(bài viết có thể vẫn còn thiếu chiều sâu về mặt kiến thức, rất mong nhận được sự góp ý đến từ các độc giả, em biết ơn nhiều lắm)
Thời gian là tịnh tiến hay tuần hoàn?
Em đã từng học một định nghĩa rất hay rằng: “Vật chất không tự sinh ra, nó chỉ được chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác”. Một vài ví dụ có thể được nêu ra là chuỗi vòng lặp thức ăn trong tự nhiên, kiểu như nắm cỏ là thức ăn cho cừu, cừu là thức ăn cho sói, và khi sói chết đi, phần xác của chúng phân hủy trở thành một nguồn dinh dưỡng quý giá để phát triển các loại thực vật, trong đó có cỏ, một sự tuần hoàn thật thú vị. Một ví dụ tiếp theo về vòng tuần hoàn là khi em được học môn Kinh tế Chính trị Mác Lê-nin ở trường đại học, đó là bài học của các nhà tư bản, sức lao động của con người được chuyển hóa thành thặng dư, và một phần trong thặng dư ấy lại là nguồn nhiên liệu giúp hồi phục sức lao động để tiếp tục tạo ra thặng dư, rồi cứ thế, chúng ta đã có một vòng tuần hoàn. Nhưng nghĩ đến thời gian, một điều rõ ràng là nó khó có thể nằm trong cái định nghĩa ấy, đa số chúng ta sẽ công nhận rằng thời gian dễ dàng có thể gắn được với từ “tịnh tiến” hơn là “tuần hoàn”, nhưng theo như bản thân em nhìn nhận thì sự “tịnh tiến” mất kiểm soát ấy lại là nền tảng để tạo ra các “Tuần hoàn có ích”, tại sao vậy?
Tuần hoàn có ích là gì?
Em thực sự không biết nên dùng từ “có ích” hay “tích cực” nữa vì dường như dù có dùng từ gì thì cách hiểu của mỗi người vẫn có một cái gì đó khác nhau, nhưng thôi em sẽ gọi là “Tuần hoàn có ích” đi. Mọi người có thể hiểu nôm na rằng, “Tuần hoàn có ích” là một trạng thái vòng lặp mà nó góp phần tạo dựng nên các chuỗi liên kết hỗ trợ cho nhau. Ví dụ như em B được thầy A truyền đạt một kiến thức rất thú vị, ta gọi là kiến thức K, sau này B trở thành một người thành công nhờ kiến thức K ấy, và B quyết định truyền dạy nó cho C, sau đó C lại thành đạt và cứ tiếp tục, tiếp tục như vậy, em có thể gọi nó là một tuần hoàn, mà tuần hoàn đó hoàn toàn có ích. Nói đến đây chắc hẳn sẽ có một số độc giả sẽ đặt câu hỏi rằng nếu như có “Tuần hoàn có ích” thì chắc phải có “Tuần hoàn vô ích” chứ. Thực ra em cũng đã nghĩ đến câu hỏi rất thú vị này rồi, nhưng mà xét theo quy luật “Phủ định của phủ định” trong Triết học Mác Lê-nin em học ở trường thì việc một “Tuần hoàn vô ích” xảy ra trong một dòng thời gian nhất định là bất khả thi, bởi giả sử trong một chuỗi các kết quả kết nối nhau tạo thành tuần hoàn như ví dụ trên, nếu thầy A dạy em B mà em B không thành công thì ông ta sẽ chẳng bao giờ dạy cái kiến thức K vô ích ấy cho C cả, suy ra sẽ không có tuần hoàn nào ở đây hết.
Sự tịnh tiến của thời gian có tác động thế nào trong việc tạo ra các “Tuần hoàn có ích”?
Viết đến đây thì chắc mọi người cũng đã quá hiểu rồi, thì em có thể giải thích ngắn gọn rằng để có thể xảy ra được các “Tuần hoàn có ích” thì đòi hỏi phải có thời gian để bánh xe tuần hoàn được chuyển động. Vẫn theo ví dụ em đã dùng ở trên, sau khi thầy A đã truyền dạy kiến thức K cho B, thì phải mất một khoảng thời gian nào đó thì B mới có thể biến cái kiến thức K đó thành một thành tựu cho bản thân, và B cũng phải mất một khoảng thời gian nào đó thì B mới truyền thụ được các kiến thức tốt đẹp đó cho C được. Từ đó, chúng ta mới thấy được thời gian không vô tâm như chúng ta hay thường nghĩ, thời gian luôn cho chúng ta những cơ hội để được bước vào các “Tuần hoàn có ích” như vậy đấy.
Liệu chúng ta sẽ trân trọng thời gian hơn nếu như hiểu được những giá trị về tuần hoàn mà nó mang lại?
Giả sử như khi em cùng mọi người bàn đến khía cạnh về chính bản thân con người, chúng ta, bằng một lý do nào đó chúng ta được sinh ra và rồi chết đi, nếu không xét đến khía cạnh tâm linh như chuyển sinh, hay rõ ràng hơn nữa là con người giờ cũng không thể nào là một phần trong vòng lặp chuỗi thức ăn tự nhiên được nữa rồi, thì việc sinh ra và chết đi đó là biểu thị cho sự tịnh tiến, và sự tịnh tiến ấy do thời gian kiểm soát chứ không phải con người. Nhưng nếu suy nghĩ kĩ hơn, con người không thể thao túng được thời gian nhưng lại hoàn toàn có thể tận hưởng nó, tận hưởng ở đây chính là những “Tuần hoàn có ích” mà chúng ta tham gia trong cái đường tịnh tiến thời gian đó. Một vị giáo sư họ Bùi từng nói “Có làm thì mới có ăn”, thật vậy, đây là cái “Tuần hoàn có ích” quan trọng nhất mà mỗi người chúng ta phải tham gia vào khi đã có mặt trên thế gian này, nếu không thì làm sao chúng ta có thể tồn tại được mà không có “ăn”. Thời gian trôi khiến cái bụng của chúng ta đói, nhưng trước khi đói bụng, nó vẫn cho chúng ta cơ hội để nấu một bữa cơm ngon, mà để có tiền mua thức ăn, thời gian vẫn cho chúng ta cơ hội để tìm cách học hỏi, trải nghiệm, tham gia thị trường lao động để kiếm tiền, và ở ngoài kia, thế giới bao la còn biết bao nhiêu “Tuần hoàn có ích” đang đợi chúng ta chinh phục. Em tin rằng, nếu con người chúng ta sống một cuộc sống đáng sống, chúng ta bắt chọn từng khoảnh khắc, chúng ta cảm nhận từng giá trị trong cái khoảnh khắc đó, thì chắc chắn thời gian sẽ tìm cách lưu giữ những khoảng thời gian tuyệt vời ấy để trân trọng chúng ta chứ chưa cần đến chúng ta phải trân trọng lại. Thậm chí, nếu chúng ta có thể sống một cuộc đời thật vĩ đại, thì chắc chắn rằng, cái tịnh tiến “Sinh ra-Chết đi” ấy cũng sẽ nghiễm nhiên trở thành một “Tuần hoàn có ích”. Những vị anh hùng dân tộc của Việt Nam hay khắp các châu lục trên thế giới vẫn vang vọng tiếng thơm mà cho đến bây giờ, họ đã để lại cho thế hệ sau biết bao nhiêu kinh nghiệm quý báu, đó chẳng phải là một “Tuần hoàn có ích” sao?
Cám ơn mọi người rất nhiều đã giành chút thời gian quý báu để đọc bài viết ạ.