NGHỀ GIÁO ?
Năm em trai tôi học lớp 1, giáo viên chủ nhiệm bắt nó đứng xó và nói với cả lớp: "Nó bị hủi đấy". Nguyên nhân, con cô cũng...
Năm em trai tôi học lớp 1, giáo viên chủ nhiệm bắt nó đứng xó và nói với cả lớp: "Nó bị hủi đấy".
Nguyên nhân, con cô cũng học lớp này, nhưng thường xuyên bắt nạt bạn bè, và em trai tôi đã chống lại. Chuyện trẻ nhỏ trêu đùa hoặc mâu thuẫn, nhất là với những đứa 6 tuổi thì đâu có gì lớn? Nhưng cách ứng xử của cô đã làm thay đổi hoàn toàn quãng thời gian tiểu học, và có lẽ là cả đời học sinh của em tôi.
Mang tiếng "hủi", nó bị hầu như cả lớp cô lập, không ai dám chơi cùng. Đôi khi bị bắt nạt, nhưng không một ai bênh vực, nó phải tự đứng lên bằng việc trở nên lì lợm hơn, đánh lại những đứa trêu chọc mình. Nhưng sau những lần như thế, trong mắt giáo viên, họ càng có lý do để tin rằng nó là đứa "cá biệt".
Mãi một thời gian sau, mẹ tôi mới biết. Còn tôi, những năm tháng ấy, đáng tiếc cũng chưa nhận thức được những vấn đề em mình phải trải qua.
Đọc thêm:
...
Một người em tôi quen, tên Đ, cũng bị giáo viên vùi dập năm lớp 4.
Hồi ấy nó học lớp chọn, gồm nhiều học sinh khá giỏi và hiền lành, cũng bởi vậy thường xuyên bị lớp khác sang bắt nạt. Một lần, bạn nó (tạm gọi tên H) bị hai đứa lớp khác sang đánh, nhưng H không dám làm gì, Đ đứng ra bênh vực bạn. Hai kẻ bắt nạt liền chờ khi về, chặn đường để gây sự với Đ, nhưng lúc này giáo viên phát hiện và can thiệp. Chúng nói dối rằng vì Đ đánh em của chúng trước, chứ không phải chúng là người gây sự.
Giáo viên chủ nhiệm hỏi cả Đ và H xem đúng không, nhưng H nhát gan quá, không dám ra làm chứng nên cô khăng khăng tin rằng Đ là người gây sự trước. Cô hỏi Đ nhận lỗi hay không, Đ nói mình không sai. Đến lần thứ hai cô hỏi, Đ vẫn nói không sai, và rồi…
Bốp!- Cô thẳng tay tát Đ một cái. Lúc ấy Đ quá sợ và bàng hoàng, không dám nói gì nữa.
Kể từ đó, cô đặc biệt ghét và luôn tìm cách gây khó dễ với Đ. Chẳng hạn trong giờ toán, khi Đ đưa đáp án đúng rồi, thay vì công nhận em đúng, cô sẽ hỏi lại nhiều lần những câu dạng như: "Chắc chưa? Phải chưa? Chắc không?"… bằng một thái độ bức ép, cuối cùng, Đ trở nên bối rối và phải im lặng hoặc thừa nhận là "chưa chắc".
Đó là cách để cô phá hủy sự tự tin và tâm lý của Đ, sau đấy, nó không còn hứng thú học tập, không còn tự tin khi giải bài, và kết quả trở nên tệ hẳn trong hơn 01 năm sau đó. Đến lớp 5, vì thành tích kém, Đ bị ra khỏi lớp chọn.
Có điều gia đình không biết, bởi gia đình có vẻ rất tin cô giáo này, thành ra Đ không dám kể với ai. Hè năm lớp 4, bố Đ còn đăng ký cho con học thêm ở nhà cô, nhưng đáng lẽ nên suy nghĩ lại vì được gia đình tin tưởng thì thái độ của cô vẫn vậy, luôn gây áp lực. Cô chưa bao giờ cho Đ được nghỉ giải lao vào giờ ra chơi như các bạn, không những vậy còn bạo hành thân thể như xách tai, bấm cho đầu ngón tay thâm tím…
Đ lên cấp hai, gia đình mới biết chuyện. Mười mấy năm sau, khi Đ thậm chí đã quên cả tên của cô rồi, bố nó vẫn còn nhớ. Một lần chú hỏi nó: "Con còn nhớ cô M không?", lúc sau Đ mới nhớ ra, và hỏi có chuyện gì. Chú nói: "Bố không quên được, đời bố chưa có chuyện gì cay như vậy".
Tôi nghĩ Đ đã rất may mắn khi xung quanh còn nhiều người tốt và đủ yêu thương để kéo lại tinh thần cho em, lớn lên vẫn học tập tốt, đỗ đại học, ra trường có bằng cấp… Nếu câu chuyện này xảy ra với một đứa trẻ khác, tôi nghĩ nhiều khả năng tuổi học trò của nó sẽ bị phá hủy hoàn toàn, bởi dù thông minh đến mấy, thì khi đã không còn hứng thú hoặc sợ hãi với việc học tập, nó sẽ dễ sa đà vào lêu lổng, chơi bời.
Đọc thêm:
...
"Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo,
Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền".
Đó là những câu hát tôi đã biết từ khi 5 tuổi, và tôi cũng may mắn hơn hai đứa em vừa kể. Tuổi nhỏ của tôi, chí ít thì cũng không phải thất vọng vì đã học bài hát ấy.
Năm lớp 1, cô giáo chủ nhiệm tôi có nhà ở gần trường. Nhiều lần mẹ đến đón muộn, tôi vẫn về nhà cô ăn cơm, có lần còn muốn ở lại với cô hơn là về nhà.
Hè năm lớp 6, tôi đi học thêm tiếng Anh ở nhà cô H. Không nhớ chồng cô mất sớm hay bỏ đi đâu, nhưng cô một mình nuôi con nhỏ. Rất dịu dàng và xinh đẹp, cô chỉ dạy khi chúng tôi muốn học, không một lời trách mắng hoặc thúc giục, nhưng chúng tôi đều yêu quý và nỗ lực học tập để đáp lại tình cảm của cô. Khi đó tôi đã thật sự giỏi tiếng Anh, nhưng lên lớp 7 không được học cô nữa thì mọi thứ cũng tuột dốc.
Lên cấp ba, giáo viên chủ nhiệm của tôi là cô D. Bởi nhiều vấn đề trong gia đình và cuộc sống, tôi học rất bết bát, một trong những học sinh tệ nhất của lớp, nhưng cô D chưa từng một lần phê bình. Cô thường khen ngợi tôi, khi gặp mẹ tôi rồi, cô còn nói trước cả lớp rằng mẹ tôi rất đẹp… Với một người đối xử tốt với mình như thế, tôi tuy rằng không học tập tốt, nhưng tối thiểu cũng không dám tham gia những trò quậy phá, tránh để cô phiền lòng.
...
Mẹ tôi cũng là một giáo viên.
Nhiều năm trước, có một đứa lớn hơn đánh tôi, nhưng thay vì sử dụng "quyền lực" của mình để trừng trị nó, mẹ hòa giải và cho hai đứa kết bạn. Sau này tôi mới ý thức được, nó lớn lên rất thiệt thòi, trong một gia đình thuộc diện bần cùng và không đầy đủ tình yêu thương từ bố mẹ. Nhưng rồi, sau vài năm được mẹ tôi kèm cặp, nó cũng thay đổi, không còn lêu lổng, nghịch phá xóm làng nữa. Mấy năm sau khi ra trường, nó vẫn thi thoảng đến thăm mẹ tôi. Nếu không phải mất liên lạc do gia đình tôi chuyển nhà, có lẽ hôm nay- 20/11, nó vẫn sẽ đến.
...
Giáo viên là một nghề thật đặc biệt. Chỉ bằng vài câu nói đã có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một đứa trẻ. Từ một đứa ngoan ngoãn, giỏi giang, có thể trở nên thiếu tự tin, không còn muốn học tập. Từ một đứa lêu lổng, có thể biết quay đầu nhìn lại, phấn đấu vì tương lai.
Bác sĩ chữa bệnh sai có thể làm chết một vài người, nhưng rồi cũng sẽ bị phát hiện và ngăn chặn. Giáo viên dạy sai có thể giết hàng chục, hàng trăm con người, mà không dễ gì bị phát hiện và ngăn chặn. Nói để thấy, nghề này trọng trách lớn thế nào.
Trên đời này, giáo viên tốt rất nhiều, giáo viên tệ cũng không ít, chỉ hy vọng mọi người nhìn ra được tầm quan trọng của nghề giáo để cùng phấn đấu, sao cho điều tốt được nhân rộng, còn điều chưa tốt sẽ được sửa chữa kịp thời. Để trẻ em được sống và học tập trong tình yêu thương, thay vì mỗi lần đến lớp phải cầm theo một cây tía tô.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất