“Nơi cậu muốn đến nhất mỗi khi buồn là nơi nào vậy”

“Mái nhà”

“Một mái nhà bất kỳ á”

“Không. Chỉ có một thôi. Mái nhà. Của tớ. Chỉ của tớ thôi”

---

Mình có một thế giới to to đặt trong ngôi nhà nho nhỏ. Đấy là mái nhà – nơi thuộc sở hữu của mình – như mình vẫn luôn tự nhận. 

Mình từng thử tưởng tượng, rằng nếu có một chiếc camera vô hình nào đó vẫn luôn tồn tại trên mái nhà, thì chắc hẳn đã quay được gần như trọn vẹn giai đoạn trưởng thành và không ít biến cố của đời mình.

Nói chẳng ngoa đâu, vì dường như những đau khổ, buồn vui của mình gửi gằm gần như tất cả, vào đây.

---

Ngày mình còn nhỏ, tầm 6 hay 7 tuổi gì đó. Đêm giao thừa, bố bắc thang gỗ và bế mình lên mái nhà xem pháo hoa. Ngày ấy bé tí, sợ độ cao nên mình run lẩy bẩy, nhắm tịt mắt lại nép vào vòng tay to lớn của bố khi bố leo từng bậc cầu thang. Lên tới mái nhà rồi, dù bầu trời khi ấy có bao nhiêu rực rỡ pháo hoa, có lấp lánh óng ánh bao nhiêu màu sắc, thì mình cũng chẳng để vào trong mắt và mừng vui cho nổi. Vì sợ. Lúc ấy chỉ ước khoảnh khắc này mau mau qua, rồi rời khỏi cái nơi cao cao đáng sợ này ngay đi. Mình đã không ngờ rằng, gần 10 năm sau đó, nơi ấy lại là nơi mình yêu nhất trên Trái Đất này.

---

Mình vẫn trốn lên mái nhà mỗi khi tâm trạng không tốt.

Có thể là nức nở khóc, ấm ức khóc, giằng xé khóc.

Có khi là chẳng thể khóc nổi, lưng nặng như gánh cả Ngũ Hành Sơn trên đó, đến cả tiếng thở cũng dài như chiều gió thổi. 

Có lúc lại chẳng vì điều gì quá to tát. Chỉ là muốn trở lại không gian thuộc về mình, riêng tư, không ngại ai ồn ào quấy rầy, bình tâm suy ngẫm, an yên hít thở, để cân bằng lại những vội vàng bước chân ở thế giới ngoài kia.

Mình vẫn hay viết và kể, rằng, mình về nhà để được ôm vào lòng bởi gia đình, để sống thật với bản thân. Nhưng dù ít dù nhiều, khi đối mặt với người khác – ngay cả với bố mẹ hay anh chị em – đôi lần, mình vẫn phải gồng mình lên để nói dối, rằng “con không sao cả” hay “em chẳng khóc đâu”. Chỉ có leo lên mái nhà, một mình ngồi bó gối trong “góc nhỏ” ấy, có khoảng trời của riêng mình, thì mình mới gỡ hết xuống những lớp mặt nạ dày mỏng vẫn mang. Để là mình, trọn vẹn là Quỳnh.

---

Mình có gì ở nơi này?

Mình có một “khoảng sân nhỏ” (mình cũng chẳng rõ nên gọi tên thế nào cho đúng nữa), đủ để làm vài trò ngớ ngẩn sẽ kể ở những đoạn sau.

Có một bầu trời ở trên đầu, bầu trời ở nơi này, lẽ dĩ nhiên, sẽ rất khác với bầu trời được nhìn từ góc khác. 

Rồi kể từ 1 năm trước, đã có thêm vài “vị khách” đặc biệt khác tới và buộc mình phải chia sẻ một phần thế giới riêng này của mình.

Mình là đứa phản đối gay gắt khi mẹ đề xuất việc giăng dây thép trên mái nhà, xây một ô nhỏ để trồng rau và cho hoa thiên lý và nho xanh leo trên ấy. Bầu trời của mình sẽ bị cắt xẻ bởi những sợi dây thép khi mình ngửa cổ ngắm mây trời. Khoảng sân của mình sẽ phải chứa thêm nào thùng xốp, nào rau, nào lá, nào sâu, nào bọ… 

Nhưng rồi, mình chẳng thắng nổi mẹ, và đành ngậm ngùi chấp nhận sự chia sẻ ấy.

Mãi sau này, khi giàn thiên lý và nho xanh của mẹ lớn và vươn mình giăng đầy một khoảng, mình mới nhận ra rằng mẹ đã đúng khi giúp cho thế giới riêng của mình ngày càng thú vị. Bởi vì từ ngày ấy, mỗi khi ngắm bầu trời, mắt mình sẽ thu lại một góc lá xanh của nho, những chùm vàng xinh xinh của hoa thiên lý lấp ló. Hay khi tới mùa tàn úa, là những chiếc lá vàng khô quắt mỏng manh yếu mềm đung đưa trong gió. Diệu kỳ đến lạ.

---

Mình thích lên mái nhà ở mọi thời điểm trong ngày, ở mọi mùa trong năm. Vì dù là ở thời điểm nào, nơi này vẫn luôn là khoảng không bình yên nhất của mình.

Để nói đặc biệt thích, thì chắc là những chiều lộng gió và những đêm đầy sao.

Mình rất thích lôi sách lên mái nhà đọc những chiều lộng gió. Nói vậy cho đậm chất thi vị, chứ sự thật là mang cuốn sách nào lên đó mình cũng chẳng thể tập trung đọc cho nổi. Vì gió cứ dịu dàng lùa vào tóc, mơn man da tay, chạm nhẹ má, ru mắt ngủ, và hát cho tai nghe. Rồi cả tiếng chim, tiếng gió đùa lá, tiếng chuông chùa vang vang, tiếng còi xe vọng lại từ đường quốc lộ. Và ngập tràn hương thơm, của đất ẩm từ đêm mưa hôm trước, hay nhẹ nhàng hoa cau, nồng đậm thiết mộc lan của mẹ, ngai ngái hương hoa lộc vừng tàn dưới cổng nhà… Thế là lại gấp sách lại, xếp sang một bên, và sống cho trọn những phút giây được nơi này ôm vào lòng.

Mỗi lần ngồi trên mái nhà, mình chẳng mang theo chiếc ghế nào hay ít nhất là tờ giấy sạch sẽ nào đó để kê lên. Mình toàn đặt mông luôn xuống đất, bó gối tựa vào một góc tường, nhất là những khi tâm trạng u uất và muốn khóc một trận cho thỏa. Cảm giác như những gồ ghề sần sùi của bức tường sau lưng đang ôm lấy, vụng về dỗ dành và an ủi, rằng “Ngoan nào, tường vẫn chống đỡ vững chắc cho lưng của Quỳnh nài, đừng sợ, nhé”. 

Hay là có một lần khác, cũng là lần duy nhất mình được nằm dài trên mái nhà và ngả lưng. Khi ấy, mình rải mấy miếng đệm ghế cũ của mẹ lên mái nhà, đặt lưng xuống và vui vẻ ngắm bầu trời sao của một đêm mùa hè, được ru ngủ bởi gió thoảng, thiêm thiếp đi cả tiếng đồng hồ. Dù đã vài năm qua rồi, nhưng ngay lúc này viết lại, mình vẫn nhớ như in sự bình yên có được khi ấy. Chẳng phải lo nghĩ gì học hành thi cử hay giận hờn tình đơn phương hay ghen ghét đố kỵ bạn này bạn kia. Chỉ có mình và bầu trời sao, có gió và tiếng côn trùng trong đêm, tự do tự tại.

---

Có một điều thú vị từ view trên mái nhà của mình. Đó là khi đứng trên mái nhà nhìn ra xung quanh, hai bên cảnh vật sẽ được phân chia rõ ràng như ở hai thế giới riêng biệt. 

Bên trái mình là cuộc sống đô thị ùa về chiếm lấy làng quên. Những nhà cao san sát, nhà ống 2 tầng, 3 tầng. Rồi cột điện thẳng tắp, dây điện xiên xiên. Xa hơn và khuất khỏi tầm mắt là đường quốc lộ vẫn ầm ầm những xe container ngày ngày chạy qua chạy lại chẳng biết bao nhiêu lượt.

Còn bên phải mình lại là cảnh vật làng quê, có nhà mái ngói, có khói bếp chiều chiều bà lão hàng xóm vẫn đun nước hay nấu nồi cám lợn như bao năm nay vẫn vậy, mặc cho bếp gas bếp từ xuất hiện trong xã hội hiện đại thế chỗ cho bếp củi một thuở. Có cây me chẳng nhớ nổi bao nhiêu tuổi, vì từ khi mình sinh ra nó đã lặng lẽ đứng ở đó, rồi lặng lẽ dõi theo tuổi thơ mình, từng bao lần thấy mình và các anh trèo leo vặt me, cùng chị bẻ cành nhặt lá chơi đồ hàng. Có cả hai cây cau bên sân nhà hàng xóm vẫn mãi vươn mình hướng tới bầu trời, mà ngày nhỏ hay cả khi lớn lên, mỗi mùa bão về, mình lại ngồi trong nhà và nhìn ra bên kia cửa sổ xem hai cây cau ấy vật lộn với bão dữ, nghiêng nghiêng ngả ngả chống chọi với gió rít mưa hoang. Hay là những chiều yên bình lộng gió, hồi rặng tre bên ấy còn xanh rì một góc, đan xen với hình ảnh cánh diều đứa trẻ nào đó thả ở cuối làng, bình dị đến lặng người. 

Tất nhiên, với một đứa hoài cổ như mình thì vẫn thường phóng mắt về phía bên phải nhiều hơn là bên trái. Nhìn vào đó, như là thấy được bức tranh từ quá khứ cứ sống động trong khung, như là được ngược chiều gió thổi mà chạy xuyên về tuổi thơ tồ tẹt dại khờ vậy.

---

Thế giới nhỏ này của mình, chẳng những vẫn luôn tặng mình những giờ phút bình yên nhất, mà còn giống như một căn phòng không có cửa, gom lại hết đa dạng cảm xúc của mình suốt mấy năm nay - những năm nhiều biến cố nhất, nhiều sự kiện quan trọng nhất đời mình.

Nhớ ngày lớp 9, sau một lần bị một thằng khốn nạn xúc phạm bằng những lời đáng ghê tởm (mà sau này bình tĩnh nghĩ lại, thì chẳng đáng để mình nhớ mãi đến bây giờ), mình đã khóc nức nở trên mái nhà suốt 3 tiếng đồng hồ. Khóc như mưa, khóc từ ấm ức rấm rứt tới nấc nghẹn ứ đầy một họng, tới gào mất cả tiếng điếng cả người… Trận ấy, chắc chắn không phải chỉ vì vài lời chết tiệt của nó đâu, mà là biết bao nhẫn nhịn đè nén của cả một khoảng thời gian dài trước đó cộng dồn hết lại vào đúng hôm đó mới vỡ òa. Nên là như nước lũ, cuốn ào, xô đổ bức tường thành kiên cố nhất trong lòng mình. 

Những ngày mệt mỏi và trầm cảm thời gian đầu mới vào cấp 3 chưa hòa nhập được với trường mới…

Những bài kiểm tra tệ hại, điểm thấp tới đáy, thấy năng lực của mình nhỏ như bụi, còn tương lai mơ hồ như một màn khói xám phía phủ kín phía trước.

Phía sau những xúc phạm tự tôn, chà đạp lòng tự trọng, hay là những lời nói vô tâm đầy tổn thương người ta tàn nhẫn ném vào người mình. 

Rồi ấm ức, bất lực, rồi lại khóc. Trên mái nhà.

Còn có đúng vào đêm 18/11 năm ấy, giống như mọi năm, mình lại trốn vào một góc trên mái nhà khóc để kỷ niệm. Lần ấy, sau bao nhiêu năm lặng lẽ kỷ niệm, cuối cùng mình cũng bị mẹ phát hiện. Để rồi mẹ kéo bàn tay mang đầy những dấu răng hình lưỡi liềm ra khỏi miệng mình, cho mình khóc thành tiếng mà không phải đè nén nữa, rồi ôm mình cùng nức nở, xoa đầu và lau nước mắt cho mình “Con ơi, quên ngày này đi, đừng ghi nhớ, đừng hồi tưởng nữa”…

Cả khi người ấy rời khỏi cuộc đời mình, tưởng như chẳng còn nơi nào để bám víu, mình lại giam mình mấy tiếng trên mái nhà. Nước mắt còn chẳng thể tuôn ra cho nhẹ lòng. Mà cứ ứ đọng ở đó, giăng thành một màn sương, phủ nặng một góc. Mình có một niềm tin bất di bất dịch, đó là nếu càng ở trên cao, mình sẽ càng gần hơn với bầu trời – nơi mà những người đã khuất đang lặng lẽ nghiêng đầu dõi mắt theo mình. Nên mỗi lần nhớ người đó, mình lại leo lên mái nhà, thấy bóng đêm nuốt mình vào lòng, rồi tự huyễn hoặc gió lùa qua tai tựa như tiếng người hát “Cry on my shoulder”, gió quệt qua má như là tay người dịu dàng xoa xoa an ủi: "Tôi ở đây rồi, có đi xa đâu nào, vẫn ở bên bà mà"

Cũng chính nơi này, vào một đêm của tầm này năm ngoái, khi mình chẳng thể chịu đựng thêm được nữa, đã thu mình một góc ghi âm hơn 1 tiếng đồng hồ rồi gửi cho Leng Keng ở cách đây hơn 1000km kể lể. “Mụ ơi, cuối cùng thì sau bao nhiêu năm, tôi không trốn chạy nổi sự thật ấy. Nó vẫn mãi ở đó, dù tôi cố làm ngơ và quên nó đi bằng mọi cách. Tôi mệt mỏi lắm và sắp quỵ ngã rồi.”

---

Đã có biết bao vui buồn tủi hờn của mình gửi gắm tại nơi này. Có đôi lúc, mình có cảm giác như những gì thuộc về nơi đây không đơn thuần vô tri vô giác. Mà chúng như những người bạn tâm giao thật sự, có lắng nghe, có hồi đáp, có nhẹ nhàng an ủi, và vẫn luôn thương mình vậy.

Nên là, đôi lần ngửa cổ ngắm những cánh chim từng đàn di trú, mình tưởng như có thể nghe tiếng chúng nó dặn dò gửi gắm mình, rằng là “Mày ở lại nhé Quỳnh, chúng ta đi rồi năm sau lại quay về với mày, lại vút bay như những mũi tên hun hút đâm xuyên bầu trời cho mày ngắm. Ở lại phải mạnh mẽ, khóc vừa vừa thôi đấy.”

Hay là như gió, lặng câm không lời, dịu dàng hong khô nước mắt mình những lúc vỡ òa, ân cần như mẹ.

Cũng đã có lúc, một cách vô thức, mình đã nghiêng người theo chiều gió thổi, rồi đung đưa đung đưa như một chiếc lá vàng đầu cành. Để hòa mình vào thế giới này, là một phần của nó, vì gió của trời mà nghiêng ngả, thay vì để gió của đời quật ngã.

Và mình thậm chí còn tâm sự với bầu trời mỗi lần ngửa cổ dưới nền xanh thăm thẳm ấy, khẽ đưa ngón trỏ lên và nghuệch ngoạc mấy chữ. Có khi mỉm cười hạnh phúc viết tên của thằng nhóc mình thương thầm. Có khi là cau mày viết tên của kẻ mình khiến mình buồn phiền căm ghét. Có khi là vẽ cái mặt cười “:)” hay mặt buồn xị “:(” mặt bất lực “-_-”.

Mình vẫn luôn tin, rằng gió lắng nghe mình, bầu trời dõi theo mình, những ngọn cây vẫn à ơi hát cho mình nghe. Như thể một điều kỳ diệu nào đó vẫn lặng lẽ tồn tại ở thế giới này, kết nối mình với tất thảy những thứ thuộc về nơi đây.

---

Trước ngày rời khỏi nhà lên Hà Nội, mình dành cả tối ngồi lặng yên trên mái nhà. Mình có nhiều điều muốn nói, nhưng lại chẳng biết nói thành lời ra sao. Cuối cùng lại chỉ hát vu vơ “Tình em là đại dương”. Chắc vậy là đủ, vì nơi này hiểu mình đủ để biết rằng mình sẽ chỉ hát bài này cho ai, cho điều gì, gần gũi và thân thuộc nhất, quan trọng và khiến mình tin tưởng nhât thôi. Như một lời tạm biệt, cho người bạn, mang tên “Góc nhỏ của Gôm”.

Những ngày ở Thủ Đô, nỗi nhớ vẫn thường xuyên kéo mình trở về ký ức đã có trong những chiều hay những đêm ngồi trên góc nhỏ của mình. Nhớ gió, và nhớ khoảng trời của nơi ấy.

Mình tìm ở Hà Nội một góc trời, nhưng lại chỉ tìm được bầu trời trong công viên – nơi mà phải chia sẻ cho cả trăm người xa lạ. Rốt cuộc, dù rộng lớn thế nào, bầu trời ấy cũng chẳng phải là bầu trời quen thuộc được nhìn từ mái nhà của mình, của riêng mình thôi.

---

Mái nhà mà mình gắn bó, ngoài người thân trong gia đình, thì những người được mình dắt lên đó và chia sẻ một góc chính là những người quan trọng nhất và khiến mình tin tưởng nhất. Nên đã có lúc nghĩ tới chuyện sau này, mình từng tính, ngày đưa chồng tương lai về ra mắt bố mẹ, mình sẽ dẫn anh ấy lên góc nhỏ của mình và giới thiệu “Đây này, ngoài chào hỏi bố mẹ em, anh còn phải tới hòa nhập với thế giới nhỏ của em nữa nài”. Mình sẽ kể cho anh ấy nghe, rằng chính nơi này đã ôm em vào long và thương em suốt những ngày tháng chật vật, khổ sở nhất giai đoạn trưởng thành của em. Sẽ chỉ cho anh ấy xem, chính góc tường này từng là chỗ dựa cho em từng ấy năm, anh ạ, anh mau cúi đầu cảm ơn nó một cái đi. 

--- 

Mái nhà của mình, bầu trời của mình, ký ức của mình. Có những điều dù viết dài đến đâu cũng không ai hiểu được. Chỉ có mình, và riêng mình - một phần của nơi ấy - mới hiểu tường hiểu tận nổi. 

Và lời cảm ơn, không phải viết ở đây, mà là khe khẽ thủ thỉ lẫn cho tan vào trong gió, rồi theo gió gửi tới bầu trời.


Ảnh: Sưu tầm