Dạo này do phải làm việc với nhiều tài liệu về lịch sử xuất bản và in ấn của Trung Quốc, trong đó có nhắc khá nhiều tới việc in ấn và biên soạn sách giáo khoa quốc sử, mình tò mò lây sang cả Việt Nam, cũng tự hỏi là không biết trong nền giáo dục truyền thống của Việt Nam (giáo dục Nho học), việc giảng dạy và biên soạn sách giáo khoa quốc sử ra sao?. Nên quyết định tìm hiểu một chút, nếu bài viết này không có gì mới hoặc có sai sót mong mọi người góp ý và bổ sung.
*********************************
1) Định nghĩa căn bản
- Sách giáo khoa: sách soạn theo chương trình giảng dạy ở trường học. ([29]tr 843).

- Tuy nhiên, định nghĩa trên quá ngắn gọn nên chúng tôi tự bổ sung định nghĩa cho phù hợp với bài viết như sau. Sách giáo khoa về quốc sử là loại sách được các cá nhân, nhà nước biên soạn dùng trong phạm vi các cơ sở giáo dục tư nhân và nhà nước, để giúp cho người đi học nắm các kiến thức cơ bản về lịch sử Việt Nam.

- Về phạm vi: giới hạn tìm hiểu của chúng tôi là trong nền giáo dục truyền thống của Việt Nam, tức nền giáo dục Nho học, với mốc là từ năm 1070 tới 1917. Trong nền giáo dục Nho học trải dài hơn 1000 năm thì tồn tại song song 2 hệ thống là các trường tư do các văn thân, nho sĩ mở tại tư gia, hay trường do các làng mở rồi mời các thầy giáo về dạy. Các trường công do nhà nước mở, bắt đầu từ cấp huyện, do huấn đạo phụ trách, cao hơn là trường cấp phủ do giáo thụ phụ trách, trường cấp tỉnh là do đốc học phụ trách, cao nhất là Quốc tử giám ở kinh đô do Tư nghiệp, Tế tửu quản lý. Sau khi nước ta Pháp thuộc (1884), mô hình giáo dục kiểu mới được áp dụng đồng loạt từ những năm 1907, giáo dục Nho học vẫn tồn tại song song, tới tận năm 1917, khi việc dạy chữ Hán – Nôm bị bãi bỏ trong hệ thống giáo dục thuộc địa, thì về căn bản nền giáo dục Nho học nước ta mới chấm dứt.

- Ở bài viết này chúng tôi không đề cập đến các bộ sách lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục… vì những bộ sách này vốn không được làm ra với mục đích khoa giáo trong trường học, đối tượng dùng chúng khá hẹp, xa nhất cũng chỉ có thể dùng làm tài liệu tham khảo thêm trong quá tình học tập cũng như các hoạt động học thuật hàn lâm. Vì hẳn nhiên đầu tiên các sách này được soạn ra vì mục tiêu hàn lâm, sau là đến mục tiêu chính trị và mang tính chất nghi thức, điển chế, mô phạm.

- Trong phần biểu dâng sách của "Đại Việt sử ký toàn thư", Ngô Sĩ Liên viết “sách làm tin là điển lớn của nhà nước để ghi chép quốc thống lúc lìa lúc hợp, để tỏ rõ sự trị hóa khi thịnh khi suy. Ấy là muốn treo gương răn cho đời sau, há chỉ chép cơ vi về dĩ vãng” ([13]tr 71), trong bài tựa của phần tục biên, Phạm Công Trứ lại viết “Vì sao mà làm quốc sử? Vì sử chủ yếu là để ghi chép sự việc. Có chính sự một đời tất phải có sử của một đời. Mà ngọn bút chép sử giữ nghị luận rất nghiêm, ca ngợi đời thịnh trị sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, lên án kẻ loạn tặc thì gay gắt như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn, quan hệ đến chính trị không phải là không nhiều. Cho nên làm sử là cốt để cho được như thế” ([13]tr78)

- Đây lại những bộ sách này có dung lượng lớn, thời gian viết dài, ví dụ bộ Đại Nam thực lục, thì thực lục của các đời vua trước được soạn ra bởi đời vua sau.Từ đó việc tiếp cận các bộ sách này cũng không hề dễ dàng, nhà nghiên cứu C.B. Maybon vào cuối thế kỷ 19 – đầu 20 từ thực tế đã nhận xét về những bộ sách sử lớn của nước ta là “khó kiếm lắm, chẳng có có mấy người An Nam được xem, mà cũng chẳng có mấy người được trông thấy sách ấy” ([2]tr i-iii)

- Việc tìm hiểu về sách giáo khoa quốc sử (sgkqs) sẽ cho chúng ta biết rất nhiều về việc giáo dục lịch sử dưới thời kì phong kiến của nước ta.

2) Chi tiết

a) Trung Quốc

Dù muốn dù không, thì chúng tôi  vẫn phải trình bày ngắn gọn về sgkqs của Trung Quốc trước, vì nền giáo dục Nho học của Việt Nam vốn học tập từ Trung Quốc và bài viết này gián tiếp ra đời từ việc nghiên cứu ở phía Trung Quốc.

Trước tiên, có thể khẳng định Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trong trên thế giới biên soạn sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa lịch sử nói riêng, ngay từ thời Chu (1122 - 249 TCN), mà cụ thể hơn là đầu thời Tây Chu, với việc có 5 trường học cấp quốc gia dạy lục nghệ, từ đó những dạng sơ khai của sách giáo khoa đã được hình thành. ([9]tr 67, 68)

Hoặc ví dụ khác là việc vào khoảng thế kỷ thứ 6 TCN, Khổng Tử đã san định Kinh Xuân Thu, ban đầu có mục tiêu là cho các đế vương đọc, rồi sau này trở thành bộ sách giáo khoa bắt buộc của các đệ tử Nho gia ngay trong thời Chiến Quốc (476 – 221 TCN), chứ chưa cần đợi đến khi Hán Vũ Đế độc tôn Nho học.

Bắt đầu từ thời Bắc Tống (960 – 1127), với việc hệ thống giáo dục khoa cử được hoàn thiện và mở rộng, các phát minh mới về kỹ thuật in ấn mộc bản, cũng như sự xuất hiện của các đô thị lớn với dân số có lúc lên tới hàng triệu người, thì việc in ấn sách vở thư tịch nói chung và sách giáo khoa quốc sử nói riêng cũng phát triển mạnh mẽ.

“Tục Tư trị thông giám trường biên”, có ghi nhận, vào năm 1005, Tư nghiệp Quốc tử giám ở Biện Kinh đã nói về sự phát triển này, đại ý theo đó khoảng đầu đời Tống, số sách vở ước chừng chỉ vào khoảng trên dưới 4000 bản, nhưng tới nay (năm 1005) thì riêng sách kinh sử ước chừng đã lên đến hàng trăm vạn, khắp các châu quận đều có; thời nhỏ đi học, chỉ khoảng 1 đến 2 phần 10 số sĩ tử là có đủ sách vở để học, nhưng tới nay, thì sách vở đã cực kỳ phong phú dồi dào, từ sĩ tử đến cả nhà thường dân, nếu muốn đều có thể có các sách kinh sử, quốc sử, tập lục… ([10]tr 1333 – 1338).

Nói tóm lại, việc biên soạn và in ấn sách giáo khoa quốc sử ở Trung Quốc ra đời từ rất sớm, được duy trì liên tục trong suốt lịch sử.

b) Sách giáo khoa quốc sử (sgkqs) ở Việt Nam.
Việc tìm kiếm thông tin về sgkqs trong chương trình giáo dục Nho học của nước ta tương đối khó khăn với chúng tôi. Vì trước hết, tư liệu của nước ta đề cập không nhiều tới nội dung cụ thể của các chương trình học; thứ hai, chúng ta không có nhiều các tài liệu về thư mục sách, và chúng khá khó tiếp cận (ít nhất trong phạm vi của mình). Do đó, chúng tôi đành tiến hành khảo cứu theo biện pháp “thủ công” nhất, đó là xem xét tất cả mọi dạng tài liệu lịch sử trong phạm vi có thể.

b.1) Trước thời nhà Nguyễn

Các tư liệu lịch sử cho chúng ta quá ít thông tin về việc có sự xuất hiện của sách giáo khoa Nam sử hay Nam sử được dạy trong chương trình dạy học Nho giáo trước thời Nguyễn. Ngay cả phần sách Kinh sử trong Văn Tịch chí của Lịch triều hiến chương loại chí, thì các sách trong này phần nhiều vẫn là Bắc sử, sách liên quan đến Kinh điển Nho gia và các bộ Quốc sử.
Chúng tôi chỉ ghi nhận được một số thông tin như sau
Vào thời Trần, đời Trần Phế Đế.
“Quý Hợi, năm thứ 7 (1383)….Mùa đông, tháng 12, Chiêm Thành dẫn quân về. Thượng hoàng ở cung Bảo Hòa , sai Thiêm tri nội mật viện sự Nguyễn Mậu Tiên, Lễ bộ lang trung Phan Nghĩa và gia thần Vũ Hiếu hầu (không rõ tên) ở Tiên Du thay phiên nhau chầu chực. (Thượng hoàng) ban cho ăn và hỏi các việc cũ, ghi chép từng ngày, biên soạn thành 8 quyển, đầu đề là Bảo Hòa dư bút, sai Đào Sư Tích đề tựa ở đầu sách để dạy bảo Quan gia.” ([14]tr 409, 410)

Vào thời Lê Sơ, đời Lê Chiêu Tông
“Canh Thìn,  năm thứ 5 (1520)…Mùa hạ tháng 4…Sai Lễ bộ thượng thư kiêm sử quan phó tổng tài tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục Đặng Minh Khiêm biên soạn Đại Việt lịch đại sử ký (Minh Khiêm người huyện Sơn Vi, tự đặt hiệu là Thoát Hiên tiên sinh, có bộ Việt giám vịnh sử thi tập lưu hành ở đời).”([14]tr 809, 810)

Tuy nhiên, cả 3 tài liệu nhắc tới ở trên gồm Bảo Hòa dư bút , Đại Việt lịch đại sử ký, Việt giám vịnh sử thi tập hiện đều đã không còn, chỉ có thể chắc chắn là cuốn Bảo Hòa dư bút là sách giáo khoa lịch sử vì dùng để dạy cho Quan gia, mặc dù phần Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú lại xếp Bảo Hòa dư bút vào mục Truyện ký ([20]tr 503)

Tiếp tục tiến hành khảo cứu trong phần Văn tịch chí của Lịch triều hiến chương loại chí cũng như trên danh mục di sản Hán – Nôm của Viện Hán Nôm, chúng tôi tìm được thêm một số thông tin như sau.

- Tác giả Đặng Minh Khiêm, cũng vào năm 1520, có hoàn thành thêm tác phẩm “Thoát Hiên vịnh sử thi tập” , viết bằng thể thơ thất ngôn đoản thiên và trường thiên, theo như bài đề tựa của tác giả thì “Được thấy toàn tập chỉ có Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký của Phan Phu Tiên, Việt điện u linh tập lục của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp mà thôi. Dưới sự ghi chép của những tác phẩm ấy, mở ra mà duyệt đọc, tàng trữ mà khảo cứu và dựa theo đó mà ca vịnh, ngày qua tháng lại tích luỹ được một số bài góp thành toàn tập, chia thành ba quyển. Nhân đây ta đặt cho nó một số phàm lệ rồi ghi một số việc vào đó để tiện xem xét…. đối với việc truyền thụ và học tập của gia đình, về tư liệu sử học chưa hẳn là không có phần nào bổ ích.” ([3]tr 12). Như vậy, tác phẩm vịnh sử này có ít nhất 1 mục đích là dùng để cho việc giáo dục trong gia đình, có thể tạm xếp vào hạng sgkqs.

- Năm Cảnh Hưng thứ 38 (1787), tiến sĩ Bùi Dương Lịch có biên soạn sách “Bùi gia huấn hài”, theo thể đối nhau có vần, bằng trắc xen nhau, mỗi câu 4 chữ, gồm 2000 câu. Với nội dung và mục tiêu như chính ông nói là “tóm tắt những điều cốt yếu, trên từ việc sinh ra trời đất người vật, tiếp đến thứ tự các đời đế vương, kể rõ sự tích nước Việt ta lúc chia lúc hợp, rồi đến truyền thống về đạo học, sau cùng đến phương pháp học của trẻ con, đều chọn lọc trong những lời của các tiên nho đã phát minh và giảng rõ…” ([20]tr 520, 521).

- Trong phạm vi khoa cử, tìm kiếm trong các sách Kiến Văn tiểu lục – Quần thư khảo biện của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt khoa cử kính của Nguyễn Văn Đào…thì cho thấy trong khoa cử nước ta các đề thi hỏi đến lịch sử đã có nhưng chỉ nói rất chung chung, thường là chỉ sử Bắc và kinh sử Nho gia nói chung. Hãn hữu trong các đề thi văn sách khoa cử có nhắc tới nội dung quốc sử.

- Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” có ghi nhận năm 1396 thời Trần Thuận Tông, khi định lệ thi cử nhân trong trường thi thứ 4,thí sinh phải làm bài văn sách “ra đề về kinh sử, thời vụ, 1000 chữ trở lên” ([19]tr 12)

- Tới năm 1462 và 1472 đời Lê Thánh Tông khi quy định cách thức thi cử đều có nhắc tới việc vào trường tư thi văn sách đề ra về kinh sử, thời vụ, chính sự các đời hay dở. ([19]tr 14, 16) .
- Khảo cứu tiếp nội dung của các đề và bài thi văn sách, thì kết quả chúng tôi nhận được cũng không khả quan, vì vẫn rất ít đề thi hỏi về quốc sử nước ta, mà nếu có nhắc đến thì cũng thường không hỏi sâu hay yêu cầu người làm bài có kiến thức rộng về quốc sử.

- Dưới đây là một vài ví dụ về các bài văn sách thi Đình đề cập đến quốc sử và việc đương đại.
+) Bài văn sách thi Đình khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) thời Lê Thái Tông, có đoạn hỏi “Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta dành được thiên hạ nhiều lần hạ chiếu cầu hiền mà không một người ứng tuyển, còn bọn Hãn, Xảo ngầm chứa gian tâm. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay gắng lòng tìm cách trị nước thế mà hiệu quả của việc được người vẫn mênh mang, mờ mịt, bọn Ngân, Sát thì gian ác chứa chất, sao quân tử khó được, tiểu nhân khó biết thế?” ([4]tr 80)

+) Đề văn sách thi Đình khoa thi năm Quý Mùi (1463), thời Lê Thánh Tông có đoạn “Nhà nước ta thiết lập quan, phân chia chức, lớn nhỏ cùng mối, trong ngoài nối nhau. Giữ việc cơ mật có Nội mật viện; trấn giữ các miền có Ngũ Đạo quan; xử kiện tụng có Ngũ hình viện… Tất cả những việc ấy đặt ra thẩy đều vì dân cả. Thế mà mọi việc chưa hưng được sáng tỏ, hình ngục còn lạm, kỷ cương chưa giữ gìn, lễ nhạc chưa hưng thịnh, nhân tài chưa phát triển, của cải chưa phong phú, hàng hóa chưa lưu thông, đức trạch chưa thấm nhuần, quân dân còn oán thán, tệ xấu chưa trừ, việc tốt chưa thấy, là cớ tại sao?” ([4]tr 104).

+) Đề bài văn sách thi Đình năm Tân Sửu (1661), đời Lê Thần Tông có đoạn “Các việc trên, việc làm của các đời Đường, Ngu, Tam đại, Hán, Đường, Tống, Đinh, Lý, Trần, quả có điều được, điều mất, đáng bàn chăng?” ([16]tr 555).  

+) Đề bài văn sách thi Đình khoa thi năm Nhâm Thân (1752), thời Lê Hiển Tông có đoạn “Nước Việt ta từ đời Đinh Lý Trần, nề chính thống đã được kế tiếp, sở dĩ có nguyên tắc nắm giữ, đều do có chế độ của từng nhà, công lao trị nước có ưu có liệt, năm tháng nắm giữ chính quyền có gần có xa, khí vận đâu phải không đồng đều? Hay là việc thực thi không xứng đáng” ([5]tr 582)

- Trong nền giáo dục Nho học truyền thống, mục tiêu chính của người đi học là đi thi, nếu các đề thi ít quan tâm tới quốc sử thì người học cũng sẽ ít quan tâm và hoàn toàn có thể dẫn đến việc ít có sgkqs hay Nam sử được dạy.

Dựa trên những gì tìm được, chúng tôi tạm kết luận, trước thời nhà Nguyễn, việc giáo dục Nam sử trong nền giáo dục Nho học của nước ta không chú trọng lắm vào nội dung Nam sử, mà chú trọng vào kinh điển Nho gia và Bắc sử nhiều hơn, các sgkqs nếu có cũng là chủ yếu là các tập sách vịnh sử, diễn ca lịch sử, vốn có tính chất văn học nhiều hơn sử học.

Ta cũng có thể biết được tình trạng dạy và học Nam sử trong giáo dục Nho học qua một số đánh giá trong chính các tài liệu lịch sử.

Như trong "Lịch triều hiến chương loại chí" có ghi lại lời của Tĩnh đô vương Trịnh Sâm (1739 – 1782) về tình trạng khoa cử đương thời “Học trò làm văn chỉ vụ nông nổi dễ dàng để vừa ý quan trường cho là hay. Về quốc sử và thời vụ cũng chỉ biết qua loa, trả lời cẩu thả, không có gì là thực dụng đáng kể, cũng không có gì là tư tưởng khả quan.” ([19]tr 34)

Chỉ dụ hạ lệnh biên soạn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của vua Tự Đức “Gần đây, việc học quốc sử, chưa ra mệnh lệnh, bắt phải gia công, cho nên học trò đọc sách hoặc làm văn, chỉ biết có sử Trung Quốc, ít người đói hoài đến sử nước nhà! Việc đời cổ đã lờ mờ, lấy gì làm kinh nghiệm cho việc đời nay? Ở Trung Quốc, về đời Xuân Thu, có những câu ‘Tịch Đàm quên mất tiên tổ’ và ‘Bá Lỗ sẽ phải suy tàn’. Những câu nói ấy chính là bệnh thông thường của học giả ngày nay. Đạo học sở dĩ chưa được sáng tỏ, nguyên nhân chẳng phải vì sử cũ chưa được đầy đủ đó sao?”. ([27]tr 18).

Tác giả Hoàng Đạo Thành trong lời tựa của “Việt sử tân ước toàn biên” (1906) thì viết “Bao đời nay trường học dạy dỗ học trò, khoa cử lựa chọn người tài, ngoài kinh truyện ra thì quốc sử cũng chỉ nhắc đến sơ sơ mà thôi. Đó thực là sai lầm lớn nghìn năm của học giới.” ([8]tr 2b)  

Hoàng Cao Khải viết trong “Việt sử yếu” rằng “các nhà giáo đều lấy Bắc sử làm chương tình giảng dạy ở học đường. Các ban giám khảo cũng đều lấy Bắc sử làm đề mục kén chọn sĩ tử. Lịa như thời nhà Lê trước đây mở khoa thi Đình để lấy hàng Tiến sĩ là việc rất hệ trọng của Chính phủ trong công cuộc kén chọn nhân tài, mà một thiên văn sách cũng cứ thiên trọng Bắc sử. Trong đề mục bài vấn đáp, người ta toàn nhắc đến các điển tích cũ về các đời vua Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, các nhà Hà, Thương, Chu, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh đến hàng vạn lời.Trong khi đó, những việc nước, người ta chỉ hỏi qua loa có vài lời chiếu lệ thôi” ([7]tr 16).

b.2) Giai đoạn độc lập của nhà Nguyễn (1802 – 1884)

Nhà Nguyễn là triều đại đầu tiên bắt đầu quan tâm tới việc biên soạn sgkqs và đưa vào chương trình học. Lần đầu triều đình nhà Nguyễn nhắc tới vấn đề này là vào Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837).

Theo “Đại Nam thực lục” thì “Ngự sử đạo Ninh - Thái là Nguyễn Văn Đạt, dâng sớ lên xin sưu tập các truyện ký phong vật đời trước làm ra, xem xét sửa lại thành sách, và chính thể của bộ, viện, đều biên chép thành pho. Lại xin đầu bài thi chuyên lấy Kinh Truyện và tập văn của các nhà ghi chép trong Nam sử làm câu hỏi chính, Bắc sử làm dẫn giải phụ thêm, ngõ hầu lời nói việc làm thuở trước của nước ta, không đến nỗi mất, mà sĩ tử đều có thực dụng.
Vua bảo rằng : “Sưu tập truyện ký phong vật đời trước làm ra, thực là việc hay, về văn hiến, trẫm vẫn thích nghe, đã sắc cho các địa phương đi khắp tìm hỏi, lại sai các nha đem tất cả thể lệ, phân từng loại, biên chép thành tập, để rõ chính thể trị nước của đời thịnh, nhưng các việc ấy, vốn không phải là hằng năm, hằng tháng có thể làm được, chậm đến 10 năm không hại gì, huống chi nay việc cần phải làm, vẫn phải cố gắng, lần lượt cử hành, đối với việc có thể hoãn được, chưa có thì giờ mà thôi. Còn như đầu bài thi, xin hỏi về Nam sử, xét ra Sử ký về đời trước của nước Việt ta, phần nhiều không chép đúng, lầm lẫn còn nhiều, còn phải 1 phen sửa lại, mới rõ là sử đúng, nếu vội vàng làm đầu bài cho học trò thi, cũng chưa là thích hợp. Vậy sai bộ Lễ xét kỹ bàn lại, tâu lên. Đến khi lời bàn dâng lên, cho là từ trước đến nay, trong ngoài có tiến dâng thơ văn ghi chép, thì đều đã nêu thưởng, xin đợi sau chọn sai văn thần trông coi việc ấy, lại tìm hỏi thơ, văn từ phú của các nhà làm ra từ đời trước và các ghi chép về nhân vật, sự tích, sơn xuyên tiếp tục đệ lên, nhưng chia từng môn, định từng loại, làm thành quyển, thành pho trình dâng. Còn chính thể các bộ, viện, phải đợi sách Minh Mệnh chính yếu làm xong, rồi sau sai quan làm Hội điển tắc lệ để tỏ bảo sau này. Duy sử nước Việt đời trước ghi chép phần nhiều sơ lược, tự Lê trung hưng về sau, quyền thần cướp quyền, gươm Thái A cắm ngược như Trịnh Tùng bất đạomà sử thần không biết bắt chước Đổng Hồ xưa chép thẳng, chép rõ chính tội của hắn, chỉ là hồi hộ đổ lỗi ở nhà Lê, sai lầm như thế, nếu dùng làm đầu bài, thì tới khi làm văn, khó nói ra được, phải đợi các sách hội điển chính yếu và thơ văn ký truyện biên chép xong, lại xin sai quan sửa lại sử ký Nam Việt của các đời, khiến cho bọn học trò công nhiên truyền dạy cùng nhau mới có thể dùng đề thi cử được. Vua cho là phải.” ([25]tr 193, 194).

Đồng thời Minh Mệnh đã ban cấp các thư tịch liên quan đến Nam sử xuống cho Quốc Tử Giám và nhà học ở các tỉnh, ví dụ năm 1829 ban cho sỉ tử ở Quốc Tử Giám chính sử cuốn tiền biên và hậu biên (Quốc triều tiền biên – chính biên toát yếu), năm 1832 ban cấp một số tập thơ ngự chế vịnh sử, năm 1837 ban sách Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm . ([17]tr 480)

Nhưng suốt thời Minh Mệnh cũng chưa có thêm mọt bộ sgkqs hay cải tiến gì về lối học khoa cử, và nhìn chung số thư tịch Nam sử mà Minh Mệnh ban xuống vẫn còn ít hơn rất nhiều số sách kinh điển của Nho gia được ban, ví dụ năm 1835, triều đình ban cho Quốc Tử Giám và các tỉnh các sách Tứ thư, Ngũ kinh, Tiểu học thể chú…mỗi loại 50 bộ, cùng với các mẫu văn sách, chế chiếu, thí thếp dùng cho khoa cử…mỗi loại hơn 300 bộ. ([17]tr 480)

Cho tới thời Tự Đức, năm Tự Đức thứ 2 (1849) nhà vua mới xuống chiếu “Trước đây đã sai quan giảng át soạn sử ký các đời trước của Việt Nam ta đem dâng trình để vua đọc. Nhân nghĩ nguyên bản sử trước đó trong nghi chép, còn có chỗ không được thẳng thắn, sự lầm lẫn, thiếu sót còn nhiều, tất phải khảo cứu, tu sửa thêm, mới đủ tỏ ra tín sử, để truyền lại nghìn thu. Vậy chuẩn cho truyền dụ các địa phương từ hữu kỳ trở ra bắc, phàm các nhà sĩ thứ, như có dã sử, tạp biên cùng sự tích đời Lê trung hưng về sau, mà nhà nào tàng trữ riêng được, đều chuẩn cho nguyên bản nộp quan, quan địa phương sở tại liệu cấp trả tiền bạc hậu cho họ để tỏ rõ sự khuyến khích. Các bản ấy dâng lên, do Bộ phụng nộp, chuyển giao sử quán cất giữ, đợi sau này sai quan tu sửa hiệu đính, đợi chỉ quyết định” ([17]tr 479)

Trong Khoa thi hương năm Canh Tuất (1850), niên hiệu Tự Đức thứ 3, nhà Nguyễn ra quy định vào kỳ thứ 2 thi văn sách (sách vấn), nếu đề ra có hỏi đến quốc sử, thời sự thì sĩ tử phải làm đúng theo sự thực trong sách vở, không được trả lời qua loa theo lối sáo ngữ, người ra đề cũng không được theo ý riêng để soi mói. ([1]tr 294)

Tới năm Tự Đức thứ 9 (1856), Việt sử tổng tài là Phan Thanh Giản lại tâu xin với cùng nội dung trên, được chuẩn y. ([26]tr 451) )

Sự tác động từ phía triều đình đã tạo điều kiện để từ đó xuất hiện các sgkqs, có thể kể đến một số tác phẩm giai đoạn này là

- “Khải đồng thuyết ước” của Phạm Vọng, hoàn thành vào năm 1853. Theo như Phạm Vọng thì ông “trích lấy những điều địa lược về thiên văn địa lý và nhân sự, thế thứ các đời, biên thành một tập, chia làm ba bộ, mỗi câu bốn chữ, bốn câu hai vần, thanh bằng thanh trắc thay đổi, để tiện trẻ em học thuộc lòng. Đặt nhan đề là Khải đồng thuyết ước, sai con cháu trong nhà học tập….” ([23]tr 2a, 2b)

- “Sơ học vấn tân”, chưa rõ tác giả, bản in sớm nhất là vào năm 1874, niên hiệu Tự Đức thứ 27 (28).

- Thiên Nam tứ tự kinh, tác giả Nguyễn Miễn Hiên, bản in sớm nhất là năm  Tự Đức thứ 27 (1874) (28).

Ngoài ra còn một số sách nữa, tuy nhiên do các sách này không ghi rõ năm in ấn xuất bản cụ thể, nhưng có thể biết là chúng chắc chắn ra đời vào thời Nguyễn (dựa trên nội dung) (chúng tôi sẽ có riêng danh sách các sgkqs ở cuối bài)

Mặc dù có sự xuất hiện của một số sgkqs vào thời điểm này, nhưng có một vấn đề nảy sinh là trong chương trình học thời Nguyễn tới trước năm 1906, Nam sử lại vẫn chưa được đưa vào thành một nội dung giáo dục chính thức.

Năm 1803, dưới thời Gia Long, theo kiến nghị của Lưu trấn thần Gia Định là Nguyễn Văn Nhân triều đình định ra phép học ở cấp địa phương “mỗi xã chọn một người có đức hạnh văn học, được miễn dao dịch, khiến dạy bảo con em trong ấp. Người từ 8 tuổi trở lên thì vào tiểu học rồi đến học sách Hiếu kinh, Trung kinh ; 12 tuổi trở lên, trước học Luận ngữ, Mạnh Tử, rồi tới Trung dung, Đại học; 15 tuổi trở lên, trước học Thi Thư, sau học Dịch Lễ, Xuân thu, học kèm Chư tử và sử. Ai dám uống rượu đánh bạc và hát xướng thì cáo với quan trừng trị, để răn bảo kẻ lười biếng” ([24]tr 574, 575) )

Ngoài ra cách thức giảng dạy được quy định là: tràng thứ 1 dùng kinh nghĩa, tràng thứ 2 dùng chiếu chế, biểu; tràng thứ 3 dùng thơ, phú; tràng thứ 4 dùng sách, vấn. ([17]tr 481)

Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), lại định phép học ở Quốc Tử Giám “Hàng năm các viên tế tửu, tư nghiệp làm lễ vọng bái tiên sư xong, ngay ngày hôm ấy lên trường khai giảng. Trước giảng Trung kinh, Hiếu kinh, để làm gốc việc đào tọa trau dồi, rồi giảng đến Ngũ Kinh, Tứ thứ, Sử, Chư tử để làm thềm bậc tiến đức tu nghiệp”. ([18]tr 572)

Như vậy ở đây dù đã có sự ý thức về việc dạy và biên soạn sgkqs, nhưng chương trình học vẫn không đưa Nam sử vào, thì các sgkqs được soạn ra hay được ban cấp cuối cùng vẫn chỉ dùng trong phạm vi tham khảo thêm hoặc trong việc học tập ở phạm vi cá nhân, gia đình.
b.3) Những năm cuối cùng của giáo dục Nho học Việt Nam (1884 – 1917)

Những năm cuối cùng của giáo dục Nho học Việt Nam đánh dấu sự thay đổi lớn của các sgkqs do 2 nguyên nhân chính tác động, việc cải cách giáo dục của chính quyền Pháp năm 1906 và trào lưu “tân sử” ảnh hưởng từ Trung Quốc. Trong đó, sự tác động của trào lưu tân sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu không có trào lưu trên, có lẽ bài viết của chúng tôi có thể kết thúc ngay sau dòng này.

b.3.1) Chương trình cải cách giáo dục của Pháp

Mặc dù từ những năm 1874, chính quyền Pháp đã bước đầu tiền hành một số cải cách giáo dục quy mô nhỏ ở Nam Kỳ ([15]tr 206 – 208).  
Nhưng phải sau khi nước ta chính thức Pháp thuộc (1884), tới năm 1906, chính quyền Pháp mới bắt đầu tiến hành cuộc cải cách giáo dục toàn diện đầu tiên trên toàn quốc, nhằm thay thế hệ thống giáo dục truyền thống có tính cử nghiệp sang dạng giáo dục có xu hướng phổ thông với ba cấp học, điều này khiến cho giáo dục Pháp – Việt và giáo dục Nho học cùng tồn tại.

Sơ lược về hệ thống giáo dục mới này
- Hệ thống giáo dục Pháp – Việt có 3 cấp trường sơ – tiểu – trung học, dạy bằng tiếng Pháp và quốc ngữ, trong đó ưu tiên tiếng Pháp. Hán – Nôm là môn phụ, mỗi tuần chỉ học 1 giờ, Lên cấp trung học học sinh chọn 1 trong 2 ban: văn học và khoa học. ([22]tr 10)

- Hệ thống trường dạy nghề với 3 nghành huấn luyện châu Âu, huấn luyện bản xứ, huấn luyện mỹ nghệ. ([22]tr 10)

- Hệ thống trường giáo dục khoa cử cải lương với 3 cấp học ấu – tiểu – trung học, dạy các môn bằng tiếng Pháp – Hán – Nôm và Quốc ngữ, tốt nghiệp xong trung học có thể đi thi Hương. Trong đó trường ấu học là ở các làng xã, học từ 1 – 3 năm; trường tiểu học cấp phủ huyện do Giáo thụ, Huấn đạo phụ trách, dạy chữ Hán mỗi tuần 10 giờ, với chương trình về cơ bản vẫn như giáo dục Nho học cũ cộng với nội dung Nam sử; các môn tiếng Pháp học mỗi tuần 10 giờ. Trường Trung học ở cấp tỉnh do Đốc học phụ trách vẫn với các môn 3 thứ chữ, trong đó chữ Quốc ngữ mỗi tuần 16 giờ, tiếng Pháp 12 giờ, chữ Hán – Nôm 7 giờ.([21]tr 13)

- Hệ thống khoa cử Nho học vẫn được tổ chức nhưng có sự cải biên nội dung thi khi cho Nam sử vào các kỳ thi từ thi Hương tới thi Đình.

Trong thời điểm này, ở nước ta có sự xuất hiện của của hệ thống nghiên cứu sử học, khảo cổ học của châu Âu. Hệ thống giáo dục mới cũng đồng thời dẫn đến việc chuẩn hóa và biên soạn ra hệ thống sgk nói chung và sgkqs nói riêng. Trong tháng 8 năm 1906, một Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ được thành lập, với tối đa 25 ủy viên, gồm các đại thần, Khâm sứ, Học giả trường Viễn Đông bác cổ….như Cao Xuân Dục, C.B Maybon….Các sgk và sgkqs trong hệ thống giáo dục mới đều được biên soạn và duyệt bởi hội đồng này, trong đó ngoại trừ cuốn sgkqs An Nam sơ học sử lược là do tác giả nước ngoài là C.B. Maybon và Henri Russier biên soạn, sau đó được dịch lại ra Hán – Nôm bởi Cao Xuân Dục, thì các sách còn lại đều do các tác giả Việt biên soạn, điều này dẫn chúng ta tới nhân tố thứ 2.

b.3.2) Trào lưu “tân sử” ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Trào lưu Tân sử luận được phát động bởi nhà tư tưởng – cải cách của Trung Quốc Lương Khải Siêu, bắt đầu từ những năm 1896 cùng với thầy mình là Khang Hữu Vi, Khang – Lương đã tiến hành viết - dịch các sách báo tiến bộ nhằm mục đích vận động cho biến pháp, tiến hành cải cách quốc gia toàn diện.

Trên lĩnh vực lịch sử, Lương Khải Siêu phê phán lối viết và dạy lịch sử truyền thống của Trung Hoa; đại ý là chỉ phiến diện nói đến nhà nước mà không đề cập đến dân tộc quốc gia, không chú trọng các vấn đề thực tế đương đại mà chỉ hướng tới các điển tích cổ,tập trung quá nhiều vào các cá nhân, trọng sự thực hơn là lý tưởng. Từ đó, ông đề ra “tân sử luận” (新史論) với nền tảng là sự kết hợp với các nghành khoa học tiên tiến đương đại, dùng tiến hóa luận làm cốt lõi, đặt ra mục tiêu của sử học là tạo các nhận thức logic – lý tính từ đó tạo nên tác động xã hội tích cực tương ứng.(11)

Tư tưởng và các thư tịch sách vở của của Khang - Lương nói chung, cũng như tân sử luận nói riêng đã truyền bá, ảnh hưởng mạnh mẽ tới không chỉ tầng lớp trí thức Trung Hoa đương thời mà lan sang cả nước ta. Trong thời kỳ này, gần như tất cả các nhà biên soạn sgk ở ban Biên tu của Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ, các nhà trí thức cấp tiến, các nhà hoạt động của Đông Kinh Nghĩa thục, các nhà Nho yêu nước….ai cũng từng đọc sách vở tân sử và chịu ảnh hưởng ít nhiều của tân sử luận. Từ sự ảnh hưởng của Tân sử kết hợp với yêu cầu về sgk trong nền giáo dục mới đã có một trào lưu biên soạn sgkqs được nổ ra sau năm 1906.

Có thể thấy được sức ảnh hưởng và lan tỏa của tân sử luận cũng như sự hồ hởi của các học giả Việt Nam đương thời qua lời của một số tác giả.
Trong phần đề tựa của sách “Trung học Việt sử toát yếu” soạn bới Ngô Giáp Đậu, Cao Xuân Dục có viết “Nước Việt ta dựng đã lâu, đời Trần Lê trở về trước, sử cũng đã được biên thành sách, nhưng kỷ truyện biên niên thường chỉ theo phàm lệ, những việc ở trường làng nhà học không được ghi chép công khai, là một khuyết điểm lớn của giới sử học thượng lưu, là một sức cản đối với giới học thuật, chẳng trách tiến hóa chậm trễ như thế” ([12]tr 5b)  
Trang đầu sách Trung học Việt sử toát yếu
Phần giới thiệu khác của Tuần phủ Phạm Văn Thụ viết “Không xem tân sử luận của Lương Khải Siêu ư? Có cái A nổi lên ắt phải có cái B bài trừ cái A xuất hiện, có cái B xuất hiện thì ắt phải có cái C bài trừ cái B hiện hữu. Khẩu chiến bút chiến cạnh tranh nhiều mà chẳng xong... tân sử có thể bổ sung cho phẩm chất cương nghị chính trực của người trẻ, thêm thắt cho gan dạ của người già. Coi tân học này còn dằng dặc phía trước, thanh thiếu niên nước ta hãy tiến mạnh lên” ([12]tr 4a, 4b)

Tuần phủ Ninh Bình là Đoàn Triển cũng viết trong tờ trình của mình “Mấy năm gần đây người nước Nam ta tận mắt chứng kiến phong trào Duy Tân của Đại Thanh, bất giác bừng tỉnh, vô cùng hối tiếc. Dẫu cho không thể hứng khởi phấn phát toàn diện thì mời phần cũng được bảy tám phần, ngày tháng nay đã đổi thay. Xưa kia quốc gia bảo hộ thi hành chính sách bỏ chữ Nho, phá văn chương, bãi khoa cử, lấy làm ưu tiên. Nay chỉ sợ phép học không được nhanh chóng sửa đổi, văn chương không nhanh chóng phế bỏ, khoa cử không nhanh chóng bãi bỏ. Thường thấy các bậc thân sĩ tụ tập bàn tán, phong trào dấy lên mãnh liệt. Nhiều người mua sách tân thư về đọc, thậm chí có người ngầm ra nước ngoài du học….” ([6]tr 2a)

Từ những năm 1900 – 1917, có thể coi là giai đoạn hoàng kim của sgkqs trong nền giáo dục Nho học nước ta, hàng loạt các tác giả tác phẩm ra đời, ngoài sách được soạn cho chương trình giáo dục mới như Trung học Việt sử toát yếu, Trung học Việt sử biên niên toát yếu…; thì còn có sách do các trí thức của Đông Kinh nghĩa thục soạn như Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư, Nam Quốc địa dư….hay các sách do các tác giả biên soạn dùng riêng trong phạm vi gia đình….

Tới năm 1917, với cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2, xóa bỏ hoàn toàn chữ Hán – Nôm khỏi chương trình giáo dục, nền giáo dục Nho học chính thức bị xóa sổ và chấm dứt, kéo theo sự chấm dứt của các sgkqs viết bằng chữ Hán – Nôm.

Danh mục các sgkqs dùng trong giáo dục Nho học.

Danh mục này cũng như nội dung sơ lược của sách chúng tôi làm dựa trên các tài liệu đã tham khảo cũng như các thông tin về thư tịch Hán Nôm lưu trữ tại Thư viện quốc gia và Viện nghiên cứu Hán Nôm, thống kê này chỉ mang tính tương đối, vì có một số thư tịch được nhắc tới nhưng không rõ nội dung, lại có tài liệu nay đã không còn. Về thời gian xuất hiện của các sách, chúng tôi sẽ lấy khoảng thời gian sớm nhất mà sách xuất hiện qua bản in đầu tiên hoặc thông tin khi sách được soạn xong. Chắc chắn còn rất nhiều điểm thiếu sót, nên mong độc giả có thể đóng góp.

*) Trước thời Nguyễn
1) Bảo Hòa dư bút (葆和餘筆)
Tác giả: Nguyễn Mậu Tiên, Phan Nghĩa, gia thần Vũ Hiếu hầu
Thời gian: Năm 1383.
Nội dung: ?

3) Thoát Hiên vịnh sử thi tập (脫軒詠史詩集)
Tác giả: Đặng Minh Khiêm
Thời gian: khoảng 1520
Nôi dung: 123 truyện về các nhân vật lịch sử, văn hóa của Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến thời Trần: đế vương, danh thần, danh sĩ, gian thần, tặc tử, Hoàng hậu, Cung phi, Công chúa, tiết phụ… được mô tả bằng thể thơ thất ngôn đoản thiên và trường thiên.

4) Bùi gia huấn hài (裴家訓孩)
Tác giả: Bùi Dương Lịch
Thời gian: khoảng 1787
Nội dung: 2000 câu 4 chữ có vần, dạy cho trẻ em các kiến thức phổ thông về trời, đất, con người, sử Trung Quốc, sử Việt Nam, các trường phái học thuật. Bài Hoàng Cực kinh thế, tính về các vận hội.

*) Giai đoạn độc lập của nhà Nguyễn (1802 – 1884)
5) Thiên Nam tứ tự kinh (天南四字涇)
Tác giả: Nguyễn Miễn Hiên
Thời gian: khoảng 1874
Nội dung: Lịch sử Việt Nam từ họ Hồng Bàng đến đời Lê Chiêu Thống, diễn thành văn vần, mỗi câu 4 chữ, dùng làm sách dạy vỡ lòng.

6) Sơ học vấn tân (初學問津)
Tác giả: ?
Thời gian: khoảng 1874
Nội dung: Sách dạy Bắc sử (từ Bàn Cổ đến Thành Đạo Quảng) và Nam sử (từ Kinh Dương Vương đến Nguyễn Gia Long), dùng cho bậc Sơ học. Mỗi câu chữ Hán gồm 4 chữ, đều được dịch sang chữ Nôm, Bài bàn về Nho, Phật, Lão.

7) Khải Đồng thuyết ước (啟童說約)
Tác giả: Phạm Vọng
Thời gian: khoảng 1881
Nội dung: Sách giáo khoa, viết theo thể 4 chữ, dạy trẻ em các kiến thức về xã hội (nhân sự, niên hiệu nước Việt Nam qua các đời); Thiên nhiên (thiên văn, địa lí); Cách tu dưỡng bản thân... Có hình vẽ mặt trời, mặt trăng, thân thể con người. Các bí quyết về việc xem vận số, bài ca hiếu thuận.

*) Từ 1884 tới 1917
8) Việt sử tân ước toàn biên (越史三字新約全編)
Tác giả: Hoàng Đạo Thành
Thời gian: khoảng 1906
Nội dung: Sử Việt Nam (soạn theo thể văn vần mỗi câu 3 chữ) từ Hồng Bàng đến Tây Sơn. Một số truyện cổ: trầu cau, bánh chưng, bánh dày, Chử Đồng Tử, Quả dưa đỏ v.v.

9) Ấu học Việt sử tứ tự (幼學越史四字)
Tác giả: Hoàng Đạo Thành.
Thời gian: khoảng 1907
Nội dung: Sách dạy trẻ em về lịch sử Việt Nam từ đời Hùng Vương đến triều Nguyễn, soạn thành từng câu 4 chữ, có vần.

10) Tiểu học quốc sử lược biên (小學國史略編)
Tác giả: Phạm Huy Hổ
Thời gian: 1907
Nội dung: Sách dạy lịch sử Việt Nam (từ đời Hồng Bàng đến đời Nguyễn Gia Long), soạn cho chương trình tiểu học, gồm 205 tiết. Có phần nói về quốc hiệu, tên đất, giới hạn.

11) Nam quốc địa dư (南國地輿)
Tác giả: Lương Trúc Đàm (Nằm trong chương trình của Đông Kinh nghĩa thục)
Thời gian: khoảng đầu năm 1907.
Nội dung: Sách dư địa chí Việt Nam gồm vị trí, hình thế, sông núi, cửa biển, khí hậu, dân cư, phong tục, sản vật, công nghệ, các đạo, thành phố, phủ, huyện, xã, thôn trong cả nước.

12) Ấu học Hán tự tân thư (幼學漢字新書)
Tác giả: Dương Lâm
Thời gian: khoảng 1908
Nội dung: Sách giáo khoa soạn cho lớp đồng ấu, viết bằng chữ Hán, có 4 quyển, quyển 4 dạy về lịch sử Việt Nam, từ Kinh Dương Vương đến họ Trịnh.

13) An Nam sơ học sử lược (安南初學史略)
Tác giả: C.B. Maybon, Henri Russier – Cao Xuân Dục dịch ra Hán Nôm
Thời gian: khoảng 1909
Nội dung: sách gồm 32 thiên, thiên đầu nói về đất nước, con người, thiên cuối là phần tổng luận, lịch sử Việt Nam được chia làm 4 thời kì. Từ thiên 2, Kỉ Hồng Bàng, đến thiên 21, Tây Sơn, đều soạn theo các nguồn sử liệu truyền thống của Việt Nam. Các thiên còn lại có tham khảo các nguồn sử liệu của Pháp.

14) Trung học Việt sử toát yếu (中學越史撮要)
Tác giả: Ngô Giáp Đậu
Thời gian: khoảng 1911
Nội dung: Lịch sử Việt Nam từ Kinh Dương Vương đến đời Thành Thái, chia làm 3 giai đoạn lớn - Thời Cổ đại (từ Hùng Vương đến Dương Đình Nghệ) - Thời Cận đại( từ Tiền Ngô Vương đến Tây Sơn) - Thời Hiện đại ( từ Gia Long đến Thành Thái).

*) Các sách soạn ra vào thời Nguyễn nhưng chưa rõ thời gian cụ thể
15) Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư (改良蒙學國史教科書)
Tác giả: ? (Nằm trong chương trình của Đông Kinh nghĩa thục)
Thời gian: có thể trong năm 1907?
Nội dung: Sách giáo khoa soạn cho lớp đồng ấu về lịch sử Việt Nam từ Hồng Bàng đến Duy Tân, chia thành 5 thiên.

16) Tân san tiểu học tứ tự sử (新刊小學四字史)
Tác giả: ?
Thời gian: có thể sau năm 1906.
Nội dung: sách văn vần bốn chữ dạy cho trẻ con cấp tiểu học lịch sử nước ta từ Hồng Bàng tới Gia Long.

17) Thiên Nam tứ tự (天南四字)
Tác giả: ?
Thời gian: ?
Nội dung: Lịch sử Việt Nam từ họ Hồng Bàng đến đời Lê Chiêu Thống, soạn theo thể văn vần, mỗi câu 4 chữ. Sách điểm qua sự thịnh suy của đất nước qua các giai đoạn, những đóng góp to lớn của Thánh Gióng, Lí Ông Trọng, Bà Trưng, Bà Triệu, Lí Bí, Thiệu Quang Phục, Đinh Bộ Lĩnh, Lí Công Uốn, Mạc Đĩnh Chi, Lê Lợi, Lê Thánh Tông v.v.

18) Việt sử lược tứ tự kinh (越史略四字經)
Tác giả: Trần Kỳ
Thời gian: ?
Nội dung: Lịch sử Việt Nam (theo thể văn vần, mỗi câu 4 chữ): các bộ lạc, các triều vua, các tỉnh, huyện, sự thay đổi tên nước qua các đời…

19) Quốc dân độc bản (國民讀本)
Tác giả: nhiều tác giả (Nằm trong chương trình của Đông Kinh nghĩa thục)
Thời gian: có thể vào năm 1907?
Nội dung: Sách tập đọc,gồm 79 bài soạn theo các chủ đề luân lý ,đạo đức,địa lý lịch sử,tôn giáo ,phong tục ,quan chức,pháp luật cảnh sát,tô thuế...của Việt Nam,mục đích nói rõ về nguồn gốc xã hội,đất nước,nêu cao lòng nhân ái,lòng yêu nước,trọng đạo nghĩa,nhằm giáo dục quốc dân tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc.

20) Văn minh tân học sách (明新學策)
Tác giả: nhiều tác giả (Nằm trong chương trình của Đông Kinh nghĩa thục)
Thời gian có thể vào năm 1907?
Nội dung: tập hợp bài viết của các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục nói về cách đưa đất nước và dân tộc tới chỗ văn minh: dùng chữ Quốc ngữ, chỉnh lí sách vở, sửa đổi phép thi, dạy và học lịch sử, khuyến khích tài nãng, chấn hưng công nghệ, lập báo quán…

Tài liệu tham khảo
1) Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (1993), Nguyễn Thúy Nga – Nguyễn Thi Lâm dịch, TP Hồ Chí Minh, NXB TP Hồ Chí Minh.
2) C.B. Maybon, Henri Russier, Nam sử sơ lược (1917), Đỗ Thận dịch, Hà Nội, Viễn Đông ấn đường.
3) Đặng Minh Khiêm, Thoát Hiên vịnh sử thi tập (2016), NXB Văn học.
4) ) Đinh Văn Niêm, Thi cử học hàm học vị dưới các triều đại phong kiến Việt Nam (2014), Hà Nội, NXB Lao Động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
5) ) Đinh Khắc Thuần, Giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê ở Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm (2009), Hà Nội, NXB Khoa học xã hội.
6) Đoàn Triển (段展) Đoàn Tuần phủ công độc (段巡撫功牘), A. 502, Viện nghiên cứu Hán – Nôm, Di sản Hán - Nôm (hannom.org)
7) Hoàng Cao Khải, Việt sử yếu (1970), Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch, Tủ sách cổ văn - Ủy ban dịch thuật, Sài Gòn.
8) Hoàng Đạo Thành (黄道成), Việt sử tân ước toàn biên/Đại Việt sử ước (越史新約全編/大越史約), Thành Thái Bính Ngọ trọng đông (成泰丙午仲冬新鎸), (1906), Hà Nội (河内), Áng Hiên tàng (盎軒藏), q.01; Thư viện quốc gia Việt Nam. (nomfoundation.org)
9) Kinney, Anne B; Representations of Childhood and Youth in Early China (2004), Stanford University Press.
10) Lí Đảo(李燾), Tục tư trị thông giám trường biên (續資治通鑑長編) (1980), Bắc Kinh(北京), Trung Hoa thư cục (中華書局)
11) Lương Khải Siêu (梁啓超) Ẩm băng chí hợp tập(飲冰至合集), (1999) Bắc Kinh (北京), Bắc Kinh xuất bản xã (北京出版社), Văn tập (文集), Tân sử(新史).
12) Ngô Giáp Đậu(吳甲豆), Trung học Việt sử toát yếu (中學越史撮要), Đại Nam Duy Tân ngũ niên Tân Hợi trung nguyên (大南維新五年辛亥中元), (1911),  Hà Nội (河内), Ấn tại Hàng Bồ phố gia số đệ nhị thập nhị hiệu (印在行𤿤庯家數第二十二號), Thư viện Quốc gia Việt Nam. (nomfoundation.org)
13) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Hà Nội NXB Khoa học xã hội, tập 1.
14) Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (2009), Cao Huy Giu dịch, Hà Nội, NXB Văn học.
15) Nguyễn Công Lý, Giáo dục khoa cử và quan chế ở Việt Nam thời phong kiến, thời Pháp thuộc (2011), TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
16) Nguyễn Văn Thịnh, Văn sách thi đình Thăng Long – Hà Nội (2010), Hà Nội, NXB Văn hóa.
17) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (2005), NXB Thuận Hóa, tập IVA.
18) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (2005), NXB Thuận Hóa, tập VIII.
19) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (2007), NXB Giáo dục, tập I.
20) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (2007), NXB Giáo dục, tập II.
21) Phan Trọng Báu, Nhìn lại hai cuộc cải cách giáo dục (1906 và 1917) ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, Đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử số 3 – 2008, tr 11 – 24.
22) Phạm Văn Khoái, Hán Văn trong chương trình cải lương giáo dục khoa cử (1906-1919), (2016), Hà Nội, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
23) Phạm Vọng (范望), Khải đồng thuyết ước (啟童說約),(1853), bản in năm Duy Tân thứ 6 (維新六年), Thư viện Quốc gia Việt Nam (nomfoundation.org)
24) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 1, Chính biên, Đệ nhất kỷ, Thế Tổ cao Hoàng đế thực lục.
25) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 5, Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Thực lục.
26) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (2007), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 7, Chính biên, Đệ tứ kỷ, Dực Tông Anh Hoàng đế Thực lục.
27) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (2007), Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 1.
28) Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Di sản Hán Nôm, (hannom.org)
29) Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt (2003), Hà Nội – Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng.