau đây, “Tôi nên gọi báo cho hãng cung cấp khí đốt nhà chị.” (ND: trêu đùa tới cách mà Plath tự vẫn, ám chỉ sự ám ảnh về cái chết thường trực khi tiếp cận với văn chương của Plath). Hay vở kịch Plath., tô vẽ nữ sĩ như một kẻ tuyệt vọng hoàn toàn, mất sạch năng lượng và sự vui sống và sắc màu đã khiến cho tôi yêu thích cô. Đó chẳng phải là Plath mà chúng ta biết tới. Sự nhấn mạnh của công chúng vào cái tôi u ám hơn quá đỗi thường xuyên làm lu mờ sự ham sống mà Sylvia (Plath) thể hiện trong Nhật ký, sự thèm thèm với món ăn ngon, với con người, tình dục và du lịch của cô, động cơ bền bỉ dắt cô tới sự tự thức tỉnh, sự van lơn thường trực: “Chẳng có gì có thật ngoại trừ thực tại, và đã rồi, tôi cảm thấy sức nặng của hằng thế kỷ vây lấy tôi. Một cô gái nào đó hàng trăm năm trước đã từng sống như tôi đang sống. Và cô ấy đã chết. Tôi là thực tại, nhưng tôi biết rồi mình cũng sẽ tiêu tan. Cái giây phút phấn hứng, cái lóe sáng bừng, đến và vụt tắt, như cát lún không dứt. Và tôi không hề muốn chết.”
Cô là tất cả những điều ấy, và cô có thể là tất cả những điều ấy. Cô bền bỉ, và cô nhạy cảm, và tham vọng, và là một kẻ cầu toàn, và có khiếm khuyết. Nhật ký của cô cho thấy một khả năng chạm tới - và nắm giữ - một cơn say đắm mà tôi chưa từng nhìn thấy trên trang giấy khi còn là một sinh viên đại học. Đây chính là điều mang tôi trở lại với Plath. Cho tất cả những buồn bã theo suốt những khía cạnh trong cuộc sống và tác phẩm của Plath đã bị che mờ - những trang nhật ký do chính tay Ted Hughes đốt bỏ, những lá thứ bị chính mẹ cô sửa lại, bởi sự tập trung của công luận về cô như một nhân vật chịu số phận bi đát, và kể cả chính cách cô tự mang vào mình cái mặt nạ đầy phức tạp - vẫn còn đó một sự tích cực: hơn 50 năm sau cái chết của cô, chúng ta đang có những lớp cắt về cô bày ra trước mắt, và chúng ta vẫn đang cố gắng hiểu về Plath.