" Làm cái này dễ mà, đưa cái phần mềm đây tao học 1 tháng là làm ngon ?!?"

"Dựng phim dễ mà, trước hồi đi học tao dựng phim tán gái suốt, làm bằng proshow ngon luôn ?!?"

" Có mỗi cắt ghép với thêm cái nhạc vào thôi mà, dựng phim thì chỉ thế thôi, biên tập với quay phim ngon là cân hết"

Những lời nói kiểu này không khó để bắt gặp trong môi trường làm việc của những người làm dựng phim (video editing) như mình. Thực sự rất chạnh lòng, vì nghề mình làm không được công nhận một cách đúng đắn. Đa số những lời quy chụp nói trên bắt nguồn từ suy nghĩ: dựng phim chỉ cần nắm được công cụ (tools) là xong. Mình không phủ nhận học công cụ là một phần không thể thiếu trong quá trình trở thành một editor. Nhưng chỉ như vậy thì còn rất rất rất lâu bạn mới có thể trụ lại và tìm được chỗ đứng trong ngành công nghiệp này. Giống như bạn đang sở hữu một chiếc máy bay tối tân, nhưng không biết mình sẽ bay đi đâu và bay như thế nào. Mò mẫm thì may mắn sẽ tới nơi thôi, nhưng khả năng cao là chết giữa đường.

Để trở thành một editor, mình nghĩ ngoài công cụ, cần có những thứ này nữa:

Lý thuyết
Nghe là biết khô khan rồi, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, định dạng mp4, mov, avi,.. có nghĩa là gì, tỉ lệ 16:9, 21:9,... thực sự có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào, có những cỡ cảnh nào, cách sắp xếp ra sao. Những thứ rất cơ bản nhưng tạo nên chiều sâu giúp người khác định hình được mình là một người dựng phim có hệ tri thức chuẩn và bài bản.

Ngay bản thân mình, tuy là video editor nhưng cũng phải tự đi học thêm cả nhiếp ảnh, mỹ thuật để có thêm kiến thức về ánh sáng, bố cục, màu sắc...Vì trước khi muốn edit cho hay, bạn phải edit cho đúng trước đã.

Gu thẩm mỹ
Chẳng ai đào tạo được cho người dựng phim những điều này, mà đó là cả một quá trình tích lũy và tìm hiểu. Bản thân mình đã phải xem rất nhiều phim, nhưng không phải để thưởng thức mà để phân tích những yếu tố làm nên thành công của nó. Mình nghĩ editors phải biết được những xu hướng và phong cách nghệ thuật cũ và mới cũng như sự chuyển dịch của nó (art movements) để xác định được đường nét và yêu cầu của sản phẩm mình đang làm.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt những xu hướng này cũng góp phần định hình phong cách cũng như bản sắc của riêng editors, một trong những điều giúp bạn nổi bật và sống sót trong một môi trường làm việc đầy rẫy những sự sao chép. Mình xin lấy 3 ví dụ trong số những sản phẩm và trào lưu nổi bật gần đây
Glowing animation video:

Quảng cáo Gojek:

Quảng cáo Bitis Hunter

Cảm xúc
Làm phim hoàn toàn không phải là một công việc máy móc mà là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật. Dù là film, hay quảng cáo, hay chỉ là video ngắn thì cũng mang trong mình một cảm xúc riêng. Công việc của editors là phải bắt được cảm xúc ấy và biến nó thành nhịp điệu, tiết tấu và hơi thở của tác phẩm. Hãy xem thử một đoạn phim nổi tiếng nhưng edit lại theo một cảm xúc khá "mù mắt" nhé.

Bản lĩnh
Rất ít người hiểu được hoàn toàn những áp lực mà editor gặp phải trong quá trình làm việc. Áp lực từ deadline, từ khách hàng, từ sếp, đồng nghiệp,... và áp lực từ cả chính bản thân mình, làm sao để phim được hay, được đẹp, để cho sản phẩm lần này không bị giống sản phẩm lần trước. Phải thực sự có bản lĩnh để đảm bảo được chất lượng sản phẩm của mình, giữ được quyền lợi đồng thời giữ được các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ với khách hàng.

Tại sao dựng phim bị đánh giá thấp (underrated)
Trong cùng một ekip sáng tạo sản phẩm, những editor chúng tôi thường hay đùa rằng chỉ hay nghe "anh quay phim" "chị biên kịch" "chú đạo diễn" "cô diễn viên", còn khi sản xuất tiền kỳ xong thì mang file về đổ lên đầu "thằng dựng phim" cho nó lo nốt. Bản thân người dựng phim chấp nhận lùi về làm hậu kỳ, giống một người đầu bếp tận tụy chế biến những nguyên liệu mà khâu tiền kỳ mang về. Nếu bạn mong chờ một công việc được hô hào, được tiếp xúc nhiều người, được tôn vinh đến đỉnh cao, thì xin lỗi, nghề dựng phim không dành cho bạn, Với chúng tôi, những điều nói trên đều là xa xỉ phẩm. Tại sao ư ?

Thứ nhất, phải tự trách bản thân chính những người làm nghề chưa tích lũy đủ về kiến thức, kỹ năng, gu thẩm mỹ đã tự nhận mình là editor, kéo tụt giá trị chiều sâu của chính nghề mà họ đang làm trong mắt người khác, làm ảnh hưởng đến những người làm nghề chân chính. Dựng phim hay không dừng lại ở việc biết nhiều chuyển cảnh đẹp, làm nhiều hiệu ứng, masking, tracking đẹp mê ly,.. mà còn rất nhiều kỹ năng phải trau dồi và không bao giờ được dừng lại.

Thứ hai, bản thân người dựng phim cũng chưa ý thức được giá trị, vị trí và sứ mệnh của mình trong quy trình sáng tạo nghệ thuật. Đạo diễn chọn những đúp hình tốt còn dựng phim chọn những đúp hình tốt nhất, là người cuối cùng quyết định và chịu trách nhiệm về hình hài và tính thẩm mỹ của sản phẩm, là nơi mà khách hàng trút feedback lên đầu tiên. Là người bị quở trách đầu tiên nếu sản phẩm không như ý. Lẽ ra, người dựng phim phải tự hào về công việc của mình, nhưng không, họ phần lớn thường thu mình lại và coi mình nhỏ bé hơn những bộ phận khác trong quy trình sản xuất, coi việc bị cằn nhằn mắng mỏ là đương nhiên phải chịu trong khi sản phẩm là của cả một tập thể.

Thứ ba, như đã nói ở trên, là do những người đánh giá chủ quan, phiến diện, coi thường người khác mà không chịu đặt mình vào vị trí của người ta với sự cảm thông và tôn trọng. Lí do tuy khách quan nhưng lại làm tổn thương lòng tự tôn của những người dựng phim chân chính, có đầu tư, học thức và trách nhiệm.

Tâm sự và kết
Mấy ngày gần đây, không hiểu vô tình hay hữu ý mà mình rất hay nghe được những lời nói khó nghe về công việc này, từ cả những người trong ngành lẫn những người thậm chí chẳng biết gì về thứ mà mình đã, đang và vẫn sẽ theo đuổi bằng bất cứ giá nào. Mình dù vô danh tiểu tốt trong nghề, chẳng ai biết đến, chỉ làm công ăn lương thôi, nhưng mình nghĩ cũng cần phải lên tiếng một chút, để cho mọi người hiểu thêm về công việc dựng phim và dành cho những editor của chúng ta một cái nhìn tôn trọng, đồng cảm và công bằng hơn.
Anh quay phim, chị biên kịch hay chú đạo diễn,... hãy yêu thương và chia sẻ với dựng phim nhiều hơn nữa nhé. Vì mọi người chắc cũng đồng cảm và hiểu được sự khắc nghiệt trong cái nghề sáng tạo của chúng ta. Còn với những người bạn không ở trong nghề, ai đó đã nói rằng chúng ta đều mất khoảng 10.000h để trở thành master trong một lĩnh vực nào đó, hãy coi nghề của chúng tôi cũng như nghề của các bạn, không ai hơn ai cả vì xét cho cùng, chúng ta cũng chỉ bán sức lao động để trang trải cuộc sống mà thôi.
Timeline dựng phim Kingsman
Thời đại công nghệ 4.0, thông tin sẵn có, phần mềm được tinh chỉnh sao cho gần gũi và dễ dùng nhất khiến mọi người lầm tưởng ai cũng có thể trở thành editor. Thực chất, tất cả chỉ mới chạm tay vào phần nổi của tảng băng chìm. Quay trở lại câu hỏi đầu tiên, tôi xin trả lời:

Dựng phim, rất dễ tiếp cận, nhưng không hề dễ làm.