Một tự sự của tự sát* - Jesse Bering
*Tiêu đề do người dịch đặt Một chiếc bóp da sờn mép. Một chiếc đồng hồ đeo tay hỏng. Ít đồng xu. Một cây bút bi thiếu mất lò xo. Với...
*Tiêu đề do người dịch đặt
Một chiếc bóp da sờn mép. Một chiếc đồng hồ đeo tay hỏng. Ít đồng xu. Một cây bút bi thiếu mất lò xo. Với Maddy Reid 11 tuổi, đây là tất cả những gì sót lại của người cha làm kế toán ăn nói nhỏ nhẹ của em … một tập hợp những còm cõi còn sót của ông George Reid, 59 tuổi, trút hết xuống bàn ăn. “Tôi biết nghe có vé ớn lắm, nhưng tôi nghĩ chúng vẫn còn vương máu trên đó.”
Và rồi có thêm âm nhạc; những bài hát quen thuộc tới mức ám ảnh. “Suốt những năm trưởng thành, có những bài hát ngay lập tức làm tôi nhớ tới ông,” Maddy, giờ đã là một nghệ sĩ 49 tuổi sống tại Cornwall, chia sẻ. “Tôi biết nói ra nghe sẽ kỳ lắm, nhưng anh có biết bản Big John hồi đó không? Một bản rất cũ, một bản Western. Cha tôi lớn lên ở Belfast nhưng sinh ra ở Georgia, và dường như là ông có ảnh hưởng văn hóa Mỹ trong thẩm mỹ nghe nhạc.”
Ngày 25 tháng 3, 1980, Maddy và anh trai Philip, 14 tuổi, vừa từ trường về nhà thì nghe có tiếng gõ cửa bất ngờ. Hai cảnh sát viên, vẻ nghiêm nghị, không mang nón, xin được nói chuyện với mẹ cả hai. “Ta chỉ nghĩ là, chuyện gì đang xảy ra vậy? Chuyện này là chuyện gì?” Maddy nói tiếp. “Mẹ đi vào một căn phòng khác với hai viên cảnh sát. Họ rời đi, bà quay lại bếp, ngồi xuống bàn và – tôi sẽ không bao giờ quên điều này – bà có trên tay một túi nhựa trong có đồ đạc của cha tôi bên trong. “Đúng,” bà nói chúng tôi nghe. “Cha của mấy đứa đã chết. Ông tự sát. Ông nhảy trước đầu tàu. Đây là những gì ông mang trên người.”
Đó là lần duy nhất mẹ của Maddy nói một cách công khai như vậy về cái chết của cha cô.
Trên toàn cầu, gần một triệu người tự sát hàng năm, và gấp nhiều lần con số ấy tự sát nhưng bất thành. Và đó vẫn còn là một ước đoán dè chừng; vì nhiều lý do như kỳ thị và hạn chế bồi thường bảo hiểm, các ca tự tử và tự tử hụt nổi tiếng là ít được người ta báo cáo mỗi khi tìm tới những con số thống kê chính thức. Tuy nhiên, một cách sơ sài, các con số này đồng nghĩa với thực tế rằng cứ mỗi 40 giây một ai đó đang tự chấm dứt cuộc sống của mình. Giữa lúc này đây cho tới lúc bạn đọc xong đoạn kế tiếp, một ai đó, ở một nơi nào đó, sẽ quyết định rằng cái chết là một viễn cảnh mời mọc hơn là thêm một hơi thở nữa trên thế gian, và sẽ vĩnh viễn loại bỏ mình ra khỏi dân số loài người.
Những vấn đề cụ thể dẫn tới việc bất kỳ con người nào muốn tự kết liễu mình đương nhiên không giống nhau, vì DNA của họ - bao gồm loạt những sự kiện mà một vị chuyên gia gọi là “một biến thể mập mờ.” Nhưng một thực tế trần trụi chẳng bao giờ thay đổi: nhiều người trong số họ là bậc làm cha làm mẹ. Một số còn đang có con nhỏ. Với một đứa trẻ cần được bảo bọc tìm cách hiểu cho bằng được nỗi mất mát lớn lao đó, tự sát của cha hoặc mẹ có thể trở nên hết sức đau lòng.
So với những em đã mất cha hay mẹ bởi những kiểu chết bất đắc kỳ tử khác, trẻ bị vụ tự sát giày vò càng dễ gánh phải những hậu quả tiêu cực. Nhiều trong số đó, chẳng hạn như nghiện ngập, vấn đề trong mối quan hệ cá nhân và cả nguy cơ tự tử của chính mình, là những vấn đề kéo dài suốt cả cuộc đời. Tiên lượng còn đặc biệt xấu đối với những trẻ không được chăm sóc tương xứng, hay với những đứa trẻ mà cả gia đình như nhất quyết không chịu lên tiếng về chuyện đã xảy ra, cứ như thể đó là một điều đáng xấu hổ.
Sợ bị người khác đưa ra đánh giá liên quan tới tự tử cũng chẳng phải sản phẩm từ trí tưởng tượng của những người có người thân tự sát vô cùng nhạy cảm. Đó là chuyện hoàn toàn có thật. Hồi thập niên 60, nhà tâm lý người Mỹ Richard Kalish tiến hành một thang đo khoảng cách xã hội nhằm đo lường thái độ phán xét của sinh viên đại học đối với một nhóm những cộng đồng thật sự bị kỳ thị. Một trong những câu hỏi trong thang đo đó là: “Bạn có sẵn lòng hẹn hò với [kiểu người này] hay không?” Các sinh viên tham gia khảo sát sẵn sàng hẹn hò một người bị ung thư sắp chết, với thành viên của một nhóm thiểu số hay tôn giáo ngoài lề nào đó (trong nghiên cứu cũ kỹ này, là người da đen, người Mễ và Do Thái) hơn là hẹn hò với một ai đó đã từng tự tử bất thành. Mặt khác – và tôi không rõ đây có thật sự là tin vui hay không – họ sẵn sàng hẹn hò với một người đã từng tự tử bất thành hơn là một tay quốc xã.
Và khi nghiên cứu của Kalish được nhà tâm lý kiêm chuyên gia về tự tử David Lester tại New Jersey tái hiện 25 năm sau, các khuynh hướng vẫn giữ nguyên không đổi. Hơn nữa, khi được hỏi, “Giả sử thật sự yêu thương họ, bạn có kết hôn với một người từng tự tử mới năm rồi hay không?” chỉ 33% trả lời có.
Các kết quả như thế này nghe chừng hợp lý với những kẻ lãng mạn tỉnh táo (suy cho cùng, tiên đoán tốt nhất về tự tử là lần tự tử bất thành trước đó và, nếu những yếu tố khác đều bình đẳng với nhau, trao đi con tim cho một ai đó có rủi ro tự tử cao cũng là một canh bạc cảm xúc cực kỳ rủi ro) Tuy nhiên, bởi định kiến này có thể áp dụng rộng ra với thành viên gia đình của những người đã chết vì tự sát, không khó hiểu vì sao có quá nhiều người bày tỏ quan ngại đề phòng về cái chết của người thân là cha hay mẹ trong gia đình. Một phụ nữ đã mất cha sau năm trước phải tự hỏi, thật to: “Liệu sự kỳ thị có gắn vào lũ trẻ, vào cả con cái chúng, và cả con cái của chúng sau đó hay không?
Ấy vậy mà sự im lặng kia, bất luận ý định đằng sau, lại gây tổn thất cho lũ trẻ đang loay hoay sửa chữa sự toang hoác, khuyết đi tất cả những gì chúng từng biết biết, gây ra bởi sự từ bỏ tất cả mọi thứ, vừa bất chợt vừa có chủ đích, của cha mẹ chúng. Trong những ghi chép viết nên từ quá trình tiếc thương này, các vụ tự tử thường được gắn với triệu chứng của ‘đau buồn phức’: khái niệm trong y học dùng để chỉ quá trình đau buồn và than khóc kéo dài lâu hơn sáu tháng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày của cá nhân.
“Bà không bước ra khỏi phòng và nói hai chúng tôi không được nhắc về ông,” Maddy giải thích cách mẹ của cô xử lý tình huống. “Nhưng rõ ràng đó là một chủ đề cấm kị, và chúng tôi buộc phải xây một bức tường bao quanh và quên nó đi. Cảm thấy ấy thật sự kinh khủng, vì chẳng có ai giúp cho… Bà trải qua thời gian tồi tệ này và đốt sạch mọi tấm ảnh. Bà chỉ muốn “nó” biến mất.”
Trải nghiệm của bé gái bị sang chấn tâm lý Maddy cố tìm cách chấp nhận cái chết của người cha, nhưng lại không có một lối giải tỏa lành mạnh bằng đối thoại, dường như lại là trải nghiệm phổ biến trong số những trường hợp bị mất cha hoặc mẹ theo cách này. Nghiên cứu tiến hành trên tác động về cảm xúc gây ra bởi cái chết của cha hoặc mẹ lại ít ỏi đến kinh ngạc, mà hầu hết thường tập trung vào sự khóc thương cho người đã tự sát ở phương ngược lại (cha mẹ khóc thương con cái đã tự sát) Nhưng có một nhà nghiên cứu, nhà tâm lý học người Mỹ Albert Cain đã dày công nghiên cứu các trường hợp cha mẹ tự sát. Và ông nhận thấy có những chủ đề tái diễn xoay quanh cách ông gọi là việc thuật lại, là câu chuyện do người giám hộ hoặc người cha hay mẹ còn sống kể với đứa trẻ.
Hầu hết các nguồn tài nguyên lâm sàng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thẳng thắn và thành thật khi nói với con cái về vụ tự sát của người thân, nhưng Cain cho rằng không hề tồn tại một cách tiếp cận áp dụng chung cho tất cả. Ngược lại với Maddy, khi cô đã biết được những thực tế cơ bản về cái chết của cha mình, đa số áp đảo trẻ em chí ít là ngay từ đầu đã được dẫn dắt phải tin rằng cái chết ấy gây ra bởi một điều gì khác không phải tự sát.
Lý do không thiếu. Đôi khi đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu tự sát nghĩa là gì, hay có lẽ những âu lo và suy nghĩ trực tiếp của em thực tế hơn – “Ai sẽ dắt con đi học? Ai sẽ làm bữa tối? Mình có phải bán nhà và dời tới chỗ khác không?” vân vân. “Đôi khi, biết đích xác về cái chết cũng nằm về cuối danh sách những nhu cầu và bận tâm mà đứa trẻ cảm nhận thấy,” Cain giải thích.
Đương nhiên nói rằng cái chết do tự sát gây ra luôn là điều hợp lý nhất. Nhưng mỗi mối quan hệ của mỗi gia đình rất khác nhau. Đôi khi, người còn sống buộc phải tự mình chấp nhận với vụ tự sát trước khi có thể diễn đạt về cái chết ấy một cách bình thường, khỏe mạnh.
“Dù yêu chúng tôi thương cô ấy tới đâu,” một người góa vợ biện giải cho việc chậm trễ không kể lại việc mẹ của các con anh đã tự sát, “Tôi ghét hành động ấy của cô ta kinh khủng, thậm chí còn hơn thế nữa vì cô đã chọn ngay sau sinh nhật đứa lớn một ngày. Từ dạo đó nếu đáng ra tôi đã phải nói với lũ trẻ nguyên nhân thật sự cái chết của cô, những gì cô đã làm, hẳn tôi đã phun ra cho bằng hết mọi sự – chúng hoặc sẽ ghét cô ấy, hoặc ghét tôi, hoặc cả hai mãi mãi.”
Từ những cuộc trao đổi với những người có người thân tự sát như Maddy, ta có thể thấy rõ ràng là việc thuật lại này sẽ tạo thành một cái bóng vĩnh viễn trên nhận thức và diễn giải về mất mát của đứa trẻ. Khi một người chăm sóc, sôi sục căm tức, nguyền rủa và kết tội người đã chết, câu chuyện được kể với lũ trẻ sẽ hàm ý nói về hỏng hóc đạo đức sâu sắc của vụ tự sát, một câu chuyện kể khuôn mẫu xa xưa về sự hèn nhát, ích kỷ và yếu đuối. Đó là một thông điệp độc hại, đặc biệt là với những đứa trẻ vẫn còn cảm thấy gần gũi với người đã khuất. Dù vẫn không quá khó hiểu, Cain cho rằng, các cảm xúc gắn kẽm gai ấy không phải là một lời giải thích mà là một cáo trạng, một dự luật liệt kê những lý do cụ thể cáo buộc người đã khuất.”
Khá thường xuyên, điều này xảy ra trong vỏ bọc tôn giáo, khi người còn sống đang đau khổ kết tội người đã khuất phải xuống địa ngủ vì “tội” tự sát. “Mẹ con chẳng phải là một thiên thần trên trời nào cả,” một người cha đã nói như thế với con. “Mẹ các con chỉ chết. Nếu yêu thương chúng ta, mẹ đã chọn ở lại, chứ chẳng bỏ đi. Chẳng Chúa nào ra tay như thế, chỉ Mẹ các con thôi.” Đương nhiên những đứa trẻ không thể nào chất vấn những nhận xét mang tính thần học dễ dãi, cảm tính như vậy. Chẳng hạn, lũ trẻ không thể hỏi vì sao một Chúa trời không trao cho chúng ta những gì ta không xứng đáng nhận lấy lại gây ra điều này với cha hay mẹ chúng.
Kể cả khi không có trách cứ nhân danh đạo đức kia, một sự chủ động phớt lờ có thể xảy ra, khi đó cái chết bị giảm nhẹ hoặc tiêu biến thành một cái gì đó nằm ngoài khả năng đắp đổi của con người. Khi việc thuật lại không được diễn giải bằng một nỗ lực thấu hiểu vụ tự sát, chỉ riêng thông tin về vụ tự sát, khi vừa trao cho đứa trẻ, cũng có thể gây tổn thương. Việc làm này cần phải có sự tường thuật lại sự việc, kết hợp trong đó những thay đổi theo từng giai đoạn trưởng thành cũng như trải nghiệm sống cho phép đứa trẻ hết lần này tới lần khác có thể xử lý được cảm xúc của mình, và tạo ra ý nghĩa mới từ hiểu biết mới mà chúng ngộ được ra. Đó là một quá trình, chẳng phải một sự kiện đơn nhất. Trong trường hợp của Maddy, mẹ của cô đã trần trụi và thẳng thắn, nhưng không hề có câu chuyện nào được kể. Cain viết:
Một số trường hợp người cha hoặc mẹ còn sống tương đối nhanh chóng sẽ nói cho con cái biết cái chết do tự tử gây ra, nhưng lại từ chối không muốn nói gì thêm thế nữa. Họ kể đã đối diện với những câu hỏi từ lũ trẻ bằng những phản pháo khô khốc nếu không muốn nói giận dữ, “Ba không biết. Ba không có trong đầu để biết mẹ nghĩ gì.” “Đừng hỏi mẹ, chúng ta không bao giờ biết được đâu,” “Nghĩ về nó chẳng ích gì, chúng ta phải tiếp tục sống,” “Ông ấy đã chết, và kéo theo mọi câu trả lời.” Thông thường, một vài trao đổi qua lại ngắn ngủi, xúc động như thế chấm dứt được những câu thắc mắc, khiến đứa trẻ phải tự mình kiến tạo những cách hiểu của riêng mình, vá ghép lại những mảnh vụn thông tin và tưởng tượng hay đè nén chúng đi.
Một trong những hậu quả đau lòng hơn xảy ra nơi trẻ nhỏ là việc chúng diễn lại vụ tự sát của cha hay mẹ mình trong các trò chơi tự phát. Một nhóm các thầy thuốc lâm sàng viết về một đứa trẻ, sau khi cha cậu bé treo cổ tự sát, đã chơi trò treo cổ hết tất cả gấu nhồi bông của mình ở lan can. Ở những trẻ lớn hơn và trẻ vị thành niên, những dấu hiệu lộ tỏ ra bên ngoài như thế có thể ít xảy ra hơn, nhưng những tưởng tượng diễn ra trong suy nghĩ của chúng vẫn u ám và đáng sợ không ngờ. “Kể cả bây giờ,” Maddy kể với tôi. “Tôi không thể nào không hình dung cảnh tượng ấy trong đầu. Ta không thể ngưng ý nghĩ đó. Ta nhìn thấy ông nhảy xuống đầu tàu. Ta nhìn thấy hậu quả của việc làm đó.”
Ở tuổi 13, Maddy thường phải chống chọi với những thôi thúc u ám kia hoàn toàn một mình. Cảm thấy gần gũi hơn với người cha trầm tính và suy tư hơn người mẹ lý tính và thực tế, suốt nhiều năm cô âm thầm cảm thấy tội lỗi trước cái chết của ông. Cuộc hôn nhân của ông bà đã tan vỡ hai năm trước vụ tự sát; trong tình cảnh cùng quẫn, cha cô đã tìm tới một căn phòng ở YMCA, cách nơi xảy ra chuyện chừng 10 dặm. “Ít ngày trước khi ông tự sát, tôi có nói chuyện với ông. Tôi nói – không hề biết ông đang cảm thấy tồi tệ thế nào – “Cha à, con muốn có một bé ngựa con vào ngày sinh nhật. Cha nghĩ có thể mua cho con một bé không?” Đó là tất cả những gì tôi nhớ về cuộc gọi ấy. Do vậy tôi vẫn cảm thấy tội lỗi. Tôi nghĩ: Chúa ơi, có phải chính con đã đẩy ông xuống, gây sức ép để ông mua con ngựa chết tiệt đó hay không?”
Sự thật là, nhiều trẻ gán vụ tự sát với những điều chúng vừa làm cốt để khiến họ phiền lòng. Một bảng điểm xấu, về nhà trễ, “mắc mỏ quá,” “lại bệnh cảm nặng nữa.” những lý giải giọt nước làm tràn ly như thế này xuất hiện phổ biến trong những thuật lại của các em. Vào buổi sáng khi mẹ em tự sát, một bé gái tám tuổi đã thét lên rằng em ghét bà. “Sự trầm trọng trong tội lỗi của các em càng chứng thực bởi khăng khăng tuyệt đối rằng đó là lỗi của mình, mặc cho những kiến giải từ bác sĩ trị liệu lẫn những đối mặt với thực tại,” Cain viết.
Những tình huống gây nên cảm giác tội lỗi đặc biệt hơn cả chính là những ca mà khi sự vụ xảy, đứa trẻ được giao nhiệm vụ giám sát cha hoặc mẹ mình – Gọi tới văn phòng làm việc của cha ngay lập tức nếu Mẹ thật sự bất ổn – hoặc khi phát hiện cha hoặc mẹ chúng vẫn còn sống nhưng không được cứu chữa kịp thời và qua đời sau đó. Một số thực tế còn chứng kiến cảnh tự sát, hoặc ít nhất là một phần của vụ tự sát. Khá là kinh ngạc, một trong mỗi bốn trường hợp, trong tình huống rành rành như vậy, đứa trẻ vẫn được cho rằng cái chết gây ra là tai nạn hay bệnh tật. “Một đứa trẻ chứng kiến cha mình tự kết liễu bằng súng shotgun tối đó được chính người mẹ nói rằng cha cậu chết vì đau tim,” Cain viết. “Hai anh em tìm thấy mẹ mình đã cắt cổ tay vẫn được kể lại là bà chết đuối khi đang bơi.”
Trong những tình huống khác, đứa trẻ không phải tận mắt chứng kiến sự việc, nhưng người cha hay mẹ còn sống cứ khăng khăng không được kể về vụ tự sát. Tuy nhiên, trẻ em vẫn vô cùng tài tình trong khoản lý giải sự tình. Một bé gái bảy tuổi nói với bác sĩ trị liệu, “Bác sĩ biết không, cha con tự sát” trước khi chia sẻ chi tiết hơn về vụ tự sát, còn hơn những gì người mẹ đã cho em biết. Em nghiêng về trước, đặt ngón tay lên miệng, “khẽ thôi,” bé thì thào. “Đừng để mẹ biết, vì mẹ nghĩ là Cha chết trong một vụ tai nạn xe.”
Đương nhiên chẳng có gì đơn giản ở đây cả. Thỉnh thoảng, chính đứa trẻ mới là người từ chối không chấp nhận đó là vụ tự sát, để rồi đánh vật với những gợi ý. “Chú không biết ba cháu không có ngủ trên xe đâu,” một đứa trẻ mới lớn có cha tự sát bằng ngộ độc khói xe. “Bọn họ đột nhập vào phòng khách sạn để cướp. Rồi bắn ông,” một em khác có nói.
“Sự từ chối hoặc không lắng nghe của trẻ có thể tồn tại khá độc lập với sự từ chối hoặc không kể lại từ người lớn,” Cain viết thêm.
Tránh né sự thật thường tới từ khó khăn trong việc cung cấp một lý giải về vụ tự sát phù hợp với lứa tuổi cho con cái từ phía người còn lại. Và ai trách được họ? Giải thích cho một đứa trẻ còn rất nhỏ, hay thậm chí đang tuổi vị thành niên, vì sao cha hay mẹ “chọn” cái chết một cách chẳng lấy gì dễ chịu như vậy là cực kỳ khó khăn. Nhiều người sáng tạo dựa vào những ẩn dụ về bệnh tật để bảo vệ đứa trẻ khỏi cảm giác dâng trào của sự từ chối và bỏ rơi. So sánh bệnh tâm lý với bệnh cúm, một người mẹ kể với cô con gái nhỏ của mình rằng cha của em không muốn tự kết liễu mà cũng giống nôn mửa, ông không cưỡng lại được. “Một người khác,” Cain viết, “nhắc con trai của cô về bệnh đậu mùa, nhắc em nhớ khi bệnh trở nên trầm trọng em đã gãi tới mức thế nào cho dù đã cố gắng không gãi.” Nói cách khác, thông điệp được truyền đi chính là mẹ hay cha không hề muốn bỏ các em lại – đây không phải sự từ chối có chủ đích của người đã khuất, mà một điều gì đó khác mới là kẻ gây ra chuyện.
Nhưng rồi ở một thời điểm nào đó, nói về vụ tự sát một cách rành rọt sẽ trở nên cực kỳ cần thiết. Dù rằng việc duy trì hình ảnh yêu thương của người đã khất trong tâm trí đứa trẻ là một việc làm đáng trân trọng, việc gán ghép vụ tự sát về nguyên do trầm cảm, một khiếm khuyết ngâm trọng về tâm lý hay tâm thần, hay sự mất khả năng kiểm soát căng thẳng, dễ vấp phải rủi ro sẽ gây ra âu lo nơi đứa trẻ, vì em nghĩ rằng những vấn đề này rồi thì cũng xảy ra với mình. Tấm gương trao cho mỗi chúng ta những cái nhìn không thể tránh khỏi về cha mẹ chúng ta dần dần len lỏi để trở thành hình ảnh của chính mỗi chúng ta; nếu đủ may mắn, điều đó đôi khi đồng nghĩa với việc nhoẻn cười trước một mái đầu đang thưa dần quá đỗi thân thương, sự giấu giếm kém thành thật đằng sau một nụ cười, hay đôi khi một vài nếp nhăn hằn sâu hơn. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều dùng những thước đo tàn khốc nhất để so sánh bản thân ta với họ khi họ bằng tuổi ta. Thế nhưng với một người có cha hay mẹ đã tự kết liễu đời mình, cứ mỗi năm tiến gần hơn tới độ tuổi mà họ thực hiện hành vi tự sát có thể mang tới thêm nhiều ý nghĩ tiêu cực. “Vậy là đã tới lúc, có lẽ sắp tới sẽ là con,” cậu bé 16 tuổi đã nói như thế sau khi cha cậu tự sát. “Tôi cảm thấy bị ô uế,” một em khác nói, “như thể thừa hưởng dòng máu xấu.”
Thế mà đây cũng chẳng phải là một ý nghĩ hoàn toàn vô căn cứ. Những trường hợp tự sát bi thảm xuyên suốt một dòng dõi không thiếu. Các nhà nghiên cứu hồi thập niên 40 viết về một gia đình Tây Ban Nha có hậu duệ nam giới suốt năm thế hệ đều tự sát ở tuổi 45. Năm 2009, 46 năm sau khi mẹ ông, nữ thi sĩ Sylvia Plath, đưa đầu vào bếp lò sau khi nêm kín cửa sổ và cửa cái để giữ không cho khí ga tràn vào phòng lũ trẻ, con trai bà Nicholas Hughes, một nhà sinh học nghiên cứu về đánh bắt cá, đã treo cổ tự sát tại Alaska.
Trước khuynh hướng tự rơi vào những lời tiên trị tự vận vào mình của những con người bị đau khổ dằn vặt, các chuyên gia cho rằng điều tối quan trọng là hãy nêu ra những lý giải chuẩn bị sẵn về khuynh hướng di truyền bằng một thứ ngôn ngữ giàu sắc thái hơn để các trẻ lớn hơn và trẻ vị thành niên không còn phải tự mình chống chọi với lập luận chết người của mình thêm nữa. Thực tế, tự sát là điều có thể tránh khỏi – không có một thứ gen nào gọi là gen tự sát cả. Sự thừa hưởng về di truyền của một căn bệnh tâm thần không rõ rệt đến mức lúc nào cũng tiếp diễn ở thế hệ sau. Và với những ai cần, sự giúp đỡ vẫn luôn hiện diện ở đó.
Phần mình, Maddy đã vật lộn đơn độc với nhiều bí mật xoay quanh cái chết do tự sát của cha cô. Cô cũng phải đối mặt với ý nghĩa của cái chết này, trong tư cách một người vợ, một người mẹ, và một con người. Giờ cô đang có một cô con gái 11 tuổi. “Con bé là cái ngăn cản tôi lại,” cô nói. “Tôi sẽ không bao giờ làm thế với con bé.” (Với phụ nữ, thực tế là, có con đã từ lâu là một tấm đệm bảo vệ hiệu quả chống lại tự sát, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng điều này chỉ áp dụng cho những bà mẹ đang sống cùng với con cái.)
Một số trong số những hiệu ứng ngủ quên từ cha hay mẹ đã tự sát sẽ không xuất hiện cho tới khi con cái họ sắp trở thành cha mẹ. “Với những đứa con có cha mẹ tự sát đã trưởng thành,” Cain viết, “kết tủa rõ nét nhất trong mối quan hệ giữa họ và con cái của mình chính là sự chờ đợi trong sợ hãi rằng con cái của họ rồi cũng sẽ tự sát … nhất là khi đứa trẻ ấy được cho là giống với người cha mẹ quá cố ở một khía cạnh đáng kể nào đó – nét nhìn, tính khí, tài năng, hay sở thích.” Vì nhiều người như vậy chọn giấu nhẹm thông tin kia như một bí mật gia đình, nên thế hệ thứ ba cũng sẽ hoàn toàn không biết vì sao cha mẹ đang đối xử với mình như vậy.
Maddy biết về những chi tiết đen tối nhất từ buổi chiều kinh khủng đó trong bếp nhà mẹ nhiều năm về trước. Nhưng chỉ có thế. Cha mẹ cô đã ly thân. Ông khánh kiệt. Cô đã đi hỏi một người thậm chí còn không sắm nổi đồ cạo râu sắm cho mình một con ngựa. “Vì thế,” tôi gợi lại với cô, “chỉ đơn giản là điều mà đứa trẻ lên 11 nào cũng sẽ làm.”
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy chút tức giận nào với ông,” cô đáp. “Tôi lúc nào cũng cảm thấy như thể - ôi trời, có lẽ là lúc nào mình cũng là một đứa trẻ u sầu, không biết nữa – nhưng lúc nào tôi cũng hiểu rõ. Tôi cảm thấy tiếc thương ông. Chỉ là … buồn bã.”
Tới tận lúc này, Maddy vẫn còn thèm khát mối quan hệ với cha cô từ lâu đã không còn nữa. Ở tuổi 30, khi nỗi bất định gặm nhấm hàng ngày, cô đã can đảm quyết định tìm tới văn phòng pháp y ở Watford, thị trấn gần London nơi cha cô đã kết thúc cuộc sống. “Tôi còn nhớ ai đó đã nói rằng ông để lại một thư tuyệt mệnh trước khi chết,” cô nói. “Mẹ tôi có ngắt ngang và không cho chúng tôi nhận được nó hay không, tôi quả không biết.”
Vị pháp y vẫn còn thư tuyệt mệnh của cha cô, sau ngần ấy năm.
Lá thư xuất hiện rất lâu sau khi nó lẽ ra phải xuất hiện, nhưng Maddy và con cô đã chí ít là đủ may mắn vì biết được những ý nghĩ của ông lúc cuối đời. Thực tế rằng chỉ chừng 30 phần trăm người tự sát để lại thư tuyệt mệnh, một con số cực kỳ thấp nếu như ta nghĩ tới ảnh hưởng của việc này đến những người còn sống, tự nó đã nói về trạng thái nhận thức đã thay đổi trong tâm trí người muốn tự kết liễu đời mình. Trong quyển sách Suicidal: Why We Kill Ourselves (2018) viết về chủ đề này, tôi cho thấy chính cái khả năng cảm nhận được thấu cảm của con người lại là cái thường bị bóp chẹt lại khi họ đang đắm chìm trong những thống khổ đớn đau của ý nghĩ tự hoại.
Nhưng điều này không đúng trong trường hợp của George Reid. Maddy chia sẻ lá thư của cha mình với tôi. Viết cho cô, anh trai Philip, và em gái Nicky, lá thư nói về sự tuyệt vọng hiện sinh, về tình yêu ông dành cho con cái, về cách ông biết rằng việc làm này sẽ mang lại cho các con … và về âm nhạc. Về ngựa, không có lấy một từ.
Ba biết điều này sẽ đau đớn và cực kỳ hoang mang nhưng mà, vì nhiều lý do hiển nhiên, ba sẽ không có ở đó bên cạnh các con để ủi an … Ba đã suy nghĩ rất lâu và thấu đáo trước khi quyết rằng cái ánh sáng giúp chúng ta tiếp tục duy trì cuộc sống trước một sự gần như lay lắt của tồn sinh vô nghĩa, kèm theo những khó khăn về tiền bạc thường trực, không còn đủ rọi để ba có thể bước tới thêm. Xin các con hãy tìm kiếm sự an ủi nơi ở sự thật rằng ba đã và vẫn luôn yêu thương các con như bất cứ con người nào có thể, và ba biết các con sẽ thường nghĩ về ba – ba mong sẽ trong dịu dàng – chủ yếu bởi vì chúng ta đều yêu âm nhạc và ba hy vọng rằng một bản nhạc nào đó sẽ nhiều lần làm các con nhớ tới ba.
Jesse Bering là một nhà tâm lý học nghiên cứu kiêm giám đốc Centre for Science Communication ĐH Otago, New Zealand. Ông là tác giả quyển Suicidal: Why We Kill Ourselves (2018). http://www.jessebering.com/
Bản gốc https://aeon.co/essays/when-a-parent-dies-by-suicide-how-are-the-children-told
Bản gốc https://aeon.co/essays/when-a-parent-dies-by-suicide-how-are-the-children-told
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất