Vì tính chất công việc và học tập mà mình phải đọc rất nhiều, bởi nếu không đọc thì...nó sẽ thốn lắm, bạn biết mà ^^ Nhiều bạn hỏi mình tại sao mình lại đọc được nhiều và có khả năng đọc tập trung như thế, nên nay mình tập hợp lại những kinh nghiệm cá nhân xương máu của mình. Những mong chúng bạn có thể linh động nó theo phong cách riêng của các bạn, cùng khởi đầu năm mới 2018 với tư duy và kiến thức mới nhé.
1. Người dẫn đường là những người bạn đường
Tâm sự nhỏ là hồi xưa ( từ lớp 11 đổ về xuống ) thì mình chả động vào bất cứ một cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa. Nhưng may mắn với mình là những anh chị mình mến mộ ở lớp trên lại rất ham sách. Rồi mình thường xuyên đi mượn sách với lí do duy nhất là làm màu gây ấn tượng ^^ Cuốn đầu tiên mình đọc là "Baghdad rực lửa" và đúng là mình cứ đọc miết đọc hoài nhiều cuốn sau đó ( chỉ để có chuyện ngồi tám xàm le với thần tượng khóa trên ). Mà hay là, đọc miết đọc hoài, thấy tinh thông ngộ đạo nhiều lắm, cảm thấy mình "có não" hẳn ra. Khi đọc đủ nhiều, hiểu đủ sâu để có thể tự nêu quan điểm và tranh luận thì dù nó chỉ đơn giản để tạo ấn tượng với một ai đó; thì chắc chắn tầm tư duy của bạn đã lên một tầm cao mới rồi.
Những anh chị ấy là người dẫn đường, và là người bạn đường. "Bạn chính là trung bình cộng của 5 người bạn thân nhất" là đúng. Hồi ấy lớp mình và bạn bè tầm lứa tuổi mình chỉ đọc ngôn tình (ngôn tình có cái hay và cái đẹp riêng, nhưng cũng phải biết chọn lựa nguồn gốc và nội dung, đáng tiếc là ở độ đó chúng bạn vẫn đọc những chuyện ngôn tình bản thân mình cho là không có giá trị), báo lá cải, k-pop, ngồi tán phét bóc phốt nhan sắc,...Nên mình chọn cách xây dựng network với các anh chị lớp trên. Mình muốn nhắc lại là quyết định này chỉ đến sau khi mình cố gắng đọc nhiều sách hơn ( vì mình đã ngưỡng mộ các anh chị ấy ngay từ hồi thi HSG ) chứ trước đó mình cũng u muội lắm. Vậy là môi trường của mình thay đổi, câu chuyện cuộc sống thay đổi, mối quan tâm thay đổi; mọi thứ chuyển biến rất nhanh theo chiều tích cực và mới lạ. Đó có thể xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình.
2. Đọc thường xuyên và liên tục. Nguyên tắc 20 trang.
Nguyên tắc 20 trang áp dụng khi mình phải đọc những cuốn sách mang nặng tính học thuật hoặc về lĩnh vực mình không thông thạo lắm, hoặc vào những ngày bạn quá bận hoặc mệt. Những cuốn sách hữu ích có giá trị và cần đọc không phải lúc nào cũng khiến bạn "phiêu" như báo đài nói đâu. Chúng ta hãy sống "trần trụi" một chút vậy. Nhưng hãy cố gắng đọc thường xuyên và biến nó thành thói quen của chính bạn.
3. Hãy học cách đọc lướt
Nếu bạn đã từng đọc về tips đọc sách thì chắc đã nghe qua tips này. Mình thường đọc chùa ở Nhã Nam khoảng vài ba tiếng một lần một tuần. Đọc lướt với những cuốn sách mình chỉ cần lượm lặt một vài ý trong đấy để làm tư liệu. Lướt lướt lướt và take note nhanh lại. Đọc lướt cũng áp dụng cho đầu sách mình chưa từng nghe tên nhưng có chủ đề mình quan tâm, đọc phụ lục, mục lời đề tựa trước và sau sách để quyết định có nên đọc tiếp hay không giúp bạn tiết kiệm được cả khối thời gian đấy.
4. Đọc sách mượn và đọc "chùa" ở các nhà sách
Cái này thuộc về tâm lí. Đọc sách mượn sẽ mang tâm lí phải đọc nhanh và "hấp hối" nhất có thể để còn đi zả sách; đọc ở nhà sách cũng vậy =)) Dù Nhã Nam welcome có cả chỗ ngồi đọc sách nhưng mình vẫn mang tâm lí "không đọc nhanh sẽ bị đuổi" (dù sẽ không bị đuổi) hoặc "trong lòng cảm thấy áy náy vì đọc chùa mà có khi chả mua cuốn nào". Kiểu đọc này khiến bạn tập trung hơn, và đối với sinh viên đây là cách để tiết kiệm chi phí thay vì mua sách lậu giá rẻ hoặc ebook vi phạm bản quyền tác giả. Nếu có điều kiện hãy cố gắng mua sách ủng hộ tác giả nhé! Cơ mà những lần đấy nếu không đủ tiền mua sách mình thường mua bút chì hoặc bút highlight để "tâm hồn thanh thản", lần sau còn mặt dầy đi đọc chùa tiếp.
Còn một lí do nữa là sách mượn thì phải đọc để đi zả nhưng sách mình mua thì lúc nào đọc chả được (nên sách mua có khi để mốc đấy chả đọc xong đâu). 
5. Hãy takenote và học bình, tranh biện bằng tư duy của bạn.
Cái này hơi đau não và mất thời gian một chút nhưng khiến bạn tiến bộ rất nhiều. Cái này thuộc về phần đọc sâu. Nếu là sách của mình, mình thường hightlight bằng bút dạ và ghi lại trên giấy note các ý cơ bản. Còn nếu là sách mượn thì mình dùng giấy phân trang nhiều màu dính lại ở những chỗ mình thích, cần bình; takenote ý chính lên giấy note. Cũng tùy, nếu bạn muốn đọc liền mạch thì có thể đánh dấu lại rồi đọc xong cả quyển sẽ type lại trên máy tính và bình. Còn có thể đọc đến đâu bình đến đấy. Cái này là tùy phong cách mỗi người nhé.
6. Đọc ở những nơi có tiếng ồn và yên tĩnh tùy loại sách
Tùy loại sách mà mình đọc ở những môi trường khác nhau. Sách cần tư duy và phân tích nhiều, sâu thì mình ưa đọc ở chỗ yên tĩnh. Còn sách để đọc lướt, đọc nhanh, đọc lượm ý, sách self-help...thì mình thích đọc ở chỗ ồn như quán cafe hay trong lớp học. Vì môi trường xung quanh ồn ( theo kiểu tiếng ồn trắng ) khiến mình tập trung hơn vào nội dung cuốn sách, và mình cũng đọc nhanh hơn.
7. Tránh những thứ gây xao nhãng: kể cả đồ ăn
Nhưng đừng quên nước nhé. Nước khiến bạn tỉnh táo và dễ tập trung hơn. Nước còn giúp não hoạt động tốt hơn trong việc ghi nhớ và sáng tạo nữa. Còn lí do tại sao không dùng điện thoại hay máy tính có kết nối wifi thì các bạn đã biết nhé ^^
8. Đọc sách giấy
Đọc sách giấy giúp bạn ghi nhớ lượng thông tin nhanh và nhiều hơn đồng thời bảo vệ mắt, hạn chế căng thẳng và kích thích não tư duy. "Mắt là cửa sổ tâm hồn" mà. À nhớ là đọc trong điều kiện ánh sáng đủ nha!
9. Đọc theo chủ đề, theo tác giả hoặc chỉ đơn giản là theo thứ tự trong nhà sách
Bạn nên có danh sách của riêng mình. Bản thân mình thường chọn chủ đề theo từng tháng và đọc chuyên sâu về chủ đề đó. Có khi thì là đọc theo tác giả (mình thích tác phẩm của Sidney Sheldon). Hoặc thậm chí đọc theo thứ tự sách được xếp trong nhà sách. Chỗ mình ngay gần Nhã Nam, nên mỗi khi tắc não, không có định hướng mình sẽ đi theo thứ tự những cuốn sách được xếp trên giá (tất nhiên là trừ những cuốn có nội dung không thực sự có giá trị với mình)
10. Hãy tận dụng thời gian
Thời gian là vàng ngọc nên đừng lãng phí nó. Sách là công cụ để bạn làm được những điều khác lớn lao hơn; hoặc nó là công cụ để bạn thư giãn tinh thần. Nhiều người đổ lỗi rằng họ quá bận rộn nhưng thực tế là học đã bỏ qua nhiều thời gian chết mà không hay biết. Thời gian chờ đợi, di chuyển, giờ giải lao, giờ đi vệ sinh,... dù chỉ là 5-10 phút nhưng nó có thể tạo tác động lớn. Mình thường nghe audio lúc trên xe hoặc đọc những bài ngắn trên medium hoặc https://www.ubrand.global/growing. Ubrand có rất nhiều bài đọc tích hợp vô cùng hữu ích mà không tốn quá nhiều thời gian.
11. Tạo thói quen mang sách đi mọi lúc mọi nơi.
Một lần nữa hãy nhớ lại điều 10. Không phải lúc nào bạn cũng biết là mình có thời gian rỗi chẳng phải làm gì đâu. Ví dụ như thầy cô vào lớp muộn, thầy cô cho về sớm trong khi bạn có giờ học ngay ca tiếp theo,...Có lần mình ra bến xe để chờ lấy hàng, nhưng vì tắc đường nên xe đến muộn so với giờ thông báo 2 tiếng lận. Chỗ mình ở cũng xa bến xe nên đành ở đấy đợi, cũng may là lúc đó mình có mang cuốn "Cô gái trong nắng" của Koshigaya Osamu và mình đã đọc một lèo.
12. Nếu có thể, hãy cố gắng đọc trọn vẹn cuốn sách mà bạn đã bắt đầu dù là đọc lướt.
Nhiều người khuyên, kể cả các tác giả lớn là không nên lãng phí thời gian để đọc một cuốn sách mà mình không thích hoặc không cảm thấy hữu ích sau một vài chương đầu tiên. Cũng có nhiều bạn dành thời gian đọc thấy  chán rồi bỏ dở chẳng quan tâm kết thúc nó như thế nào. Kinh nghiệm cá nhân mình cảm thấy điều này không thực sự đúng. Ở mục 11, "Cô gái trong nắng", mình chật vật mấy hôm liền chỉ để đọc đến chương 4 vì nó quá chán (với mình). Hôm đấy ra bến xe lấy đồ nên tiện đường về mình tính zả cho đứa bạn. Ai ngờ có sự cố trễ chuyến, đành lôi cuốn đấy ra đọc giết thì giờ. Đầu tiên mình đọc vài đoạn ở chương cuối. Tự nhiên thấy thú vị, và đặt ra nhiều câu hỏi về câu chuyện. Vậy là mình quay trở lại đọc lại từ đầu, kết nối các dữ kiện lại với nhau, và đọc một lèo đến hết cuốn ấy. Lúc đọc xong mình thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng đã không bị lỡ mất một cuốn sách hay

Đây là chỗ mình thường lui tới mượn và đọc sách. Quán có nhiều cây và thực phẩm hữu cơ phù hợp với những bạn có nếp sống lành mạnh và muốn trải nghiệm vị giác đúng chất fresh and pure của nó. Quán không có nhiều người và cũng không muốn có nhiều người biết đến. Mọi thứ ở đây an yên, không xô bồ, không theo trend. Mọi thứ ở đây đều dễ thương và do các chị tự tay làm hết. Nếu bạn quan tâm về giới, quyền con người, tâm lí học...(có rất nhiều sách ngoại văn về cùng chủ đề) thì có rất nhiều đầu sách cho bạn nhé, hoặc bạn có thể mang sách đến. Nó là một góc rất khác của Hà Nội, một góc mà nếu bạn không tinh mắt, không đủ chậm để nhận ra, thì bạn dễ dàng bỏ lỡ mất.
Ngoài những sách đọc để thu thập tư liệu kinh tế làm bài tập trên lớp, thì mình vẫn tiếp tục theo những năm trước là cố gắng đọc một cuốn một tuần, và đọc sâu. Sách dày tầm 600 trang. Còn nếu sách mỏng hơn có thể đọc 2-3 cuốn tùy nội dung sách có khó hay không. Mình sẽ cố gắng review những cuốn mình đọc hàng tuần. Tuần này mình đọc "Tư duy nhanh và chậm" của Daniel Kahneman. Khá dày ^^
Nếu bạn đủ thích và đủ yêu nó, thì dù có bận rộn đến đâu, bạn vẫn luôn có thời gian cho nó. Nhớ nhé!
Đọc thêm: