Những giá trị của ý tưởng sẽ chỉ dừng lại là ý tưởng nếu không được thực thi. Bạn có thể là người hành động và hiện thực hóa tiếp theo. 
Nếu bạn quan tâm tới một ý tưởng tốt, cảm ơn bạn đã quyết định dành 10 phút cho bài viết này.
Photo: Unsplash
2020 là một năm khó khăn với tất cả chúng ta khi mà sự bùng phát bất ngờ của dịch bệnh đã tạo nên rất nhiều giới hạn với toàn thể xã hội. Sự hạn chế về khả năng hành động tuy vậy cũng cho mỗi cá nhân thời gian để nghiền ngẫm và suy xét nhiều hơn, phần nào tạm tách biệt với lối sống hối hả cố hữu của thế kỷ mới. 
Giống như tất cả, thời gian qua mình đã có nhiều thời gian hơn để nhìn nhận lại các công việc, trải nghiệm cũ qua đó phân tích, xem xét những điểm có thể phát triển với bản thân cũng như với chính tính chất công việc ấy. Ba ý tưởng kinh doanh mình sắp trình bày ra đời như thế, không bồng bột nhưng cũng chưa thể bảo đảm về tính chuẩn xác - dựa trên trải nghiệm của một thanh niên đầu 20. Vì vậy, mình thực sự mong có thể thảo luận với mọi người nhiều hơn về những ý tưởng này nếu có người hứng thú. 
Và đương nhiên, ý tưởng là miễn phí, mình cũng sẽ rất vui nếu ai đó có thể nhìn thấy được tương lai của một ý tưởng nào đó ở đây và biến nó thành hiện thực. 
---

1. Một mô hình thành công của giai đoạn hiện nay sẽ cần những đặc điểm gì?

Mình tin có 3 yếu tố mà một mô hình kinh doanh nếu muốn phát triển tốt sẽ cần đáp ứng được ít nhất là 1 trong 3:
Khả năng problem-solving triệt để: Mỗi vấn đề luôn gắn liền với một cơ hội, đó là cơ hội cho người giải quyết được vấn đề đó (Jack Ma). Trong giai đoạn hiện tại, yếu tố problem-solving phát triển hơn nhiều so với khái niệm giải quyết vấn đề cơ bản khi vô hình trung các vấn đề về căn bản đều đã được giải quyết tương đối triệt để. Những nhu cầu như ăn, mặc đã bị áp đảo bởi các thương hiệu lớn và trong tương lai gần vẫn chưa xuất hiện một giải pháp khả dĩ nào có thể thay đổi căn bản câu chuyện ấy. Vì vậy, nó phải là khả năng giải quyết một vấn đề phức tạp thứ đi kèm với tính độc quyền. Sau cùng, đây vẫn cần là lõi của mô hình. 
Vaccine COVID-19, Photo: Economic Times
Ví dụ: Biotech sẽ chỉ có thể phát triển khủng khiếp như hiện tại vì đưa được giải pháp độc quyền dưới dạng sản phẩm là vaccine, giải quyết vấn đề là virus COVID-19.
Tập khách hàng mass: Nếu không thể giải quyết ngay một vấn đề khó/mới một cách căn bản (vốn là cách tiếp cận khó với phần lớn và đòi hỏi những chuyên môn đặc trưng của từng ngành) thì mô hình của anh buộc phải nhằm tới tập khách hàng đại chúng. Các tập thị trường ngách tuy có thể dễ tiếp cận (trong suy nghĩ) nhưng thực tế lại không có khả năng scale tốt cũng như đòi hỏi những yêu cầu đặc thù riêng mà vì vậy càng làm chậm khả năng phát triển mạng lưới. 
Ví dụ: Khi thảo luận cho ý tưởng của một doanh nghiệp N, trước khi đi tới lựa chọn là doanh nghiệp cho thuê đĩa DVD và công ty streaming lớn nhất thế giới sau này, hàng loạt lựa chọn đã bị gạch bỏ trong những cuộc nói chuyện giữa 2 co-founder. Kem đánh răng? Loại bỏ vì người ta không cần mua nó nhiều và mua liên tục. Mũ bóng chày? Mỗi đứa trẻ có thể thích một kiểu mũ khác nhau, quá phức tạp để xây dựng một mô hình sản xuất. DVD ra đời? 
DVD Netflix
Vừa nhẹ, gửi được qua phong bao bưu điện và vốn khởi điểm thấp còn người ta hầu như tối nào cũng có thể xem phim. Thế là Netflix ra đời. (Cre: That Will Never Work - Marc Randolph)
Giải quyết một nhu cầu khổng lồ và liên tục để tạo ra khả năng scale tốt: Yếu tố này thì dần đã hơi hướng về một mô hình khởi nghiệp. Nhưng quả thực, trong giai đoạn fast-paced hiện nay, điều này dường như là yêu cầu tiên quyết để mô hình liên tục “động”. Có điều, bản chất các môi trường và các nhu cầu lại đang là cố định nên người triển khai chỉ có thể tìm các môi trường và nhu cầu có đặc tính như vậy chứ chưa đủ tiềm lực để thay đổi căn bản hành vi người dùng - thứ cần rất nhiều nguồn lực và thời gian.
---
Với những yếu tố trên, mình tin có 3 mô hình kinh doanh đang phù hợp ngay lúc này để phát triển tại Việt Nam. Dưới đây, mình sẽ chỉ ra sự đặc trưng của từng yếu tố trên trong các mô hình. 

1. Mô hình tóm tắt/tổng hợp sách qua video (khả năng problem-solving)

Các báo cáo những năm gần đây về hành vi và suy nghĩ của người tiêu dùng gen Z nói riêng và người trẻ Việt nói chung (tập khách hàng chính của tương lai gần) cho thấy một sự chuyển biến tương đối tích cực về thái độ với các vấn đề như phát triển bền vững, tiếp thu kiến thức và lối sống lành mạnh. Trong đó, nhu cầu tiếp thu học hỏi của người trẻ, đặc biệt là qua các công cụ số đang gia tăng đáng kể (Problem)Tuy vậy, vấn đề hiện tại của các mô hình giải quyết vấn đề này thuộc về rào cản ngôn ngữ, định dạng và khả năng sản xuất nội dung hữu hạn. 
Lấy ví dụ như ông lớn về tóm tắt sách toàn cầu Blinkist, mô hình này với người Việt sẽ đi kèm với hai vấn đề cần khắc phục. Ngôn ngữ chắc chắn là vấn đề dễ thấy và tuy có thể giải quyết dần theo thời gian với việc trình độ ngoại ngữ của các thế hệ sau đang ngày càng được cải thiện. Nhưng vấn đề thứ hai, nằm trong chính bản chất mô hình của DN này thì lại không dễ giải quyết như thế: “Key ideas from…”. Bản chất key ideas (các ý chính) chính là cốt truyện nhưng gần như bị tách khỏi bối cảnh và context, trở thành các gạch đầu dòng, vô hình trung xóa luôn yếu tố storytelling (kể chuyện) ra khỏi các quyển sách. Điều này làm giảm sức hút đáng kể và phù hợp để một CEO đọc lấy các ý chính hơn là một thú vui cho số đông. 
Ngay cả ở các quốc gia như Nhật Bản, xu thế chuyển dịch số cũng đang là không thể phủ định với nhu cầu nghe/nhìn tăng cao. Photo: Unsplash
Bên cạnh đó, yếu tố định dạng truyền tải cũng đang là vấn đề không nhỏ. Hàng loạt các nghiên cứu về hành vi người dùng ngay từ 2018 của Ogilvy đã cho thấy video chính là xu thế định dạng nội dung được ưa chuộng trên toàn cầu. Đây là xu thế vẫn đang tiếp diễn trong những năm qua. So với những định dạng như văn bản hay âm thanh đơn, video thu hút hơn văn bản và số đông giới trẻ hiện tại lại chưa đi tàu điện đủ nhiều hoặc quá “vội” để phải tiết kiệm thời gian qua việc tận dụng từng phút qua việc nghe qua tai nghe. Mô hình tóm tắt/tổng hợp sách qua video này vì vậy sẽ giải quyết được nhu cầu học hỏi (P) bằng một giải pháp trực quan thu hút cùng khả năng tiếp cận phần lớn giới trẻ qua định dạng trên (Solution). Còn nhiều những khó khăn khác, như việc chuyển đổi sự quan tâm thực sự từ các nội dung vô thưởng vô phạt trên mạng đang phổ biến sang dòng nội dung có chiều sâu như sách, nhưng đây sẽ là vấn đề trong cách triển khai. Cuối cùng, nhất định mô hình này sẽ phải có yếu tố Content community-based generate hay được xây dựng và đóng góp nội dung bởi cộng đồng, phần nào có thể liên hệ với Goodreads. Việc xây dựng nội dung không nhất thiết chỉ là tạo các video (thứ thực ra nên được quản lý nhằm đồng bộ hóa chất lượng và quy chuẩn bởi DN) mà có thể gián tiếp qua việc ứng cử nhân sự, đóng góp hệ thống bình luận và quan trọng là để trào lưu tiếp tục “sống”. 

2. Dự án về thị trường thứ cấp/đầu tư trực tuyến (Tập khách hàng mass)

Về cơ bản, mô hình này hướng tới tất cả mọi người, hay cụ thể hơn là những cá nhân có tài chính rảnh rỗi (lại ứng với đúng insight người Việt, đặc biệt là người miền Bắc về thói quen tiết kiệm) và có kết nối với internet, vốn đang là tập khách hàng chiếm đa số trong xã hội. 
"Investing for Everyone", Photo: Bloomberg
Robinhood chính là nguyên mẫu của mô hình này và hãy nhìn xem nó đã thay đổi căn bản thị trường đầu tư mãi mãi như thế nào. Thay vì để “đầu tư” là cái gì đó xa vời, chỉ dành cho những chuyên gia đeo kính cận và lúc nào cũng đầu bù tóc rối, Robinhood xuất hiện cùng châm ngôn nổi bật “Đầu tư cho tất cả mọi người” và thực sự là tất cả mọi người đều có thể đầu tư qua nền tảng này, không cần những đồng vốn khổng lồ. Tuy vậy, vấn đề với mô hình như trên hiện nay là các nền tảng liên quan từng xuất hiện tại Việt Nam như B hay E lại hoặc chưa được hưởng ứng nồng nhiệt hoặc thậm chí bị nhiều người xem là lừa đảo. Vậy họ đã tiếp cận sai như thế nào, giải quyết được vấn đề trên cùng sự đảm bảo về tính chính danh uy tín của một mô hình hợp pháp (như cách Robinson đang làm) thì ý tưởng này sẽ trở nên khả dĩ hơn. 

3. Dự án về Marketing trọn gói (Một nhu cầu khổng lồ và liên tục)

Đã dần qua cái thời nhà nhà Content Marketing, người người Content Marketing với mức lương từ 3-9 triệu. Về cơ bản, khi không ai làm Marketing, chỉ cần làm Marketing cũng đủ biến bạn thành người có lợi thế lớn hơn so với các đối thủ cùng ngành. Nhưng khi ai cũng làm Marketing, chỉ người làm đúng mới có thể có được lợi thế và do đó có hiệu quả từ khoản đầu tư cho từng đồng bỏ ra này. Chính vì vậy, điều này đang dần tạo ra nhu cầu về một “bộ giải pháp Marketing hữu hiệu và trọn gói” có thể áp dụng cho các doanh nghiệp ở cùng lĩnh vực hay ngành hàng. Những thứ mà doanh nghiệp có thể dễ dàng bỏ ra một số tiền cố định để đảm bảo về hiệu quả chất lượng được chuẩn hóa đồng thời giảm thiểu chi phí cố định về nhân sự cứng trong thời điểm dịch bệnh còn đang diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, một điểm tuy nhỏ mà mình nhận thấy (đồng thời sau này mình phát hiện ra cũng được nhìn nhận bởi một số nhà xã hội học khác) là chúng ta đang ngày càng giống nhau với những nhu cầu, thị hiếu và xu thế chung. Điều này là một thực tế và khoan nói về những tác động của nó ở đây, trong vấn đề này, điều này lại càng là một lợi thế để định hình những dạng bộ giải pháp trọn gói có thể áp dụng chung mà không cần tinh chỉnh riêng nhiều. 
Photo: CNET
Food and Beverage (F&B) có thể nhìn nhận như một ngành hàng đang nổi bật với nhu cầu như vậy. Điều quan trọng là ngành hàng này có những đặc tính rất phù hợp để xây dựng một mô hình kiểu trên với đặc tính là có thể đo lường hiệu quả ngay tức thì được, có nhu cầu triển khai cao cũng như sự phát triển nhanh chóng của việc chuyển dịch qua mô hình đặt đồ ăn/uống trực tuyến lại càng giảm thiểu các yếu tố trực tiếp có thể ảnh hưởng tới mô hình Marketing trọn gói. Chính vì thế, tương lai gần sẽ có cơ hội cho sự bùng nổ của kiểu mô hình trên.