“Năm đó tôi mười chín tuổi, là gã sinh viên trong đầu chất đầy mộng mơ thi ca.”
Đây không phải là một quyển sách du kí, bày ra trước mắt người đọc những viễn cảnh thúc giục người ta xách ba lô lên và đi. Đây chỉ là những trang viết của hoài niệm, của tình yêu quá vãng, của tiếng thở dài trong những tâm hồn cùng mơ về xứ sở mù sương.
Đà Lạt của Nguyễn Vĩnh Nguyên là một Đà Lạt bình lặng ẩn sâu dưới những thêu dệt xinh đẹp người đời mặc định lên nó. Có khi chỉ là một thoáng thức giấc giữa cơn mơ màng của chàng sinh viên nằm co trên căn gác mùa đông, chợt nghe giai điệu “Người đi qua đời tôi” rót ra từ chiếc radio cũ kĩ. Là tiếng đọc thơ u uất của thằng bạn thất tình. Là cái níu chân của dặm đường đất đỏ mùa mưa. Là hồi chuông rỉ sét như mang sắc thái và tâm tình. Những quán xá biếng lười cố hữu và trầm tư cũng cố hữu. Cả những “người khùng”, khùng và mộng tưởng đến mức kẻ khác phải ghen tị. Là tuổi trẻ ngông ngênh đổ dài trên thơ, tình và hơi men...Tác giả không dẫn ta đi thăm thú Đà Lạt, mà đưa ta vào tâm hồn của thành phố vốn luôn sâu thẳm dưới sương mù ảo mộng.
Một cuốn sổ tay ghi giữ những tản mạn suy tư về Đà Lạt những lần trở về, có khi bừng sáng khi quay ngược hồi ức, có khi lắng lại tiếng thở dài nuối tiếc những đổi thay rồi tự buồn cũng tự ủi an “không phải lỗi của thành phố”. Là tình yêu cho đất cho người cứ cố gắng phủi phui đi mà lại hiện lên khó chối cãi qua từng câu chữ. Cả những triết lí tư lự hẳn là bị thẩm thấu từ chính cái vùng đất đầy tư lự ấy.
“Trong phút chốc, họ hóa thân thành một vườn tượng để minh chứng rằng thành phố này, góc quán này đang vào thời cao điểm của Dịch Bệnh Suy Tư.”
“Những cơn mưa dài ngày thường làm cho người ta quên rằng mặt đất này, cuộc sống này đã từng có lúc gồ ghề.”
“Như những kẻ lưu đày, chúng tìm hạt cỏ giữa vùng đất mà chỉ hoa mới được tôn vinh.”
Lời văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên không trục xuất được làn hơi duy mỹ của Đà Lạt, lãng đãng, thâm trầm, và đẹp. Lời văn của một tâm hồn đã ướp tuổi trẻ của mình trong khí lạnh của núi đồi ngàn thông, trong trong trẻo thiên nhiên, trong tĩnh lặng và ngẫu hứng của thành phố “không bao giờ cạn nguồn dưỡng chất tình yêu và sự bay bổng cho những cư dân và nghệ sĩ của mình”.
Gấp sách lại và mơ đến Đà Lạt, nhưng không phải để khám phá hang cùng ngõ hẻm của phố núi mộng mơ. Mà chỉ để được thức giấc trong một căn gác nhỏ mùa đông, và nghe “Người đi qua đời tôi” da diết trong giấc mơ màng…