Mở rộng thế giới của mình, rồi hãy tìm đam mê
Đây là câu trả lời của giáo sư vật lý Richard Muller của trường Đại học Berkeley cho cậu hỏi: “Lời khuyên gây tranh cãi nào mà mọi...
Đây là câu trả lời của giáo sư vật lý Richard Muller của trường Đại học Berkeley cho cậu hỏi: “Lời khuyên gây tranh cãi nào mà mọi người hay dành cho trẻ nhỏ?”
“Hãy theo đuổi đam mê của mình.”
Đó là một lời khuyên vô cùng phổ biến dành cho người trẻ và theo ý kiến của tôi, đó là một lời khuyên rất tồi. Tôi thì sẽ nói rằng “Hãy đi khám phá!”
Vấn đề ở đây đó là trẻ nhỏ chỉ mới tiếp xúc với một phần nhỏ của thế giới; chúng không biết có gì ở ngoài đằng kia. Khi tôi còn nhỏ, rất nhiều trẻ con ở Bronx ao ước sau này chúng sẽ trở thành giáo viên hoặc là bác sĩ. Tại sao? Bởi vì giáo viên và bác sĩ là nhóm người được giáo dục tốt nhất và đạt được nhiều thành công nhất mà đám trẻ nhỏ biết đến (ở phía Nam vùng Bronx nơi tôi sinh sống, một “doanh nhân” là một người chủ tiệm tạp hóa).
Thế giới thì thật rộng lớn và biết bao điều thú vị, và phần lớn đám trẻ nhỏ lại chỉ mới thấy được khu xóm của chúng thôi. Tôi chưa hề gặp một nhà khoa học, bất kỳ một nhà khoa học nào, cho đến khi tôi vào học Đại học Columbia. Tôi cũng chưa hề gặp bất kỳ một doanh nhân thực thụ nào cho đến khi tôi đi làm thêm mùa hè ở Quận Tài Chính (Financial District) của thành phố New York, nhưng tôi cũng chẳng hiểu được là họ đang làm gì.
Một người bạn tốt của tôi khuyên con gái của cô ấy hãy theo đuổi đam mê và cô gái nhỏ đã làm vậy: cô ấy trở thành một vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp. Tất nhiên là làm thế chẳng có thu nhập gì cả, và điều đó có nghĩa là cô con gái ấy hầu như không thế kiếm đủ tiền cho con đi học đại học. Tôi có biết một người theo đuổi đam mê để trở thành diễn viên múa ba lê. Để kiếm được thu nhập tốt với việc múa ba lê, bạn phải nằm trong nhóm 100 người giỏi nhất nước, người bạn này của tôi giờ chỉ có thể sống dựa trên đồng lương ít ỏi của việc dạy nhảy cho con nít. Đó không phải là một công việc tệ, nhưng đó không phải là điều cô ấy muốn khi cô ấy bắt đầu theo đuổi đam mê.
Tôi thích chơi racquetball. Nhưng tôi có thể chơi racquetball dễ dàng khi tôi là giáo sư vật lý trong khi tôi sẽ rất khó “chơi” vật lý nếu tôi là chuyên ra racquetball. Tôi đã chọn chính xác.
Tôi khuyến khích con trẻ hãy ráng được giáo dục tốt. Vào đại học, chúng hãy khoan chọn ngành học càng lâu càng tốt. Hãy đi khám phá. Hãy đăng ký học những môn chẳng liên quan đến ngành mình học (Sau năm nhất, tôi đã đăng ký học xã hội học và Văn học Nga). Hãy khám phá bên ngoài có gì. Vợ tôi Rosemary học chuyên ngành toán ở đại học, tốt nghiệp và trở thành kỹ sư hệ thống cho IBM, sau đó thì nghỉ việc, đi học lại và trở thành kiến trúc sư. Cô ấy yêu nghề đó và không hề có ý muốn nghỉ hưu. Nhưng làm sao cô ấy khi còn là một đứa trẻ có thể biết được niềm vui cuộc sống đến từ một công việc lạ lẫm này? Cô ấy chưa hề gặp một kiến trúc sư nào cho đến khi tốt nghiệp đại học.”
Bản thân mình thấy lời chia sẻ của giáo sư là rất đúng. Thật nguy hiểm khi khuyên những đứa trẻ 16, 17 tuổi đi theo đam mê thời thơ ấu của chúng, hoặc xúi giục chúng đi theo một giấc mơ chúng tưởng tượng ra từ nhỏ.
Đừng chôn vùi tuổi xuân vào đại học, đèn sách, hãy theo đuổi đam mê.
Hãy theo đuổi đam mê rồi thành công sẽ đến với bạn.
Cuộc sống của bạn buồn tẻ vì bạn chưa có đam mê.
Nhưng.
18 tuổi thì có kinh nghiệm gì mà theo đuổi đam mê cơ chứ? Những đứa trẻ từ nhỏ đến lớn chỉ học, chỉ đọc, chỉ đi từ nhà đến trường, lâu lâu thì đi uống trà sữa với bạn bè, thì biết gì về thế giới ngoài kia mà theo đuổi đam mê?
Mình không phản đối việc theo đuổi đam mê, mà mình phản đối việc theo đuổi đam mê trong khi không có kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống. Trong giai đoạn 20 tuổi chúng ta quá non nớt, chúng ta phải học nhiều, đọc nhiều loại sách, trải nghiệm nhiều thứ thú vị khác nhau, đi làm những công việc khác nhau, đi qua các quốc gia, vùng đất khác nhau, thì chúng ta mới hiểu rõ được mình là ai, khả năng của mình là gì, rồi từ đó mới có đam mê để mà theo đuổi. Bản thân mình đã gặp rất nhiều sinh viên 18, 19 tuổi nói rằng họ không biết họ cần làm gì để thay đổi cuộc sống nhưng họ lại chẳng muốn làm gì mới, họ chỉ ở nhà và làm những việc bình thường, học môn học mà trường giao. Hết.
Mình viết bài này để nói lên ý kiến rằng theo đuổi đam mê mà không có kiến thức, không mở mang đầu óc, trí tuệ, thì mãi chỉ là cố gắng chạy đến đường chân trời.
Nếu mình lớn mà mình không chịu mở mang đầu óc thì thế giới của mình vẫn bị bó hẹp và nhỏ bé và trong thế giới nhỏ bé ấy, thật khó để tìm ra được đam mê mà theo đuổi.
/quan-diem-tranh-luan
- Hot nhất
- Mới nhất